Sự cần thiết của việc dạy học theo tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp tình huống vào dạy học phần công dân với pháp luật cho học sinh trung học phổ thông huyện pác nặm, tỉnh bắc kạn (Trang 28 - 35)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÌNH HUỐNG PHẦN “CÔNG DÂN VỚI PHÁP LUẬT” TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12

1.2. Dạy học theo phương pháp tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12

1.2.2. Sự cần thiết của việc dạy học theo tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12

Môn Giáo dục công dân giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thứ và hình thành phát triển nhân cách con người toàn diện. Trong những năm gần đây, đổi mới giáo dục phổ thông là yêu cầu khách quan với yêu cầu phát huy năng lực người học, trong đó năng lực sáng tạo, giải quyết

vấn đề là năng lực cốt lõi được đặt ra từ đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, nghiên cứu tình huống và dạy học theo phương pháp tình huống được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục coi trọng. Vai trò của phương pháp dạy học tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12 được thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, dạy học theo tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12 không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu môn học mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Với tư cách là môn học có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển ý thức công dân, chương trình giáo dục công dân lớp 12 trực tiếp định hướng và giúp học sinh hiểu và nhận thức đúng đắn được bản chất giai cấp, xã hội của pháp luật; nhận biết được vai trò và giá trị cơ bản của pháp luật;

hiểu được nội dung cơ bản của pháp luật liên quan đến việc thực hiện và bảo vệ quyền bình đẳng, tự do, dân chủ và phát triển của công dân. Hình thành năng lực phân tích, đánh giá các biểu hiện, tình huống của pháp luật trong đời sống hằng ngày. Qua đó, định hướng hoạt động của học sinh theo nguyên tắc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tích cực công dân trong việc xây dựng Nhà nước. Đây cũng là môn học góp phần hình thành và phát triển ở người học năng lực nhận diện và tư duy phản biện - vốn là những năng lực rất cần thiết của người công dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Những năng lực nêu trên không thể được hình thành càng không thể được phát triển ở học sinh nếu giáo viên không đưa học sinh vào tình huống, không khuyến khích học sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Ở phương diện khác, dạy học theo tình huống là một trong những yêu cầu rất quan trọng của việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, là một trong những phương pháp dạy học hiện đại, thể hiện sự quán triệt nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn vốn rất được quan trọng đối với giáo dục. Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, giáo dục là

việc chuẩn bị cho người học vào việc giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Con người bắt đầu suy nghĩ khi họ thất xuất hiện nhu cầu hiểu biết một cái gì đó. Tư duy luôn luôn bắt đầu từ một vấn đề hoặc một câu hỏi, từ sự ngạc nhiên hay nỗi băn khoăn thắc mắc. Sự lôi cuốn cá nhân vào quá trình tư duy được xác định bởi tình huống thực tiễn xảy ra xung quanh họ.

Vì vậy, dạy học tình huống là một trong những phương pháp dạy học tích cực góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, được xem như khâu đột phá căn bản trong xu hướng đầu tư chiều sâu cho yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện đại. Đây là phương pháp dạy học hữu hiệu nhằm mang lại niềm vui, hứng thú, kích thích học sinh say mê, tìm tòi chiếm lĩnh tri thức thuộc chương trình GDCD lớp 12.

Thứ hai, dạy học theo tình huống phần “Công dân với pháp luật” trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12 giúp giáo viên phát huy tốt vai trò định hướng trong dạy học.

