Vị trí, vai trò, ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh nghiên cứu so sánh pháp luật tố tụng hình sự anh và kinh nghiệm cho viêt nam (Trang 29 - 32)

Chương I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

1.3. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh

1.3.1. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh ở Việt Nam

- Vị trí của biện pháp bảo lĩnh ở Việt Nam:

Biện pháp bảo lĩnh là một trong các BPNC được quy định trong Luật TTHS Việt Nam, là một bộ phận hợp thành quan trọng trong các biện pháp cưỡng chế TTHS. Bên cạnh hai biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và đặt tiền để bảo đảm, biện pháp bảo lĩnh là một trong ba BPNC không giam giữ, có tính chất ít nghiêm khắc và không hạn chế quyền công dân, miễn là việc thực hiện những quyền đó không gây trở ngại cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Mặc dù so với các BPNC khác, biện pháp bảo lĩnh có tính ít nghiêm khắc hơn, nhưng biện pháp bảo lĩnh vẫn giữ một vị trí quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Biện pháp bảo lĩnh quan trọng bởi lẽ đây được xem như là một biện pháp dùng để thay thế. Các biện pháp như bắt, tạm giữ, tạm giam là những BPNC có tính chất nghiêm khắc và chỉ đặt ra khi thực sự cần thiết, còn nếu xét thấy không cần thiết thì CQĐT, VKS, Tòa án có thể thay đổi bằng những biện pháp ít nghiêm khắc hơn, trong đó có biện pháp bảo lĩnh.

Biện pháp bảo lĩnh chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế TTHS vì đây là một biện pháp có tính nhân văn, nhân bản, dân chủ nhất.

So với các BPNC khác trong TTHS thì khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh, quyền con người được đề cao nhất. Đây là một BPNC không giam giữ, không cách ly người bị áp dụng ra khỏi cuộc sống bình thường của họ. Người bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh vẫn có thể sinh hoạt, học tập và lao động như thường lệ. Các hoạt động dân sự, kinh tế, thương mại,… của cá nhân người bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh vẫn được đảm bảo, cuộc sống của bản thân họ và gia đình họ không hề bị xáo trộn, thay đổi.

- Vai trò của biện pháp bảo lĩnh ở Việt Nam:

Biện pháp bảo lĩnh có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp ghi nhận, thể hiện tính dân chủ và đề cao quyền con người. Biện pháp bảo lĩnh có tác dụng ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm, mục đích chính của biện pháp bảo lĩnh là ngăn không cho bị can, bị cáo thực hiện những hành vi bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, hoặc gây khó khăn cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, chẳng hạn như tiêu hủy, giả mạo chứng cứ. Do đó, biện pháp bảo lĩnh đảm bảo cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các CQTHTT diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà BLTTHS đề ra.

Việc pháp luật trao cho người có thẩm quyền được áp dụng biện pháp bảo lĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi pháp luật của họ, đồng thời cũng là trách

nhiệm của họ, phải đảm bảo sao cho việc áp dụng được thực hiện đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, phải xuất phát từ pháp luật và những đòi hỏi thực tiễn chứ không được áp dụng một cách tùy tiện, chủ quan. Mọi trường hợp vi phạm trong việc áp dụng, gây hậu quả, thiệt hại cho công dân đều bị xử lý nghiêm minh.

Đối với quần chúng nhân dân, biện pháp bảo lĩnh có vai trò nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cũng như hiểu biết pháp luật, tạo điều kiện cho những người khác trong cộng đồng phát huy trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống tội phạm. Bảo lĩnh là một BPNC ít nghiêm khắc hơn so với các BPNC khác, nên những đòi hỏi trong việc áp dụng biệt pháp này là rất chặt chẽ. Theo đó, biện pháp bảo lĩnh thường chỉ được áp dụng đối với những bị can, bị cáo có nhân thân tốt, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi không cao. Họ phải có ý thức trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của mình, tức là nhận thức được là có lỗi và mong muốn sửa chữa hành vi đó.

Đối với bên nhận bảo lĩnh, họ cũng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định.

Nếu là cá nhân thì người đó phải có tư cách tốt, có uy tín để có thể giáo dục, giám sát người được bảo lĩnh; còn nếu là tổ chức thì cũng là dịp để tổ chức trao đổi về pháp luật, giáo dục, nhắc nhở chung cho tất cả các thành viên của mình về việc tuân thủ pháp luật và giám sát đối với người mà tổ chức đã đứng ra nhận bảo lĩnh, với niềm tin rằng họ vẫn là một thành viên tốt của tổ chức và là một công dân tốt của xã hội.

- Ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh ở Việt Nam:

Biện pháp bảo lĩnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, củng cố, tăng cường pháp chế, ý thức thượng tôn pháp luật. Thể hiện thái độ không khoan nhượng của Nhà nước trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm. Việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh nhằm đảm bảo cho các hoạt động của các CQTHTT được thuận lợi, đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp thừa nhận.

Trong hệ thống các BPNC. biện pháp bảo lĩnh là biện pháp thể hiện rõ nét nhất tư tưởng tiến bộ nhân đạo của Nhà nước ta. Nguyên tắc nhân đạo là tư tưởng xuyên suốt trong tất cả các văn bản pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Tính nhân đạo của biện pháp bảo lĩnh thể hiện ở chỗ, tuy người bị áp dụng là người bị buộc tội nhưng vẫn tạo điều kiện cho họ được tại ngoại và về cơ bản họ vẫn được gần gũi người thân, vẫn được sinh hoạt như bình thường. Biện pháp bảo lĩnh còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc khi không cách ly người bị áp dụng ra khỏi

cuộc sống bình thường trước đó. Mọi hoạt động làm ăn, sinh sống của họ không hề bị xáo trộn, không dẫn đến những hệ lụy khó lường vì những kỳ thị của dư luận xã hội.

Ngoài ra, áp dụng biện pháp bảo lĩnh còn mang một ý nghĩa thực tiễn to lớn, đó là làm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước trong việc giam giữ một người, tiết kiệm một phần chi phí ăn ở của họ, là một khoản rất lớn mà Nhà nước và xã hội phải chi ra hằng năm cho một đối tượng bị giam giữ. Với tư cách là biện pháp nhằm thay thế biện pháp tạm giam, việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh sẽ giúp khắc phục tình trạng quá tải tại các trại tạm giam hiện nay, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn chế độ kiểm tra, kiểm sát an toàn nơi giam giữ, giúp cho việc phân loại người bị tạm giam được thuận lợi hơn, tiết kiệm được nhân lực, vật lực sử dụng cho việc quản lý trại giam.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh nghiên cứu so sánh pháp luật tố tụng hình sự anh và kinh nghiệm cho viêt nam (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)