Chương I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1.2. Đặc điểm của biện pháp bảo lĩnh
1.2.1. Đặc điểm của biện pháp bảo lĩnh ở Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, biện pháp bảo lĩnh là một trong số những BPNC được quy định trong Luật TTHS, do đó biện pháp bảo lĩnh mang một số đặc điểm của các BPNC nói chung, cụ thể là:
Thứ nhất, biện pháp bảo lĩnh có ảnh hưởng đến một số quyền nhất định của người bị áp dụng. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, khi CQTHTT áp dụng BPNC nhất định đối với một cá nhân thì sẽ hạn chế một số quyền cơ bản của họ như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại,… Đối với biện pháp bảo lĩnh cũng vậy, mặc dù chủ thể bị áp dụng vẫn được tại ngoại để điều tra nhưng bản thân họ cũng chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý nhất định. Trước hết, bị can, bị cáo bắt buộc phải thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ mà họ đã cam đoan với CQTHTT.
Nếu như họ vi phạm các cam đoan này thì sẽ bị chuyển sang BPNC khác có tính nghiêm khắc hơn là tạm giam. Bên cạnh đó, bị can, bị cáo sẽ chịu sự giám sát của những cá nhân hay cơ quan, tổ chức đứng ra nhận bảo lĩnh cho họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo vi phạm các cam đoan thì bên nhận bảo lĩnh cũng sẽ bị phạt tiền tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Quy định này vừa góp phần tăng tính hiệu quả trong việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh, vừa mang tính chất ràng buộc đối với bên nhận bảo lĩnh, khiến cho họ phải cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định xem có đứng ra nhận bảo lĩnh hay không.
Thứ hai, biện pháp bảo lĩnh phải được áp dụng bởi CQTHTT và theo một trình tự luật định. Vì biện pháp bảo lĩnh là một trong những biện pháp cưỡng chế trong TTHS nên việc quyết định áp dụng thuộc thẩm quyền của các CQTHTT, cụ thể là CQĐT, VKS, Tòa án, chứ không phải bất kỳ một cơ quan nhà nước nào khác.
Những cơ quan này chỉ được thực hiện trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, nếu vượt quá phạm vi quyền hạn được giao cũng bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Mặc dù biện pháp bảo lĩnh tuy ít nghiêm khắc hơn so với các BPNC khác, nhưng vẫn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ở một mức độ nhất định. Nếu áp dụng không đúng pháp luật về trình tự, thủ tục sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, cũng như ảnh hưởng đến cả quá trình tiến hành tố tụng và cả người có thẩm quyền áp dụng. Do đó, khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh, CQTHTT phải thận trọng, khách quan, xem xét đầy đủ các điều kiện, căn cứ áp dụng, cũng như các tình tiết, tài liệu của mỗi vụ án cụ thể để có thể định hướng xử lý cho mỗi vụ án, mỗi bị can, bị cáo riêng biệt, từ đó quyết định áp dụng những biện pháp tố tụng cụ thể khác nhau một cách phù hợp.
Thứ ba, mục đích của biện pháp bảo lĩnh là nhằm bảo đảm không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử đồng thời bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của các CQTHTT. Đây cũng là mục đích chung của các BPNC. Để đạt được mục đích đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh và bị can, bị cáo được bảo lĩnh đều phải làm giấy cam đoan thực hiện một số nghĩa vụ bắt buộc. Quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh đồng nghĩa với việc đưa bị can, bị cáo trở về với xã hội, không để họ bị cách ly khỏi gia đình và xã hội. Nhờ có sự giúp đỡ, giám sát của gia đình, của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh sẽ tạo điều kiện cho họ hướng thiện, tái hòa nhập cộng đồng. Đây là biện pháp có ý nghĩa nhất định trong TTHS thể hiện sự thu hút vai trò của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Bên cạnh những đặc điểm của một BPNC nói chung, biện pháp bảo lĩnh cũng có một số đặc điểm riêng biệt như sau:
Thứ nhất, biện pháp bảo lĩnh là một BPNC dùng để thay thế biện pháp tạm giam. Để giúp cho quá trình giải quyết vụ án hình sự đảm bảo sự đúng đắn, hợp lý, khách quan thì những người có thẩm quyền trong các CQTHTT khi quyết định áp dụng các BPNC phải dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người bị áp dụng. Đối với biện pháp bảo lĩnh, đây được xem là BPNC thay thế cho tạm giam bởi vì nó thường được áp dụng trong những trường hợp không đến mức cần thiết phải tạm giam, nhưng vẫn cần thiết phải ngăn chặn, phòng ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc gây cản trở trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. BLTTHS năm 2015 cũng nêu rõ nếu như bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì sẽ bị tạm giam18. Ngoài ra, trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì CQTHTT cũng có thể xem xét để cho họ được áp dụng biện pháp bảo lĩnh nếu xét thấy đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân19.
