Chương 2. BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG PHÁP LUẬT NHÀ LÊ THẾ KỶ XV - NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN THAM KHẢO HIỆN NAY
2.2. Bảo vệ quyền sở hữu thông qua các quy định của pháp luật hình sự
2.2.3. Trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền sở hữu
Kochk’jan.S.Ph từng nói: “Tội phạm không đi liền với trách nhiệm hình sự và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chẳng khác gì điều ác bị lên án và bị xét xử nhưng vẫn chiến thắng”43. Hệ thống hình phạt của tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHĐ tương ứng với mức độ nguy hiểm hành vi, mang tính hà khắc vì không chỉ tước bỏ một số quyền kinh tế mà còn tước đoạt mạng sống của con người. Bên cạnh mục đích chính là trả thù, hình phạt đối với tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHĐ còn mang ý nghĩa khôi phục lại quyền lợi vật chất cho người bị hại và răn đe những kẻ có âm mưu hay những kẻ có lập trường không vững vàng, dễ bị người khác lôi kéo phạm tội. Nghiên cứu hệ thống hình phạt đối với nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHĐ, có thể rút ra một số đặc trưng sau đây:
Thứ nhất, căn cứ vào mức độ lỗi để áp dụng hình phạt. Theo đó Điều 47 quy định: “Những người phạm tội, tuy tên gọi tội giống nhau, nhưng phải phân biệt sự phạm tội vì lầm lỡ hay cố ý, phải xét tội nặng nhẹ mà thêm bớt, không nên câu nệ để hợp với ý nghĩa của việc xét xử hình án. Tha người lầm lỡ không kể tội nặng, bắt tội người cố ý không kể tội nhẹ”. Cố ý là trường hợp kẻ phạm tội nhận biết được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng mong muốn được thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra. Trong ba nhóm tội mà người viết phân tích ở trên, nhóm tội được thực hiện dưới lỗi cố ý bao gồm: các tội có mục đích vụ lợi mang tính chất chiếm đoạt, có mục đích vụ lợi nhưng không mang tính chất chiếm đoạt và tội phá hủy tài sản. Lỗi vô ý được BLHĐ ghi nhận là vì lầm lỡ, sơ suất tức dù nhận thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng kẻ phạm tội tin tưởng rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc sẽ được ngăn chặn trước. Hành vi được thực hiện với lỗi vô ý gồm: thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản của nhà nước và vô ý gây thiệt hại tài sản của người dân. Hình phạt cho tội cố ý đa dạng và khá nặng như: đồ, lưu hay có thể bị chém đối với các tội ăn cướp, trộm mà còn giết người. Ngược lại hình phạt đối với lỗi vô ý tương đối nhẹ như: biếm, trượng hay đem bêu rếu trước công chúng.
Thứ hai, căn cứ tính chất quan trọng của đối tượng bảo vệ. Xuất phát từ đẳng cấp của các chủ sở hữu trong nền kinh tế mà mặc dù có những hành vi có cùng tính chất và mục đích nhưng hình phạt được áp dụng khác nhau. Theo đó, tội trộm cắp tài
43 Hồ Sỹ Sơn (2010), “Bàn về khái niệm, bản chất, nội dung và giới hạn của trách nhiệm hình sự”, Nhà nước và pháp luật, (06), tr.43.
41
sản của người dân hình phạt thông thường là lưu châu gần. Nhưng nếu ăn trộm tài sản của nhà nước như trộm đồ trong lăng miếu, trộm đồ ngự dụng thì được xếp vào nhóm thập ác với tên gọi đại bất kính, bị tử hình và không được áp dụng biện pháp giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt (Khoản 6 Điều 2). Hay trường hợp ăn trộm đồ đạc của sứ thần ngoại quốc cũng xử nặng hơn một bậc so với ăn trộm thường, đền bồi gấp ba lần (Điều 438); người có địa vị thấp hơn như đầy tớ mà ăn trộm của chủ nhà khi xử cũng nặng hơn một bậc so với trộm thường (Điều 441). Tương tự đối với tội hủy hoại tài sản người dân, hình phạt nặng nhất được áp dụng là lưu nhưng nếu hủy hoại tài sản của nhà nước như phá hủy tông miếu, lăng tẩm và cung điện nhà vua cũng xếp vào thập ác với hình phạt tử hình và không chiếu cố theo luật (Khoản 2 Điều 2).