Trong những năm gần đây, đổi mới phương pháp dạy học được quan tâm và diễn ra mạnh mẽ ở các trường học, trong đó việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy năng lực học sinh được áp dụng ở hầu hết các cấp học. Dạy học theo tình huống là một trong những phương pháp dạy học góp phần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Hiện nay, khuynh hướng chung của giáo dục hiện đại là xóa bỏ tính chất thụ động, lệ thuộc của người học. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là chuyển đổi mục tiêu đào tạo từ chú trọng trang bị tri thức sang đào tạo kỹ năng của người học, “đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội” [5, tr. 216] và năng lực thích ứng của con người. Do đó, vai trò của giáo viên là định hướng, tổ chức, dẫn dắt để học sinh làm chủ quá trình chiếm lĩnh tri thức, hình thành và phát triển năng lực cá nhân. Phù hợp với yêu cầu đó, sử sụng phương pháp tình huống trong dạy học phần “Công dân với pháp luật”

chương trình GDCD lớp 12 sẽ đem lại những hiệu quả nhất định.

Xét về thực chất, nhiều nhà khoa học thống nhất rằng, hiện đại hóa phương pháp dạy và học bao hàm trong bản thân nó hai hiệm vụ: thanh toán tình trạng lạc hậu của các phương pháp giáo dục cũ: khoa học hóa, trí tuệ hóa phương pháp mới, lấy học trò làm trung tâm, thầy là chủ đạo định hướng, dẫn dắt người học trong việc tiếp nhận, tái tạo, xử lý tri thức, qua đó hình thành kỹ năng nghề nghiệp tương ứng. Vai trò định hướng của giáo viên trong dạy học chương trình GDCD lớp 12 sẽ được hiện thực hóa nếu giáo viên biết thu hút, khuyến khích học sinh tích cực tham gia tình huống, từ việc xây dựng tình huống, phân tích, đánh giá tình huống đến việc giải quyết tình huống trong thực tiễn. Không dạy học theo tình huống, giáo viên không thể được rèn luyện, phát huy vai trò trọng tài, cố vấn, càng không thể hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề ở người học.

Trong quá trình tham gia giải quyết tình huống, giáo viên cũng có thể học hỏi được những kinh nghiệm, thông tin, giải pháp mới từ học sinh đề làm giàu vốn tri thức và phong phú hơn bài giảng của mình. Qua quá trình hướng dẫn học sinh nghiên cứu tình huống, giáo viên cũng có thể phát hiện ra những điểm bất hợp lý hoặc sai sót của tình huống và có những điều chỉnh nội dung tình huống sao cho phù hợp. Như vậy, việc vận dụng tình huống trong dạy học phần “Công dân với pháp luật” chương trình GDCD lớp 12 không chỉ nâng cao hiệu quả bài giảng của giáo viên mà còn là giải pháp khắc phục tâm lý học thụ động vốn đã tồn tại khá phổ biến của học sinh khi tiếp cận môn học.

Thứ ba, dạy học theo tình huống phần “Công dân với pháp luật”

chương trình GDCD lớp 12 góp phần phát triển năng lực của học sinh, tạo hứng thú và phát huy tính tích cực của học sinh khi tiếp cận môn học.

Học sinh THPT, xét về mặt thể chất và tâm lý, các em vừa tồn tại giống như người trưởng thành. Nhưng đồng thời trong cuộc sống các em cũng bộc lộ ra như những đứa trẻ nhỏ, sự nhận thức về đạo đức, lối sống, về xã hội chưa nhiều. Chính sự dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội ở lứa tuổi này

sẽ giúp các em trưởng thành đầy đủ về mặt chất. Góp phần hình thành nên nhân cách cho học sinh THPT là môn học Giáo dục công dân. Những tri thức mà môn học này cung cấp sẽ giúp các em có những hiểu biết về một số nội dung cơ bản của pháp luật, từ đó, tin tưởng, tôn trọng, học tập theo pháp luật.

