Chương 2. BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG PHÁP LUẬT NHÀ LÊ THẾ KỶ XV - NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN THAM KHẢO HIỆN NAY
2.2. Bảo vệ quyền sở hữu thông qua các quy định của pháp luật hình sự
2.2.1. Các tội xâm phạm quyền sở hữu nhà nước, sở hữu làng xã
Tội xâm phạm quyền sở hữu không được quy định thành chương độc lập, tùy theo đối tượng tác động mà được quy định tại các chương khác nhau của BLHĐ. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào mục đích và tính chất hành vi có thể chia thành ba nhóm sau:
Thứ nhất, tội phạm vì mục đích vụ lợi và mang tính chất chiếm đoạt.
Chiếm đoạt ruộng đất, xuất phát từ vai trò của ruộng đất trong nền kinh tế nông nghiệp mà những vấn đề liên quan đến ruộng đất, trong đó có hành vi xâm phạm và chế tài được quy định trong chương Điền sản. BLHĐ không đưa ra khái niệm “chiếm đoạt” nhưng trong nhiều điều luật thuật ngữ này được sử dụng như: chiếm ruộng đất công quá số hạn định (Điều 342), chiếm đã lâu ruộng đất không nằm trong sổ ruộng công nay khai gian là của mình (Điều 353). Thông qua hai điều luật này, có thể hiểu chiếm đoạt là việc cố ý dịch chuyển trái phép tài sản của nhà nước thành của mình, biến của công thành của tư, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước. Ngoài ra, các hành vi như: bán ruộng đất công cấp cho, giấu ruộng đất công nhằm trốn thuế, hết hạn cày cấy ruộng đất công mà không chịu trả cho nhà nước (Điều 343, 345, 346) đều có cùng tính chất với hai hành vi nêu trên. Hình phạt áp dụng cho tội chiếm đoạt ruộng đất khá đa dạng: nhẹ thì bị trượng, biếm; nặng thì lưu châu gần, xa, thậm chí bị chém nếu bán ruộng đất cho người nước ngoài.
Trộm cắp tài sản, trộm cắp tài sản của nhà nước được quy định ngay sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người trong chương Đạo tặc, qua đó thấy được tính chất nguy hiểm của tội phạm này. BLHĐ không khái quát những đối tượng thuộc về tài sản, nên hành vi trộm cắp được quy định theo
34
đối tượng cụ thể như: lấy trộm ấn và đồ ngự dụng của vua, lấy trộm đồ trong cung, trộm quân khí, trộm lương thực, trộm những đồ trong lăng miếu, trộm tượng thần (Điều 430, 434, 262, 270, 431, 432). Hình phạt áp dụng cho tội phạm này rất nghiêm khắc, nhẹ thì xử gấp hai lần tội ăn trộm thường, nặng thì bị chém. Không những thế, một số tội còn bị buộc bồi thường gấp ba lần số tang vật hoặc tịch thu toàn bộ tài sản của kẻ phạm tội. Bên cạnh đó, hành vi trộm thuyền bè, bắt trộm cá ở đầm, gà, heo, lúa của công cũng bị xử theo tội ăn trộm nhưng hình phạt nhẹ bằng tội ăn trộm thường (Điều 444, 445, 446).
Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, các hành vi trên không bị giới hạn về mặt chủ thể, tức bất kỳ một ai dù già hay trẻ, trai hay gái mà có hành vi dịch chuyển trái phép tài sản của nhà nước đều được coi là tội phạm. Ngoài ra, đối với quan lại (chủ thể đặc biệt) dựa vào chức vụ để chiếm đoạt tài sản của nhà nước thì được gọi là lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Điều 327 quy định: “Quan dân không theo quy chế ruộng đất mà lạm dụng thì xử biếm hay đồ” hay các dạng hành vi như: quan có trách nhiệm thu thuế nhưng thu không đúng quy định; làm sai sổ thuế nhằm thêm bớt hao của công; quan ăn bớt xén tiền phục vụ quân lính, tiền thâu, đồ vật phải thâu mà để qua kỳ hạn không thâu; người có trách nhiệm giữ kho mà ăn trộm (Điều 351, 257, 368, 372, 578). Hình phạt áp dụng cho các tội phạm này bao gồm: trượng, biếm, đồ ngoài ra còn buộc bồi thường một phần hay gấp đôi tài sản của nhà nước bị thất thoát.
