Trách nhiệm dân sự đối với hành vi gây thiệt hại tài sản

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật nhà lê (thế kỷ xv) (Trang 47 - 53)

Chương 2. BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG PHÁP LUẬT NHÀ LÊ THẾ KỶ XV - NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN THAM KHẢO HIỆN NAY

2.3. Bảo vệ quyền sở hữu thông qua các quy định của pháp luật dân sự

2.3.2. Trách nhiệm dân sự đối với hành vi gây thiệt hại tài sản

Nhà nước và pháp luật không chỉ trừng phạt những kẻ có hành vi xâm phạm quyền sở hữu bằng hệ thống hình phạt gây đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, mà còn buộc phải hoàn trả hoặc bù đắp những mất mát mà chủ sở hữu gánh chịu. BLHĐ hình sự hóa các mối quan hệ xã hội, do đó không phân biệt giữa trách nhiệm hình sự và dân sự, tuy nhiên nếu căn cứ vào mục đích áp dụng, pháp luật thời kỳ này đã tồn tại trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm này thể hiện bằng hai biện pháp sau:

Thứ nhất, hoàn trả tài sản do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Hoàn trả tài sản là việc chủ sở hữu có quyền yêu cầu người đang chiếm giữ tài sản của mình một cách bất hợp pháp trả lại tài sản, tái thiết lập trạng thái ban đầu.

Trong trường hợp này, mặc dù trên thực tế chủ sở hữu đã bị tước đoạt các quyền năng thực định nhưng về mặt pháp lý chủ sở hữu vẫn được công nhận và bảo vệ các quyền tài sản trên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quy định trong BLHĐ chỉ xoay quanh vấn đề hoàn trả ruộng đất, vì với nền kinh tế thuần nông thì ruộng đất là tư liệu sản xuất chính tạo ra của cải vật chất, duy trì cuộc sống người dân. Do đó, trả lại ruộng đất không chỉ có ý nghĩa trả lại tài sản, mà còn có ý nghĩa trả lại nguồn kinh tế.

Biện pháp trả lại tài sản tức yêu cầu hoàn trả lại trạng thái tài sản ban đầu, nên trước hết điều kiện đặt ra, tài sản này phải là vật đặc định, có thể phân biệt với các vật khác bằng ký hiệu, hình dáng, vị trí. Tiếp đến, tài sản này phải đang còn tồn tại trên thực tế, nếu tài sản đã bị tiêu dùng hay phá hủy, thì chủ sở hữu chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cuối cùng, tài sản yêu cầu không còn nằm trong quản lý trực tiếp chủ sở hữu, người đang giữ nó là kẻ chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là việc một người xác lập quyền sở hữu không dựa trên các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào người này đều biết được việc chiếm hữu của mình là trái pháp luật, đặc biệt là người thứ ba trong các giao dịch mua bán tài sản, người này vẫn phải bỏ một số tiền nhất định mới có thể mua và họ tin chắc hành vi của mình là hợp pháp. BLDS năm 2005 đã dùng thuật ngữ “ngay tình” tức “thái độ trung thực, không có ý đồ làm trái pháp luật hoặc trốn tránh pháp luật”46 để phân biệt giữa những người chiếm hữu bất hợp pháp. BLHĐ

46 Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, sđd, tr.361.

48

không dùng thuật ngữ này, nhưng thông qua các điều luật trong chương Điền sản và Đạo tặc tinh thần của thuật ngữ này được vận dụng để bảo vệ người ngay tình và trừng trị kẻ không ngay tình.

Theo đó, người thứ ba ngay tình là người không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản trên của mình là bất hợp pháp, như việc mua tài sản từ kẻ ăn trộm nhưng tài sản này đã bị thay đổi hình dáng, kích thước dẫn đến không thể phân biệt được nó là của ai (Điều 450). Mặc dù không công nhận quyền sở hữu nhưng BLHĐ đặt ra cơ chế để bảo vệ người thứ ba ngay tình bằng cách cho họ nhận lại số tiền đã bỏ ra để mua tài sản (Điều 378) hoặc được nhận thêm một khoản bằng nửa số tiền mình bỏ ra mua, xem như lãi suất (Điều 379).

