Chương I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Chương 2. SO SÁNH QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ ANH VỀ BIỆN PHÁP BẢO LĨNH
2.1. Căn cứ áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo lĩnh
2.1.1. Căn cứ áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Việt Nam
2.1.1.1. Căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Việt Nam
Mục đích của việc quy định căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh được dễ dàng, thuận lợi hơn. Các căn cứ này phải được quy định trong BLTTHS, bởi nếu không có căn cứ do pháp luật quy định thì người có thẩm quyền không thể áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Ngoài ra, việc áp dụng các căn cứ này phải đáp ứng được mục đích của biện pháp bảo lĩnh.
Bảo lĩnh là một trong các BPNC trong TTHS của nước ta, nên để có thể áp dụng biện pháp bảo lĩnh, trước tiên các CQTHTT phải xem xét đến các căn cứ chung trong việc áp dụng BPNC được quy định tại khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau:
“Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp
giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.”
Theo quy định tại khoản 1 thì có thể chia căn cứ áp dụng BPNC thành 4 căn cứ bao gồm:
- Để kịp thời ngăn chặn tội phạm;
- Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử;
- Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội;
- Để bảo đảm thi hành án.
Đây là những căn cứ chung mà các CQTHTT có thể dựa vào để quyết định áp dụng BPNC phù hợp. Tuy nhiên, không phải BPNC nào cũng sử dụng tất cả các căn cứ này. Khi xem xét áp dụng biện pháp bảo lĩnh, các CQTHTT không xem xét căn cứ thứ nhất “để kịp thời ngăn chặn tội phạm” mà chỉ xem xét một trong ba căn cứ sau đó là khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội; để bảo đảm thi hành án. Ở căn cứ thứ nhất, đối tượng tác động ở đây là những người đang chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội quả tang. Họ đều là những người chưa bị khởi tố về hình sự, đồng nghĩa với việc họ không phải là bị can, bị cáo, trong khi đối tượng áp dụng biện pháp bảo lĩnh đã được khẳng định rõ chỉ có thể là bị can, bị cáo. Do đó, khi xem xét căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo căn cứ chung để áp dụng BPNC thì sẽ không xét đến căn cứ thứ nhất này.
Về căn cứ thứ hai, khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo25 nhưng đối tượng của biện pháp bảo lĩnh chỉ xét đến bị can, bị cáo. Đối với căn cứ này, khi CQTHTT nhận thấy khả năng bị can, bị cáo có thể gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì họ sẽ quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cụm từ “gây khó khăn” chưa được các nhà làm luật giải thích rõ ràng, dễ dẫn đến việc hiểu sai, tùy tiện theo ý chí chủ quan của CQTHTT, người tiến hành tố tụng hoặc gây ra sự lúng túng khi áp dụng. Kinh nghiệm thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy trong tất cả các vụ án thì phần lớn bị can, bị cáo đều có tâm lý muốn che giấu, tránh né hoặc làm giảm bớt trách nhiệm của mình đối với hành vi phạm tội do họ gây ra. Vì thế, họ
25 Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015.
luôn tìm cách gây cản trở CQTHTT bằng những hành vi như bỏ trốn, tạo hiện trường giả hoặc làm xáo trộn hiện trường nhằm đánh lạc hướng điều tra, tiêu hủy chứng cứ, tạo bằng chứng ngoại phạm, thông cung hoặc không có mặt theo yêu cầu triệu tập... làm chậm tiến trình điều tra. Khi xem xét căn cứ này, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần dựa vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của từng vụ án, dựa vào diễn tiến, nhân thân của bị can, bị cáo, các mối quan hệ và vị thế của họ trong xã hội, ý thức của họ về trách nhiệm đối với hành vi phạm tội do mình gây ra như thế nào, cũng như tiến độ chứng minh chứng cứ. Việc nhận định đúng hướng đi cho từng vụ án góp phần quan trọng cho việc đánh giá khách quan toàn bộ tình tiết của vụ án, cũng như quyết định các biện pháp cần thiết để áp dụng, bảo đảm cho hoạt động tố tụng được tiến hành đúng đắn theo quy định pháp luật.
Về căn cứ thứ ba, khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội.
Trong trường hợp những bị can, bị cáo có biểu hiện tiếp tục phạm tội thì việc áp dụng BPNC đối với họ là rất cần thiết. Đây là căn cứ dự báo và có thể được xác định dựa trên hai phương diện, đó là nhân thân và hành vi của bị can, bị cáo. Xét về nhân thân thì bị can, bị cáo là những đối tượng có nhân thân xấu (chẳng hạn như bị can, bị cáo là người có ý thức chống đối giai cấp sâu sắc, những phần tử thuộc diện lưu manh, côn đồ, hung hãn…), bị can, bị cáo là những đối tượng phạm tội đã có nhiều tiền án, tiền sự hoặc những đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Xét về hành vi thì bị can, bị cáo có những hành vi như: đe dọa trả thù người tố giác, người bị hại, người làm chứng; có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện cho việc phạm tội và xét thấy khả năng thực hiện được những hành vi này.
Về căn cứ thứ tư, để đảm bảo thi hành án. Căn cứ này cũng vô cùng cần thiết và quan trọng, bởi lẽ các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ trở nên vô nghĩa nếu như thi hành án không được thực hiện. Một bản án được thi hành kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chính là mục đích mà TTHS hướng tới, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương, pháp chế, phát huy tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Việc thi hành bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan trực tiếp đến người bị kết án. Sự có mặt của họ là rất cần thiết để cho quyết định của Tòa án có hiệu lực trên thực tế. Nếu người bị kết án bỏ trốn, thì việc truy cứu TNHS cũng không còn ý nghĩa. Do đó, để thi hành án được thực hiện một cách thuận lợi, CQTHTT mà cụ thể là tòa án cần phải áp dụng các BPNC xuyên suốt quá trình xét xử nhằm đảm bảo cho việc xét xử và cũng như thi hành án sau này.
