THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG VÀ DÙNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP QUÁ MẪN

Một phần của tài liệu Bài giảng Dược lý - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 64 - 74)

MỤC TIÊU HỌC TẬP

Sau khi học xong học viên có khả năng:

1. Trình bày được phân loại thuốc chống dị ứng và dùng trong trường hợp quá mẫn.

2.Trình bày được chỉ định, chống chỉ định, cách dùng, liều lượng của các thuốc sau: Clorphenamin, Cinarizin, Promethazin, Loratadin, Cetirizin, Epinephrin.

NỘI DUNG

Dị ứng là trạng thái khác thường của 1 cơ thể khi tiếp xúc với 1 dị nguyên (kháng nguyên) lần thứ 2 và các lần sau. Dị ứng có thể xảy ra phản ứng nhẹ, nhanh khỏi nên dễ bị cho qua hoặc có thể xảy ra dữ dội dẫn đến sốc phản vệ, gây tử vong như dị ứng penicillin.

Dị nguyên có thể là thức ăn, các loài cây cỏ, mỹ phẩm, các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh…

Hiện nay số lượng thuốc và chủng loại ngày càng nhiều, chất lượng một số thuốc chưa đảm bảo, hơn nữa những người mắc bệnh mãn tính dùng nhiều lần 1 loại thuốc hoặc có nhiều loại thuốc có công thức gần tương tự như nhau thì tai biến về dị ứng thuốc ngày càng tăng.

Như vậy dị ứng phải có kháng nguyên từ ngoài đưa vào và kháng thể do cơ thể sản sinh ra, khi kháng thể gặp kháng nguyên lần thứ 2 sẽ giải phóng ra histamin từ tế bào. Những triệu chứng của dị ứng là biểu hiện của histamin trên lâm sàng như mẩn ngứa, mày đay, ban đỏ, exzema, hen…..

1. Phân loại thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn:

Thuốc chống dị ứng gồm có kháng histamin và một số corticosteroid; corticosteroid được dùng khi có phản ứng viêm phối hợp với dị ứng.

Nhóm thuốc Các thuốc trong nhóm

Thuốc kháng

histamin

- Thế hệ 1 Alimemazin (trimeprazin), Promethazin, Clorphenamin (clorpheniramin)…

- Thế hệ 2 Acrivastatin, Cetirizin, Desloratadin, Fexofenadin, Levocetirizin, Loratadin, Mizolastin và terfenadin

Các Corticosteroid Mazipredon,Hydrocortison, Dexamethason, methyl prednisolon…

Thuốc dùng trong trường hợp quá mẫn

Epinephrin

Đặc điểm

1.1.Thuốc kháng histamin

Các thuốc này có tác dụng điều trị các triệu chứng dị ứng như mày đay, ngứa, hắt hơi và chảy nước mũi, viêm kết mạc dị ứng; thuốc cũng được dùng để chữa ngứa trong một số bệnh ngoài da như eczema và để điều trị dị ứng do thuốc, thức ăn, côn trùng đốt, ngoài ra còn dùng để điều trị một số triệu chứng trong sốc phản vệ và phù mạch. Nếu xác định được yếu tố gây dị ứng (kháng nguyên đặc hiệu), phải tránh tiếp xúc và xem xét khả năng giải mẫn cảm.

Các kháng histamin mới (thuốc chống dị ứng thế hệ II), trong thực tế, đều có tác dụng ngang nhau làm nhẹ các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhưng khác nhau chủ yếu về thời gian tác dụng và về tác dụng gây buồn ngủ an thần và kháng muscarin. Nhiều kháng histamin cũ có

tác dụng kéo dài tới 12 giờ, trái lại, đa số kháng histamin mới không gây buồn ngủ và có tác dụng kéo dài.

Tất cả các kháng histamin cũ (thuốc chống dị ứng thế hệ I), đều gây buồn ngủ là Alimemazin (trimeprazin) và Promethazin gây buồn ngủ nhiều, trong khi đó Clorphenamin (clorpheniramin) và Cyclizin có thể ít gây buồn ngủ hơn. Tác dụng gây buồn ngủ này đôi khi được dùng để điều trị ngứa do dị ứng hoặc không do dị ứng.

