Chương I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1.3. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh
1.3.2. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh ở Anh
Mặc dù pháp luật TTHS của Anh không quy định biện pháp bảo lĩnh nằm trong một hệ thống các BPNC như ở Việt Nam, nhưng biện pháp này vẫn giữ một vị trí hết sức quan trọng và to lớn trong hệ thống pháp luật tố tụng của quốc gia này.
“Trong các phiên tòa hình sự thì những quyết định liên quan đến việc bảo lĩnh là một bước quan trọng trong tiến trình tố tụng”21.
Với một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, hệ thống bảo lĩnh ở Anh được xem như là một hình mẫu điển hình cho nước trên thế giới tuân theo và học tập, đặc biệt là các quốc gia thuộc hệ thống thông luật như Mỹ, Úc, Canada,... Kể từ khi được quy định tại Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976, hệ thống bảo lĩnh ở Anh đã nhanh chóng thể hiện được nhiều điểm tiến bộ và ưu việt của mình, tuy nhiên các quy định về bảo lĩnh vẫn luôn liên tục được cập nhật và sửa đổi ở các Đạo luật sau đó, chẳng hạn như Đạo luật về Cảnh sát và Chứng cứ Hình sự năm 1984, Đạo luật về Tư pháp và Trật tự Công cộng năm 1994 (Criminal Justice and Public Order Act 1994), Đạo luật về Tư pháp Hình sự năm 2003 (Criminal Justice Act 2003),… Thực tế, “tính đến thời điểm hiện tại, Vương quốc Anh cũng là một nước điển hình mà tỷ lệ áp dụng bảo lĩnh đứng hàng cao nhất thế giới”22.
- Vai trò của biện pháp bảo lĩnh ở Anh:
21 The Home Office (2017), Bail and refusal of bail by criminal courts and police officers [Dịch: Bảo lĩnh và việc từ chối bảo lĩnh của tòa án hình sự và cảnh sát], Anh, tr.5.
22 Li Jiao (2009), Comparative Study Of Bail [Dịch: Nghiên cứu so sánh về bảo lĩnh], Central European Uni- versity, Hungary, tr.12.
Biện pháp bảo lĩnh ở Anh được quy định một cách chính thức lần đầu tiên tại Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976. Mặc dù bảo lĩnh đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử tố tụng của Anh trước đó nhưng việc áp dụng biện pháp này chưa phát huy được hiệu quả và còn nhiều hạn chế vì còn thiếu một cơ sở pháp lý rõ ràng. “Những nghiên cứu được tiến hành trong khoảng cuối thập niên 1960 và 1970 cho thấy có nhiều bị cáo vẫn bị giam cầm trong khi họ có thể được nhận bảo lĩnh một cách an toàn và việc giam giữ này đã gây ra những ảnh hưởng rất bất lợi cho bị cáo và vụ việc của họ”23. Vì vậy, sự ra đời của Đạo luật năm 1976 có một vai trò hết sức quan trọng trong toàn bộ hệ thống pháp luật ở Anh nói chung và thủ tục TTHS nói riêng. Đạo luật đã hoàn thiện quy định của pháp luật về chế định bảo lĩnh, công nhận quyền bảo lĩnh như là một quyền cơ bản của tất cả mọi công dân, theo đó tòa án phải luôn xem xét cho một người được nhận bảo lĩnh trừ những trường hợp ngoại lệ.
Bên cạnh đó, việc cảnh sát hay tòa án ra quyết định đồng ý cho một người nhận bảo lĩnh hay không còn có thể tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với nạn nhân của vụ án đó nói riêng, và quần chúng nhân dân nói chung. Tòa án và cảnh sát cần phải đưa ra được những căn cứ, thông tin chính xác để giải thích cho quyết định của mình, khi xem xét cho phép một người nhận bảo lĩnh hoặc từ chối quyền nhận bảo lĩnh của họ. Điều này nhằm đảm bảo đạt được mục đích áp dụng của biện pháp bảo lĩnh, không gây ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng cũng như không đi ngược với ý kiến của quần chúng nhân dân, dư luận xã hội.
