Các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 – Từ thực tiễn tỉnh Phú Yên (Trang 29 - 42)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẢM BẢO QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

1.2. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi trong tư pháp hình sự

1.2.3. Các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi

1.2.3.1. Khái quát chung về bị can, bị cáo

Trên tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013 và xuất phát từ việc Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS số 100/2015/QH13, BLTTHS số 101/2015/QH13;…; theo đó, trong giai đoạn hiện nay, cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, thì trong quá trình giải quyết VAHS, các cơ quan THTT phải đồng thời áp dụng quy định trong BLTTHS hiện hành (sau đây gọi tắt là BLTTHS 2003) và những quy định có lợi cho người bị buộc tội quy định trong BLTTHS năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLTTHS 2015).

Theo Điểm đ Điều 4 BLTTHS 2015 “người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” (khác với BLTTHS 2003 quy định người bị buộc tội chỉ có người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà không bao gồm người bị bắt). Có thể thấy người bị bắt, bị tạm giữ là đối tượng bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng BPNC và có nguy cao cơ trở thành bị can trong VAHS. Chính vì thế, việc tìm hiểu đối tượng người bị bắt, bị tạm giữ trong mối tương quan với đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là việc làm cần thiết và phải được đảm bảo. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về người bị bắt, bị tạm giữ:

Một là, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110 BTLLTHS 2015, Điều 81 BLTTHS 2003), người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang (Điều 111 BTLLTHS 2015, Điều 82 BLTTHS 2003) và người bị bắt theo quyết định truy nã (Điều 112 BTLLTHS 2015, Điều 83 BLTTHS 2003);

Hai là, người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và họ đã có quyết định tạm giữ (Điều 59 BTLLTHS 2015).

Như vậy, về nội dung, điều kiện để được bắt, giữ người hay tạm giữ trong BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015 về cơ bản là giống nhau, nhưng về bản chất đã có sự thay đổi lớn về nhận thức, đó là: BLTTHS 2003 quy định theo hướng “người bị tạm giữ là người bị bắt…” nhưng BLTTHS 2015 lại quy định rõ hơn theo trình tự logic thời gian, nghĩa là: “muốn tạm giữ người” phải “bắt hoặc giữ người”. Có thể thấy, khi một người bị bắt, giữ hay bị tạm giữ thì các quyền con người cơ bản của họ lúc này bị hạn chế, bởi họ bị các cơ quan THTT nghi ngờ hoặc có chứng cứ xác thực là họ đã thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội. Vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền, nhất là quyền bào chữa của người bị bắt, bị giữ, bị tạm giữ cần phải được đặt ra và đảm bảo.

Thứ hai, về bị can: được quy định tại Điều 49 Bộ luật TTHS 2003 và Điều 60 BLTTHS 2015: “Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự” bằng quyết định khởi tố bị can của Thủ trưởng CQĐT và có sự phê chuẩn của VKS hoặc bằng quyết định của Viện trưởng VKS. Kể từ thời điểm này, Nhà nước đã thể hiện sự buộc tội đối

với con người cụ thể, bị can là người chính thức bị truy cứu TNHS (bị buộc tội).

Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa bị can và người bị bắt, tạm giữ liên quan đến việc bảo đảm quyền con người của họ trong TTHS.

So với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can có mức độ tình nghi thực hiện tội phạm cao hơn, do vậy mức độ hạn chế quyền con người cùng cao hơn; thời hạn bị cách ly khỏi xã hội do bị tạm giam dài hơn; các biện pháp cưỡng chế TTHS, đặc biệt là BPNC có mức độ nghiêm khắc cao hơn (cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, kê biên tài sản); chế độ tạm giữ cũng như chế độ thăm nuôi của người nhà cũng chặt chẽ hơn.

Thứ ba, về bị cáo: theo điều 50 BLTTHS 2003, Điều 61 BLTTHS 2015 thì:

“bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử”. Cũng như bị can, bị cáo là người bị truy cứu TNHS nên địa vị pháp lý, tình trạng của bị cáo cơ bản giống như bị can nhưng mức độ tình nghi thực hiện tội phạm cao hơn. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng giữa bị cáo và bị can là bị cáo TGTT trong một cơ chế tố tụng hoàn chỉnh, với đầy đủ các cơ quan, người THTT với chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử; thực hiện các quyền tố tụng của mình trong phiên tòa công khai, dân chủ và bình đẳng. Điểm dễ nhân thấy là, so với bị can TGTT (nhất là hỏi cung) trong môi trường chỉ có người buộc tội (không nhiều trường hợp có người bào chữa, người chứng kiến), thì bị cáo TGTT trong phiên tòa công khai, không chỉ có mặt những người TGTT, mà còn có sự chứng kiến của công chúng và các cơ quan thông tin truyền thông. Trong quá trình xét xử, người THTT khó có khả năng sử dụng các biện pháp trái pháp luật, vi phạm quyền con người đối với bị cáo (như đe dọa bức cung, mớm cung, dùng nhục hình, mua chuộc nhận tội…); trong khi đó, đối với bị can thì tình trạng này dễ xảy ra hơn.