Dạy học theo phương pháp tình huống giúp người học dễ hiểu và dễ nhớ các vấn đề phức tạp. Thông qua các tình huống được phân tích, thảo luận, học sinh có thể tự rút ra những kiến thức lý luận bổ ích và ghi nhớ kiến thức này một cách dễ dàng trong thời gian dài. Việc đưa ra tình huống cho học sinh như là một thách thức, bởi lẽ, tình huống kích thích học sinh vào tình thế bắt buộc phải tìm được hướng giải quyết, học sinh tự mình tiếp cận vấn đề sẽ cảm thấy thú vị hơn. Nếu học lý thuyết, học sinh có thể rơi vào tình trạng “học vẹt”, học thuộc lý thuyết mà không hiểu nên rất nhanh quên. Do đó phương pháp tình huống giúp người học hiểu được vấn đề một cách sâu sắc gắn liền với quá trình giải quyết tình huống đó.

Dạy học theo tình huống chương trình GDCD lớp 12 giúp người học tham gia các hoạt động học tập ở mức độ cao. Người học không học thụ động, chỉ nghe giáo viên giảng và truyền đạt kiến thức, mà học tập tích cực bằng hành động của chính mình. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, khi sử dụng phương pháp tình huống trong dạy học, tính tích cực, chủ động cùng với sự hứng thú khi tham gia hoạt động của người học sẽ có điều kiện để phát huy nhờ vai trò định hướng của giáo viên.

Việc sử dụng phương pháp tình huống trong dạy học phần “Công dân với pháp luật”, học sinh sẽ khắc phục được những nhược điểm của bản thân như sự rụt rè, lung túng khi phát biểu hay trình bày quan điểm của mình, rèn luyện thói quen chủ động, tích cực sáng tạo trong học tập, từ đó tạo hứng thú cho học sinh.

Đồng thời, khi dạy học theo phương pháp tình huống dưới sự định hướng, giám sát của người giáo viên sẽ hạn chế được rất nhiều thói quen xấu của học sinh như nói chuyện riêng, thiếu tập trung của một bộ phận học sinh.

Thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông trong những năm qua đã chỉ ra rằng, việc “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, phát triển kỹ năng của người học; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học” [6, tr 6] được xem là điểm cốt yếu của phương pháp sư phạm tích cực hiện nay. Thực tiễn luôn đòi hỏi khách quan rằng, trong quá trình học tập, người học cần được rèn luyện, phát triển tính chủ động trong việc tự ra các quyết định, tính sáng tạo trong việc giải quyết các tình huống, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Với tính hướng đích là giúp học sinh hiểu biết cơ bản về bản chất, vai trò, nội dung của pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp học sinh chủ động, tự giác điều chỉnh hành vi của mình theo quyền và nghĩa vụ của công dân, dạy học phần “Công dân với pháp luật” chương trình GDCD lớp 12 rất thích hợp để sử dụng phương pháp tình huống. Thông qua dạy học tình huống giúp học sinh hình thành, phát triển các năng lực của người công dân Việt Nam.

Đó là năng lực phát triển bản thân; năng lực phân tích, đánh giá các biểu hiện, tình huống pháp luật trong đời sống thường ngày của bản thân, gia đình và xã hội; năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật. Theo đó dạy học GDCD lớp 12 gắn với tình huống cần được nhận thức như một phương pháp đào tạo và cao hơn nữa như một năng lực hình thành trong mục tiêu đào tạo con người hiện đại có năng lực thích ứng với xã hội, năng lực giải quyết những vấn đề mới nảy sinh để tồn tại được, để phát triển như một nhân cách độc lập.

Thứ tư, dạy học theo phương pháp tình huống trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12 phần “Công dân với pháp luật” góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Pháp luật là công cụ, phương tiện để Nhà nước tổ chức hoạt động của mình, là sự ghi nhận và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và xã hội, là phương tiện quản lý xã hội có hiệu lực nhất. Việc ban hành pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ các cơ quan nhà nước có thẩm quyển, việc thực

thi pháp luật là của mọi công dân. Vì vậy, tuyên truyền giáo dục pháp luật là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giáo dục chung của Đảng và Nhà nước nhằm giáo dục ý thức đạo đức, ý thức pháp luật cho công dân.

