CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI
1.2. Căn cứ pháp lý phát sinh nghĩa vụ hạn chế thiệt hại
1.2.2. Xuất phát từ quan hệ hợp đồng
Cũng như pháp luật của các quốc gia khác, trong hệ thống pháp luật Việt Nam tồn tại nhiều loại hợp đồng: hợp đồng dân sự, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng đầu tư, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm…Với tư cách là luật gốc của hệ thống luật tư, BLDS dành sự quan tâm đặc biệt điều chỉnh quan hệ hợp đồng, nói chính xác theo BLDS là “hợp đồng dân sự”.
Trước tiên, hợp đồng là một loại giao dịch dân sự19 và BLDS cũng định nghĩa “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”20. Theo một tác giả “Hợp đồng có thể được coi là kết quả của việc thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên, được thể hiện trong các điều khoản cụ thể về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên để có cơ sở cùng nhau thực hiện”21. Như vậy, bản chất của hợp đồng được tạo nên bởi hai yếu tố là sự thỏa thuận và sự ràng buộc pháp lý giữa các bên22. Chính vì vậy, khi các bên đã thỏa thuận giao kết hợp đồng với nhau thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ mà các bên đã cam kết và những nghĩa vụ khác không được ghi nhận trong hợp đồng nhưng pháp luật có quy định với các bên khi giao kết hợp đồng. Việc không thực hiện đúng hợp đồng thường phát sinh thiệt hại và bên không thực hiện đúng hợp đồng có trách nhiệm BTTH.
Như đã phân tích ở Mục 1.1.3 thì khi đã có hành vi vi phạm xảy ra thì mới phát sinh nghĩa vụ hạn chế. Ở phần này chúng ta đang nghiên cứu căn cứ phát sinh nghĩa vụ hạn chế thiệt hại xuất phát từ quan hệ hợp đồng. Có nghĩa là giữa các bên tồn tại quan hệ hợp đồng, tuy nhiên không phải chỉ khi có sự vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng mà sự vi phạm đó có nguy cơ gây ra thiệt hại cho bên có quyền thì lúc đó nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên có quyền mới bắt đầu phát sinh mà thậm chí nghĩa vụ này còn phát sinh từ khi xác lập hợp đồng hoặc từ khi lợi ích của các bên tồn tại. Bỡi lẽ, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại không hẳn phát sinh từ sự vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mà còn phát sinh từ yêu cầu của nguyên tắc thiện chí, trung thực.
Ví dụ: Trong hợp đồng bảo hiểm, một người đã mua hợp đồng chống cháy nhà kho cho mình nhưng từ khi xác lập hợp đồng này, người mua bảo hiểm vẫn
19 Điều 121 BLDS năm 2005, Điều 130 BLDS năm 1995.
20 Điều 394 BLDS năm 1995, Điều 388 BLDS năm 2005.
21 Đinh Văn Thanh (1999), “Đặc trưng pháp lý của hợp đồng dân sự”, Tạp chí Luật học, số 04/1999, tr.19.
22 Lê Minh Hùng (2010), Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.13.
17
phải có nghĩa vụ phòng ngừa chống cháy như cẩn thận nguồn lửa, điện, các chất xúc tác… dễ dẫn đến cháy nổ hoặc không có sự “vi phạm” của bên bảo hiểm nhưng do sự kiện tự nhiên xảy đến như sét đánh cháy nhà kho.. thì bên được bảo hiểm vẫn phải có nghĩa vụ hạn chế thiệt hại vì đây là thể hiện sự thiện chí, trung thực.
Vậy, nghĩa vụ của hợp đồng là gì? Nghĩa vụ được cấu thành từ một mối ràng buộc pháp lý và hợp đồng chính là một trong các ràng buộc pháp lý đó. Vì thế nghĩa vụ hợp đồng được hiểu là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng đối với bên có quyền.
Theo một tác giả thì “nghĩa vụ của hợp đồng” tại BLDS hiện hành bao gồm cả những nghĩa vụ các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và nghĩa vụ được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng được giao kết23. Tác giả luận văn đồng ý với quan điểm trên, nghĩa vụ của hợp đồng cần phải được hiểu theo nghĩa hẹp là những nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và theo nghĩa rộng là những nghĩa vụ được quy định trong pháp luật hợp đồng chứ không chỉ là nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo khoản 12 Điều 3 LTM năm 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”. Có ý kiến cho rằng: “Không thực hiện được hiểu bao gồm tất cả các hình thức có thực hiện nhưng không đúng như giao kết cũng như hoàn toàn không thực hiện”24. Đây là một nhận định đúng.
