Chương 2. BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG PHÁP LUẬT NHÀ LÊ THẾ KỶ XV - NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN THAM KHẢO HIỆN NAY
2.4. Bảo vệ quyền sở hữu thông qua các quy định của pháp luật tố tụng
Để đảm bảo tính chính xác và trách nhiệm khai báo, pháp luật yêu cầu người khởi kiện phải là người trực tiếp cho rằng quyền sở hữu của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt vì trật tự xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước hoặc của người khác mà những người bắt được kẻ phạm tội quả tang, tội phạm truy nã, thân nhân người bị hại hay dân thường được khởi kiện thay. Theo đó, Đoạn 4, Lệ kiện tụng về trộm cướp, QTKTĐL quy định: “Người nào quả cảm gắng sức tự mình bắt trộm cướp và thăm dò được kẻ nào trộm cướp hoặc có lệnh tróc nã mà cố trốn thì cho bên trong báo với quan đề lĩnh, bên ngoài báo với quan trấn thủ”. Trường hợp này mặc dù tài sản của mình không bị thất thoát, hư hại nhưng vì trật tự xã hội mà pháp luật cho phép người bắt quả tang hoặc bắt được tội phạm đang bị truy nã thì được báo lên quan. Bên cạnh đó, để chống lại nạn chiếm đoạt ruộng đất lập thành trang trại của bọn cường hào, địa chủ, pháp luật khuyến khích nhân dân trong xã ai phát hiện được
52 Đoạn 1, Lệ kiện tụng về ức hiếp, Quốc Triều Khám Tụng Điều Lệ.
59
thì báo cáo lên Hiến ty. Ngoài ra, những người thân thích (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, em) của nạn nhân đã chết trong vụ trộm, cướp cũng được phép báo lên quan để đòi bồi thường thiệt hại về người lẫn tài sản cho người đã chết.
Quyền khởi kiện đóng vai trò làm tiền đề để thực hiện các giai đoạn sau của quá trình tố tụng, nếu bị xâm phạm mà không khai báo thì nhà nước và pháp luật cũng khó có thể phát hiện và bảo vệ. Nhằm tiếp nhận và thủ lý đơn khởi kiện kịp thời, vua Lê Thánh Tông đã xây dựng hệ thống các cơ quan tố tụng theo từng loại việc và lãnh thổ trong phạm vi cả nước.
Thứ hai, điều kiện của đơn khởi kiện. Trách nhiệm xét xử thuộc về cơ quan tố tụng, nhưng không phải bất kỳ một vụ tranh chấp, đấu đá nào cũng được xét xử. Vậy nên, để đơn khỏi kiện được tiếp nhận và xử lý, bản thân nó phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Một là, hình thức đơn khởi kiện phải đúng với quy định của pháp luật, theo đó Điều 508 BLHĐ quy định: “Tố cáo tội người, thì phải ghi năm tháng và trình bày sự thực không được nói là việc còn ngờ (nói về việc không đáng tin cũng vậy); trái luật thì xử phạt 80 trưởng, quan nhận những đơn trái lệ này, mà đem ra xét xử, thì bị phạt tiền 30 quan”. Trong trường hợp biết chữ thì cho phép tự viết lấy đơn khởi kiện, nếu không biết chữ phải nhờ lý trưởng viết thay (Điều 366).
Hai là, đơn khởi kiện phải đáp ứng được tính chất vụ kiện, theo đó Đoạn 2, Lệ kiện tụng về ruộng đất, QTKTĐL quy định: “Các việc kiện tụng về ruộng đất, phải cáo việc từ sau 5 năm mới được nhận khám xét. Ngoài hạn ấy mới ra cáo, phải dừng lại.
Người thuê ruộng đất đã có thời hạn thì không câu nệ”. Luật đặt ra thời hạn này nhằm cho phép các bên tự giải quyết với nhau, nếu không giải quyết được trong thời gian đó mới được báo quan để xét xử, tránh trường hợp gây áp lực cho cơ quan tố tụng. Nếu kiện về sự ức hiếp chỉ rõ tên thì “danh tước người đó phải rõ ràng đầy đủ mới được nhận đơn rồi buộc nguyên đơn đến bắt đích danh bị cáo để tra hỏi xác thực. Nếu lấy việc ức hiếp nói bừa, không biết rõ họ tên chức quan của người quyền quý thì không được nhận khám”53. Nếu vụ kiện tụng về hợp đồng vay, thì điều kiện phải có hành vi người vay nợ kéo dài quá kỳ hạn không chịu trả hoặc có trả nhưng không đủ (Đoạn 1, Lệ kiện tụng tiền nợ, QTKTĐL).