Tri thức phần “Công dân với pháp luật” là những nội dung cần thiết cho mỗi công dân khi đến tuổi trưởng thành. Đối với học sinh lớp 12, các em chuẩn bị rời trường Trung học phổ thông, chuẩn bị những hành trang cần thiết để là một công dân thực sự bước vào ngưỡng cửa mới, tự khẳng định mình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội. Một trong những hành trang cần thiết, quan trọng không thể thiếu được đó là những kiến thức cơ bản, phổ thông nhất về pháp luật. Có nhiều yếu tố tác động để hình thành hành vi của con người nhưng có thể nói việc đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, môn học là con đường cơ bản và hiệu quả nhất. Hoạt động này sẽ cung cấp những tri thức pháp luật cơ bản nhất, giáo dục lòng tin đến thế hệ trẻ một cách sâu sắc, từ đó các chủ thể sẽ tuân theo pháp luật một cách tự nguyện. Nội dung chương trình Giáo dục công dân lớp 12 là những kiến thức vừa mang tính lý luận vừa gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội, mang tính thực tế cao. Qua các tình huống học sinh sẽ có cách ứng xử phù hợp với những tình huống pháp luật diễn ra, biết liên hệ so sánh giữa các tình huống giả định với các tình huống có thật trong cuộc sống.

Cũng như các môn học khác ở trường, chương trình Giáo dục công dân lớp 12 có mục đích riêng của nó.

- Mục đích nhận thức: Môn học góp phần hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng tri thức pháp luật của học sinh. Tri thức pháp luật có vai trò quan trọng đối với việc hình thành tình cảm, lòng tin và thái độ đúng đắn đối với pháp luật. Tri thức môn học giúp người học đánh giá, kiểm tra, đối chiếu hành vi với các chuẩn mực pháp luật. Mục đích này đặc biệt quan trọng trong điều kiện nước ta hiện nay, khi hiểu biết pháp luật của công dân còn thấp, nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân chưa đầy đủ. Đây cũng là yêu cầu của việc hoàn thiện cơ chế quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ, kỉ cương và trật tự.

- Mục đích cảm xúc: Chủ trương của chương trình Giáo dục công dân lớp 12 trong các nhà trường là nhằm hình thành tình cảm, lòng tin và thái độ đúng đắn đối với pháp luật. Có tri thức pháp luật mà không có tình cảm, sự tôn trọng và lòng tin đối với pháp luật thì con người rất dễ hành động lệch khỏi chuẩn mực pháp luật. Ngược lại, lòng tin càng vững thì hành vi càng đúng đắn, hợp pháp. Như vậy, tình cảm thái độ đúng đắn đối với pháp luật bao giờ cũng là sự biểu hiện và là thước đo lòng tin vào pháp luật của mỗi người. Nội hàm của mục đích cảm xúc là giáo dục tình cảm, ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, lên án những biểu hiện coi thường pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật.

- Mục đích hành vi: Giảng dạy và học tập chương trình Giáo dục công dân lớp 12 giúp hình thành động cơ, hành vi và thói quen xử sự theo đúng chuẩn mực mà pháp luật đặt ra. Thiếu mục đích này thì hoạt động dạy và học chương trình Giáo dục công dân lớp 12 sẽ trở nên vô nghĩa. Có nhiều yếu tố tác động để hình thành hành vi của con người nhưng có thể nói việc đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường là con đường cơ bản và hiệu quả nhất. Hoạt động này sẽ cung cấp những tri thức pháp luật cơ bản nhất, giáo dục lòng tin đến thế hệ trẻ một cách sâu sắc, từ đó các chủ thể sẽ tuân theo pháp luật một cách tự nguyện. Đây là yếu tố quan trọng để hình thành động cơ và hành vi hợp pháp.

Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho người học.

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp tình huống vào dạy học phần công dân với pháp luật cho học sinh trung học phổ thông huyện pác nặm, tỉnh bắc kạn (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)