Thứ hai, nhóm tội không mang tính chất chiếm đoạt.
Chiếm giữ trái phép tài sản, Điều 602 quy định: “Lượm được đồ rớt hay bỏ sót của công, quá 5 ngày không đem nộp quan thì xử biếm một tư, lượm đồ đạc quan trọng mà để lâu không đem nộp quan thì xử thêm tội” hay hành vi tình cờ nhặt được của ngon vật lạ lẽ ra phải dâng lên vua mà không dâng (Điều 644). Nếu tài sản ở các tội chiếm đoạt đang thuộc sự quản lý một chủ thể nhất định, thì tài sản ở đây không rõ ai là người quản lí hoặc đã thoát khỏi sự chiếm giữ của người quản lý bằng việc đánh rơi hay bỏ sót. Hành vi ngẫu nhiên tìm thấy được tài sản bản thân nó không vi phạm pháp luật nhưng sau khi tìm thấy được tài sản công, người này tự ý giữ, từ chối trả hoặc có hành vi định đoạt tài sản đó như đem bán, tặng cho thì được xem là hành vi trái pháp luật với dấu hiệu chiếm giữ trái phép tài sản của nhà nước.
Sử dụng trái phép tài sản, Điều 224 quy định: “Các quan coi việc chuyên chở vật công mà chở xen lẫn đồ vật riêng của mình để buôn bán thì xử tội đồ”; hay Điều 558 quy định: “Quan giám lân hay chủ thủ đem của công (súc vật cũng vậy), để mình
35
vay hay cho kẻ khác vay thì người cho vay, kẻ vay không có giấy tờ đều bị xử như tội ăn trộm. Nếu cho chính mình mượn hay kẻ khác mượn đều xử nhẹ hơn tội trên hai bậc”. Mặc dù lấy của công để dùng riêng hay cho người khác vay lấy lãi đều xử như tội ăn trộm, nhưng người viết cho rằng bản chất hành vi của hai điều luật nêu trên cơ bản là giống nhau. Quan lại chỉ vì mục đích vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định nhằm khai thác hưởng hoa lợi, nó chưa ảnh hưởng đến quyền định đoạt của nhà nước.
Thứ ba, nhóm tội phạm không vì mục đích vụ lợi.
Hủy hoại tài sản của nhà nước, bất kỳ người nào dù có thù hằn bất mãn với nhà nước hay không, mà có hành vi hủy hoại hay làm hư hỏng tài sản của nhà nước đều bị trừng phạt nặng. Hành vi này thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và bằng nhiều cách thức khác nhau như: đập phá, đốt cháy, dùng thuốc nổ làm cho tài sản bị phá hỏng, không có khả năng khôi phục. Theo đó, Điều 559 BLHĐ quy định: “Phá hư miếu thờ các đế vương đời trước thì xử đồ làm chủng điền binh. Phá hủy bia chí, thú bằng đá thì xử nhẹ hơn một bậc tội, phá hư đền thờ hay bia các danh thần thì bị đánh 70 trưởng, biếm ba tư” hay phá hủy gò, đàn đại tế thì xử đồ làm khao đinh (Điều 598); đập bỏ đền thờ linh thánh vốn có từ đời trước xử biếm hay đồ (Điều 600); phá hủy tông miếu, sơn lăng và cung khuyết vua được xếp vào nhóm thập ác với hình phạt tử (Điều 2).