Các kháng histamin mới không gây buồn ngủ an thần như Acrivastatin, Cetirizin, Desloratadin, Fexofenadin, Levocetirizin, Loratadin, Mizolastin và terfenadin ít gây buồn ngủ và tổn thương tâm thần – vận động hơn các kháng histamin cũ, vì các thuốc trên rất ít qua hàng rào máu – não. Terfenadin có thể gây loạn nhịp tim nguy hiểm.

CácCorticosteroid :như Dexamethason, Hydrocortison hoặc Prednisol on, loại bỏ hoặc ngăn chặn được hầu hết các triệu chứng viêm do dị ứng.

Đường dùng thuốc phụ thuộc vào loại dị ứng. Thí dụ đối với phản ứng dị ứng nhẹ ở da, tốt nhất là dùng kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid. Nếu phản ứng ở da không đáp ứng với liệu pháp corticosteroid tại chỗ, lúc đó có thể cần phải dùng loại uống.

Các phản ứng dị ứng nhẹ và ngắn như nổi mày đay hoặc viêm mũi dị ứng thường không cần phải điều trị. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài, dai dẳng, dùng kháng histamin là cách điều trị chính. Tuy nhiên, có thể phải dùng corticosteroid uống trong một vài ngày khi bị nổi mày đay cấp hoặc khi phản ứng nặng ở da, hoặc ở những đợt nặng lên của nổi mày đay mạn, nhưng phải tránh dùng kéo dài. Có thể dùng corticosteroid tại chỗ để giảm viêm trong viêm mũi dị ứng nhưng chỉ được dùng đường toàn thân khi bệnh này làm người bệnh không chịu đựng được.

Các tác dụng có hại khi dùng corticosteroid dài ngày gồm có: làm trẻ em chậm lớn, rối loạn cân bằng điện giải dẫn đến phù, tăng huyết áp, giảm kali máu, loãng xương, gãy xương tự phát, da mỏng, dễ mắc nhiễm khuẩn, rối loạn tâm thần, đái tháo đường

1.3. Thuốc dùng trong trường hợp quá mẫn 2. Các thuốc thường dùng

CHLORPHENAMIN

Tên chung quốc tế: Chlorphenamine (chlorpheniramine) Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 4 mg, 8 mg, 12 mg; viên nén tác dụng kéo dài 8 mg, 12 mg.

Siro 2 mg/5 ml. Thuốc tiêm10 mg/ml và 100 mg/ml.

Chỉ định

Viêm mũi dị ứng; mày đay; viêm mũi vận mạch; viêm kết mạc; phù Quincke; dị ứng thuốc hoặc thức ăn; côn trùng đốt; ngứa. Thuốc bổ trợ trong điều trị cấp cứu sốc phản vệ và phù mạch (phù Quincke) nặng

Chống chỉ định

Quá mẫn với clorpheniramin và các thành phần của thuốc, cơn hen cấp, phì đại tuyến tiền liệt, glôcôm góc hẹp, tắc bàng quang, hẹp môn vị; trẻ sơ sinh và trẻ đẻ thiếu tháng.

Thận trọng

Mang thai và cho con bú;suy thận và gan

Thuốc có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu tiện ở người phì đại tuyến tiền liệt. Tác dụng an thần tăng lên khi uống rượu và dùng kèm các thuốc an thần khác. Thuốc gây buồn ngủ, chóng mặt. Thận trọng với người trên 60 tuổi. Thận trọng khi lái xe, vận hành máy, đòi hỏi phải tỉnh táo.

Viêm mũi dị ứng theo mùa:

Người lớn : Uống 4 mg khi đi ngủ, sau tăng từ từ trong 10 ngày đến 24 mg/ngày, nếu dung nạp được, chia làm nhiều liều, uống cách nhau 4 - 6 giờ cho đến cuối mùa.

Trẻ em: Trẻ 2 - 6 tuổi, uống 1 mg/lần, 4 - 6 giờ một lần, dùng đến 6 mg/ngày. Trẻ 6 - 12 tuổi: Uống 2 mg khi đi ngủ, sau tăng dần trong 10 ngày, đến 12 mg/ngày nếu dung nạp được, chia làm nhiều liều, uống cách nhau 4 - 6 giờ, cho đến hết mùa.

