THUỐC TẨY TRÙNG VÀ SÁT KHUẨN

Một phần của tài liệu Bài giảng Dược lý - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 176 - 183)

Sau khi học xong học viên có khả năng :

1. Trình bày được chỉ định, chống chỉ định của các thuốc sát khuẩn.

2. Nêu cách dùng của: cồn 70 độ, cồn Iod, nước oxygià, Povidon iod để sát khuẩn.

NỘI DUNG

1. Đại cương về thuốc sát trùng và thuốc khử khuẩn

Thuốc sát khuẩn có tác dụng diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật trên bề mặt của mô sống mà không gây tổn hại cho mô này.

Chúng được dùng cho các vết thương trên da, niêm mạc, vết bỏng.

Các chế phẩm iod và dẫn xuất (povidon iod) có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn, nấm, vi rút, protozoa, các nang, các bào tử và giảm đáng kể nhiễm khuẩn các vết mổ. Dung dịch povidon-iod giải phóng iod khi tiếp xúc với da.

Clorhexidin có phổ diệt khuẩn và kìm khuẩn rộng trên cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm mặc dù kém tác dụng hơn trên Pseudomonas và Proteus và hầu như không có tác dụng với mycobacteria và không có tác dụng với bào tử của vi khuẩn.

Clorhexidin tương kỵ với xà phòng và một số chất khác như bicarbonat, clorid, phosphat, tạo thành muối ít tan, kết tủa. Cồn có tác dụng diệt khuẩn, dùng bôi trên da nơi tiêm, nơi chọc chích tĩnh mạch hoặc phẫu thuật.

Thuốc khử khuẩn thường là một hóa chất mạnh có tác dụng diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhưng vì có thể gây tổn hại cho các mô của cơ thể người, nên chỉ dùng để tẩy uế làm sạch các thiết bị y tế để phòng tránh nhiễm khuẩn. Dung dịch loãng của một vài chất khử khuẩn có thể dược dùng làm thuốc sát khuẩn.

Các thuốc trong nhóm thường dùng: Cloroxylenol, Hợp chất giải phóng clor, Povidon – iod, Cồn Iod, Nước oxy già, Cồn 70 độ, Clorhexidin.

2. Các thuốc thường dùng

CỒN 70 ĐỘ Tên chung quốc tế: Ethanol 700

Dạng thuốc và hàm lượng Dung dịch ethanol 70%.

Chỉ định

Sát khuẩn da trước khi tiêm, trước khi chọc, chích tĩnh mạch hay phẫu thuật.

Thận trọng

Vết thương hở; vết bỏng nặng; dễ cháy.

Liều lượng và cách dùng

Bôi trực tiếp lên da, không pha loãng.

Tác dụng không mong muốn

Da khô và dễ bị kích ứng khi dùng nhiều lần.

CỒN IOD

Tên chung quốc tế: Spiritus iodi concentratus Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch iod 5% .

Chỉ định: Sát khuẩn các vết thương và da, niêm mạc trước khi phẫu thuật; chống một số nấm da.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với iod; không bôi trực tiếp trên niêm mạc; trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là sơ sinh.

Không dùng trên diện rộng, tránh dùng cho các thương tổn sâu. Tránh dây vào mắt.

Liều lượng và cách dùng

Bôi thuốc lên vùng da để khử khuẩn hoặc vào vùng da tổn thương để tránh nhiễm khuẩn, ngày bôi 2 lần.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Kích ứng tại chỗ; gây bỏng rát, đau. Dùng diện quá rộng và vết thương tổn sâu có thể gây nhiễm độc iod.

HỢP CHẤT GIẢI PHÓNG CLOR*

Tên chung quốc tế: Chlorine releasing compounds.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc bột để pha dung dịch chứa 1 g clor/lít (dung dịch 0,1%).

Chỉ định

Khử khuẩn dụng cụ, nước và bề mặt.

Chống chỉ định

Tránh để gần lửa; tác dụng của thuốc giảm khi có mặt các chất hữu cơ hoặc tăng pH (có thể gây giải phóng khí clor độc).

Liều lượng và cách dùng

Khử khuẩn bề mặt: Dùng dung dịch 0,1%.

Khử khuẩn dụng cụ: Ngâm vào dung dịch 0,1% trong 15 phút (không được ngâm quá 30 phút), sau đó tráng bằng nước vô khuẩn.

Tác dụng không mong muốn (ADR) Kích ứng, bỏng da.

NƯỚC OXY GIÀ Tên chung quốc tế: Hydrogen peroxide Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch 1,5%, 3%, 6% hydrogen peroxid.

Chỉ định

Súc miệng; rửa vết thương.

Chống chỉ định

Không được dùng nước oxy già dưới áp lực để rửa các vết thương sâu có rách nát vì có thể tạo hơi ở dưới da.

Thận trọng

Không dùng súc miệng, rửa miệng, rửa vết thương trong thời gian dài.

Không dùng cho những vết thương đang lành.

Tác dụng không mong muốn

Có thể gây kích ứng, bỏng da và miêm mạc.

Liều lượng và cách dùng

Súc miệng, rửa miệng: Pha loãng dung dịch 1,5%, 3% với nước theo tỷ lệ 1: 1.

