Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC
1.1. Cơ sở lý luận về nâng cao chất lượng nhân lực
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng lao động
- Chất lượng hệ thống giáo dục- đào tạo và y tế
Chất lượng của đội ngũ lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chất
lượng của hệ thống giáo dục và y tế. Chất lượng nguồn nhân lực được hình thành và phát triển thông qua con đường giáo dục-đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc gia. Chất lượng lao động được coi là sản phẩm của hệ thống giáo dục-đào tạo bao gồm giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, có một bộ phận người lao động được đào tạo ở nước ngoài hoặc thu hút từ nước ngoài, nhưng hệ thống giáo dục quốc gia vẫn giữ vai trò chính.
Trình độ phát triển của hệ thống giáo dục quốc gia tác động mạnh đến sự hình thành và phát triển lực lượng lao động. Giáo dục-đào tạo giúp cho người học có tri thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ tư duy, năng lực ngoại ngữ, tin học. Giáo dục-đào tạo giúp cho người học phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao thể chất; giáo dục-đào tạo giúp cho người học có được phương pháp làm việc khoa học và kỹ năng thích ứng nhanh với biến đổi của môi trường làm việc. Chất lượng lao động chỉ có thể được nâng cao khi được giáo dục-đào tạo tốt, khi hệ thống giáo dục quốc gia đạt trình độ cao. Trình độ phát triển của hệ thống giáo dục-đào tạo quốc gia càng cao thì chất lượng nguồn nhân lực càng cao và dễ dàng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tóm lại, giáo dục-đào tạo là khâu quan trọng nhất của quá trình phát triển nguồn nhân lực của tất cả các quốc gia trên thế giới.
- Xu hướng phát triển của thị trường lao động
Xu hướng phát triển của thị trường lao động có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng lao động và hoạt động nâng cao chất lượng lao động của các công ty. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, kinh tế và công nghệ là những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất. Trong suốt thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã phát minh ra nhiều máy móc, kỹ thuật mới hỗ trợ cho các hoạt động trong đời sống thường ngày và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, máy móc có thể thay thế con người làm những công việc thường ngày, thậm chí là phức tạp với tốc độ nhanh
chóng và sự chuẩn xác cao. Xu hướng này khiến cho lực lượng lao động tay nghề thấp đối mặt với nguy cơ mất việc. Do đó, các cơ sở đào tạo cũng như bản thân người học việc không chỉ chú trọng tới lý thuyết mà còn cần nâng cao kỹ năng thực tế.
Tại một số nước phát triển trên thế giới, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hiện nay không chỉ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn công việc mà còn cần các kỹ năng đi kèm như ngôn ngữ, tin học. Hiện nay, tại Việt Nam những tiêu chuẩn này đã bắt đầu áp dụng với người lao động tại các khối cơ quan nhà nước. Các cơ sở đào tạo cũng yêu cầu học sinh phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về ngôn ngữ, tin học trước khi ra trường. Những điều này cho thấy, xu hướng phát triển của thị trường lao động đã và đang ảnh hưởng tới các công tác nâng cao chất lượng lao động tại các cơ sở sở đào tạo và công ty.
1.1.4.2. Yếu tố bên trong
- Điều kiện môi trường làm việc
Môi trường làm việc của người lao động tác động lớn tới hiệu quả trong công việc cũng như chất lượng của người lao động. Để nâng cao chất lượng lao động thì cần một môi trường làm việc công bằng, có tính thứ bậc rõ ràng và minh bạch. Những yếu tố này sẽ giúp cho người lao động thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn. Bên cạnh đó, các mối quan hệ được củng cố và phát triển sẽ là cơ sở để tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng trong giải quyết công việc giữa những người lao động. Có thể nói môi trường là một nhân tố tác động tới quá trình nâng cao chất lượng người lao động trong các công ty.