Phản ứng dị ứng cấp: Uống 12 mg chia 2 lần

Điều trị hỗ trợ trong sốc phản vệ: Người lớn 10 - 20 mg, tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 1 phút, tiêm lặp lại nếu cần (liều tối đa 40 mg/

24 giờ); trẻ em, tiêm dưới da 87,5 microgam/kg, lặp lại nếu cần, tối đa 4 lần/ngày. Phản ứng dị ứng với truyền máu hoặc huyết tương: 10 - 20 mg, tối đa 40 mg/ngày, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

Người cao tuổi: Uống 4 mg, chia 2 lần/ngày. Thời gian tác dụng có thể kéo dài trên 36 giờ, ngay cả khi nồng độ thuốc trong huyết tương thấp.

Tác dụng không mong muốn

Gây ngủ gà, giảm huyết áp, đau đầu, đánh trống ngực, tổn thương tâm thần vận động, bí đái, mắt nhìn mờ, rối loạn tiêu hoá, rối loạn chức năng gan, phát ban và phản ứng mẫn cảm với ánh sáng, vã mồ hôi và run, phản ứng mẫn cảm (co thắt phế quản, phù mạch, phản vệ), chóng mặt, khô miệng, buồn nôn. Khi tiêm có cảm giác như bị châm, rát nơi tiêm.

PROMETHAZIN

Tên chung quốc tế: Promethazine hydrochloride.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 10 mg, 12,5 mg, 25 mg, 50 mg. Siro: 6,25 mg/5ml, 25 mg/

5ml. Dung dịch tiêm 25 mg/ml, 50 mg/ml.

Đạn trực tràng: 12,5 mg, 25 mg, 50 mg.

Chỉ định

Các bệnh dị ứng mày đay; phù Quincke; viêm mũi dị ứng; viêm kết mạc mắt; mẩn ngứa; an thần điều trị say tàu xe; chống nôn; dùng làm thuốc tiền mê.

Chống chỉ định Xem clorphenamin.

Thận trọng

Xem clorphenamin.

Liều lượng và cách dùng

Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Với các tình trạng dị ứng: Người lớn uống 12,5 mg/lần x 4 lần/ngày, trước bữa ăn và khi đi ngủ, hoặc 25 mg khi đi ngủ nếu cần. Tiêm bắp hoặc đặt trực tràng nếu không uống được. Trẻ em 0,1 mg/kg, cách 6 giờ mỗi lần hoặc 0,5 mg/kg khi đi ngủ.

Phòng say tàu xe: Người lớn: 25 mg/lần x 2 lần /ngày, uống trước khi đi tàu xe 30 - 60 phút. Liều thứ 2 có thể sau 8 - 12 giờ, nếu cần. Trẻ em: 0,25 - 0,5 mg/kg, có thể nhắc lại sau 8 - 12 giờ nếu cần. Trường hợp nôn, buồn nôn: Người lớn: Tiêm bắp hoặc đặt trực tràng 12,5 - 25 mg/lần, cách 4 - 6 giờ một lần, nếu cần. Trẻ em từ 0,25 - 0,5 mg/kg, cách 4 - 6 giờ một lần. An thần trước, sau phẫu thuật: Người lớn 25 - 50 mg; trẻ em: 0,25 - 0,5 mg/kg hoặc 0,5 - 1,1 mg/kg.

Tác dụng không mong muốn

Buồn ngủ ban ngày. Gây chóng mặt, khô miệng, hạ huyết áp thế đứng khi tiêm

Hiếm gặp: Loạn vận động muộn sau khi dùng kéo dài; kích thích ở trẻ nhỏ.

Rất hiếm: Giảm bạch cầu hoặc mất bạch cầu, nên kiểm tra công thức máu đều trong vòng 3 - 4 tháng đầu điều trị.

CETIRIZIN HYDROCLORID Tên chung quốc tế: Cetirizine hydrochloride

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 5 mg, 10 mg; dung dịch 1 mg/1 ml Chỉ định

điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng dai dẳng, viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay mạn tính vô căn ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi và viêm mũi dị ứng theo mùa ở trẻ em trên 12 tuổi; viêm kết mạc dị ứng.

Chống chỉ định

Những người có tiền sử dị ứng với cetirizin, với hydroxyzin. Phụ nữ có thai và cho con bú

Tác dụng không mong muốn

Hay gặp nhất là hiện tượng ngủ gà. Tỉ lệ gây nên phụ thuộc vào liều dùng.