Từ những phân tích trên, có thế thấy người bị bắt, bị giữ, bị tạm giữ, bị can, bị cáo là những người bị cơ quan có thẩm quyền buộc tội. Như vậy, người bị buộc tội là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được các cơ quan THTT cho rằng đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được BLHS quy định là tội phạm nhưng chưa phải là người phạm tội.

1.2.3.2. Quy định của pháp luật nước ta về đảm bảo quyền bào chữa đối với người dưới 18 tuổi

Đảng và Nhà nước ta luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi, điều đó được thể hiện qua chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Điều này được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật TTHS Việt Nam, bao gồm: BLHS, BLTTHS, Luật TGPL, Luật Luật sư và một số văn bản quy phạm pháp luật ngành (như Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao) và liên ngành (như Thông tư liên tịch). Việc đảm bảo quyền bào chữa (nói chung) và quyền bào chữa đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi (nói riêng) trong pháp luật TTHS nước ta được biểu hiện ở 3 nội dung cơ bản: Một là, đảm bảo thông qua việc ghi nhận (thừa nhận) quyền bào chữa; Hai là, đảm bảo thông qua các quy định của BLTTHS;Ba là,đảm bảo thông qua trách nhiệm của cơ quan THTT. Cụ thể:

* Đảm bảo thông qua việc ghi nhận quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi

Về mặt nội dung, quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi nói riêng ở nước ta được ghi nhận ở hai cấp độ: Một là, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi là một đảm bảo Hiến pháp. Điều 31 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Hai là, quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 11 BLTTHS năm 2003: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ ngườikhác bào chữa”.

Về mặt quy phạm, quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi được quy định bởi Hiến pháp (quy định chung); ở khía cạnh áp dụng pháp luật, BLTTHS quy định các quyền và nghĩa vụ của CQĐT, VKS và Tòa án trong việc đảm bảo cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi thực hiện quyền bào chữa của mình, đồng thời tạo mọi điều kiện cho người bào chữa thực hiện tốt chức năng bào chữa.

Như vậy, quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi là một quyền mặc nhiên của người bị buộc tội, quyền này gồm quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa, hai quyền này song song với nhau (Điều 11), người bị buộc tội có thể đồng thời tự mình thực hiện việc bào chữa và nhờ người khác bào chữa.

* Đảm bo thông qua các quy định của BLTTHS năm 2003

Thứ nhất, quyền nhờ người khác bào chữa. Như trên đã phân tích, quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi có thể phát sinh theo ba cách: tự bào chữa, nhờ (lựa chọn) người khác bào chữa hoặc song song cả hai. Ở đây chúng tôi quan tâm đến quyền “lựa chọn” người khác bào chữa, bởi suy cho cùng đối tượng dưới 18 tuổi khó có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc tự bào chữa nên việc “nhờ” trên cơ sở lựa chọn người bào chữa – những người đã trưởng thành, có kiến thức pháp luật và được trang bị những kỹ năng cơ bản là cách thức hợp lý nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp người bị buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ không thể lựa chọn được người bào chữa thì pháp luật vẫn có cơ chế để quyền bào chữa được được thực hiện. Theo đó, Khoản 2 Điều 57 và Điều 305 BLTTHS quy định: trong trường hợp người người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì CQĐT, VKS hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Như vậy, nếu họ không thể tự mình mời (thuê) người bào chữa (vì điều kiện kinh tế hay sự thiếu hiểu biết về pháp luật) thì pháp luật đã “tạo cơ chế” để người bị buộc tội có người bào chữa bằng trách nhiệm của nhà nước đối với công dân của mình.Tất nhiên, đa số người bị buộc tội dưới 18 tuổi và người đại diện hợp pháp của họ đồng ý việc “cử”người bào chữa, trừ khi người bị buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối.

Bên cạnh đó, quy định về TGPL cũng là một quy định tiến bộ và mang tính nhân đạo sâu sắc nhằm bảo đảm quyền lợi của các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Theo đó, Khoản 3 Điều 10 Luật TGPL năm 2006 và khoản 4 Điều 9 TTLT số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-

BTP-BLĐTBXH hướng dẫn quy định của BLTTHS đối với người TGTT là người dưới 18 tuổi quy định: “thực hiện TGPL cho bị can, bị cáo là trẻ em không nơi nương tựa và có thể đề nghị TGPL cho bị can, bị cáo là NCTN khác”.

Thứ hai,các chủ thể là người bào chữa. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 BLTTHS, người bào chữa có thể là Luật sư, Bào chữa viên nhân dân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Về Bào chữa viên nhân dân, Khoản 3 Điều 57 BLTTHS quy định “Uỷ ban MTTQ ViệtNam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử Bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình”. Khác với quy định Bào chữa viên nhân dân trong giai đoạn những năm 50 của thế kỷ 20, tiêu chuẩn, cơ chế cử, hồ sơ thủ tục Bào chữa viên nhân dân hiện nay chưa được quy định rõvà số lượng bào chữa viên nhân dân hiện nay cũng rất ít.