Môi trường làm việc có thể gồm các yếu tố: thứ nhất, là yếu tố cơ sở vật chất bao gồm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công việc, phòng ốc, ánh sáng, trang trí. Thứ hai, là yếu tố văn hóa làm việc thường được thể hiện qua nội quy của các công ty và được hoàn thiện bởi chính sách quản lý trong việc khéo léo xây dựng bầu không khí làm việc cho người lao động như sự tin tưởng, niềm đam mê, hăng say và giải quyết những mâu thuẫn, những
nhóm tiêu cực và tạo ra bầu không khí vui vẻ. Thứ ba, là cách thức làm việc, phong cách làm việc của công ty chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp.
Mặt khác, mọi hoạt động của người lao động đều nhằm vào mục đích cuối cùng để thỏa mãn nhu cầu nhất định về vật chất và tinh thần. Nhu cầu vật chất là những đòi hỏi về điều kiện vật chất để người lao động tồn tại và phát triển về thể lực, nhu cầu về tinh thần và phát triển về trí lực. Vì vậy, tạo động lực cho người lao động chính là phải thường xuyên chăm lo tới quyền lợi chính đáng của họ, trả lương đúng sức lao động của người lao động bỏ ra nhằm đảm bảo tái sản xuất.
Mục đích quan trọng nhất của tạo động lực là để cho con người tự do sáng tạo, phải tạo môi trường thuận lợi, cơ chế thông thoáng để thúc đẩy tính tích cực của họ phấn đấu vì sự thỏa mãn nhu cầu về các quan hệ xã hội (đề bạt, bổ nhiệm). Phải sử dụng đồng bộ các biện pháp khuyến khích để tạo động lực cho người lao động, nếu đạt thành tích xuất sắc phải được thưởng, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định.
- Chính sách khen thưởng, khuyến khích nhân lực
Chính sách khen thưởng, khuyến khích người lao động luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy năng suất và chất lượng của đội ngũ lao động. Nếu trong hoạt động bán hàng, công ty sử dụng các chính sách tặng thưởng, chăm sóc tới khách hàng để giữ chân khách hàng thì đối với người lao động, chính sách khen thưởng, khuyến khích người lao động sẽ nâng cao động lực trong công việc, từ đó thúc đẩy nhân viên nỗ lực học hỏi kiến thức mới, nâng cao tay nghề của bản thân.
Các chính sách khen thưởng, đãi ngộ có tác động tích cực tới chất lượng nguồn nhân lực. Việc thực hiện các chính sách khuyến khích này sẽ giúp cho việc sản xuất đạt hiệu quả, nâng cao sức lao động của nguồn lao động. Hơn nữa đây cũng là công cụ để giữ chân những nhân viên có thành tích tốt. Những nhân viên này là nguồn lực tiềm năng của công ty, do đó nếu
như họ bị thu hút bởi công ty khác sẽ gây ra tổn thất về nguồn nhân lực cho công ty. Ngoài ra, những chính sách đãi ngộ này cũng sẽ là động lực giúp cho những nhân viên yếu kém cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân. Từ đó, chất lượng nguồn nhân lực của công ty cũng sẽ được nâng cao.
- Mối quan hệ giữa các nhân viên
Mối quan hệ giữa các nhân viên tốt sẽ tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, thúc đẩy tinh thần làm việc của người lao động. Những công ty gắn kết được người lao động sẽ tạo ra sự đoàn kết, môi trường làm việc lý tưởng.
Những môi trường làm việc thường xuyên xảy ra sự xích mích giữa các nhân viên sẽ ảnh hưởng không chỉ đối với chính bản thân nhân viên mà còn ảnh hưởng tới những nhân viên khác trong công ty và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các nhân viên tốt sẽ thúc đẩy việc truyền đạt kiến thức, học hỏi nâng cao kinh nghiệm giữa các nhân viên. Thực tế, nhân viên là người tiếp xúc trực tiếp với các công việc. Qua quá trình làm việc, họ sẽ hiểu rõ về sự hoạt động của máy móc, kinh nghiệm làm việc, giải quyết vấn đề. Do đó, mối quan hệ giữa các nhân viên càng bền chặt thì chất lượng của người lao động sẽ càng được cải thiện.