Nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư, người bào chữa trong việc đảm bảo quyền bào chữa đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 – Từ thực tiễn tỉnh Phú Yên (Trang 94 - 97)

Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ ĐẢM BẢO QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

3.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ

3.2.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư, người bào chữa trong việc đảm bảo quyền bào chữa đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi

Việc đảm bảo quyền bào chữa thông qua Luật sư là một xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nghề Luật sư trong thời gian tới như:

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 22/02/2006 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Luật sư, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 và Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13/8/2012 của Bộ Tư pháp về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020. Từ đó, tác giả kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) theo hướng gắn với cải cách cơ quan tố tụng, quy trình tố tụng; nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư trong xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề luật sư, củng cố vị thế và phát huy vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư, tạo nền tảng pháp lý để phát triển đội ngũ Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư chuyên nghiệp, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Hai là, nâng cao năng lực đào tạo Cử nhân luật, chất lượng đào tạo nghề Luật sư, chất lượng tập sự hành nghề Luật sư theo Chương trình chuẩn quốc gia về

đào tạo nghề Luật sư theo hướng tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đào tạo nghề nghiệp phải gắn với phẩm chất chính trị và các chuẩn mực đạo đức, lấy mục tiêu bảo vệ công lý, vì con người và sự công bằng làm tiêu chí trọng tâm trong hành nghề Luật sư. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng bào chữa đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi, trong đó tập trung bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về tâm lý học trẻ em nói chung và tâm lý học tư pháp đối với trẻ em nói riêng.

Ba là, nâng mức thù lao đối với Luật sư chỉ định bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội được quy định tại Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 12/12/2014 nhằm khuyến khích và thu hút đội ngũ Luật sư tích cực, chủ động tham gia bào chữa trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới, cụ thể: mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của Luật sư bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội do cơ quan THTT yêu cầu là 0,5 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (so với mức 0,4 lần như hiện nay)

Bốn là, bổ sung nội dung về nghĩa vụ của Luật sư tại khoản 2 Điều 21 của Luật Luật sư, theo đó: Luậtsư phải tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng mà pháp luật cho phép đối với các vụ án họ bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội, kể cả bào chữa theo chi định do các cơ quan THTT yêu cầu.

Ngoài ra, Phú Yên là một tỉnh đang có bước chuyển mình để phát triển, nhiều dự án đầu tư và các khu công nghiệp được mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; ý thức pháp luật của người dân bước đầu đã có sự chuyển biến, trong đó có việc nhận thức rõ hơn vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó có quyền bào chữa. Vì vậy, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng đội ngũ Luật sư của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu pháp lý của người dân như sau:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về Luật sư và hành nghề Luật sư, nâng cao năng lực bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ

tư pháp thực hiện công tác quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư, trong đó chú trọng công tác quản lý của Sở Tư pháp; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức Luật sư; tiếp tục tăng cường hợp tác có hiệu quả giữa các Luật sư, Văn phòng Luật sư, Trung tâm TGPL và các cơ quan THTT 2 cấp tỉnh và huyện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của Luật sư theo quy định pháp luật.

Hai là, UBND tỉnh và UBND các huyện cần có các chính sách hỗ trợ trong việc thành lập các Văn phòng Luật sư, Chi nhánh Văn phòng Luật sư ở địa bàn các huyện vùng nông thôn, vùng có điều kiện kính tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về thủ tục và nghĩa vụ tài chính như:

thành lập doanh nghiệp, xây dựng trụ sở, thuế, sử dụng đất nhằm khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để Luật sư được tiếp cận với người dân, qua đó góp phần đảm bảo việc tiếp cận quyền bào chữa của người dân, đặc biệt là người bị buộc tội dưới 18 tuổi và người thân thích của họ. Đồng thời thu hút được đội ngũ Luật sư các tỉnh và sinh viên Luật tham gia vào các Văn phòng Luật sư hay đăng ký thành lập mới các Văn phòng Luật sư.

Ba là, Đoàn Luật sư tỉnh cần chủ động đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hoặc chủ động mời các chuyên gia đầu ngành, các Luật sư có uy tín và trình độ cao về địa phương để trao đổi, học tập kinh nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, ký năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, cần nghiên cứu để ban hành Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư tỉnh, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các cơ quan THTT cấp tỉnh (Công an, VKS, Tòa án) trong việc “chỉ định Luật sư bào chữa” do Trung tâm TGPL chủ trì soạn thảo. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong từng giai đoạn tố tụng nhằm đảm bảo quyền bào chữa cho bị can, bị cáo là nội dung trọng tâm của quy chế.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 – Từ thực tiễn tỉnh Phú Yên (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)