Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ ĐẢM BẢO QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
3.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ
3.2.2. Nâng cao vai trò của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong các vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội
Để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần triển khai Hiến pháp năm 2013 về thực thi quyền con người, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các Bộ luật, luật tố tụng, tương thích với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Đồng thời đáp ứng kịp thời yêu cầu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động TGPL, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền được TGPL của người bị buộc tội dưới 18 tuổi; kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập của Luật TGPL năm 2006, tác giả xây dụng một số kiến nghị theo hai nhóm chính: 1) những kiến nghị mang tính định hướng chung; 2) những kiến nghị mang tính cụ thể để sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật TGPL năm 2006. Cụ thể như sau:
* Những giải pháp mang tính định hướng chung
Một là, nâng cao hơn nữa trong việc nhận thức của người THTT, người bào chữa cộng tác viên đối với vai trò, ý nghĩa của hoạt động TGPL, Trung tâm TGPL nói chung và công tác TGPL đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Hai là, tăng cường công tác phối kết hợp giữa Trung tâm và các Chi nhánh TGPL với các cơ quan THTT nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên thực tế mà Luật TGPL năm 2006 và BLTTHS 2015 chưa tiên liệu được theo nguyên tắc nhân đạo: “ưu tiên bào vệ quyền và lợi ích chính đáng của các đối tượng yếu thế, người bị buộc tội”.
Ba là, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng người tham gia TGPL, đặc biệt là đối với những người đã kinh qua thời gian công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước.
Bốn là, tiếp tục và tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền Luật TGPL đến người dân nhằm cho họ biết mình có thuộc đối tượng được TGPL hay không. Mặt khác, tập trung tuyên truyền vào địa bàn có nhiều đối tượng thuộc diện được TGPL như trường học, các xã nghèo, xã bãi ngang ven biển, vùng miền múi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, Trung tâm TGPL phải thường xuyên cập nhật, thông báo danh sách, địa chỉ, số điện thoại của những người TGPL để các cơ quan THTT dễ liên lạc trong quá trình xử lý vụ việc. Đồng thời gửi danh sách này đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên, UBND cấp xã, phường, Sở, Phòng giáo dục đào tạo để họ biết và chủ động thông báo, cung cấp cho thành viên thuộc tổ chức mình liên hệ khi có nhu cầu.
Sáu là, đẩy mạnh việc tập huấn về chuyên môn cũng như kỹ năng TGPL nhằm bảo vệ quyền lợi người được trợ giúp có hiệu quả. Bộ Tư pháp chỉ đạo Học viện tư pháp phối hợp với các tỉnh mở các lớp đào tạo Luật sư, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL tại các tỉnh hoặc theo cụm (hai hay nhiều tỉnh có điều kiện địa lý gần nhau) với hình thức phù hợp (như học ban đêm, học vào các ngày thứ 7 và chủ nhật) nhằm thu hút đông đảo và tạo điều kiện tốt nhất cho người học trong việc sắp xếp công việc tại các Trung tâm.
* Một số giải pháp cụ thể đối với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh
Một là, tỉnh cần sớm xây dựng Đề án thành lập hệ thống Chi nhánh TGPL trên địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trước mắt cần ưu tiên
thành lập chi nhánh ở các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân) và các huyện có nhiều xã thuộc xã bãi ngang ven biên có trình độ dân trí thấp (Tuy An và Đông Hòa). Sau đó tiếp tục thành lập chi nhánh ở các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh.
Hai là, UBND tỉnh cần bố trí biên chế Trợ giúp viên pháp lý tại các Chi nhánh TGPL theo hướng có một số công chức thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện sẽ kiêm nhiệm chức danh Trợ giúp viên pháp lý hoạt động kiêm nhiệm (nhằm giảm áp lực tăng biên chế) cùng với một số viên chức hoạt động chuyên trách tại trung tâm.
Số lượng biên chế được cơ cấu phù hợp với số dân và số vụ việc TGPL trên địa bàn.
Ba là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho Trung tâm và các Chi nhánh TGPL nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần bố trí 01 xe ôtô phục vụ cho hoạt động TGPL lưu động tại địa bàn các xã miền núi, có điều kiện giao thông đi lại khó khăn.
Đồng thời UBND tỉnh cần quan tâm phân bổ thêm kinh phí hoạt động cho trung tâm và các chi nhánh, trong đó chú ý tăng mức hỗ trợ (thù lao) cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư công tác viên trực tiếp ham gia bào chữa cho bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi nhằm động viên, khuyến khích họ chủ động, tích cực tham gia bào chữa; đồng thời thu hút các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia TGPL.
Bốn là, Trung Tâm TGPL nhà nước tỉnh và các Chi nhánh cần tăng cường các hoạt động “hướng về cơ sở”, nghĩa là, tập trung các hoạt động TGPL (tư vấn pháp luật, tham gia bào chữa) về địa bàn các xã nghèo, vùng núi, vùng sâu, xã bãi ngang ven biển (nơi có nhu cầu về TGPL lớn) nhằm nâng cao sự hiểu biết và các tiện ích của người dân về hoạt động TGPL, góp phần quảng bá chức năng, hình ảnh của hoạt động TGPL và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể tiếp cận nhanh chóng hoạt động GPPL.
Năm là, thành lập các Câu lạc bộ TGPL nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TGPL. Theo đó, thành viên của Câu lạc bộ là những người có am hiểu về pháp luật trên các lĩnh vực, có thể là công chức đã về hưu hoặc công chức đang
công tác trong các cơ quan pháp luật hoặc đội ngũ Luật sư. Trong đó, hoạt động của Câu lạc bộ cần chú trọng đến hoạt động TGPL lưu động tại địa bàn cấp xã, vì đây là nơi có nhu cầu về TGPL cao nhất. Đồng thời trong hoạt động TGPL cần có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm và các Chi nhánh để tạo tính thống nhất trong hoạt động TGPL, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu sự phối hợp về công tác tổ chức trong hoạt động TGPL.