So sánh pháp luật các nước, chúng ta thấy cũng có sự điều chỉnh “vi phạm nghĩa vụ hợp đồng bằng cách phân loại. Chẳng hạn, BLDS Nhật Bản phân loại các trường hợp giúp xác định vi phạm hợp đồng đó là: chậm thực hiện, không có khả năng thực hiện và thực hiện không đầy đủ. Ở Pháp, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trong đó không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng bao gồm tất cả hình thức thể hiện không thực hiện và thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng.
23 Ngô Thị Minh Loan (2014), Hủy bỏ hợp đồng do bị vi phạm trong BLDS Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.17.
24 Trần Thăng Long và Hà Thị Hạnh (2013), “Các biện pháp khắc phục do vi phạm hợp đồng (contract remedies) theo pháp luật hợp đồng Hoa Kỳ và một số so sánh với pháp luật Việt Nam”, Tài liệu Hội thảo Tìm hiểu pháp luật hợp đồng trong hệ thống thông luật, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2013, tr.65.
18
Tại Điều 5.1.4 Bộ nguyên tắc Unidroit quy định: “Người có nghĩa vụ kết quả phải cung cấp kết quả đã cam kết; Người có nghĩa vụ phương tiện phải thực hiện công việc đó với sự cẩn trọng và trách nhiệm như một người bình thường có cùng khả năng ở cùng hoàn cảnh”. Như vậy, Bộ nguyên tắc Unidroit phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ kết quả và nghĩa vụ phương tiện.
BLDS năm 2005 hoàn toàn không có điều luật nào định nghĩa “vi phạm nghĩa vụ hợp đồng” hay “vi phạm hợp đồng” là gì? Nhưng nó lại được điều chỉnh gián tiếp qua các điều luật khác, cụ thể như Điều 302 BLDS năm 2005 quy định:
“Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”. Vì trách nhiệm hợp đồng là một dạng cụ thể của trách nhiệm dân sự nên Điều 302 cũng được áp dụng đối với trách nhiệm hợp đồng. Do đó, khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng thì sẽ chịu trách nhiệm hợp đồng.
Theo tác giả luận văn vi phạm hợp đồng cần được hiểu là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng cũng như nghĩa vụ tại các quy định liên quan về hợp đồng. Như vậy, khi giao kết hợp đồng mà có vi phạm xảy ra thì phải thực hiện việc hạn chế thiệt hại hoặc chưa có sự vi phạm xảy ra nhưng có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại thì chủ thể có khả năng hạn chế thiệt hại phải hành động. Nếu không hành động hạn chế thiệt hại đều coi là vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng thì phát sinh thiệt hại, thiệt hại ở đây gồm thiệt hại do vi phạm hợp đồng và thiệt hại do hành vi không hạn chế thiệt hại gây ra, nếu thực hiện tốt việc hạn chế thiệt hại thì thiệt hại do không hạn chế không xảy ra.
Khi xem xét nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ hợp đồng cũng cần xem xét đến yếu tố nhân - quả: Mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối liên hệ nội tại, tất yếu. Trong đó, hành vi vi phạm là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là kết quả. Chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm thì người vi phạm mới phải BTTH.
Nguyên nhân và kết quả có mối liên hệ nối tiếp nhau, nguyên nhân bao giờ cũng đi trước, là cái sinh ra kết quả. Vì vậy hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra tất yếu phải là hai giai đoạn gắn bó nhau của một quá trình vận động. Mặt khác, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và một nguyên nhân có thể làm phát sinh nhiều kết quả. Nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai, cần xem xét hành vi vi phạm của họ có quan hệ như thế nào đối với thiệt hại xảy ra. Nếu không xác định chính xác mối quan hệ này rất dễ dẫn đến những sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự.