Ba là, tùy theo nơi ở và tính chất vụ việc mà người nộp đơn khởi kiện phải nộp đúng cơ quan có thẩm quyền xét xử được phân theo lãnh thổ và loại việc. Ngoài ra, một vụ kiện mà chưa xét xử lần nào thì không được kiện vượt cấp, theo đó, Đoạn 20
53 Đoạn 1, Lệ kiện tụng sự ức hiếp, Quốc Triều Khám Tụng Điều Lệ.
60
Thông lệ về khám tụng, QTKTĐL quy định: “Các việc kiện tụng chưa kinh qua lần khám nào mà đã dẫn giải khiếu nại vượt cấp, khiếu nại lần cuối thì các nha môn đều không được nhận khám”, yêu cầu này buộc người khởi kiện nộp đúng cấp xét xử.
Thứ ba, trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử. Khi một đơn khởi kiện, tố cáo đáp ứng được các điều kiện nêu trên, thì cơ quan xét xử phải tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án trong thời hạn pháp luật quy định. Điều 671 BLHĐ và QTKTĐL ghi nhận, nếu vụ án tranh chấp đất mà trên 3 sào hoặc trộm cướp thì xét xử trong vòng 3 tháng, nếu dưới 3 sào chỉ được xét xử trong vòng 2 tháng. Nếu vì lười biếng, ăn hối lộ mà quan lại kéo dài thời hạn trên thì bị xử lý nghiêm khắc. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn xét xử là ngày ghi trong đơn khởi kiện. Bên cạnh đó, các nhà làm luật đã thừa nhận nguyên tắc “xét án phải theo tờ cáo trạng mà xét, nếu ngoài cáo trạng mà tìm tội khác để buộc tội thì xử là cố ý gắn tội cho người” (Điều 671 BLHĐ), quan lại không được vì thù oán với người có tội mà xét xử thêm những việc không có trong đơn khởi kiện, tránh tiêu tốn thời gian và tiền bạc của nhà nước.
QTKTĐL trừng phạt nghiêm khắc những hành vi xét xử không công tâm, sách nhiễu dẫn đến người khởi kiện kháng cáo lên cơ quan xét xử cấp trên. Theo đó, “Đã luận án xong mà đến nỗi người phát đơn kiện xin xét lại, thì phạt 40 quan tiền quý, văn án bằng tịch thu lưu lại đưa cho quan chịu trách nhiệm khám xét để khám hành, 3 án trở lên thì bị biếm chức”54. BLHĐ cũng xây dựng các chế tài phù hợp từ nhẹ đến nặng như: trượng, biếm, bãi chức, đồ hoặc trường hợp quan lại vì tư lợi mà bênh vực nhà quyền thế hay đã có tên nhà quyền thế trong bản cáo trạng mà thiên vị che chở tránh tội thì bị xét xử như kẻ phạm tội ấy nhưng nhẹ hơn hai bậc hoặc tăng thêm một bậc (Điều 674).
Mặc dù trách nhiệm xét xử thuộc về cơ quan xét xử, nhưng để khích lệ các quan trong quá trình xét xử, pháp luật yêu cầu hai bên phải nộp một khoản tiền nhất định, tiền nộp của bên thua kiện gọi là tiền đảm, bên thắng kiện nộp tiền tạ “hai bên như nhau, đều nộp tiền tả đảm, mỗi bên một nửa”55. Số tiền này cũng không được phép tùy tiện thu, pháp luật quy định từng mức thu cụ thể căn cứ vào cấp xét xử, cơ quan xét xử và phẩm trật của quan xét xử. Ngoài số tiền này ra không được phép thu thêm, nếu thu bị xử lý tùy theo tính chất.
Thứ tư, quyền kháng cáo bản án của cơ quan xét xử. Điều 672 BLHĐ quy định: “Nếu quan xã xử không đúng lí thì cáo lên quan huyện, nếu quan huyện xử không
54 Đoạn 6, Lệ kiện tụng ức hiếp - Đoạn 7, Lệ kiện tụng trộm cướp, Quốc Triều Khám Tụng Điều Lệ.
55 Đoạn 1, Lệ tiền tạ đảm, Quốc Triều khám Tụng Điều Lệ.
