Chương 1: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC
1.1. Cơ sở lý luận về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ, công chức
* Các nhân tố khách quan
Các nhân tố khách quan ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm một số nhân tố như : tình hình kinh tế - chính trị của xã hội, của đất nước và địa phương trong từng giai đoạn ; trình độ văn hóa, sức khỏe của dân cư ; sự phát
triển của công nghệ thông tin, đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quan điểm sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của Đảng, Nhà nước...
Quan điểm của Đảng, Nhà nước: có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng đội ngũ CBCC. Đội ngũ cán bộ, công chức có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị nói chung và bộ máy nhà nước nói riêng. Thể chế quản lý cán bộ, công chức : bao gồm hệ thống luật pháp, các chính sách, chế độ liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và phát triển, thù lao lao động, đề bạt... Thể chế quản lý CBCC còn bao gồm bộ máy tổ chức nhà nước và các quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức nhà nước chi phối đến chất lượng và nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC nhà nước. Do đặc điểm của đội ngũ CBCC nhà nước là có tính thống nhất cao trong toàn bộ hệ thống, chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật hiện hành nên chất lượng và nâng cao chất lượng CBCC chịu sự tác động và chi phối của thể chế quản lý đội ngũ công chức này.
Thu nhập của CBCC : Nhu cầu vật chất vẫn là vấn đề cấp bách của cán bộ, công chức hiện nay. Mức lương, thưởng hiện nay vẫn còn hạn chế lương tăng không đủ bù so với mức tăng của các mặt hàng trong xã hội. Điều đó làm cho mức sống trở nên khó khăn hơn đối với cán bộ, công chức nhà nước. Lợi ích kinh tế không được đáp ứng dẫn đến việc CBCC ít có động lực làm việc hoặc có làm thì chỉ mang tính chiếu lệ, ít có tính chủ động, sáng tạo, làm việc không đạt chất lượng cao.
Môi trường làm việc: là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng lớn với chất lượng của đội ngũ CBCC. Nó liên quan đến thể chế, bộ máy, cơ chế đánh giá và sử dụng con người. Một môi trường làm việc mà ở đó CBCC có đức, có tài được trọng dụng, được cất nhắc lên các vị trí quan trọng thì sẽ tạo được tâm lý muốn vươn lên, thực hiện các công việc đạt chất lượng cao hơn, hình thành tâm lý tự phấn đấu, hoàn thiện bản thân để được công nhận và sử dụng. Ngược lại, nếu một môi trường công tác không có sự cạnh tranh lành mạnh, nhân tài thực sự không được trọng dụng, dựa vào các mối quan hệ để thăng tiến thì sẽ không tạo được tâm lý muốn cống hiến của đội ngũ CBCC.
Chế độ chính sách đảm bảo lợi ích vật chất đối với đội ngũ CBCC bao gồm các chế độ, chính sách như: tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo
hiểm xã hội... Đây chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, cũng như là động lực, là điều kiện đảm bảo để họ phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực trong việc hoàn thành tốt công việc được giao. Khi các chế độ, chính sách đảm bảo lợi ích vật chất đối với đội ngũ cán bộ công chức được đảm bảo sẽ tạo nên những tiền đề và động lực. Chế độ, chính sách đảm bảo lợi ích vật chất vừa là điều kiện, vừa là động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong việc nâng cao trình độ.
* Các nhân tố chủ quan
Một là, thể chế quản lý cán bộ, công chức
Thể chế quản lý cán bộ, công chức nói chung và cán bộ công chức hành chính nói riêng bao gồm: Hệ thống luật pháp, các chính sách, chế độ liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và phát triển, đề bạt...Thể chế quản lý cán bộ, công chức còn bao gồm: Bộ máy tổ chức nhà nước và các quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức quản lý nhà nước, chi phối đến chất lượng và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Do đặc điểm của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là có tính thống nhất cao trong toàn bộ hệ thống, chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật hiện hành nên chất lượng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức chịu sự tác động và chi phối của thể chế quản lý đội ngũ này.Quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức về các mặt nhận thức tư tưởng,năng lực công tác, các mối quan hệ xã hội, đạo đức, lối sống...là các nội dung vô cùng khó khăn và phức tạp vì mỗi cán bộ công chức có tác phong, lề lối làm việc khác nhau. Nếu làm tốt công tác này thông qua các hình thức kiểm tra, giám sát của cơ quan, nhân dân, của chi bộ nơi cán bộ, công chức đang công tác, cư trú thì sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Hai là, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức
Quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức là dự báo hướng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức trong tương lai. Quy hoạch là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt, bổ nhiệm công chức. Do vậy, quy hoạch đội ngũ cán bộ công chức là một nội dung trọng yếu trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,công chức. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo nguồn cán bộ, công chức từ Trung ương tới
cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức
Tuyển dụng công chức là hình thức tuyển chọn người vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước hay nói cách khác là một hình thức bổ sung lực lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức. Hiện nay, việc tuyển dụng công chức bằng thi tuyển là hình thức phổ biến ở nước ta. Đó là hình thức tuyển dụng vừa đảm bảo các tiêu chuẩn của nền công vụ, vừa mang tính khách quan, đảm bảo sự công bằng trong tuyển chọn công chức và để tuyển chọn người tài, người có năng lực vào hệ thống cán bộ, công chức nhà nước. Tuyển dụng là khâu quan trọng quyết định tới chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức; nếu công tác tuyển dụng được thực hiện tốt sẽ tuyển được người thật sự có năng lực, phẩm chất tốt bổ sung cho lực lượng cán bộ, công chức, nếu không thì ngược lại.
Bốn là, công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức
Đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là nhằm sử dụng tối đa năng lực nguồn nhân lực hiện có, nâng cao tính hiệu quả của tổ chức thông qua việc giúp người cán bộ, công chức hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tự giác hơn, với thái độ tốt hơn cũng như nâng cao khả năng thích ứng của họ đối với công việc trong tương lai. Đào tạo, phát triển quyết định trực tiếp tới nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng trở nên cấp bách, được tiến hành một cách liên tục. Phải kịp thời đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, vừa có đạo đức, vừa có tài,mà đức là gốc; chú trọng đào tạo cả về chính trị lẫn chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công việc được giao.
Năm là, công tác đánh giá kết quả thực hiện công việc của cán bộ, công chức