Về người bào chữa là người đại diện của người bị buộc tội. Đây là quy định nhằm mở rộng diện người bào chữa. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về “người đại diện” trong TTHS nên gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng của các cơ quan THTT nên quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội không được đảm bảo.

Liên quan đến nội dung này, Điểm b Khoản 3 Điều 21 Luật TGPL năm 2006 đã quy định Trợ giúp viên pháp lý TGTT để bào chữa cho người bị buộc tội là đối tượng được TGPL (trong đó có người dưới 18 tuổi) với tư cách là “người đại diện”

hợp pháp. Việc TGPL trong trường hợp nàylà thể hiện chính sách nhân đạo và bảo đảm quyền bào chữa trong trường hợp người bị buộc tội hoặc thân nhân của họ không đủ điều kiện để trang trải chi phí tố tụng và dịch vụ pháp lý.

Về người bào chữa là Luật sư, được xem là chủ thể phổ biến nhất khi nhắc đến quyền bào chữa và là “địa chỉ” quen thuộc của người bị buộc tội. Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã quy định tương đối chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành Luật sư; giúp cho Luật sư trở thành một nghề; năng lực, trình độ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp dần được nâng cao.

Đây là tiền đề quan trọng để người bị buộc tội tiếp cận chủ thể quyền bào chữa.

Bên cạnh đó, Điều 58 BLTTHS cũng đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bào chữa tại Điều 58 làm cơ sở cho việc thực hiện và xử lý trách nhiệm khi người bào chữa thục hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, về thủ tục tố tụng, BLTTHS năm 2003 đã có sự quan tâm đặc biệt đối với đối tượng là người bị buộc tội dưới 18 tuổi khi dành 01 chương (Chương 32) thuộc Phần thứ bảy (Thủ tục đặc biệt) với 10 điều luật (từ Điều 301 đến 310) điều chỉnh. Với tính chất “đặc biệt” của mình, người bị buộc tội dưới 18 tuổivới sự

“nhạy cảm, dễ bị tổn thương” của tuổi mới lớn đã được BLTTHS quy định những trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ, mang tính đặc thù nhằm giúp các em tham gia và vượt qua quá trình tố tụng khắc nghiệt. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội (Điều 69 BLHS). Theo đó, người THTT (ĐTV, KSV, Thẩm phán) phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dưới 18 tuổi (Điều 302); phân hóa việc áp dụng các BPNC (bắt, tạm giữ tạm giam) theo độ tuổi và loại tội phạm thực hiện (Điều 303); đề cao việc giám sát đối với người dưới 18 tuổi (Điều 304); ghi nhận quyền bào chữa (tự bào chữa, được chọn người bào chữa, được cử người bào chữa); việc TGTT của gia đình, nhà trường, tổ chức khi lấy lời khai, hỏi cung, tham gia phiên tòa, tranh luận, khiếu nại (Điều 306).

* Đảm bảo thông qua các quy định có lợi đối với người bị buộc tội theo quy định của BLTTHS 2015

Hiện nay, đối với luật nội dung (BLHS), việc quy định áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người bị buộc tội thường xoay quanh việc áp dụng hay không áp dụng chính sách hình sự mới (hình sự hoặc phi hình sự hóa hành vi). Ngoài ra, chúng ta vẫn thường sử dụng “nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo” trong định tội danh, định khung hình phạt (đối với những quy định chưa rõ ràng về định lượng).

Tuy nhiên, đối với luật hình thức (luật TTHS) từ trước đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất. Nhóm quan điểm thứ nhất, cho rằng, những quy định có lợi

phải trực tiếp liên quan đến người bị buộc tội (như quy định thời hạn tạm giam, quyền bào chữa…);

Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, những quy định có lợi cho người bị buộc tội phải luôn bao gồm: quy định bảo vệ cho họ không bị xâm hại bởi các chủ thể THTT và các bảo đảm cho việc thực hiện thống nhất các quy định liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội trong thực tiễn. Do đó, các quy định này phải được xem xét từ phía các chủ thể: Người bị buộc tội (quyền) và từ phía những người THTT (trách nhiệm, nghĩa vụ).

Trên cơ sở Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội Khóa 13 về thi hành BLTTHS số 101/2015/QH13, Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, và cho rằng những quy định có lợi cho người bị buộc tội là những quy định mới hoặc được sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS 2015 mà việc áp dụng các quy định này nhằm đảm bảo quyền con người của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ quan và người THTT thực hiện tốt nhất chức năng và nhiệm vụ của mình.

Trong phạm vi của đề tài tác giả chỉ tập trung đề cập đến những quy định có lợi liên quan đến chế định người bào chữa của bị buộc tội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các quy định về quyền của người bị buộc tội, nhằm đảm bảo cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, các Điều 58, 59, 60 và 61 BLTTHS 2015 bổ sung cho người bị buộc tội một số quyền sau đây: (1) Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; (2) Đưa ra chứng cứ; (3) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền THTT kiểm tra, đánh giá; (4) Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (5) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; (6) Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này khi có yêu cầu; (7) Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người TGTT nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 – Từ thực tiễn tỉnh Phú Yên (Trang 29 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)