Ngược lại, người thứ ba không ngay tình là người đang chiếm giữ tài sản biết hoặc buộc phải biết việc chiếm giữ đó là trái pháp luật. Buộc phải biết ở đây được hiểu đơn giản là khi tiến hành mua bán tài sản thì người mua phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với bất động sản hay động sản buộc đăng ký quyền sở hữu. Do đó, rất đơn giản để phát hiện phải hay không người đang giao dịch với mình là chủ sở hữu, nếu biết rằng người đó không phải là chủ sở hữu mà vẫn thực hiện thì thỏa mãn điều kiện buộc phải biết. Tuy nhiên, ở thời kỳ này tài sản tạo ra theo các căn cứ luật định, thì đương nhiên thuộc về người đó mà không cần đăng ký quyền sở hữu. Các mẫu hợp đồng trong QTTKTT xuất hiện cụm từ “tài sản này là của riêng mình tôi, nếu có gì man trá tôi xin chịu tội, mà không can hệ gì đến người mua”, chỉ có ý nghĩa ràng buộc với người bán, không có giá trị là giấy chứng nhận quyền sở hữu. Do đó, điều kiện “buộc phải biết” không đặt ra ở thời kỳ này, người thứ ba không ngay tình nên được hiểu là người biết rõ người bán tài sản cho mình không phải là chủ sở hữu. BLHĐ trừng phạt nặng người thứ ba không ngay tình, người này không chỉ có trách nhiệm trả lại tài sản cho chủ sở hữu, mà tùy theo mức độ tích chất phải chịu thêm hình phạt khác. Theo đó, người nào biết rõ ruộng đất được bán là ăn trộm của người khác mà vẫn mua, thì buộc phải trả lại cho chủ cũ, bị đánh 80 trượng (Điều 283); biết ruộng đất được bán là do nô tì bám trộm của chủ thì trả lại cho chủ, bị đánh 50 roi, biếm một tư, tiền mua thì bị tịch thu (Điều 386).

Thứ hai, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng hoặc có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tài sản.

Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm dân sự phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý của các bên trong hợp đồng hoặc của người có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác. Pháp luật hiện đại xem bồi

49

thường thiệt hại là trách nhiệm dân sự đơn thuần. Tuy nhiên, dưới xã hội phong kiến nói chung và nhà nước thời Lê sơ nói riêng, bồi thường thiệt hại không chỉ đơn thuần là trách nhiệm dân sự mà còn là một trong những chế tài hình sự. Mang hơi hướng hình phạt nên mức độ bồi thường không chỉ là những khoản lợi ích mà chủ sở hữu mất đi hoặc lợi ích đáng lẽ phải được hưởng, mà mức bồi thường trong BLHĐ thường gấp đôi, gấp ba hoặc nhiều hơn.

BLHĐ xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đáp ứng các điều kiện sau:

Một là, có thiệt hại xảy ra, thiệt hại là toàn bộ những tổn thất, mất mát hay giảm sút về một lợi ích vật chất do có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc trái pháp luật.

Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại trực tiếp mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu như việc bắt trộm trâu, ngựa, cá ở ao đầm (Điều 445), hay những khoản hoa lợi tất yếu phát sinh như thóc lúa, hoa màu trên diện tích đất bị người khác tranh lấn hoặc bị người khác gặt trên ruộng cho mượn mà không báo trước (Điều 343, 361), hay khoản lãi suất đáng được hưởng trong hợp đồng vay mà người vay bỏ trốn không chịu trả (Điều 590). Sự thiệt hại vật chất này phải có tính chắc chắn, không được đòi bên vi phạm bồi thường những khoản mà thực tế không thể xảy ra hoặc sẽ không bao giờ xảy ra.

Hai là, phải có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc có hành vi trái pháp luật.

