Bảo vệ quyền sở hữu của người thừa kế

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật nhà lê (thế kỷ xv) (Trang 53 - 58)

Chương 2. BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG PHÁP LUẬT NHÀ LÊ THẾ KỶ XV - NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN THAM KHẢO HIỆN NAY

2.3. Bảo vệ quyền sở hữu thông qua các quy định của pháp luật dân sự

2.3.3. Bảo vệ quyền sở hữu của người thừa kế

Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của người dân được BLHĐ ghi nhận trong chương Điền sản, việc ghi nhận và bảo vệ quyền lợi của người thừa kế có ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, ghi nhận quyền thừa kế tạo ra chế định pháp lý khuyến khích các hoạt động lao động, sản xuất góp phần phát triển xã hội.

Nếu giả sử phải đối mặt với viễn cảnh giao trả các tài sản của mình cho nhà nước sau khi chết, chủ sở hữu sẽ không có lợi ích để chăm sóc tài sản ấy, giống như một người chỉ có quyền hưởng hoa lợi trọn đời, chủ sở hữu khi đó sẽ lười đầu tư nhưng lại tiêu dùng một cách tham lam49.

Ngoài ra, bảo vệ quyền thừa kế buộc con cái phải làm theo phép tắc mà cha mẹ hoặc pháp luật đặt ra, nó góp phần duy trì sự trường tồn của một gia tộc. Pháp luật tạo cơ chế để trấn áp sự phản kháng và loại bỏ cá nhân riêng rẽ muốn tranh giành di sản của người thừa kế khác, vi phạm chữ hiếu, danh dự của gia đình, dòng họ. BLHĐ bảo vệ quyền lợi của người thừa kế thông qua những khía cạnh sau:

Thứ nhất, điều kiện xác lập tư cách hưởng thừa kế.

Điều kiện trước hết là người thừa kế phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế, bởi mục đích trước hết của việc để lại thừa kế là tạo ra khả năng xác lập quyền sở hữu cho người còn sống nhằm phục vụ các nhu cầu ăn, mặc, ở… của mình. Do đó, thừa kế sẽ trở nên vô nghĩa khi di sản được truyền từ một người chết này sang một người chết khác. BLHĐ mặc nhiên thừa nhận điều kiện này, theo đó Điều 388 quy định: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh chị em tự chia nhau thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau”. Như vậy, pháp luật công nhận con cái những người còn sống tại thời điểm

49 Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về thừa kế trong luật Dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.13.

54

mở thừa kế mà không kể con trai, con gái, con vợ cả, con vợ lẽ, con đẻ, con nuôi đều được chia thừa kế theo quy định.

Điều kiện thứ hai là người thừa kế không bị truất quyền, pháp luật cho phép chủ sở hữu định đoạt tài sản bằng cách để lại thừa kế, do đó khi lập di chúc họ có quyền để lại khối di sản sau khi chết cho bất kỳ một ai. Vậy nên, mặc dù thuộc diện thừa kế theo pháp luật nhưng con cái không có tên trong chúc thư hoặc có tên nhưng bố mẹ ghi rõ không cho hưởng di sản, thì người này không được hưởng, nếu có hành vi tranh giành di sản với những người được thừa kế khác thì bị biếm hai tư (Điều 354). Pháp luật hiện đại kế thừa tinh thần của điều luật này và xem đây là quyền truất quyền thừa kế của người để lại di chúc.

Điều kiện thứ ba là người thừa kế không bị tước quyền, những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc thuộc diện thuộc thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản nhưng rơi vào một trong các trường hợp sau đây đều bị pháp luật tự động tước quyền. Trước hết, người thừa kế có hành vi vi phạm đạo đức như cờ bạc, rượu chè, lăng mạ ông bà, cha mẹ đến nỗi cha mẹ không thể giáo hóa được phải viết đơn từ bỏ con (Đoạn 269 HĐTCT). Tiếp đến, những người đã có chúc thư hoặc lệnh của cha mẹ mà làm trái, tranh giành với người khác (Điều 354, 388, 392). Cuối cùng, người được thừa kế di sản hương hỏa mà bị phế tật, hư đốn, không cáng đáng được việc thờ phụng thì bị tước quyền thừa kế di sản hương hỏa (Điều 389). Những hành vi này không đơn thuần xâm phạm quyền và lợi ích của người thừa kế khác mà còn xâm phạm đến danh dự của gia đình, dòng họ.

