Quan niệm về phương pháp và phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp tình huống vào dạy học phần công dân với pháp luật cho học sinh trung học phổ thông huyện pác nặm, tỉnh bắc kạn (Trang 21 - 28)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÌNH HUỐNG PHẦN “CÔNG DÂN VỚI PHÁP LUẬT” TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12

1.2. Dạy học theo phương pháp tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12

1.2.1. Quan niệm về phương pháp và phương pháp dạy học

Phương pháp là một phạm trù hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đối với mọi hoạt động. Phương pháp có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tùy theo quan niệm của mỗi người.

Về mặt thuật ngữ, từ “phương pháp” bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp là

“methodos” có nghĩa là con đường, cách thức hoạt động nhằm đạt được mục đích nhất định. Vì vậy phương pháp là hệ thống những hành động tự giác, tuần tự nhằm đạt được những kết quả phù hợp với mục đích đã định.

Từ khái niệm trên ta thấy, phương pháp có cấu trúc phức tạp, bao gồm mục đích được đề ra, hệ thống những hành động (hoạt động), những phương tiện cần thiết (phương tiện vật chất, phương tiện thực hành, phương tiện trí tuệ), quá trình làm biến đổi đối tượng, kết quả sử dụng phương pháp (mục đích đạt được).

Theo nghĩa khác, có thể hiểu phương pháp là cách thức, thủ đoạn được chủ thể sử dụng thực hiện mục đích đề ra. Còn theo nghĩa khoa học, phương pháp là hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ tri thức về các quy luật khách quan để điều chỉnh hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

Trong từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ phương pháp được hiểu “là cách thức để làm một việc gì sau khi nghiên cứu kỹ: làm việc có phương pháp”

[15, tr. 24]. Còn trong từ điển Triết học, phương pháp được quan niệm là cách thức đạt tới mục tiêu, là hoạt động được sắp xếp theo một trình tự nhất định.

Như vậy, dù hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa, nói đến phương pháp là người ta nói đến phương thức hay cách thức đặt ra để thực hiện một mục tiêu nào đó nhằm đạt đến một mục đích nhất định.

1.2.1.2. Quan niệm về phương pháp dạy học

Trong các lĩnh vực, để thành công con người cũng phải xây dựng một hệ thống các phương pháp. Trong dạy học cũng vậy, xác định được phương pháp dạy học đúng thì giáo viên mới đạt được mục tiêu dạy học. Cùng một nội dung nhưng học sinh có hứng thú hay không, kết quả bài giảng đạt hiệu quả như thế nào, phần lớn phụ thuộc nhiều vào phương pháp dạy học của giáo viên. Do vậy, phương pháp dạy học là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình dạy học.

Xung quanh khái niệm phương pháp dạy học, hiện nay còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Có thể điểm qua một số quan niệm dưới đây:

Tác giả Đinh Văn Đức - Dương Thị Thúy Nga cho rằng: “Phương pháp dạy học là cách thức làm việc của thầy và trò trong sự phối hợp thống nhất dưới sự chỉ đạo của thầy nhằm làm cho trò tự giác, tích cực tự lực đạt tới mục đích dạy học” [7, tr.45]. Theo quan niệm này, GV sử dụng phương pháp dạy học nhằm thực hiện phương pháp dạy học nhằm thực hiện mục đích trang bị tri thức cho HS, giúp HS lĩnh hội tri thức, hình thành kỹ năng nghề nghiệp tương ứng.

Tác giả Phan Hồng Vinh quan niệm “phương pháp dạy học là cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của GV và HS trong quá trình dạy học được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của GV nhằm thực hiện tối ưu mục tiêu và các nhiệm vụ dạy học’ [24, tr.204]. Với cách tiếp cận này, phương pháp dạy học được quan niệm là phương thức phối hợp giữa hoạt động dạy của GV và hoạt động của HS. Trong đó, GV đóng vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt hoạt động nhận thức của HS.

Tác giả Phạm Việt Vượng cho rằng: “phương pháp dạy học là tổng hợp các cách thức hoạt động phối hợp của giáo viên và học sinh, trong đó phương pháp dạy chỉ đạo phương pháp học, nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh hệ thống kiến thức khoa học và hình thành hệ thống kỹ năng, kỹ xảo thực hành sáng tạo” [26, tr.102].