Hành vi vi phạm hợp đồng, là việc thực hiện hay không thực hiện một hành vi mà cả hai bên đã thỏa thuận, việc thực hiện hay không thực hiện đó gây thiệt hại đến tài sản cho bên còn lại. Điều 588 quy định: “Mắc nợ quá hạn không trả, nếu con nợ nhất quyết không trả thì xử biếm hai tư, đền gấp hai” hay trường hợp người cho vay cấp giấy chứng nhận đã trả nợ thay vì trả lại văn khế với lý do làm mất, sau đó lại cầm văn khế đòi nợ lần nữa thì đền gấp hai số tiền đã cho người kia vay (Điều 589). Như vậy, người đi vay không thực hiện nghĩa vụ trả hoặc người cho vay không thiện chí thực hiện nghĩa vụ giao nhận văn khế là vi phạm hợp đồng vay được pháp luật thừa nhận.

Hành vi trái pháp luật, là những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác được nhà nước ghi nhận và bảo vệ. Điều 601 quy định: “Chặt cây cối hư hao lúa thóc của kẻ khác thì đánh 50 roi, biếm một tư, đền gấp hai trả về chủ thiệt hại”

hay “phá trộm để làm thiệt hại nhà cửa, lúa thóc của dân thì xử tội đồ hay lưu, phải đền sự thiệt hại đó”(Điều 596). Người có hành vi trái pháp luật này phải có trách nhiệm bồi thường những mất mát mà chủ sở hữu phải gánh chịu.

Như vậy thông qua điều kiện này, BLHĐ đã ghi nhận hai chế định chế bồi thường gồm: bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp

50

đồng. Sự khác biệt giữa chúng là một bên có thỏa thuận trước còn một bên không tồn tại sự thỏa thuận.

Ba là, giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả với nhau, quan hệ nhân quả là mối quan hệ nội tại tất yếu giữa các hiện tượng nối tiếp nhau trong một không gian và một khoảng thời gian xác định. Giữa hành vi vi phạm và sự thiệt hại phải có mối liên hệ liên kết, hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Nếu không xuất phát từ hành vi vi phạm hoặc có nhưng mức độ nhẹ không thể gây thiệt hại tài sản đó thì người vi phạm không chịu trách nhiệm bồi thường.

Bốn là, phải có lỗi của người gây thiệt hại, lỗi là trạng thái tâm lý của con người đối với hành vi và hậu quả của hành vi ấy. Nếu không có lỗi thì không buộc bồi thường như “trâu hai nhà húc lộn con nào chết thì hai nhà ăn thịt. Con nào sống thì hai nhà cùng cày chung. Trái luật thì phạt 50 trượng” (Điều 585), quy định này đã làm xuất hiện nguyên tắc có lỗi mới có tội. Ngoài ra, cũng như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường tùy thuộc vào lỗi cố ý hay vô ý. Theo đó Điều 581 quy định: “Thả trâu ngựa giẫm đạp, ăn lúa mạ, dâu người ta, thì bị đánh 80 trượng, và đền thiệt hại.

Nếu cố ý thả cho trâu ngựa giẫm đạp, cắn phá thì xử biếm một tư và đền gấp hai sự thiệt hại”. Theo điều luật này nếu cố ý thả trâu ngựa làm hư hại hoa màu của người khác thì buộc phải đền gấp hai, nhưng trong trường hợp do sơ suất hoặc trông nom không cẩn thận, dẫn đến trâu phá hoại thì chỉ đền với giá trị tương đương của hoa màu hư hao.

