Những phát hiện từ luận án này xác nhận quan điểm của quan điểm RBV, lập luận rằng doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực và năng lực để tạo ra LTCT nhằm tăng cường kết quả xuất khẩu. Từ luận điểm này, cơ chế can thiệp các yếu tố nội bộ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu trong thời gian tới.
Kinh nghiệm quốc tế
Kinh nghiệm quốc tế được xem là trải nghiệm đặc thù thị trường có giá trị bởi lẻ cho phép quản lý hiểu rõ hơn điều kiện địa phương và nhu cầu người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp dễ dàng thích nghi chiến lược. Quản lý nên cố gắng tích lũy càng nhiều kinh nghiệm quốc tế và kiến thức cụ thể càng tốt. Đó là kinh nghiệm cụ thể qua các chuyến thăm thường xuyên đến TTXK làm quen với các hoạt động nước ngoài và thực hiện nhiều chuyến công tác tới các quốc gia nơi doanh nghiệp dự định xuất khẩu. Hơn nữa, các nhà quản lý cần được khuyến khích loại hình đào tạo và kiến thức kinh nghiệm khi tham gia chương trình xúc tiến thương mại thông qua hội chợ thương mại quốc tế. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế được bồi dưỡng bằng cách hợp tác với doanh nghiệp có kinh nghiệm quốc tế khác để thâm nhập thị trường mới. Về mặt thực hành quản lý, các nhà quản lý nên tuyển dụng nhân viên có kinh nghiệm quốc tế, tổ chức các chương trình đào tạo về xu hướng thị trường toàn cầu của nhân viên hiện tại. Với kinh nghiệm quốc tế, doanh nghiệp sẽ có thể đạt được vị thế chiến lược toàn cầu mạnh mẽ hơn góp phần gia tăng kết quả xuất khẩu.
Cam kết xuất khẩu
Nghiên cứu xác nhận cam kết xuất khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thích nghi các thành phần chiến lược marketing xuất khẩu. Bởi lẻ khi triển khai lập kế hoạch và nghiên cứu thị trường, chiến lược marketing xuất khẩu có thể được thực thi và điều chỉnh dễ dàng. Thêm nữa, phân bổ chính xác các nguồn lực cần thiết cho xuất khẩu được xem là một yêu cầu cơ bản của việc điều chỉnh chiến lược marketing.
Cam kết xuất khẩu đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thành công xuất khẩu. Lý do bởi lẻ các nhà quản lý cam kết sẵn sàng dành nguồn lực đầy đủ cho việc lập kế hoạch và thực thi hoạt động. Do đó, doanh nghiệp nên đầu tư vào hoạt động xuất khẩu bằng cách phân bổ nhiều nguồn lực tài chính và phi tài chính cho dự án xuất khẩu. Việc cung cấp và phân bổ đủ nguồn lực cho hoạt động xuất khẩu cho phép lập kế hoạch thâm nhập TTXK tốt hơn và thực thi chiến lược marketing ở các thị trường riêng biệt.
Các nhà quản lý nên chú ý đến hiệu quả thực thi cam kết xuất khẩu phải là cam kết thực tế hoặc hành vi hơn là cam kết theo quan điểm. Cam kết xuất khẩu có thể đạt được thông qua một số quyết định như phát triển kế hoạch, phân bổ tài chính, lựa chọn quản lý kinh nghiệm, hoặc phát triển hệ thống thông tin. Do vậy, việc đề xuất các quyết định theo hướng tăng mức độ cam kết thực tế của doanh nghiệp sẽ làm tăng LTCT ở TTXK và sự hài lòng của nhà quản lý đối với kết quả xuất khẩu, nhằm đảm bảo sự tập trung liên tục vào kinh doanh quốc tế và góp phần tăng trưởng kết quả xuất khẩu doanh nghiệp. Tóm lại, cam kết xuất khẩu ảnh hưởng đến đánh giá tích cực của hoạt động này và kết quả xuất khẩu, củng cố các quyết định tương lai ở TTXK và sự phát triển của doanh nghiệp trong kinh doanh quốc tế.
Đặc điểm sản phẩm
Các đặc tính sản phẩm cho phép doanh nghiệp đạt được một loại lợi thế riêng biệt và gia tăng kết quả xuất khẩu. Các sản phẩm rau quả liên quan đến nhu cầu thiết yếu và vấn đề sức khoẻ con người. Mỗi một loại rau quả đều mang tính độc đáo đặc thù vốn có gắn kết với các đặc trưng văn hóa của vùng đất và địa phương. Vì thế, các doanh nghiệp nên xây dựng quy trình sáng tạo thúc đẩy sự hình thành tính độc đáo
của các sản phẩm, là một trong những cách thức đạt được thành công ở TTXK. Hơn nữa, đặc điểm sản phẩm có tác động đến chiến lược marketing xuất khẩu thích nghi.
Một sản phẩm độc đáo, đặc trưng về văn hóa hoặc là một sản phẩm có mức độ bảo vệ bằng sáng chế, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh sẽ có lợi thế khác biệt trên thị trường gợi ý doanh nghiệp triển khai chiến lược phù hợp khả thi và hiệu quả.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý tránh những thay đổi về trạng thái vật lý của sản phẩm độc đáo, cần xem xét lựa chọn phương pháp đóng gói, dán nhãn, công nghệ sau thu hoạch và phương pháp vận chuyển phù hợp. Tương tự, khi tham gia vào các TTXK đòi hỏi các quy định về sức khỏe, an toàn và kỹ thuật khác nhau, sản phẩm cần thực hiện các sửa đổi theo đúng các yêu cầu của TTXK.
Năng lực công nghệ
Năng lực công nghệ có những đặc thù riêng biệt khi xem xét các doanh nghiệp XKRQ. Sản phẩm XKRQ được phân thành 2 loại là rau quả tươi và rau quả chế biến.
Đối với các sản phẩm rau quả tươi, để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, vẫn giữ được trạng thái tươi sống và giảm hao hụt sau thu hoạch doanh nghiệp cần đầu tư cải tiến kỹ thuật và tăng hàm lượng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đối với các sản phẩm rau quả chế biến, để có những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ để có những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu TTXK. Công nghệ mới nên được ứng dụng để thâm nhập TTXK hoặc để phát triển các thị trường hiện có nhằm đạt được sự công nhận cho các sản phẩm được sản xuất với công nghệ tiên tiến. Công nghệ sản xuất và chế biến rau quả luôn thay đổi, do đó doanh nghiệp cần cập nhật liên tục nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường ngày càng cao.
Hiện nay, xu thế tiêu dùng của người dân trên thế giới đã có nhiều thay đổi trước bối cảnh dịch bệnh Covid, người dân đã đổi sang ưa chuộng các sản phẩm rau quả chế biến. Hơn nữa, rau quả chế biến còn có ưu thế được miễn trừ các hàng rào phi thuế quan. Do đó, các doanh nghiệp nên chuyển đổi và tăng cường xuất khẩu rau quả chế biến (Bộ Công Thương, 2020).