61
đúng thì thưa lên quan lộ; nếu quan lộ xử không đúng thì mới lên kinh tâu bày” hay quy định cụ thể liên quan đến tranh chấp tài sản như: “Nếu tranh ruộng về ruộng đất, tiền nợ, tiền tô không phải là tạp tụng chỉ cho cáo tại quan huyện, phúc thẩm tại quan phủ, rồi phúc thẩm tại thừa ty. Nếu còn chưa phục tùng thì mới phúc thẩm ở ngự sử đài. Nếu có tình tiết thiệt hại, chưa được giải bày rõ ràng mới cho làm đầy đủ tờ khai, cung kết phúc kêu ở chánh đường”56. Với việc chia cấp này cho phép người khởi kiện được kháng cáo bản án của cơ quan xét xử cấp dưới mà cho rằng bản án không khách quan, xác đáng, quyền và lợi ích hợp pháp chưa được bảo vệ.
Pháp luật nhà Lê ghi nhận quyền kháng cáo lần hai, quyền này không được pháp luật hiện đại thừa nhận. Đây là nét đặc sắc thể hiện rõ tư tưởng lấy dân làm gốc trong đường lối cai trị, nó đã thực sự quan tâm đến đời sống của nhân dân nói chung cũng như người khởi kiện, người kháng cáo nói riêng. Không những vậy, trong quá trình xét xử mà người khởi kiện cho rằng các quan khám xét không theo quy định của pháp luật, thường xuyên tệ nhũng, hách dịch thì cho phép khiếu nại, tố cáo những hành vi này tại cơ quan có thẩm quyền (Đoạn 1, Lệ về người kiện tụng khiếu nại khám quan, QTKTĐL).
Thứ năm, bảo vệ tài sản trong quá trình xét xử và thi hành án. Để bảo vệ sự toàn vẹn của tài sản đang có tranh chấp, pháp luật cấm các bên thực hiện các hành vi chuyển dịch trái phép tài sản đó. Theo đó, Điều 360 BLHĐ quy định: “Đang còn thưa kiện về ruộng đất mà đánh người để gặt lúa thì bị phạt 60 trượng, biếm hai tư, phải trả phần lúa gấp đôi cho người kia” hoặc đang trong quá trình xét xử, một bên thấy được khả năng thua kiện liền đem đất đó bán cho kẻ quyền quý thế gia, nhờ đó để hiếp đoạt thì cũng bị trừng trị nghiêm khắc (Đoạn 4, Lệ kiện tụng về ruộng đất, QTKTĐL). Các biện pháp này được áp dụng theo tinh thần phong tỏa tài sản, là một hình thức của biện pháp khẩn cấp tạm thời mà pháp luật hiện đại sử dụng nhằm đảm bảo cho việc thi hành án sau này.
Khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, các bên trong vụ án buộc phải có nghĩa vụ thi hành, theo đó Điều 19 HĐTCT quy định: “Ruộng đất đã xử trả lại cho bên thắng kiện, mà bên thua kiện lại kiếm cớ cậy đông anh em, tranh chiếm ẩu đả thì cho phép trình báo để trị tội theo pháp luật”. Hay Điều 694 BLHĐ quy định: “Xử án, có trường hợp bắt bồi thường, tịch thu, sung công nhưng ngục quan không bắt bồi thường hay không tịch thu thì bị kết tội giấu giếm, nhưng được giảm hai bậc tội”. Hay Đoạn 5, Lệ kiện tụng trộm cướp, QTKTĐL quy định: “Những kẻ làm nghề trộm cướp
56 Đoạn 1, Thông lệ về khám tụng, Quốc Triều khám Tụng Điều Lệ.
62
đã qua luận xét tróc nã và thu tiền bồi thường, tiền chuộc mà do sợ tội phải ẩn cư thì các quan đại thần văn võ cùng mọi người không được nuôi chứa”. Bằng các quy định của các văn bản pháp luật khác nhau, pháp luật nhà Lê cấm bất kỳ người nào từ kẻ phạm tội, quan lại hay dân thường che giấu, tẩu tán tài sản phải thi hành án. Nếu cậy đông ức hiếp, trốn tránh nghĩa vụ hay giấu giếm tài sản buộc thi hành thì bị khởi tố những hành vi đó.
Như vậy, các quy định của pháp luật tố tụng đã hướng dẫn cách thức và quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu khi tài sản của họ bị thiệt hại bởi các hành vi trái pháp luật. “Đây là lĩnh vực được chú trọng, phát triển và đạt nhiều thành tựu trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ thế kỷ XV – XVIII, nó là một di sản quý báu và đặc sắc trong kho tàng lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam”57.