Thứ hai, nhà nước ghi nhận và đảm bảo thực hiện quyền thừa kế.

Một là, pháp luật tạo cơ chế cân bằng quyền lợi của người hưởng thừa kế theo di chúc. BLHĐ không buộc người lập di chúc phải để lại di sản cho những ai, tuy nhiên xã hội và văn bản pháp luật khác gián tiếp thừa nhận hầu hết người hưởng di sản là con cái của người lập di chúc. Theo đó, mẫu số 1 và số 2 QTTKTT ghi: “Nay làm sẵn chúc thư chia phần cho con trai, con gái (mấy người), và cho con riêng (mấy người) làm sản nghiệp lâu dài”, những mẫu di chúc này còn quy định cha mẹ phải ghi rõ con trai, con gái, con riêng được bao nhiêu phần và gồm những loại nào.

Pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di chúc nhưng quyền này không mang tính tuyệt đối. Bởi ngoài những trường hợp bị truất quyền hay tước quyền, các mẫu di chúc không yêu cầu các phần di sản phải bằng nhau, tuy nhiên nếu cha mẹ “vì thân sơ”50 mà để lại di sản không đều giữa các con, thì họ có thể thỏa thuận với nhau

50 Trương Hữu Quýnh (2004), Chế độ ruộng đất Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, sđd, tr.283.

55

mà chia lại. Theo đó điều luật năm 1481 trong HĐTCT nêu rõ: “Nếu cha mẹ làm chúc thư, văn khế cho các con mà có người nhiều, người ít, thì (con cái) được tùy tiện chia lại cho mọi người theo thỏa thuận. Nếu người con trưởng cố chấp không nhận chia lại để đến nỗi người ít phải cáo giác thì con trưởng có tội. Nếu cha mẹ thấy con có hiếu thì để lại giấy tờ cho thưởng riêng, bằng không thì cho là chiếm đoạt”51. Người viết cho rằng, các nhà làm luật đã dự kiến trường hợp người con trai cả lợi dụng địa vị của mình trong gia đình để ép cha mẹ dành cho mình di sản nhiều hơn. Sự ép buộc đối với người ngoài có thể dễ dàng phát hiện, tuy nhiên sự khống chế tinh thần trong gia đình tồn tại cả một quá trình lâu dài, không dễ dàng để phát hiện. Do đó, để tránh trường hợp này, pháp luật cho phép những người thừa kế còn lại có quyền cáo giác người con trưởng khi cho rằng chúc thư của cha mẹ lập không tự nguyện. Nếu con trưởng không chứng minh được vì sự hiếu thảo mà cha mẹ dành cho mình nhiều hơn bằng giấy tờ thưởng riêng, thì được coi hành vi trái pháp luật, di chúc đó không có hiệu lực. Như vậy, nhà nước không chỉ ít nhiều ràng buộc tục lệ trong việc để lại di sản mà còn bảo vệ sự tự nguyện của người lập di chúc. Quy định này mang tính nhân văn sâu sắc, nó góp phần cân bằng lợi ích của những người được hưởng di sản, tránh trường hợp vì chia thừa kế mà tạo ra tình trạng kẻ giàu người nghèo giữa các con.

Hai là, bình đẳng hóa quyền hưởng thừa kế theo pháp luật giữa con trai và con gái. Trong gia đình phong kiến, mối quan hệ phụ quyền được biểu hiện rất rõ nét, pháp luật thừa nhận “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Người đàn ông được phép lấy nhiều người vợ, nhưng địa vị giữa những người vợ và con của họ là khác nhau, trong đó con của vợ cả được coi là những người dòng dõi chính thức. Do đó, khi chia thừa kế theo pháp luật sẽ căn cứ vào thứ tự thê thiếp để phân cấp mức độ hưởng di sản giữa con vợ cả và con vợ lẽ. Theo đó Điều 388 quy định: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em tự chia nhau. Phần con của nàng hầu phải ít hơn”. Tuy nhiên, quy định này thừa nhận con cùng một mẹ không kể con trai hay con gái đều được hưởng di sản như nhau, BLHĐ bước đầu phá bỏ tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ” trong Nho giáo Trung Quốc.

