Chương I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Chương 2. SO SÁNH QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ ANH VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH
2.1. Căn cứ áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo lĩnh
2.1.2. Căn cứ áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Anh
2.1.2.1. Căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Anh
Theo quy định tại Mục 4 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976, khi bị cáo được đưa ra tòa án (Tòa Sơ thẩm hoặc Tòa án Hoàng Gia) để xét xử về hành vi phạm tội của mình, hay bị tạm giam sau khi bị kết án là có tội, thì họ phải được nhận bảo lĩnh một cách vô điều kiện, nếu bị cáo đó không nằm trong những trường hợp ngoại lệ của Đạo luật này. Nghĩa là, nếu không có những lý do hợp lý và chắc chắn để từ chối việc bảo lĩnh của người bị buộc tội, thì tòa án phải luôn xem xét và ưu tiên cho phép họ được nhận bảo lĩnh vô điều kiện. Trong trường hợp tòa án cho phép bị cáo nhận bảo lĩnh vô điều kiện, thì nghĩa vụ duy nhất của bị cáo chỉ là phải có mặt tại tòa án vào đúng thời gian, địa điểm đã được ấn định.
Mục 3 (6) Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 cũng quy định rằng tòa án có thể cho phép bảo lĩnh kèm theo một số điều kiện nhất định, nhằm mục đích đảm bảo rằng bị cáo sẽ có mặt tại tòa án đúng như đã cam kết, bị cáo sẽ không phạm tội trong khi đang nhận bảo lĩnh, bị cáo sẽ không gây khó khăn cho nhân chứng hoặc gây khó khăn cho các hoạt động tố tụng, bị cáo sẽ luôn sẵn sàng để xét hỏi hoặc báo cáo phục vụ cho việc xét xử của tòa án đối với hành vi phạm tội của họ.
Có thể thấy rằng Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 chỉ mới cho phép tòa án được áp dụng bảo lĩnh sau khi bị cáo đã bị kết tội, mà không đề cập đến trường hợp bảo lĩnh trước khi bị kết tội. Nhằm khắc phục những thiếu sót đó, Đạo luật về Cảnh sát và Chứng cứ Hình sự năm 1984 đã bổ sung thêm những quy định về bảo lĩnh của
Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976. Cụ thể, theo Mục 47 Đạo luật này quy định cảnh sát có quyền cho phép một người nhận bảo lĩnh sau khi họ bị bắt.
Ngoài ra, Mục 27 Đạo luật về Tư pháp Hình sự và Trật tự Công cộng năm 1994 đã bổ sung thêm quy định rằng cảnh sát có quyền đặt ra những điều kiện kèm theo khi cho phép một người nhận bảo lĩnh.
Với trường hợp bảo lĩnh của cảnh sát, có hai khả năng có thể xảy ra bao gồm:
Thứ nhất, nếu người bị tình nghi không bị cảnh sát khởi tố, họ sẽ được xem xét để nhận bảo lĩnh với cam kết rằng họ phải có mặt tại sở cảnh sát đúng theo thời gian và địa điểm đã được chỉ định27.
Thứ hai, nếu người bị tình nghi bị cảnh sát khởi tố, họ sẽ được cảnh sát cho nhận bảo lĩnh hoặc tiếp tục bị tạm giữ tại đồn cảnh sát qua đêm và được chuyển đến Tòa Sơ thẩm vào sáng ngày hôm sau. Tại đây, họ sẽ được Tòa Sơ thẩm xem xét để được nhận bảo lĩnh và cho tại ngoại, với cam kết rằng họ phải có mặt tại Tòa Sơ thẩm đúng theo thời gian và địa điểm đã được chỉ định.
Đối với cả hai khả năng, để có thể cho phép một bị cáo nhận bảo lĩnh, thì cảnh sát sẽ phải xem xét những điều kiện nhất định để đảm bảo rằng bị cáo đó sẽ có mặt tại cơ quan tố tụng (sở cảnh sát hoặc tòa án) đúng theo thời gian và địa điểm đã được chỉ định. Điều kiện đầu tiên và bắt buộc chính là bị cáo phải cung cấp được tên tuổi và địa chỉ chính xác của mình. Nếu như bị cáo không cung cấp được những thông tin rõ ràng về tên tuổi và địa chỉ cho cảnh sát, hoặc những thông tin đó bị sai hoặc chưa chính xác, thì cảnh sát có quyền từ chối việc bảo lĩnh.
Ngoài ra, quy định từ Mục 30A đến Mục 30D Đạo luật về Cảnh sát và Chứng cứ Hình sự năm 1984 và được bổ sung sau đó tại Mục 4 Đạo luật về Tư pháp Hình sự năm 2003 còn cho phép cảnh sát được quyền cấp bảo lĩnh ở những nơi khác ngoài sở cảnh sát. Trường hợp này được gọi là “bảo lĩnh đường phố” (street bail), tức là có thể cho phép một người nhận bảo lĩnh ngay tại nơi họ bị bắt giữ. “Cảnh sát không phải đưa nghi phạm vào đồn cảnh sát và thực hiện những cam kết về mặt giấy tờ, mà chỉ cần hoàn thành một mẫu đơn ngay tại nơi bị bắt và sau đó ghi nhận vào hồ sơ cảnh sát”28.