- Ý nghĩa của biện pháp bảo lĩnh ở Anh:
Trong suốt thập kỷ vừa qua, rất nhiều nước công nghiệp hóa đang đối diện với sự gia tăng chóng mặt về số lượng tù nhân đang bị giam giữ trong các hệ thống nhà giam. Hiện nay, nhiều quốc gia đang có tỷ lệ tù nhân đạt mức cao nhất trong lịch sử mà họ từng có, điều này dẫn đến một tổn thất vô cùng to lớn về mặt kinh tế lẫn con người. Với một số quốc gia, trong đó có nước Anh, sự gia tăng về số lượng những người bị buộc tội đang bị tạm giam cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự gia tăng về số lượng tù nhân nói chung. Chính vì vậy, biện pháp bảo lĩnh với mục đích trả tự do cho những người bị buộc tội phần nào có ý nghĩa trong việc giảm thiểu những con số đó. Hơn nữa, giảm thiểu số lượng tù nhân bị giam giữ cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu những tổn thất về kinh tế, bao gồm “chi phí giam giữ các bị cáo, chi phí
23 Anthea Hucklesby (2011), Bail Support Schemes for Adults [Dịch: Hệ thống hỗ trợ bảo lĩnh cho người trưởng thành], Nxb Policy, Anh, tr.7.
hộ tống họ giữa các nhà tù và tòa án, chi phí cho các phương tiện phục vụ cho việc xét xử các bị cáo ngay khi họ đang bị giam giữ trong nhà tù”24.
Ngoài ra, những quy định về chế tài bảo lĩnh của pháp luật TTHS Anh thể hiện tinh thần đề cao quyền con người, cụ thể là quyền bảo lĩnh. Quyền bảo lĩnh được quy định tại Đạo luật về Bảo lĩnh năm 1976 ở Anh là một trong những quyền con người cơ bản dựa trên quyền tự do và nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện trong Đạo luật về Quyền con người năm 1998, Công ước Châu Âu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Tóm lại, có thể thấy rằng Anh và Việt Nam nhìn bảo lĩnh ở hai khía cạnh khác nhau, nên biện pháp này cũng có vị trí hoàn toàn khác nhau trong pháp luật TTHS của hai nước. Nếu như bảo lĩnh là một trong số các BPNC của TTHS theo quy định của Việt Nam, thì bảo lĩnh lại là một quyền cơ bản của công dân theo quy định của Anh. Điều đó dẫn đến việc một số quy định của hai nước về biện pháp này chắc chắn cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở góc độ nào thì bảo lĩnh đều đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của hai nước, việc áp dụng biện pháp này có ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn đối với cả Anh lẫn Việt Nam.
24 Anthea Hucklesby (2011), Bail Support Schemes for Adults [Dịch: Hệ thống hỗ trợ bảo lĩnh cho người trưởng thành], Nxb Policy, Anh, tr.2.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Nhìn chung, thông qua việc phân tích, nhận xét, đánh giá các quy định của pháp luật cũng như những ý kiến, bình luận của các nhà nghiên cứu trên bình diện khoa học, Chương 1 đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đều sau:
Thứ nhất, trình bày được một số quan điểm xung quanh khái niệm biện pháp bảo lĩnh theo quy định của pháp luật TTHS Việt Nam và Anh, từ đó đưa ra khái niệm chung nhất về biện pháp bảo lĩnh Việt Nam và Anh. BLTTHS năm 2015 quy định biện pháp bảo lĩnh là một trong các biện pháp cưỡng chế TTHS dùng để thay thế biện pháp tạm giam, trong khi theo quy định của pháp luật TTHS Anh thì bảo lĩnh là một trong những quyền cơ bản của công dân.
Thứ hai, phân tích được một số đặc điểm của biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Việt Nam và Anh. Từ đó thấy được một số điểm giống và khác nhau cơ bản về bản chất của biện pháp bảo lĩnh theo quy định của pháp luật TTHS hai nước.
Thứ ba, phân tích làm rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc quy định và áp dụng biện pháp bảo lĩnh trong pháp luật TTHS Anh và Việt Nam, từ đó làm nổi bật tầm quan trọng của biện pháp này.
Ngoài ra, nhiều nội dung về lý luận chung về bảo lĩnh đã được nêu ở chương 1, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp bảo lĩnh ở chương sau.