Các căn cứ được quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 chỉ là các căn cứ chung áp dụng cho tất cả các BPNC. Bên cạnh các căn cứ chung này, mỗi BPNC cũng có cho riêng mình những căn cứ mang tính chất đặc thù vì mỗi biện pháp lại có tính chất và mức độ ngăn chặn khác nhau. Đối với biện pháp bảo lĩnh, ngoài các căn cứ chung nêu trên thì việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh còn phải thỏa mãn các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 121 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau:
“Bảo lĩnh là BPNC thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, CQĐT, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”. Theo đó, khi xem xét áp dụng biện pháp bảo lĩnh thì các CQTHTT còn phải dựa vào các căn cứ sau:
Thứ nhất, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ để phân chia tội phạm thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng là căn cứ để quy định loại hình phạt, khung hình phạt.
Việc cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội thường được thể hiện ở những nội dung như:
- Xem xét, cân nhắc lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội; phương tiện phạm tội; thủ đoạn phạm tội; thời gian và địa điểm phạm tội; khách thể xâm hại…
- Xem xét, cân nhắc hậu quả do hành vi phạm tội gây ra bao gồm hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
- Nếu là có đồng phạm cần xem xét tính chất của đồng phạm có ít người hay có nhiều người tham gia; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người trong đồng phạm để cá thể hoá TNHS khi quyết định hình phạt.
- Nếu phạm tội có tổ chức cần xem xét, cân nhắc tính chất của tổ chức có ít người hay có nhiều người tham gia; mức độ cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người khi thực hiện tội phạm để cá thể hóa TNHS khi quyết định hình phạt.
Thứ hai, nhân thân của bị can, bị cáo.
“Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc tính, dấu hiệu thể hiện bản chất xã hội, tính cá biệt, không lặp đi lặp lại của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm có ý nghĩa giải quyết đúng đắn vấn đề TNHS”26. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn tố tụng khác nhau mà khái niệm “nhân thân người phạm tội” được hiểu là nhân thân bị can (trong giai đoạn điều tra và truy tố), hoặc nhân thân bị cáo (trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự), hoặc nhân thân người bị kết án hoặc nhân thân phạm nhân (trong giai đoạn thi hành bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án).
Những thông tin về đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ công tác giải quyết vụ án hình sự nói chung và điều tra vụ án nói riêng, đặc biệt trong việc xác định đúng đắn TNHS của bị can, bị cáo. Những thông tin này là căn cứ không thể thiếu của phần lớn các hành vi tố tụng và quyết định tố tụng. Những thông tin về đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo được thể hiện trong lý lịch của bị can, bị cáo và các tài liệu khác có liên quan. CQĐT, VKS, Tòa án phải chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo để áp dụng BPNC bảo lĩnh sao cho phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động TTHS khác.
Việc quy định căn cứ này dựa trên nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự của nhà nước Việt Nam đối với bất kỳ vụ án hình sự, với bất kỳ cá nhân người phạm tội nào. Mặc dù các nhà làm luật không chỉ rõ nhân thân của bị can, bị cáo phải như thế nào, phải đáp ứng những điều kiện nào thì được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, nhưng qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã dựa trên một số tình tiết về nhân thân như bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, có lý lịch rõ ràng, có nơi cư trú xác định, thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… để áp dụng và đã đạt được những kết quả nhất định. Chẳng hạn, trường hợp người phạm tội trộm cắp lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì khả năng được áp dụng biện pháp bảo lĩnh phải cao hơn những người phạm tội trộm cắp thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng đã từng bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần hoặc đã từng có tiền án, tiền sự. Do đó, các nhà làm luật cần cụ thể hóa vấn đề này vào trong BLTTHS để những người có thẩm quyền không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quy định áp dụng, nhằm đảm bảo giải quyết vụ án được nhanh chóng, đúng người, đúng pháp luật.
26 Chu Thị Quỳnh (2015), Vai trò nhân thân người phạm tội, luận văn thạc sĩ luật học, tr. 15.
2.1.1.2. Căn cứ hủy bỏ, thay thế biện pháp bảo lĩnh theo quy định của Việt Nam
Điều 125 BLTTHS năm 2015 quy định về căn cứ hủy bỏ hoặc thay thế BPNC như sau:
“1. Mọi BPNC đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn TNHS hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
2. CQĐT, VKS, Tòa án hủy bỏ BPNC khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng BPNC khác.
Đối với những BPNC do VKS phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng BPNC khác phải do VKS quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng BPNC, trừ biện pháp tạm giữ do VKS phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho VKS để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế BPNC khác.”
Bảo lĩnh là một trong những BPNC được quy định trong BLTTHS năm 2015.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các CQTHTT có thể hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh khi thấy không còn cần thiết cần phải áp dụng biện pháp này hoặc có thể thay thế biện pháp bảo lĩnh khi có những điều kiện mới xảy ra. Việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo lĩnh cũng phải tuân theo các căn cứ chung được quy định tại Điều 125 bộ luật này.
Biện pháp bảo lĩnh sẽ được hủy bỏ trong những trường hợp sau:
- Khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
- Khi đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.
- Khi đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can.
- Khi bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn TNHS hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Biện pháp bảo lĩnh sẽ được thay thế trong trường hợp bị can, bị cáo vi phạm những nghĩa vụ đã cam đoan để được bảo lĩnh. Theo Khoản 3 Điều 121 BLTTHS năm 2015 thì những nghĩa vụ đó là:
- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
- Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
- Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Khoản 3 Điều 131 BLTTHS năm 2015 cũng quy định rõ: “Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.”