Thứ hai, biện pháp bảo lĩnh là một BPNC có tính ít nghiêm khắc trong số các BPNC của TTHS. Nếu so với biện pháp tạm giam thì tính nghiêm khắc của biện pháp bảo lĩnh thấp hơn nhiều. Khi bị tạm giam, đối tượng bị cách ly với thế giới bên ngoài, còn đối tượng bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh thì không bị cách ly, tách ra khỏi đời sống trước đó của mình. Họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, tự do đi
18 Khoản 3 Điều 121 BLTTHS năm 2015.
19 Điều 8 BLTTHS năm 2015.
lại và chỉ phải chịu sự giám sát của những cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức đứng ra nhận bảo lĩnh cho họ, sao cho đảm bảo sự có mặt của họ mỗi khi được CQTHTT triệu tập, đảm bảo họ không vi phạm những điều kiện luật định cũng như không tiếp tục phạm tội mới. Nếu so với biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì giữa biện pháp này và biện pháp bảo lĩnh có nhiều điểm pháp luật quy định gần giống nhau về mặt hình thức, chỉ khác ở chỗ đối với biện pháp đặt tiền thì chính bị can, bị cáo dùng tiền của mình để bảo đảm cho mình được tại ngoại, còn đối với biện pháp bảo lĩnh thì chỉ cần có bên thứ ba (cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức) đứng ra cam kết nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo được tại ngoại. Trong mối tương quan với những BPNC khác như bắt, tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú thì biện pháp bảo lĩnh cũng ít nghiêm khắc hơn.
Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng nếu như biện pháp tạm giam được xem là PBNC mang tính nghiêm khắc nhất thì ngược lại biện pháp bảo lĩnh lại là BPNC ít nghiêm khắc nhất20. Có thể nói biện pháp bảo lĩnh là một BPNC tiến bộ của pháp luật TTHS Việt Nam, thể hiện được tính nhân đạo của Nhà nước ta, nhất là khi mà quyền con người, quyền công dân ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, đối tượng bị áp dụng của biện pháp bảo lĩnh chỉ có thể là bị can, bị cáo. Trong nhóm các BPNC, có biện pháp áp dụng được cho chủ thể này nhưng lại không áp dụng được cho chủ thể khác, và cũng có những biện pháp chỉ áp dụng được đối với một số chủ thể nhất định, trong đó có biện pháp bảo lĩnh. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì chỉ có bị can, bị cáo mới có thể trở thành đối tượng bị áp dụng của biện pháp bảo lĩnh. Nghĩa là, biện pháp bảo lĩnh chỉ có thể được áp dụng đối với người bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Ngoài bị can, bị cáo ra thì không có bất kỳ đối tượng nào khác có thể bị áp dụng BPNC này.
Thứ tư, bên cạnh người có thẩm quyền áp dụng và đối tượng bị áp dụng, bảo lĩnh còn có sự xuất hiện của bên thứ ba, đó là bên nhận bảo lĩnh. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì cá nhân hoặc tổ chức có thể đứng ra nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo. Đây là đặc điểm đặc trưng nhất giúp phân biệt biện pháp bảo lĩnh với các BPNC khác trong TTHS. Sự xuất hiện của bên nhận bảo lĩnh là nhằm giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của bị can, bị cáo đồng thời cũng ràng buộc trách nhiệm của chính cá nhân hoặc tổ chức đứng ra nhận bảo lĩnh. Nếu cá nhân hoặc tổ chức đứng
20 Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2007), Hướng dẫn học tập môn TTHS, Nxb. Thanh Niên, Hồ Chí Minh, tr.41.
ra nhận bảo lĩnh mà để cho bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ pháp lý của bên nhận bảo lĩnh sẽ phát sinh kể từ khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh từ phía CQTHTT. Có thể nói sự tham gia của bên nhận bảo lĩnh là một trong những yếu tố quyết định việc CQTHTT có chấp nhận cho bị can, bị cáo được áp dụng bảo lĩnh hay không.