Thứ ba, hình phạt được áp dụng trong trường hợp đồng phạm. BLHĐ đã sử dụng chế định đồng phạm để nói về quy mô tội phạm được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Theo đó, Điều 454 quy định: “Những kẻ cùng mưu với nhau đi ăn cướp, nhưng khi đi lại không đi, người đi lấy được của về chia nhau, mà kẻ đồng mưu ở nhà cũng lấy phần chia (trộm cũng vậy); nếu không lấy phần chia thì xử lưu châu gần. Trước kia vẫn từng đi ăn cướp, mà khi ấy không đi, dù không lấy phần cũng xử như tội đi ăn cướp”. Những người này đều có trách nhiệm và vai trò như nhau, do đó mà hình phạt cũng áp dụng tương tự nhau.
Ngoài ra Điều 35 quy định: “Nhiều người cùng phạm vào một tội, thì lấy người khởi xướng làm đầu, người a tòng giảm một bậc”. Những kẻ phạm tội đã có sự câu kết chặt chẽ, phân công trách nhiệm với nhau, trong đó có người tổ chức và người thực hành. Người tổ chức là kẻ chủ mưu, vạch kế hoạch, lôi kéo người phạm tội, điều khiển hành động của những kẻ khác. Vì tính nguy hiểm của kẻ người cầm đầu mà hình phạt được áp dụng nặng hơn một bậc so với người thực hành.
Bên cạnh đó, Điều 456 quy định: “Nếu chủ giấu và nhận đồ vật chúng ăn cướp hay ăn trộm thì xử đồng tội” hay trường hợp người quản giám dân Man Liêu mà dung túng để chúng ngang tàng cướp bóc, nhằm lấy tiền thì xử đồng tội (Điều 452). Trường hợp này xuất hiện vai trò của người giúp sức, BLHĐ không nói rõ giữa người che giấu, dung túng và kẻ phạm tội có hứa hẹn với nhau hay không. Tuy nhiên, căn cứ vào hình phạt áp dụng với các tội che dấu tội phạm (Điều 249, 455) thì tội này nhẹ hơn một bậc so với tội cướp, trộm còn trong hợp này hình phạt được áp dụng ngang bằng với kẻ phạm tội. Vậy nên, người viết cho rằng các nhà làm luật thừa nhận giữa kẻ phạm tội và người cất giấu, dung túng đã có sự bàn bạc trước. Người cất giấu này đóng vai trò là người giúp sức, tức hứa hẹn sẽ giấu giếm hay tẩu thoát tang vật phạm tội.
42
Thứ tư, hình phạt áp dụng căn cứ vào số lần thực hiện tội phạm. BLHĐ phân hóa trách nhiệm hình sự bằng nhân thân kẻ phạm tội. Nếu thực hiện hành vi phạm tội lần đầu thì áp dụng mức phạt thông thường, nhưng thực hiện lần thứ hai hoặc nhiều hơn hai, đã có tiếng thì mức phạt nặng hơn. Theo đó, Điều 429 quy định: “Kẻ ăn trộm mới phạm lần đầu, thì phải đi lưu đi châu xa. Kẻ trộm đã có tiếng và kẻ trộm tái phạm, thì phải chém”. Ngoài ra, tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHĐ có cấu thành hình thức, do đó nếu thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần nhưng không chiếm đoạt được hoặc chiếm đoạt rất ít thì vẫn được xem là tái phạm. Đây là điều khác biệt giữa BLHĐ và BLHS hiện nay, vì ngoại trừ cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, các tội xâm phạm quyền sở hữu còn lại đều có cấu thành vật chất. Tội phạm hoàn thành khi kẻ phạm tội chiếm đoạt được một số lượng tài sản nhất định, nếu ít hơn số lượng tài sản đó mà không có tình tiết tăng nặng khác thì chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính hay kỷ luật.
