Bảo vệ quyền sở hữu trong các giao dịch dân sự

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật nhà lê (thế kỷ xv) (Trang 43 - 47)

Chương 2. BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG PHÁP LUẬT NHÀ LÊ THẾ KỶ XV - NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN THAM KHẢO HIỆN NAY

2.3. Bảo vệ quyền sở hữu thông qua các quy định của pháp luật dân sự

2.3.1. Bảo vệ quyền sở hữu trong các giao dịch dân sự

Để có thể tồn tại và phát triển, các chủ thể trong xã hội phải tham gia vào các giao dịch nhất định thông qua việc trao đổi, dịch chuyển các lợi ích do mình tạo ra và nhận lại những lợi ích vật chất từ các chủ thể khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình. Hiểu một cách thông thường, giao dịch dân sự là việc thông qua hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Mặc dù BLHĐ không có một điều khoản minh thị nào quy định điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, nhưng căn cứ vào các điều luật mang tính chất cấm đoán trong việc mua bán và các mẫu khế ước trong QTTKTT, có thể thấy không phải bất kỳ ai, bất kỳ sự trao đổi nào cũng được pháp luật thừa nhận. Do đó, để một giao dịch dân sự có hiệu lực phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, người xác lập giao dịch phải có năng lực chủ thể.

Một nguyên tắc bất di bất dịch mà pháp luật cổ đại hay pháp luật hiện đại ghi nhận trong giao dịch dân sự, đó là chỉ có chủ sở hữu mới có quyền thiết lập các giao dịch về tài sản của mình cho người khác, chủ sở hữu ở đây được hiểu gồm những người được chủ sở hữu giao quyền. BLHĐ nghiêm cấm các hành vi không phải chủ sở hữu mà thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đó, Điều 382 quy định: “Bán trộm ruộng đất của người ta thì bị xử biếm” hay “nô tì mà đi bán trộm ruộng đất của chủ thì bị đánh 90 trưởng và xâm vào mặt 6 chữ, lưu đày đi châu gần” (Điều 386). Ngoài ra, những người có quyền quản lý tạm thời như mẹ quản lý di sản cho con khi cha chết hay trưởng họ quản lý di sản cho cháu khi ông bà, cha mẹ chết thì không được tự mình

44 Đỗ Đức Hồng Hà (2005), “Một số giá trị về nội dung của Bộ luật Hồng Đức”, Nhà nước và Pháp luật, (06), tr.31.

44

đem bán tài sản tiêu dùng riêng, nếu vi phạm bị đánh bằng trượng hoặc biếm và buộc hoàn trả di sản đó (Điều 377, 378).

Bên cạnh đó, để tham gia vào giao dịch dân sự thì hai bên chủ thể đều phải có năng lực nhất định, năng lực này tùy thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia hay mỗi thời kỳ. BLDS 2005 thừa nhận cá nhân đủ năng lực dân sự tức đủ 18 tuổi, không bị tâm thần hoặc các trường hợp khác mà không có khả năng nhận thức, được quyền tự mình xác lập các giao dịch như mua bán, tặng cho tài sản. Ngoài ra, những cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có tài sản riêng cũng được phép thực hiện các giao dịch giản đơn, phục vụ nhu cầu riêng. Còn dưới nhà nước phong kiến thời Lê, BLHĐ không cho phép con cái còn ở với cha mẹ mà tự mình thực hiện các giao dịch dân sự, cho dù có khả năng độc lập tạo ra tài sản. Nếu vi phạm thì con trai bị đánh 60 trượng, biếm hai tư, con gái đánh 50 roi, biếm một tư, phải trả đủ tiền cho người mua và trả điền sản lại cho cha mẹ (Điều 292, 378).

Thứ hai, các bên hoàn toàn tự nguyện trong việc giao kết.

Tự nguyện thuộc yếu tố chủ quan được bày tỏ ra bên ngoài của hai bên tham gia giao dịch, qua đó cho thấy họ có muốn tham gia hay không, được tự nguyện thỏa thuận các nội dung liên quan mà không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hay không. Pháp luật hiện đại lấy nguyên tắc “tự nguyện - thỏa thuận” làm xương sống của giao dịch dân sự, pháp luật nhà Lê cũng thừa nhận nguyên tắc này. Trước hết các mẫu hợp đồng trong QTTTKT xuất hiện các cụm từ “hai bên tự nguyện”, “sau khi đã bàn bạc” (mẫu số 6, 18) kết thúc sự thỏa thuận này phải có chữ ký hoặc điểm chỉ cam kết của hai bên.