Như vậy, có thể thấy, khi định nghĩa về phương pháp dạy học, các nhà nghiên cứu đã xem xét nó trên nhiều mặt khác nhau của quá trình dạy học, có tác giả chú trọng đến cách thức tương tác giữa giáo viên và học sinh, có tác giả lại xét về mặt điều khiển học… Tuy nhiên, các tác giả đều chỉ ra những đấu hiệu đặc trưng của phương pháp dạy học. Các dấu hiệu đó là:

+ Phương pháp dạy học phản ánh sự vận động của nội dung học vấn đã được nhà trường quy định.

+ Phương pháp dạy học phản ánh sự vận động của quá trình nhận thức của HS nhằm đạt được mục đích đề ra.

+ Phương pháp dạy học phản ánh cách thức trao đổi thông tin giữa thầy và trò.

+ Phương pháp dạy học phản ánh cách thức điều khiển nhận thức, kích thích và xây dựng động cơ, tổ chức hoạt động nhận thức, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động.

Như vậy, theo cách hiểu chung nhất, phần lớn các ý kiến đều hiểu phương pháp dạy học là cách thức tương tác hay giao tiếp giữa thầy và trò để giải quyết các nhiệm vụ dạy học, giúp HS lĩnh hội tri thức và phát triển năng lực.

1.2.1.3. Quan niệm về phương pháp dạy học tình huống

* Quan niệm tình huống

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, kĩ thuật và công nghệ. Những yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng sống đối với học sinh là một thách thức đối với việc giáo dục đào tạo tại nhà trường. Hiện nay tư duy dạy và học cũng đã có nhiều thay đổi, chúng ta đang trên đường hội nhập với những chuẩn mực giảng dạy mới,

trong đó tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và nhận thức của người học, sự chủ động và sáng tạo trong suy nghĩ của người học. Những yêu cầu về kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng thực hành đối với học sinh là một thách thức với việc giáo dục đào tạo hiện nay và trong tương lai. Phương pháp dạy học tình huống đã chứng tỏ là một phương pháp rất hiệu quả trong việc đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn. Nếu tình huống được xây dựng chất lượng và giáo viên có kỹ năng tốt trong việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống thì sẽ tạo ra những cơ hội giúp học sinh có được những kinh nghiệm thực tế, trau dồi và phát triển được các kỹ năng thực hành cần thiết trong những hoàn cảnh cụ thể khi ra trường.

Tùy từng góc độ tiếp cận khác nhau, có những quan niệm khác nhau về tình huống. Điều này cho thấy tính chất phong phú, đa dạng và linh hoạt khi vận dụng tình huống trong dạy học.

Theo quan điểm Triết học, tình huống được nghiên cứu như là một tổ hợp các mối quan hệ xã hội cụ thể, mà đến một thời điểm nhất định liên kết con người với môi trường, biến con người thành một chủ thể của một hoạt động có đối tượng nhằm đạt được một mục tiêu nhất định.

Theo Từ điển Tiếng Việt do Viện Khoa học xã hội xuất bản năm 1992 đã định nghĩa: “Tình huống là sự diễn biến tình hình về mặt cần đối phó” [20, tr. 1082].

Tình huống cũng có thể được hiểu là sự mô tả hay trình bày một trường hợp có thật trong thực tế hoặc mô phỏng nhằm đưa ra một vấn đề chưa được giải quyết và qua đó đòi hỏi người học (người nghe) phải giải quyết vấn đề đó.

Trong cuốn “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” tác giả Phạm Viết Vượng cho rằng: “Tình huống: Tình trạng và cảnh huống” [24, tr. 1129].

Theo tác giả Trần Văn Hà: “Tình huống - sự kiện cần được nghiên cứu xử lý, cũng có thể tình huống là những mâu thuẫn diễn ra trong một hay nhiều yếu tố của hệ sinh thái xã hội hoặc của hệ sinh thái nhân văn” [8, tr. 8].

Theo tác giả Đặng Văn Đức, Nguyễn Thu Hằng: “Tình huống học tập là trạng thái tâm lý khi học sinh gặp phải mâu thuẫn giữa điều đã biết và điều chưa biết nhưng muốn biết” [7, tr. 102].