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, đây là hành vi vừa xâm phạm đến quyền sở hữu - là mặt cơ bản - lại vừa là tội phạm chức vụ, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý tài sản. Theo đó, khi đang hành quân quan coi việc vận tải mà làm mất lương thực, quân khí thì phải đền (Điều 270); những người có trách nhiệm coi vũ khí thấy thiếu mà không tu sửa thì biếm hai tư (Điều 267); người thủ kho không bảo quản tài sản đúng cách làm hư hỏng xử biếm hay đồ (Điều 559); quan lộ, huyện, xã không coi ngó của công (hoa, trái, ruộng đất, ao đầm) dẫn đến hư hao thì xử biếm, bồi thường (Điều 367); quan lại được phép sử dụng tài sản của nhà nước để thực hiện việc công nhưng hoang phí như xuất ra dùng lạm hay bỏ dư nhiều cũng bị xử biếm (Điều 560).
Về mặt chủ thể, nếu hành vi phá hủy tài sản có thể được thực hiện với bất kỳ người nào, thì hành vi này được thực hiện bởi những người có quyền hạn nhất định, được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý tài sản. Về mặt chủ quan, phá hủy tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, còn hành vi này được thực hiện với lỗi vô ý. Do đó, hình phạt dành cho tội này thường nhẹ hơn các tội vì vụ lợi mà chiếm đoạt hay vì cố ý phá hủy tài sản của nhà nước.
36
2.2.2. Tội xâm phạm quyền sở hữu người dân
Cũng căn cứ vào tính chất và mục đích hành vi, tội xâm phạm quyền sở hữu của người dân được chia thành 3 nhóm sau:
Thứ nhất, các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.
Chiếm đoạt ruộng đất, nhà nước ưu tiên tạo điều kiện để giai cấp địa chủ phát triển kinh tế và trừng phạt người có địa vị thấp chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp này như: nô tì mà đi bán trộm ruộng đất của chủ thì đánh 90 trượng, xâm vào mặt 6 chữ, lưu đày đi châu gần (Điều 386); tá điền cày cấy ruộng nhờ của kẻ khác mà trở mặt nói là của mình thì bị 60 trượng, biếm hai tư (Điều 356). Tuy nhiên, giai cấp này luôn dựa vào vị thế của mình để cướp đoạt ruộng đất của nông dân nghèo, đẩy họ bước vào đường cùng phải bán cả con cái, làm cho xã hội hỗn loạn. Để ngăn chặn tình trạng trên, BLHĐ xử lý nghiêm khắc các hành vi sau: nhà quyền thế chiếm đoạt ruộng đất, tài sản của lương dân từ một mẫu trở lên bị xử phạt, quan tam phẩm trở xuống thì xử thêm hai bậc tội (Điều 370); gia nô của công hầu cậy thế chiếm ruộng đất của kẻ khác xử tội đồ (Điều 336). Qua những quy định này, một mặt buộc các tầng lớp, giai cấp khác nhau dù là quan hay dân, đều phải tuân theo phép nước, một mặt pháp luật thể hiện thái độ bênh vực quyền lợi của lương dân trước những thế lực nắm trong tay sức mạnh kinh tế.
Ăn cướp - cướp tài sản, Điều 426 quy định: “Những kẻ cướp thường (ban đêm cầm khí giới giết người lấy của) thủ phạm xử chém, tòng phạm xử giảo, đền tang vật lấy cướp, điền sản bị sung công”; Điều 429: “Ăn trộm có cầm khí giới thì xử tội ăn cướp và có giết người thì xử giết người”; Điều 428: “Ăn cướp mà còn hiếp dân thì chém bêu đầu”. Thông qua các quy định này, BLHĐ mô tả hành vi cướp là “cầm khí giới giết người lấy của”, tức dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không có khả năng chống cự, làm tê liệt ý chí nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi cướp, ức hiếp, giết người đi song song cùng nhau, do đó nó không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Với tính chất đặc biệt nguy hiểm, hành vi này bị áp dụng chế tài rất nghiêm khắc như bị chém hoặc chém bêu đầu. Bất kỳ một ai, dù đang ở đồng bằng hay biên ải, dù quan lại hay dân thường mà thực hiện hành vi này đều bị trừng trị. Theo đó, cấm người Man Liêu39 cướp, giết lẫn nhau hoặc cấm những người này ở các trấn cướp bóc của dân chúng dọc biên giới, khi phạm tội bị xử như tội cướp nhưng nhẹ hơn một bậc (Điều 250, 451).