Bôi miệng, lợi: Dung dịch 1,5%.

Rửa vết thương, vết loét: Dung dịch 1,5%, 3%.

POVIDON - IOD Tên chung quốc tế: Povidone-iodine

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch 8,5% dùng pha thuốc súc miệng.

Bình khí dung phun xịt chứa bột 2,5%

Lọ 250 ml thuốc súc miệng 1%

Dung dịch dùng ngoài 7,5%; 10%.

Nước gội đầu 4%.

Dung dịch rửa âm đạo 10%.

Gel bôi âm đạo 10%(kl/kl).

Viên đặt âm đạo 200 mg.

Sát khuẩn vết thương, da, niêm mạc; lau rửa các dụng cụ y tế trước khi tiệt khuẩn.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với thuốc; tránh dùng thường xuyên hoặc kéo dài ở bệnh nhân bướu giáp nhân coloid; bướu giáp lưu hành và viêm tuyến giáp Hashimoto; phụ nữ có thai và cho con bú; thủng màng nhĩ; bôi trực tiếp lên màng não; khoang bị tổn thương nặng; trẻ nhỏ dưới 2 tuổi (đặc biệt trẻ sơ sinh).

Thận trọng

Suy thận; đang điều trị bằng lithi.

Liều lượng và cách dùng

Dung dịch 10%: Người lớn và trẻ em, ngày bôi 2 lần (dung dịch không pha loãng), nếu cần, phủ gạc lên vết thương.

Bột khô để phun 2,5%: Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: lắc kỹ lọ, phun thuốc vào vùng tổn thương (từ khoảng cách 15 - 20 cm). Không phun vào các khoang niêm mạc.

Dung dịch súc miệng 1%: Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: Dung dịch không pha loãng hoặc pha loãng 1/2 với nước ấm. Mỗi lần súc miệng khoảng 10 ml trong 30 giây (không được nuốt). Có thể súc ngày 4 lần.

Viên đặt âm đạo, 200 mg: Đặt vào buổi sáng và tối, mỗi lần 1 viên, dùng liên tục 14 ngày, trước khi đặt phải làm ẩm viên thuốc bằng nước để thuốc khuyếch tán tốt và không gây kích ứng tại chỗ. Nếu có kinh nguyệt trong khi điều trị vẫn phải tiếp tục điều trị.

Tác dụng không mong muốn

Kích ứng da và niêm mạc; Nếu dùng trên diện rộng có thể gây giảm năng tuyến giáp (có thể gây cơn nhiễm độc giáp), nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri huyết, suy giảm chức năng thận, giảm bạch cầu trung tính (ở người bị bỏng nặng), co giật (ở người điều trị kéo dài).

CLORHEXIDIN * Tên chung quốc tế: Chlorhexidine

Dạng thuốc và hàm lượng

Chế phẩm dùng cho miệng: Thường phối hợp với tetracain, lidocain dưới dạng viên ngậm, dung dịch súc miệng, khí dung vào miệng.

Dung dịch rửa 2%, 4%, 5% clorhexidin digluconat.

Kem dùng ngoài hoặc gel có 1% clorhexidin gluconat.

Chỉ định

Sát khuẩn; khử khuẩn dụng cụ.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với thuốc; không dùng clorhexidin vào não, màng não, các mô dễ nhạy cảm và tai giữa.

Thận trọng

Tránh thuốc tiếp xúc với mắt.

Liều lượng và cách dùng

Viên ngậm: Người lớn mỗi lần ngậm 1 viên, ngày 4 lần. Trẻ em 6 - 15 tuổi: Mỗi lần ngậm 1 viên, ngày 2 - 3 lần.

Súc miệng: Người lớn dùng dung dịch 0,02 - 0,05 %, ngày 1 - 6 lần.

Trẻ em trên 12 tuổi dùng ngày 1 - 3 lần.

Rửa sạch và khử khuẩn vết thương: Dùng dung dịch 0,01 - 0,05%.

Vô khuẩn tay: dùng dung dịch 0,05 - 0,1%, sau tráng nước vô khuẩn.

Vô khuẩn dụng cụ: Ngâm dụng cụ trong dung dịch 0,1%.

Tác dụng không mong muốn

Phản ứng mẫn cảm và kích ứng da; chóng mặt; nhịp tim nhanh; khô miệng.

CLOROXYLENOL *

Dung dịch đậm đặc cloroxylenol 5%.

Chỉ định

Sát khuẩn, khử khuẩn dụng cụ và bề mặt.

Thận trọng

Thuốc pha xong phải dùng ngay.

Liều lượng và cách dùng

Sát khuẩn vết thương: Dùng dung dịch 5% pha loãng với nước vô khuẩn theo tỷ lệ 1 : 20.

Khử khuẩn dụng cụ: Sử dụng dung dịch 5% pha loãng với cồn 700 theo tỷ lệ 1 : 20.

Lượng giá

1.Trình bày chỉ định, chống chỉ định của: Cồn 700, cồn Iod, nước oxygià, Povidon iod

2. Nêu cách dùng của: cồn 700, cồn Iod, nước oxygià , Povidon iod để sát khuẩn.

Một phần của tài liệu Bài giảng Dược lý - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 176 - 183)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(271 trang)