Pháp luật hiện đại xem trách nhiệm bồi thường là trách nhiệm dân sự đơn thuần, do đó dựa trên các quy định nền tảng mà hai bên trong quan hệ này có quyền thỏa thuận với nhau về cách thức cũng như mức độ bồi thường. Còn trách nhiệm bồi thường trong BLHĐ mang hơi hướng của hình phạt, do đó pháp luật không cho phép sự thỏa thuận, luật quy định hình thức cũng như mức độ áp dụng cho từng hành vi cụ thể. Theo đó, bồi thường thiệt hại được thực hiện dưới ba hình thức sau:

Bồi thường bằng hiện vật, là việc “bồi thường bằng tài sản cùng loại và có giá trị tương đương hoặc gấp nhiều lần so với tổn thất”47. Tùy thuộc vào đối tượng thiệt hại mà người có trách nhiệm phải bồi thường những vật có cùng chức năng như: tài sản cùng loại với tang vật trong vụ trộm, cướp (Điều 426, 428), tài sản là số lúa gấp hai trong ruộng đang có tranh chấp mà đánh người để gặt (Điều 360) hoặc có thể là cá trong đầm bị bắt trộm (Điều 445).

47 Trần Quang Trung (2010), Nhận diện quyền dân sự trong Bộ luật Hồng Đức, sđd, tr.144.

51

Ngoài ra, BLHĐ phân biệt trách nhiệm của từng chủ thể bồi thường, theo đó Điều 457 quy định: “Con còn ở chung với cha mẹ mà đi ăn trộm cha mẹ xử biếm… và phải bồi thường thay cho con những tang vật mà chúng đã trộm, đã cướp được”.

Trong trường hợp này cha mẹ vì không dạy bảo, răn đe con cái dẫn đến chúng ăn cướp ăn trộm, do đó pháp luật trừng phạt sự thiếu trách nhiệm này bằng cách buộc phải bồi thường cho chủ tài sản. Tuy nhiên, hành vi trộm cướp của con cái không nằm trong mong muốn của họ, nên mức độ bồi thường chỉ bằng giá trị tài sản bị thiệt hại nhằm hoàn trả trạng thái ban đầu cho chủ tài sản. Còn trong trường hợp người vi phạm cố ý chuyển dịch trái phép tài sản của người khác thành của mình thì buộc phải đền gấp hai như: “Các quan ti tự lấy của cải, đồ đạc của dân quân vào việc riêng của mình thì xử như tội ăn hối lộ và phải đền gấp hai, trả lại tài sản cho dân, quân” (Điều 586) hoặc gấp ba như trường hợp người quản giám dân Man Liêu mà tự ý đòi của cải, bắt trâu bò của dân thì buộc phải bồi thường gấp ba số tài sản chiếm đoạt (Điều 451).

Bồi thường bằng hiện vật cho phép chủ sở hữu được hoàn trả tài sản về trạng thái ban đầu, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm tài sản cùng loại trên thị trường. Vậy nên, để trách nhiệm bồi thường diễn ra nhanh chóng, quyền sở hữu được bảo vệ hiệu quả, BLHĐ quy định hình thức bồi thường thứ hai là bồi thường bằng tiền.

Bồi thường bằng tiền, căn cứ vào mức độ gây thiệt hại mà lượng tiền bồi thường có thể bằng giá trị tương đương hoặc có thể gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp nhiều lần so với giá trị tài sản bị hư hỏng, hủy hoại.

Theo đó, Điều 563 quy định: “Quan coi việc thu xuất của công mà làm trái luật thì xử biếm một tư. Tính số dư đó bồi thường nộp vào kho”; Điều 563 quy định:

“Người trông coi chế tạo đồ đạc vua dùng mà sai thợ làm việc riêng của mình thì phải đền một phần tiền công mướn” hay các trường hợp như: lơ là dẫn đến trâu ngựa dày xéo, ăn lúa dâu của người ta thì đền sự thiệt hại (Điều 581); quan có trách nhiệm coi sóc sản vật của công mà lơ là, làm tổn hại thì phải bồi thường theo giá, nếu gặp năm mất mùa thì sẽ định khác (Điều 367). Như vậy, hành vi gây thiệt hại của các trường hợp này chưa đến mức làm cho tài sản của chủ sở hữu hư hỏng hoàn toàn, nó chỉ làm hao hụt hoặc mất khả năng thu hoa lợi, lợi tức đáng được hưởng. Mặt khác, các hành vi trên đa số được thực hiện với lỗi vô ý, thiếu trách nhiệm, do đó mức tiền phải bồi thường chỉ bằng giá trị tài sản bị hư hao hoặc bằng giá trị tài sản đáng phải được nhận, còn được gọi là bồi thường tương đương.