39 Là những người dân tộc thiểu số như Mán, Mường, Thái, Thổ…
37
Trộm cắp tài sản, BLHĐ quy định tội trộm cắp tùy theo đối tượng tác động, nhân thân người bị hại hoặc theo hoàn cảnh thực hiện tội phạm. Trộm cắp được quan niệm là “hành vi lấy tài sản của người khác mà không dùng vũ lực”40, vậy nên nội hàm của nó được hiểu rất rộng, có khả năng bao quát được những hành vi có tính chất chiếm đoạt khác. Theo đó, trộm cắp tài sản được thực hiện dưới các dạng hành vi sau:
Một là, những hành vi được xem là tội trộm thường. Theo đó, trộm cắp được hiểu là “ban đêm kẻ trộm lẻn vào nhà người ta, thấy cửa không đóng mà vào không phải là đào ngạch, khoét vách, đày đi châu xa”41 cùng với đó Điều 429 BLHĐ quy định: “Mới phạm tội ăn trộm lần đầu thì xử lưu đi châu xa”. Các nhà làm luật đã ghi nhận hành vi “lẻn” vào nhà người khác lấy cắp tài sản được coi là trộm, người phạm tội đã có ý thức che dấu hành vi với chủ sở hữu. Cách hiểu này khá sát với cách hiểu của khoa học pháp lý hiện đại, theo đó trộm cắp là “lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý”42. Những hành vi được xem là trộm thường bao gồm: ban ngày vào ăn cắp vặt (Điều 429); ăn cắp ban đêm, bà con ở chung một nhà mà ăn trộm của nhau (Điều 439); đầy tớ ăn trộm đồ của chủ (Điều 441); trộm ngựa, thuyền bè hay bắt trộm gà, heo, lúa, mè (Điều 444, 445). Hình phạt cho những hành vi này thường là lưu châu xa, tức đày đi làm việc ở các xứ Cao Bằng hoặc nhẹ hơn thì bị biếm hay đồ.
Hai là, hành vi trộm cắp được thực hiện dựa vào hoàn cảnh thực tế hay nhân thân người bị hại, Điều 435 quy định: “Những kẻ thừa cơ khi có trộm, cướp, cháy mà vơ vét tiền của người ta ... hạng này đều xử theo tội ăn trộm thường, được giảm một bậc. Trấn lột quần áo, đồ đạc của trẻ em, của kẻ khùng điên, của người say rượu thì xử đồ và phải đền gấp đôi”. Hành vi này được thực hiện một cách công khai, chiếm đoạt trước sự chứng kiến của chủ sở hữu mà không cần dùng bất kỳ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần hay làm tê liệt khả năng chống cự, nó thể hiện tính chất trắng trợn, công nhiên chiếm đoạt và công nhiên rời khỏi đó. BLHS 1999 kế thừa những giả định trên và ghi nhận với tên gọi độc lập là công nhiêm chiếm đoạt tài sản ở Điều 137.
Ba là, hành vi “cướp giựt tiền giữa ban ngày” (Điều 435), tức lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu, kẻ phạm tội nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng lẩn tránh. BLHĐ không nói thêm gì về tội này nhưng qua từ “cướp giựt” các nhà làm luật đã ít nhiều cho chúng ta thấy được hành vi này thực hiện một cách công khai, không lén lút.