Thứ năm, hình phạt áp dụng cho người che dấu và không tố giác tội phạm.
Che dấu tội phạm là việc biết rõ một người thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã tìm địa điểm cho kẻ này ẩn náu, giúp đỡ bỏ trốn hay thay đổi hình dạng để tránh sự truy nã của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này được thực hiện sau khi kẻ phạm tội ăn trộm, cướp và giữa hai người này không có sự hứa hẹn trước, nếu có hứa hẹn trước là đồng phạm. Theo đó, Điều 429 quy định: “Những kẻ chứa chấp kẻ ăn trộm thì đều xử nhẹ hơn một bậc và bắt bồi thường một phần ba tang vật”. Quan lại, người có địa vị xã hội mà che giấu thì hình phạt nặng hơn dân thường, Điều 455 quy định: “Những vương công nhà thế phiệt mà chấp chứa trộm cướp trong trang, coi đó là nơi ẩn núp, thì bị phạt 500 quan tiền và tịch thu hết trang trại”. Không những che dấu người mà che dấu tang vật cũng bị coi là có tội, theo đó Điều 460 quy định: “Những kẻ nhận tài vật của kẻ ăn trộm, thay đổi hình dáng rồi đem bán, thì xử nhẹ hơn tội ăn trộm một bậc”.
Nếu ở che dấu tội phạm người phạm tội đã thực hiện một hành vi mà pháp luật cấm, còn không tố giác tội phạm là một người không làm một việc mà có nghĩa vụ làm và có thể làm được. Tức biết rõ tội phạm được thực hiện nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền biết về tội phạm được thực hiện, nhưng không phát giác. Theo đó, biết kẻ ăn trộm ăn cướp mà không tố giác thì xử tội ăn trộm, ăn cướp nhưng nhẹ hơn hai bậc (Điều 429); cha mẹ biết con đi ăn trộm đã báo quan nhưng vẫn để con ở trong nhà thì cũng bị tội như chưa báo quan (Điều 457);
“Đầy tớ nhà nào đi ăn trộm nhưng chủ không tố cáo cho quan biết thì xử biếm 5 tư, ăn cướp thì xử biếm 5 tư và bãi chức. Nếu chủ không có chức quan thì xử đồ làm chung điền binh” (Điều 456). Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người không tố
43
giác tội phạm đều bị coi là có tội, theo đó Điều 504 cấm người hàng dưới tố cáo người hàng trên như: con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ; con cháu tố cáo bậc tôn trưởng; vợ tố cáo chồng; nô tì tố cáo chủ, nếu vi phạm xử tội đồ hay lưu châu xa. Ngoại lệ này không áp dụng với tội mưu mô phá hủy tông miếu, sơn lăng và cung vua. Có ý kiến cho rằng, sự ngoại lệ mà BLHĐ đặt cho thấy pháp luật đã “coi trọng quyền lợi của gia đình lớn hơn quyền lợi của xã hội và muốn đề cao sự tôn trọng của đạo hiếu”44.
Thông qua hệ thống hình phạt và những đặc trưng của nó trong BLHĐ, cho thấy hình phạt là công cụ hữu hiệu nhất đem lại kết quả như mong muốn nhất để trừng trị kẻ phạm tội. Những kẻ dù trực tiếp hay gián tiếp, dù cố ý hay vô ý mà xâm phạm quyền sở hữu của nhà nước hay của người dân đều phải chịu trách nhiệm hình sự.