Bên cạnh đó, BLHĐ đặt ra các chế tài với các hành vi cưỡng bức, đe dọa khi giao dịch dân sự. Theo đó, nếu ức hiếp để mua ruộng đất của kẻ khác, những người làm việc trong nhà bếp của vua hoặc người bếp các nhà quyền quý mà ra chợ ức hiếp lấy không hay mua rẻ hàng hóa; các quan cai quản dân và nhà quyền thế đòi mượn của cải, đồ đạc của dân trong hạt thì bị biếm hai tư, xử tội đồ, xử tội làm công pháp luật và phải trả lại mọi thứ cho chủ sở hữu (Điều 355, 577, 638). Không chỉ ức hiếp, đe dọa mà những giao dịch được thực hiện trên cơ sở lừa dối cũng không có hiệu lực như:

người chồng sau mà giả mạo họ tên con của người chồng trước để bán di sản của chúng thì bị đánh 60 trượng, biếm hai tư (Điều 377); mua bán không đúng cân thước, thăng đấu nhằm ăn bớt thì biếm hoặc đồ (Điều 187).

Hầu hết đối tượng mà BLHĐ hướng đến là những người có quyền thế, dựa vào thế lực núp bóng dưới hình thức mua bán, nhưng thực chất là cướp đoạt tài sản của người thấp kém, yếu thế trong xã hội. Quy định này không những góp phần ổn định trật

45

tự xã hội mà còn có tính nhân văn sâu sắc, vua Lê Thánh Tông đã quan tâm bảo vệ nông dân, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất trước bọn cường hào địa chủ.

Thứ ba, nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Khi tiến hành xác lập các giao dịch dân sự, các bên đều mong muốn đạt được những lợi ích vật chất nhất định. Để đạt được mục đích đó, pháp luật cho phép các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, sự thỏa thuận này không được trái pháp luật về chủ thể, đối tượng và nội dung giao dịch.

Trước hết về chủ thể, vua Lê Thánh Tông là người tha thiết với chủ quyền quốc gia, ông đã từng nói: “Một thước núi, một tấc đất của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ để lại, làm mồi cho giặc thì người đó sẽ bị trừng trị”45. Bảo vệ chủ quyền không những bằng đường lối quân sự, mà bằng cả những quy định của pháp luật, theo đó “Ai bán ruộng đất nơi biên cương cho người nước ngoài thì bị chém” (Điều 73). Những vật phẩm quý hiếm hay đặc biệt quan trọng, bảm đảm cuộc sống của nhân dân trong cả nước cũng không được phép đưa ra giao dịch với người nước ngoài. Hình phạt chém là chế tài nghiêm khắc được áp dụng nếu bán voi ngựa, binh khí, thuốc có thể chế hỏa pháp cho người nước ngoài (Điều 74, 75); bán muối thì bị lưu châu xa (Điều 76). Như vậy, người nước ngoài không phải là chủ thể của quan hệ mua bán đối với các loại tài sản trên.

Thứ hai về đối tượng, không phải mọi loại tài sản đều được phép trao đổi mua bán. Điều 203 quy định: “Những ai chế tạo đồ đạc trong cung vua mà đem ra mua bán thì cả hai đều bị tội đồ. Nếu việc nặng thì buộc thêm tội”, hay “Ai bán ruộng đất công cấp cho, hay ruộng đất khẩu phần thì bị phạt 60 trượng, biếm hai tư, truy tiền bán ruộng và ruộng cho vào quốc khố” (Điều 342). Như vậy, đồ ngự dụng, ruộng công hay quân khí, quân nhu không phải là đối tượng được phép sở hữu hoặc đưa ra giao dịch.

Ngoài ra, những vật dụng thông thường nhưng không đúng chất lượng như làm vải lụa ngắn, khổ hẹp cũng không được phép đưa ra mua bán, nếu vi phạm thì bị đánh, biếm, hàng hóa đó bị sung công (Điều 191). Các quy định này không những bảo vệ tài sản của nhà nước mà còn xây dựng các quan hệ mua bán được diễn ra minh bạch, tránh sự lừa gạt.