Người giữ tài sản có khả năng chống trả, do đó kẻ phạm tội nhanh chóng tẩu thoát, đây là đặc điểm để phân biệt với công nhiên chiếm đoạt tài sản. Mặc dù cả hai hành vi đều
40 Hoàng Văn Hùng (2006), “Báo cáo tội trộm cắp tài sản trong Bộ Luật Hồng Đức”, Luật học, (05), tr.36.
41 Thiên Nam Dư Hạ Tập, Quang Thuận năm thứ 5 (1464).
42 Từ điển Luật học (1999), sđd, tr.815.
38
thực hiện công khai, nhưng kẻ cướp giật sau khi chiếm đoạt tài sản đã nhanh chóng trốn thoát vì chúng biết rằng người bị hại có khả năng kháng cự. BLHĐ cũng phân biệt giữa hành vi cướp giật và cướp, cướp giật không đi liền với hành vi dùng vũ khí để trói, chém, đánh xâm phạm đến tính mạng người bị hại, có chăng chỉ dùng đến sức mạnh để giật, giành lấy tài sản. Pháp luật hiện đại xem hành vi này cấu thành một tội phạm độc lập với tên gọi cướp giật trong Điều 136 BLHS 1999.
Bốn là, Điều 436 quy định: “Dọa nạt người để lấy tiền của thì xử theo tội trộm, giảm một bậc cho dù dọa nạt không đủ sợ nhưng cũng có người kinh hãi nên phải đem của tiền. Chưa lấy được của tiền thì bị đánh 60 trượng, biếm hai tư”. Kẻ phạm tội đã dùng các cách thức khác nhau, như đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần làm người khác hoảng sợ phải giao tài sản. Tuy nhiên, uy hiếp vũ lực chỉ mang tính chất đe dọa, nếu người bị hại không giao tài sản, kẻ phạm tội chưa chắc đã dùng vũ lực. Đây là đặc điểm để phân biệt với tội cướp mà BLHĐ ghi nhận, sự đe dọa ở tội cướp mang tính ngay tức khắc, kẻ phạm tội sẽ không chần chừ chém, giết nếu họ không được giao tài sản. Với tính chất và hành vi này BLHS năm 1999 quy định thành tội danh độc lập với tên gọi cưỡng đoạt tài sản tại Điều 135.
Lừa đạo chiếm đoạt tài sản, kẻ phạm tội chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa ra những thông tin không đúng sự thật, như lời nói hoặc giả danh người có chức vụ quyền hạn, làm cho người bị hại tin những thông tin đó là thật, nên đã tự nguyện giao tài sản.
Theo đó, Điều 531 quy định: “Những kẻ giả trá xưng là phụng chỉ nhà vua để bắt người lấy tiền hay đồ vật, thì xử tội lưu châu gần”; dùng ấn giả của vua, của quan đóng vào sổ sách đem cho người khác mượn nhằm lấy tiền hay đồ vật; dùng kế lừa dối các quan ty để lấy tiền của đều bị xử lý nghiêm khắc (Điều 517, 551).
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bằng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn, kẻ phạm tội không trả lại tài sản được chủ sở hữu giao trên cơ sở văn ước cho mượn, vay hoặc thuê tài sản. Theo đó, Điều 603 quy định: “Đồng ý cho mướn thuyền rồi mà cố cãi không có, thì xử biếm một tư, phải đền tiền mướn gấp hai”. Ngoài ra, những hành vi cùng tính chất như: mắc nợ quá hạn không chịu trả mà bỏ trốn; quan mắc nợ không trả nổi mà lại giấu tài sản thì bị đánh 80 trượng, chủ sở hữu nếu tìm ra tài sản giấu thì được phép thanh lý lấy đủ số nợ (Điều 590, 592).
Thứ hai, các tội không có tính chất chiếm đoạt.
Chiếm giữ trái phép tài sản, Điều 586 quy định: “Bắt được trâu ngựa hay thuyền trôi lạc, không trình quan đóng dấu chứng nhận và yết bảng cho ai ấy biết mà giữ hay nuôi thì xử biếm …. Nếu giữ không cho chuộc thì bị đánh 80 trượng, nói láo là