27 Mục 30A Đạo luật Cảnh sát và Chứng cứ Hình sự năm 1984.
28 Catherine Elliott & Frances Quinn (2009), English Legal System (Hệ thống pháp luật Anh), Nxb. Long- man, Anh, tr.396.
Theo quy định tại Mục 9 Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 thì trong khi cho phép một cá nhân nhận bảo lĩnh, thì cảnh sát và tòa án cần phải xem xét những căn cứ sau:
Thứ nhất, bản chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Bản chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội không phải là lý do duy nhất để có thể từ chối việc nhận bảo lĩnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì đây là lý do quan trọng nhất để quyết định một người có được nhận bảo lĩnh hay không. Chẳng hạn, đối với những vụ án về tội giết người, ngộ sát hoặc hiếp dâm thì bị cáo sẽ có ít khả năng được nhận bảo lĩnh hơn so với bình thường. Trong những trường hợp này, nếu bị cáo được nhận bảo lĩnh thì tòa án phải nêu rõ những lý do của mình.
Thứ hai, những đặc điểm nhân thân của của bị cáo, tiền án, tiền sự của bị cáo, những đóng góp cho xã hội của bị cáo. Vì biện pháp bảo lĩnh ở Anh là một hình thức tự cam kết giữa chính người được bảo lĩnh với tòa án hoặc cảnh sát mà không có sự xuất hiện của bên thứ ba nhận bảo lĩnh, nên việc quyết định một người có được nhận bảo lĩnh hay không chủ yếu được dựa trên những đặc điểm nhân thân của chính họ. Những đặc điểm nhân thân của bị cáo bao gồm việc bị cáo đã kết hôn hay chưa, có nghề nghiệp ổn định hay không, địa vị xã hội cũng như tiền án, tiền sự của họ. Theo tác giả James Welsh thì “một bị cáo đã kết hôn, có sự nghiệp ổn định và đang sở hữu một căn nhà của riêng mình thì sẽ được xem là ít có khả năng bỏ trốn khỏi pháp luật hơn là một bị cáo còn đang độc thân, không có việc làm và không có nơi ở cố định”29.
Thứ ba, hồ sơ của bị cáo về việc nhận bảo lĩnh trước đó. Khi cân nhắc cho một người nhận bảo lĩnh, Tòa án cần xem xét việc họ đã từng được nhận bảo lĩnh trước đó hay chưa. Nếu họ đã từng được nhận bảo lĩnh trước đó, thì trong quá trình nhận bảo lĩnh họ có vi phạm những điều kiện kèm theo, hay vi phạm cam kết là phải có mặt tại cơ quan tố tụng hay không. Trong trường hợp bị cáo đã từng được nhận bảo lĩnh trước đó nhưng lại không có mặt tại các cơ quan tố tụng như đã cam kết và có những căn cứ cho rằng có khả năng bị cáo sẽ tiếp tục tái phạm trong tương lai, thì rất có thể tòa án sẽ tước bỏ quyền nhận bảo lĩnh của bị cáo.
Thứ tư, mức độ tin cậy của những chứng cứ chống lại bị cáo. Những chứng cứ này là do bên công tố đưa ra. Nếu như những chứng cứ chống lại bị cáo càng nhiều, mức độ chính xác càng cao thì khả năng họ được nhận bảo lĩnh sẽ càng thấp.
29 James Welsh (2003), Advocacy in The Magistrates' Court (Bào chữa trong Tòa án sơ thẩm), Nxb, Caven- dish, Anh, tr.42.
2.1.2.2. Căn cứ hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Anh
- Đối với căn cứ hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh:
Phần I Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 đã nêu rất rõ những trường hợp ngoại lệ không được áp dụng “quyền bảo lĩnh”. Cụ thể, căn cứ Bảng phụ lục 1 thì tòa án có thể từ chối hoặc hủy bỏ việc áp dụng bảo lĩnh dựa trên những căn cứ như sau:
Thứ nhất, khi có những căn cứ chắc chắn để cho rằng nếu người bị buộc tội được trả tự do thông qua bảo lĩnh thì họ có thể sẽ:
(a) không trình diện tại cơ quan tố tụng như đã cam kết;
(b) tiếp tục thực hiện những hành vi phạm tội khác trong khi đang được nhận bảo lĩnh;
(c) có hành vi gây khó khăn cho nhân chứng hoặc gây khó khăn cho các hoạt động tố tụng trong khi đang được nhận bảo lĩnh. Những hành vi gây khó khăn chẳng hạn như là hành vi tiêu hủy chứng cứ, tiếp cận với nhân chứng hoặc nạn nhân,…30
Thứ hai, khi tòa án cho rằng người bị buộc tội cần phải được giam giữ nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn của chính họ hoặc vì lợi ích của họ, trong trường hợp người bị buộc tội là trẻ em hoặc người vị thành niên.31
Thứ ba, việc bị cáo bị giam giữ là kết quả từ một phán quyết khác của tòa án32. Thứ tư, vì những nguyên nhân khách quan về mặt thời gian mà tòa án không thể thu thập đầy đủ thông tin cần thiết để có thể ra quyết định về việc cho một người nhận bảo lĩnh hay không33.
Thứ năm, nếu bị cáo đã được nhận bảo lĩnh nhưng lại bị bắt vì vi phạm những điều kiện đã cam kết khi nhận bảo lĩnh34.
Mục 5 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 cũng quy định nếu tòa án hoặc cảnh sát hủy bỏ việc áp dụng bảo lĩnh thì phải đưa ra được những lý do cụ thể và rõ ràng cho quyết định của mình.
- Đối với căn cứ thay đổi biện pháp bảo lĩnh:
30 Mục 2 Phần 1 Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976.
31 Mục 3 Phần I Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976.
32 Mục 4 Phần I Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976.
33 Mục 5 Phần I Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976.
34 Mục 6 Phần I Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976.
Bảng phụ lục 1 Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 cũng nêu rõ khi tòa án từ chối việc bảo lĩnh thì bị cáo sẽ tiếp tục bị tạm giam mà không được tại ngoại.