Không chỉ con đẻ mới có quyền hưởng thừa kế mà những người con nuôi hợp pháp đều được nhận thừa kế từ cha mẹ nuôi, vì suy cho cùng dù là con đẻ hay con nuôi giữa họ đều có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Điều 380 quy định: “Con nuôi có văn tự là con nuôi, có ghi trong giấy rằng sau sẽ được chia điền sản thì khi cha mẹ nuôi chết dù không để lại chúc thư thì vẫn được chia điền sản cho con ruột, con nuôi”.

56

Nếu đứa trẻ này được nhận nuôi hợp pháp, có hứa hẹn trước cho nhận thừa kế và không bị truất quyền, tước quyền, thì di sản sẽ chia làm 3 phần, con nuôi 1 phần, 2 phần còn lại dành cho con đẻ. Nếu không có con đẻ thì được hưởng cả, không ở cùng lúc còn bé thì được hưởng gấp hai lần so với người thờ tự của cha mẹ nuôi. Ngoài ra, người con này vẫn được hưởng 1/2 suất thừa kế của cha mẹ đẻ so với anh chị em ruột của mình, nếu họ không được hưởng di sản từ cha mẹ nuôi thì pháp luật cho phép được nhận 8 phần 10 di sản của cha mẹ đẻ so với anh chị em ruột.

Ba là, ghi nhận quyền hưởng di sản thừa kế của người phụ nữ. BLHĐ thừa nhận sự bình đẳng giữa những người con cùng mẹ, nên trước hết người phụ nữ được hưởng di sản từ cha mẹ của mình. Trong quan hệ hôn nhân, BLHĐ không chỉ tạo ra cơ chế tôn trọng quyền quyết định của người vợ đối với tài sản chung, mà còn cho phép người vợ được hưởng di sản từ chồng. Theo đó, nếu người chồng chết không để lại di chúc, về nguyên tắc người vợ không được xếp vào bất kỳ hàng thừa kế nào và nếu có con chung thì cũng không được phép hưởng thừa kế từ người chồng, điều này xuất phát từ tư tưởng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” của Nho giáo. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng không có con chung, để cân bằng cuộc sống cho người vợ sau khi chồng chết, tránh trường hợp bị nhà chồng o ép, pháp luật cho phép người vợ ít nhiều được hưởng di sản từ phần tài sản riêng của người chồng. Người vợ sẽ được hưởng di sản trong các trường hợp cụ thể sau:

Trường hợp thứ nhất, vợ và chồng không có con, người chồng cũng không có bất kỳ người con nào khác (Đoạn 258 HĐTCT, Điều 375 BLHĐ).

- Đối với phần di sản là tài sản riêng của người chồng, đoạn 258 HĐTCT và Điều 375 BLHĐ quy định: “Chồng chết, thì điền sản chia làm hai phần, về người họ ăn thờ tự một phần để giữ việc tế tự; về vợ một phần, phần của người vợ thì chỉ để nuôi một đời mình không được nhận làm của riêng, vợ chết hay cải giá, thì phần ấy thuộc về người thờ tự… trên đây nói về điền sản cha mẹ để cho con”. Như vậy, đối với di sản là phu gia điền sản thì người vợ được hưởng một nữa để lo cuộc sống của mình sau khi chồng chết.

- Đối với tài sản chung, khi chồng chết được chia làm hai, một phần là tài sản riêng của vợ và một phần được xem là di sản của người chồng. Phần di sản này được chia làm ba phần, một phần dành cho gia đình người chồng để lo ma chay tế lễ, hai phần còn lại dành phụng dưỡng người vợ một đời.

Trường hợp thứ hai, vợ và chồng không có con, nhưng chồng có con cùng vợ trước (Đoạn 259 HĐTCT, 374 BLHĐ).