Thứ ba về nội dung, các bên không được phép thỏa thuận các quyền và nghĩa thuộc vào điếu cấm của pháp luật. Theo đó, Điều 587 quy định: “Cho vay nợ hay cầm đồ đạc mỗi tháng được ăn lời là 15 tiền kẽm mỗi quan. Dù lâu năm không được tính quá một gốc lời, trái luật thì biếm hai tư, mất tiền lời. Nếu tính vào gốc lời rồi bắt làm

45 Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, tr.162.

46

văn tự khác thì xử tội nặng thêm một bậc”. Thực chất, quy định này nhằm hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con khiến người vay không có khả năng chi trả, dẫn tới mất hết tài sản, bần cùng hóa.

Thứ tư, hình thức của hợp đồng phải đúng quy định của pháp luật.

Hình thức hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài nội dung của hợp đồng; là tổng hợp cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của hai bên, ghi nhận nội dung hợp đồng. Hình thức của hợp đồng thường được thể hiện bằng lời nói (khẩu ước) hay bằng văn bản (văn khế, văn ước). QTTKTT quy định các giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị như ruộng đất, nhà cửa, thuyền, trâu, ngựa đều buộc phải lập bằng văn bản. Còn những giao dịch mua bán hàng hóa thông thường như lương thực, gia cầm hay các vật dụng khác thì cho phép các bên tự thỏa thuận với nhau về hình thức.

Để xác lập hợp đồng bằng văn bản, BLHĐ quy định nếu hai bên trong quan hệ hợp đồng biết chữ thì cho phép cùng nhau thỏa thuận và cùng nhau thiết lập mà không cần thiết có sự chứng kiến của người khác. Ngược lại, nếu không biết chữ thì phải nhờ quan trưởng viết và nhờ người chứng kiến. Quan trưởng ở đây không nhất thiết phải là lý trưởng hay xã trưởng mà có thể là những người lớn tuổi nhưng vẫn minh mẫn, có kiến thức nhất định, có chức sắc, địa vị trong làng, như tôn trưởng hoặc những người danh giá trong dòng họ. Nếu vi phạm thì hợp đồng không những vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các bên không phát sinh mà còn phải chịu hình phạt như đánh 80 trưởng, phạt tiền tùy theo mức độ (Điều 366).

Nhằm đảm bảo sự minh bạch của những người được quyền viết và chứng kiến, pháp luật ràng buộc chế tài cho họ. Theo đó, Điều 534 quy định: “Những kẻ làm chúc thư, văn tự giả mạo và đổi văn tự cầm làm văn tự bán đứt thì người chủ và người viết thay đều phải tội đồ làm tượng phường binh; người làm chứng xử biếm hai tư. Nếu giả mạo mà còn tranh chấp tài sản, thì người chủ và người viết thay phải bồi thường gấp đôi số tài sản tranh chấp, người làm chứng phải bồi thường một phần ba”. Hình phạt biếm, đồ và buộc bồi thường thiệt hại là chế tài được áp dụng khi người viết thay hay người chứng kiến không khách quan, tư lợi riêng. Pháp luật ở giai đoạn này không buộc hợp đồng phải công chứng, chứng thực nên sau khi hai bên đã thỏa thuận và xác nhận bằng chữ ký hoặc điểm chỉ thì hợp đồng có hiệu lực.

Như vậy, nếu trong giao dịch dân sự mà các bên vi phạm một trong những điều kiện nêu trên thì giao dịch đó không có giá trị pháp lý, không ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên. Văn bản pháp luật thời kỳ này đã dùng thuật ngữ “trả lại tài sản” hay

“trả lại tiền mua” để nói về hậu quả pháp lý của giao dịch không có hiệu lực, nó được

47

hiểu khá sát với thuật ngữ “vô hiệu” mà pháp luật hiện đại ghi nhận. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chế định hợp đồng ở thời kỳ này là xuất phát từ những nguyên tắc, điều kiện nền tảng trên. Hiện nay, về cơ bản BLDS năm 2005 kế thừa và phát triển các điều kiện xác lập hợp đồng này.

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật nhà lê (thế kỷ xv) (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)