52

Trong trường hợp người vi phạm vì mục đích vụ lợi, chiếm đoạt hoặc hủy tài sản của người khác thì trách nhiệm bồi thường mang ý nghĩa của sự trừng phạt. Vậy nên lượng tiền bồi thường gấp hai, gấp ba hoặc có thể gấp năm, chín lần so với giá trị tài sản thiệt hại, trường hợp này được áp dụng theo nguyên tắc “bội tang phần”. Điều 28 quy định: “Tiền bồi thường được chia làm 2 bậc: bồi thường 2 lần (về tang vật của công), 1 lần (tang vật các tội lặt vặt). Tội nặng thì bồi thường thêm 5 lần, 9 lần (nếu cố ý vi phạm) cộng với nguyên tang vật tịch thu vào nhau cùng phải tội, hay không có chủ, thì tịch thu vào nhà nước, còn thì trả lại người chủ”. Theo đó, nhận đồ gửi giữ như gia súc, tiền mà nói láo chết hay bị mất thì biếm một tư và đền tiền gấp hai (Điều 579); được người khác cho thuê thuyền mà cố cãi không có nhằm chiếm đoạt thì buộc phải đền gấp hai số tiền thuê (Điều 603). Nếu tài sản có giá trị đặc biệt như các đồ vật trong lăng miếu hoặc tài sản đó là của sứ thần ngoại giao của nước khác thì mức độ bồi thường là gấp ba (Điều 433, 431, 438).

Ngoài ra, trong một số trường hợp số tiền bồi thường được pháp luật định sẵn ở mức cụ thể, nó “ghi lại dấu ấn của chế độ phong kiến thục kim, người gây thiệt hại phải nộp một khoản tiền chuộc”48. Theo đó, Điều 583 quy định: “Nhà nào thấy voi đến phá phách kêu hàng xóm đến xem xét làm bằng, báo lên quan, không được tự ý đâm hay đánh voi. Nếu làm voi chết thì xử lưu và phải đền 300 quan tiền” hay “Các quan quản hạt chăn nuôi không đủ đưa đến voi ngựa chết thì xử tội đồ và đền tiền, voi đực thì thường 100 quan, voi cái thường 50 quan, ngựa thì 20 quan” (Điều 622).

Thực hiện một công việc nhất định, ngoài hai hình thức bồi thường chủ yếu nêu trên, BLHĐ còn buộc người có hành vi vi phạm thực hiện một công việc nhằm khôi phục sự tổn thất do hành vi trái pháp luật của mình, tuy nhiên hình thức này áp dụng không phổ biến. Trách nhiệm này thể hiện rõ nét nhất là chăm sóc sức khỏe cho người bị thương nếu có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của họ (Điều 468). Đối với hành vi gây thiệt hại tài sản của người khác, người này thường buộc phải thực hiện công việc như tu sửa tài sản bị hư hỏng đó. Theo đó Điều 631 quy định: “Các quân dân, ai phá hư các chùa, quán, cầu cống, đập phá bia, trụ đá, chặt cây cối, tiêu hủy mất cổ tích, thì bị đánh 60 trượng, biếm hai tư và phải làm lại những cái mình phá ấy, đền lại đúng phép”.

Tránh trường người vi phạm khánh kiệt hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường, BLHĐ buộc những người mặc dù không có hành vi gây thiệt hại nhưng

48 Bộ tư pháp - Viện nghiên cứu khoa học pháp lý (2008), Một số vấn đề về pháp luật dân sự Việt Nam từ thế kỷ XV đến thời Pháp thuộc, sđd, tr.188.

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật nhà lê (thế kỷ xv) (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)