19
Thông thường thì thiệt hại lẽ ra có thể hạn chế được không có mối quan hệ nhân - quả với hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, xem xét “mổ xẻ” ở đoạn sau khi đã vi phạm và phát sinh nghĩa vụ hạn chế thiệt hại thì ta thấy rằng có yếu tố nhân - quả. Về mặt thời gian, nguyên nhân phải có trước kết quả, ở đây nguyên nhân là không thực hiện việc hạn chế thiệt hại nên thiệt hại xảy ra lớn hơn thiệt hại ban đầu, thiệt hại lớn hơn này là kết quả.
Ví dụ: A làm nước chảy vào ướt gạo nhà B, B thấy nên đã cố gắng vận chuyển 09 bao gạo ra chỗ khác nên chỉ bị ướt một bao gạo nằm ngoài. Trong trường hợp này nếu B để im cho nước cứ chảy vào và lần lượt ướt 10 bao gạo. Như vậy, A làm nước chảy vào nhà B là nguyên nhân đầu tiên và bắt đầu phát sinh nghĩa vụ hạn chế thiệt hại, tiếp đến B không hạn chế thiệt hại là nguyên nhân, ướt 10 bao gạo là hậu quả nên rõ ràng trong nghĩa vụ hạn chế thiệt hại có yếu tố nhân - quả giữa việc không hạn chế thiệt hại của bên có quyền với phần thiệt hại gia tăng.
Bên cạnh đó còn phải xem xét đến yêu tố lỗi trong nghĩa vụ hạn chế thiệt hại:
Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”25. Như vậy, nếu không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác thì chỉ khi nào người vi phạm nghĩa vụ dân sự có lỗi mới phải BTTH. Tuy nhiên, về nguyên tắc, người đã được xác định là có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó đương nhiên bị coi là có lỗi.
Về bản chất, lỗi được các ngành luật xác định giống nhau. Đó là quan hệ giữa khả năng nhận thức của chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật với đòi hỏi, yêu cầu chung nhất của xã hội đối với hành động của chủ thể trong một hoàn cảnh thông thường và mang tính phổ biến, mà nội dung của nó là việc chủ thể đã hành động (hoặc không hành động) theo hướng phủ định những yêu cầu của xã hội đã được thể hiện thông qua các quy định của pháp luật. Khi một người có đủ nhận thức và điều kiện để lựa chọn cách xử sự sao cho xử sự đó phù hợp với pháp luật, tránh thiệt hại cho chủ thể khác nhưng vẫn thực hiện hành vi gây thiệt hại thì người đó bị coi là có lỗi. Như vậy, lỗi là thái độ tâm lí của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ đã thực hiện. Căn cứ vào nhận thức của người gây thiệt hại đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện, lỗi được chia thành các hình thức và trạng thái khác nhau như sau: Lỗi cố ý, lỗi vô ý.
25 Khoản 1 Điều 308 BLDS năm 2005.
20
Ở mỗi ngành luật, việc xác định lỗi của người có hành vi trái pháp luật ở hình thức nào, trạng thái nào có ý nghĩa khác nhau trong việc xác định hậu quả pháp lí mà người đó phải gánh chịu. Khác với luật hành chính và luật hình sự, luật dân sự đã quy định người có hành vi trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự bất luận hành vi đó được thực hiện với lỗi vô ý hay cố ý. Như vậy, về nguyên tắc chung khi áp dụng trách nhiệm dân sự không cần xác định hình thức lỗi của người gây ra thiệt hại, đặc biệt không bao giờ phải xác định trạng thái lỗi của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định rõ trong cấu thành của trách nhiệm (ví dụ: cố ý không thông báo, cố ý tặng cho tài sản của người khác, cố ý cho người khác dùng chất kích thích…; hoặc vô ý làm cho người khác nhầm lẫn…).
Ở đây, vi phạm nghĩa vụ hạn chế thiệt hại đòi hỏi người có nghĩa vụ phải là người có khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ hạn chế thiệt hại thì việc họ không chịu thực hiện nghĩa vụ đó mới được coi là “vi phạm”. Nếu họ đã làm hết yêu cầu cần thiết mà khả năng cho phép vẫn không thể hạn chế, khắc phục được thiệt hại hoặc vì việc đó hoàn toàn vượt ngoài khả năng của họ, thì cũng không coi là “có lỗi” hay “vi phạm” nghĩa vụ hạn chế thiệt hại.