57

- Đối với phu gia điền sản thì chia làm ba phần, vợ được một phần để phụng dưỡng một đời, hai phần còn lại dành cho con vợ trước. Tuy nhiên, nếu vợ trước có từ hai người con trở lên thì phần di sản này được chia làm các phần bằng nhau, vợ và con của vợ trước bình đẳng trong việc hưởng thừa kế từ chồng, cha.

- Đối với tài sản chung vợ chồng cũng được chia làm hai, một phần là tài sản riêng của vợ, một phần là di sản của chồng. Phần di sản này cũng áp dụng cách chia như phu gia điền sản nêu trên.

Trong tất cả các trường hợp trên, di sản được chia là nhà cửa, ruộng đất còn các tài sản khác như vàng bạc, thóc lúa, giường chiếu, đồ sứ… gọi là của nổi đều dùng tế lễ cho người chết, thực hiện tục trả nợ miệng, số còn lại giành cho người còn sống. Mục đích mà BLHĐ cho phép người phụ nữ hưởng thừa kế di sản từ người chồng chỉ nhằm phụng dưỡng một đời, tránh rơi vào tình trạng khốn khó khi mất đi điểm tựa trong gia đình. Do đó, pháp luật quy định khi người vợ chết hoặc tái giá, thì số di sản được hưởng trên phải trả lại cho gia đình nhà chồng, không được phép mang theo. Đây là điểm khác biệt trong quyền hưởng thừa kế của nhau giữa vợ và chồng, vì người chồng chỉ phải trả lại nếu chết, còn lấy vợ khác vẫn được phép hưởng. Người viết cho rằng, các nhà làm luật thời này đã cố gắng đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ trong quyền hưởng thừa kế. Tuy nhiên sống dưới xã hội ảnh hưởng với tư tưởng Nho giáo sâu sắc, đàn ông được đưa lên vị trí thượng tôn thì việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ không phải một sớm một chiều, mà cả một quá trình đấu tranh lâu dài.

Bên cạnh các di sản thông thường, BLHĐ còn cho phép người phụ nữ hưởng tinh thần di sản thờ cúng, bằng cách trao quyền quản lý di sản hương hỏa. Theo đó, trong gia đình chỉ một người con trai nhưng người con trai này lại chết trước cha mẹ mà không có cháu trai để thờ tự, thì người con gái sẽ quản lý di sản hương hỏa mà cha mẹ để lại, trước khi người con gái chết di sản hương hỏa này sẽ trả lại cho cháu gái của mình (Điều 397).

Thứ ba, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người được thừa kế. Trước hết, người có trách nhiệm chia di sản thừa kế cho con cháu mà phân biệt đối xử, bên trọng bên khinh dẫn đến chia không đúng như ý nguyện của cha mẹ để lại trong di chúc hoặc không tuân thủ pháp luật thì sẽ bị xử phạt. Theo đó, Điều 380 quy định: “Nếu người trưởng họ chia điền sản ấy không đúng phép, thì phạt 50 roi, biếm một tư”. Ngoài ra, BLHĐ nghiêm cấm những người có trách nhiệm quản lý di sản mà tiêu dùng di sản ấy cho bản thân, theo đó Điều 377 quy định: “Khi chồng chết, con còn nhỏ, mẹ lấy chồng khác, rồi lại đem bán điền sản của con thì phạt 50 roi,

58

trả ruộng lại cho con … người chồng sau mạo tên họ con người chồng trước mà bán thì anh ta bị phạt 60 trượng, biếm hai tư … vợ sau mà bán điền sản của con vợ trước thì cũng xử như thế”. Hay Điều 379 quy định: “Ông bà, cha mẹ chết hết mà người trưởng họ bán điền sản con cháu không có lý do chính đáng thì bị xử phạt 60 trưởng, biếm hai tư, trả lại tiền cho người mua, và trả thêm một phần tiền nữa để người mua và con cháu mỗi bên một nữa; điền sản trả lại cho con cháu…”. Pháp luật chỉ cho phép người này bán di sản vì mục đích chính đáng như nuôi dưỡng người con hay người con rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trước khi bán phải trình cho họ hàng biết và phải báo quan, quan cho phép bán bao nhiêu thì chỉ được phép bán bấy nhiêu.

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật nhà lê (thế kỷ xv) (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)