Ở góc độ tiếp cận tình huống có vấn đề, M.I.Makhơnutốp, “tình huống có vấn đề là trạng thái tâm lý của sự khó khăn về mặt trí tuệ nảy sinh ở con người trong những tình huống khách quan khi cần giải thích một sự kiện bằng tri thức đã có hoặc bằng cách thức hoạt động đã biết trước đây mà phải tìm tri thức hoặc tìm cách thức hoạt động mới” [11, tr. 208].

“Tình huống là một sự kiện có thực trong đời sống xã hội với những đặc trưng vật lý, sinh lý, tâm lý và xã hội” [13, tr. 29]. Con người luôn luôn sống trong những tình huống nhất định, thường xuyên phải đối mặt và chịu sự tác động của những tình huống đó. Có những tình huống đơn giản xảy ra trong sinh hoạt, trong giao tiếp hằng ngày và có những tình huống phức tạp trong hoạt động nghề nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học.

Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về tình huống nhưng nhìn chung các định nghĩa đều thống nhất quan điểm khi cho rằng, tình huống là một sự kiện, một vấn đề chứa đựng những mâu thuẫn cần phải giải quyết.

* Quan niệm phương pháp dạy học tình huống

Xét về mặt khách quan tình huống dạy học là tổ hợp những mối quan hệ cụ thể được hình thành trong quá trình dạy học, khi mà người học đã trở thành chủ thể hoạt động của đối tượng nhận thức trong môi trường dạy học, nhằm một mục đích dạy học cụ thể. Xét về mặt chủ quan, tình huống dạy học chính là trạng thái bên trong được sinh ra do sự tương tác giữa chủ thể với đối tượng nhận thức.

Một tình huống thông thường chưa phải là một tình huống dạy học. Nó chỉ trở thành tình huống dạy học khi người giáo viên đưa những nội dung cần truyền thụ vào trong các sự kiện tình huống và cấu trúc các sự kiện sao cho phù hợp với logic sư phạm, để khi người học giải quyết nó sẽ đạt được mục tiêu dạy học.

“Dạy học theo tình huống là phương pháp dạy học, trong đó việc dạy và học được tổ chức theo những chủ đề phức hợp gần với các tình huống thật của cuộc sống và nghề nghiệp. Qúa trình dạy học được tổ chức trong môi trường tạo điều kiện kiến tạo tri thức” [23, tr. 124].

Ở góc độ tư duy, “Tình huống trong dạy học phải phản ánh được mâu thuẫn biện chứng giữa kiến thức mới và kiến thức cũ, đó là mâu thuẫn bản chất bên trong, không phải là mâu thuẫn hình thức bên ngoài” [22, tr. 12].

Tác giả Nguyễn Ngọc Quang cũng khẳng định: “Tình huống có vấn đề trong dạy học là tình huống mà khi đó mâu thuẫn khách quan của bài toán nhận thức được học sinh chấp nhận như một vấn đề học tập mà họ cần có và có thể giải quyết” [22, tr. 12].

Phương pháp tình huống (hay còn gọi là phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình) là một phương pháp dạy học, trong đó học sinh tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra [1, tr. 14].

Theo tác giả Phan Trọng Ngọ, Phương pháp tình huống là phương pháp dạy học mà trong đó giáo viên đặt học sinh vào một trạng thái tâm lý đặc biệt khi họ gặp mâu thuẫn khách quan của bài toán nhận thức giữa cái đã biết và cái phải tìm, tự họ chấp nhận và có nhu cầu, có khả năng giải quyết mâu thuẫn đó là bằng tìm tòi, tích cực, sáng tạo, kết quả là họ giành được kiến thức và cả phương pháp giành kiến thức [14, tr. 269].