Ngoài ra thuốc còn gây mệt mỏi, khô miệng, viêm họng, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.

Liều lượng và cách dùng

Viên nén: Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi uống 1 viên 10 mg/ngày hoặc uống 5 mg/lần, 2 lần/ngày.

Dung dịch: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10 ml (10 mg) 1 lần/ngày hoặc uống 5 mg/lần x 2 lần/ngày. ở người suy thận, giảm nửa liều.

LORATADIN Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén loratadin 10 mg, viên nén loratadin tan rã nhanh (Claritin reditabs) 10 mg, siro loratadin 1 mg/ml.

Tác dụng

Thuốc kháng histamin, thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể H1 thế hệ thứ hai (không an thần).

Chỉ định

Viêm mũi dị ứng.

Viêm kết mạc dị ứng.

Ngứa và mày đay liên quan đến histamin.

Chống chỉ định

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng Suy gan.

Khi dùng loratadin, có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi, và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin.

Tác dụng không mong muốn Thần kinh: Ðau đầu.

Tiêu hóa: Khô miệng.

Liều lượng và cách dùng

Người lớn, người cao tuổi và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:

Dùng một viên nén 10 mg loratadin hoặc 10 ml (1 mg/ml) siro loratadin, dùng một lần/ngày hoặc dùng một viên nén Claritin - D (loratadin 10 mg với pseudoephedrin sulfat 240 mg).

Trẻ em: 2 - 12 tuổi:

Trọng lượng cơ thể > 30 kg: 10 ml (1 mg/ml) siro loratadin, một lần hàng ngày

Trọng lượng cơ thể < 30 kg: 5 ml (1 mg/ml) siro loratadin, một lần hàng ngày.

An toàn và hiệu quả khi dùng loratadin cho trẻ em dưới 2 tuổi chưa được xác định.

EPINEPHRIN Tên chung quốc tế: Epinephrine (Adrenalin) Loại thuốc: Thuốc kích thích giao cảm

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm, epinephrin (dưới dạng hydroclorid hoặc hydrogen tartrat) 1 mg/1 ml, ống 1 ml.

Chỉ định

Sốc phản vệ nặng; phù mạch (phù Quincke) nặng; ngừng tim Chống chỉ định

Không có chống chỉ định nào khi có sốc phản vệ hoặc ngừng tim.

Thận trọng

Cường giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cục bộ cơ tim, loạn nhịp, bệnh mạch não, người cao tuổi;

Liều lượng và cách dùng

Chú ý: Các dung dịch adrenalin có nồng độ khác nhau được dùng theo các đường khác nhau.

Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, dùng dung dịch 1/1000, người lớn và thiếu niên, 500 microgam (0,5 ml), trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, 50 microgam (0,05 ml); trẻ em 6 tháng - 6 tuổi, 120 microgam (0,12 ml), 6 - 12 tuổi, 250 microgam (0,25 ml).

Các liều trên có thể tiêm lặp lại nhiều lần nếu cần, mỗi lần cách nhau 5 phút, tuỳ theo huyết áp, mạch và chức năng hô hấp.

Nếu tuần hoàn kém, tiêm tĩnh mạch chậm, dùng dung dịch tiêm adrenalin 1/10.000 (tiêm với tốc độ 1 ml/phút), người lớn 500 microgam (5 ml); trẻ em, 10 microgam/kg (0,1 ml/kg), cho trong vài phút.

Cách pha từ ống 1 ml dung dịch 1/1000 chuyển thành dung dịch 1/10000: ống 1 ml + 9 ml nước cất.

Tiêm tĩnh mạch chậm chỉ dành cho những trường hợp rất nặng khi nghi ngờ tuần hoàn không bảo đảm và tiêm bắp thuốc hấp thu kém.

Tác dụng không mong muốn

Tim đập nhanh và loạn nhịp, tăng huyết áp, run, lo âu, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, yếu cơ, chóng mặt, phù phổi; phổ biến nhức đầu.

Lượng giá

1. Trình bày phân loại thuốc chống dị ứng và dùng trong trường hợp quá mẫn.

2. So sánh chỉ định, chống chỉ định của các thuốc chống dị ứng đã học.

3. Viết liều lượng và cách dùng của Adrenalin trong chống sốc.

Một phần của tài liệu Bài giảng Dược lý - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 64 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(271 trang)