Dạy học theo tình huống không phải là điều mới mẻ, nhưng vấn đề đặt ra là tính khoa học tính hoa học khi giáo viên vận dụng tình huống vào bài dạy. Theo đó, dạy học theo tình huống phải chuyển tải được nội dung khoa học cần trang bị cho người học và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh theo yêu cầu, mục tiêu môn học. Giáo viên phải có kinh nghiệm, nghệ thuật, kỹ trong việc lựa chọn tình huống, định hướng giải quyết tình huống và giáo dục tình cảm, thái độ cho người học. Do đó, hiệu quả của dạy

học theo tình huống là phải đưa học sinh vào trạng thái tâm lý muốn tìm tòi để giải quyết vấn đề, thông qua những trải nghiệm của bản thân, bằng kinh nghiệm họ rút ra sau khi tham gia vào tình huống và giải quyết tình huống.

Như vậy, dạy học theo tình huống là giáo viên phải đưa ra các tình huống (có thật hoặc hư cấu) có chứa đựng nội dung bài giảng để người học có thể trải nghiệm, có điều kiện thực hành, phát triển kỹ năng phân tích, lập luận, quyết định lựa chọn phương án giải quyết tình huống bằng cách đưa ra các ý kiến cá nhân. Thông qua phương pháp tình huống phát huy tính tích cực của người học trong việc tìm kiếm tri thức, hình thành kỹ năng dưới sự định hướng, tổ chức của giáo viên.

Dạy học tình huống gồm có ba phần liên quan chặt chẽ với nhau:

Một là, nội dung của tình huống: Giáo viên cần nêu bật các vấn đề được đặt ra mang tính thực tiễn cao, có tính logic của vấn đề cần được đưa ra phân tích, đánh giá, luận giải một cách cụ thể gắn với nội dung bài học.

Hai là, phân tích, thảo luận tình huống: Từ các vấn đề nêu ra trong tình huống, giáo viên định hướng, tổ chức cho học sinh phân tích, thảo luận tình huống; xây dựng các câu hỏi cụ thể về các vấn đề cần giải quyết, cần quan tâm từ đó đưa ra cách thức giải quyết vấn đề trong tình huống.

Ba là, giải quyết tình huống: Dưới vai trò định hướng của giáo viên, thông qua quá trình phân tích, thảo luận, đánh giá, học sinh lựa chọn các giải pháp để giải quyết tình huống.

Yêu cầu sư phạm khi dạy học bằng phương pháp dạy học tình huống Dạy học theo phương pháp tình huống đòi hỏi trước tiên người giáo viên cần xác định mục tiêu, nội dung kiến thức cần truyền đạt cho học sinh.

Tùy vào từng bài học, kiến thức mà giáo viên mong muốn học sinh nhận được mà đưa ra các tình huống phù hợp với mục tiêu bài học. Nội dung tình huống đưa ra sẽ liên quan đến những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình học tập và phù hợp với nội dung lý thuyết bài học. Mỗi tình huống mà giáo viên đưa ra cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, tình huống đưa ra cần chứa đựng mâu thuẫn và có thể liên quan đến nhiều phương diện.

Hai là, tình huống cần liên hệ với kinh nghiệm hiện tại, gắn bó với cuộc sống và tương lai của người học.

Ba là, tình huống cần vừa sức với học sinh và có thể giải quyết trong điều kiện cụ thể.

Bốn là, tình huống có thể dài hay ngắn, tùy từng nội dung của vấn đề và đảm bảo tính hướng đích của bài học.

Năm là, tình huống cần có nhiều cách giải quyết khác nhau. Trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn, không phải bao giờ cũng có giải pháp duy nhất đúng.

Sáu là, đôi khi, nghiên cứu tình huống có thể được thực hiện trên video hay một băng cát-xét mà không phải ở dạng chữ viết.

Dạy học theo phương pháp tình huống chỉ có thể đưa lại hiệu quả khi giáo viên và học sinh xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình. Trong đó sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh là yêu cầu căn bản không thể thiếu. Chỉ khi nào hoạt động dạy của giáo viên trở thành nhu cầu của học sinh và ngược lại mức độ hứng thú, thái độ tích cực học tập của học sinh trở thành động lực cho giáo viên thì khi ấy dạy học theo phương pháp tình huống mới góp phần thực hiện được bước chuyển từ truyền thụ một chiều, nặng về tri thức hàn lâm sang phát huy tính chủ động, tư duy sáng tạo và phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp tình huống vào dạy học phần công dân với pháp luật cho học sinh trung học phổ thông huyện pác nặm, tỉnh bắc kạn (Trang 21 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)