Mặc dù nghĩa vụ hạn chế thiệt hại chưa được thừa nhận rõ ràng nhưng cũng đã được ghi nhận trong một số văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Thương mại, một số điều luật cụ thể trong BLDS.
Nhưng các quy định trên chỉ tồn tại trong lĩnh vực hợp đồng hay lĩnh vực bảo hiểm nên không được áp dụng cho quan hệ BTTH ngoài hợp đồng.
61 Nguyễn Ngọc Khánh (2007), Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, NXB. Tư pháp, tr.469.
53
Đối với lĩnh vực BTTH ngoài hợp đồng, một số quy định của BLDS năm 2005 gần gũi với nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại, đó là:
Thứ nhất, BLDS quy định liên quan đến xác định thiệt hại như “chi phí hợp lý để hạn chế thiệt hại” tại khoản 4 Điều 608 về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm hay điểm a khoản 1 Điều 611 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Tuy nhiên, quy định này không nói đến “nghĩa vụ hạn chế thiệt hại” khi bên bị xâm phạm có khả năng áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại thì phải áp dụng. Quy định này được hiểu là khi bên bị xâm phạm “tự” áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại mà phát sinh các chi phí thì chi phí này được bồi thường. Nói cách khác, quy định vừa nêu chỉ cho biết nếu bên bị xâm phạm áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại thì chi phí phát sinh từ việc hạn chế thiệt hại được bồi thường; quy định không nói là người này phải hạn chế thiệt hại khi có thể và nếu họ không hạn chế thiệt hại thì thiệt hại mà họ có thể tránh được không được bồi thường62.
Thứ hai, Điều 617 BLDS năm 2005 quy định về lỗi của người bị thiệt hại theo đó “khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình”63. Thực chất, quy định này áp dụng cho trường hợp “người bị thiệt hại và người gây thiệt hại cùng gây thiệt hại”64 và vai trò trong việc gây thiệt hại của người bị thiệt hại tồn tại ở thời điểm phát sinh trách nhiệm BTTH (tức là đồng thời với sự kiện gây thiệt hại) trong khi đó, trong nghĩa vụ hạn chế thiệt hại vai trò của người bị thiệt hại chỉ xuất hiện sau khi trách nhiệm BTTH đã phát sinh đối với người khác (sau sự kiện gây thiệt hại). Nói cách khác, lỗi hay vai trò của người bị thiệt hại trong Điều 617 là lỗi hay vai trò đồng hành với sự kiện gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm BTTH còn vai trò của người bị thiệt hại trong nghĩa vụ hạn chế thiệt hại chỉ xuất hiện sau khi có sự kiện gây thiệt hại và tác động đến mức thiệt hại trong thực tế (làm cho thiệt hại nghiêm trọng hơn, trầm trọng hơn hay không chứ không ảnh hưởng tới sự tồn tại hay không tồn tại của trách nhiệm BTTH). Chính vì vậy mà Điều 617 không thực sự thích ứng với trường hợp mà chúng ta đang nghiên cứu65.
Thứ ba, trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng còn có quy định về “mối quan hệ nhân - quả”. Cụ thể, Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của
62 Dẫn theo Đỗ Văn Đại (2014), Luật hợp Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án, tập 1, NXB. Đại học quốc gia – Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, tr.221.
63 Điều 621 BLDS năm 1995.
64 Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sđd 16, tr.744 – 748.
65 Đỗ Văn Đại (2014), Sđd 62, tr.222.
54
HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về BTTH ngoài hợp đồng khẳng định “theo quy định tại Điều 604 BLDS năm 2005, về nguyên tắc chung thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: Phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân - quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại”. Có thể lý giải nghĩa vụ hạn chế thiệt hại trong mối quan hệ với yếu tố nhân - quả: thiệt hại có thể được bên bị thiệt hại hạn chế được không có mối quan hệ nhân - quả với hành vi trái pháp luật nên người có hành vi trái pháp luật (hành vi vi phạm) không chịu trách nhiệm bồi thường66.
Trong hệ thống thông luật mà đại diện là Anh-Mỹ, khái niệm “nghĩa vụ hạn chế thiệt hại” cũng “được chấp nhận tương tự trong lĩnh vực BTTH trong hợp đồng” là “pháp luật không chấp nhận người yêu cầu BTTH đối với thiệt hại mà họ đáng ra không phải gánh chịu nếu họ đã áp dụng những biện pháp hợp lý để hạn chế mất mát”. Ở đây, “người khởi kiện phải tiến hành các bước hợp lý để thiệt hại mà họ yêu cầu giữ ở mức thấp nhất67.
Đối với thiệt hại do hành vi bất cẩn, luật Australia phân biệt hai trường hợp:
Nếu người bị thiệt hại xử sự bất hợp lý dẫn đến làm trầm trọng thêm tình trạng của mình, thì họ có thể sẽ bị coi là có lỗi hỗn hợp đối với phần thiệt hại tăng thêm.
Trong các trường hợp khác, người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải khắc phục thiệt hại xảy ra. Người bị thiệt hại có thể sẽ không được hưởng bồi thường đối với những thiệt hại mà họ lẽ ra đã có thể tránh được, nhưng do không hành động hoặc hành động không hợp lý, nên họ đã phải gánh chịu. Ngược lại, nếu người bị thiệt hại đã bỏ ra những khoản chi phí hợp lý để giảm thiểu thiệt hại thì những chi phí này sẽ được bồi hoàn như là một phần của khoản bồi thường cho hành vi sai trái. Đối với trường hợp thiệt hại về sức khỏe, để xác định tính hợp lý của việc từ chối không thực hiện các hành vi khắc phục thiệt hại, Tòa án Australia sẽ kiểm tra, liệu một người bình thường ở trong hoàn cảnh của nạn nhân có từ chối điều trị hay không, trên cơ sở tính toán đến những khó khăn của họ trong việc nhận thức hoàn cảnh, kể cả những khó khăn do chứng loạn thần kinh chức năng mà tai nạn đã gây ra. Thông thường, người bị thiệt hại sẽ không có nghĩa vụ phải bỏ chi phí hạn chế thiệt hại nếu việc làm đó vượt quá khả năng tài chính của họ68.
66 Đỗ Văn Đại (2014), Sđd 62, tr.222.
67 Đỗ Văn Đại (2014), Sđd 62, tr.224.
68 Đỗ Văn Đại (2014), Sđd 62, tr.224.
55
Thụy Sỹ là nước theo hệ thống dân luật và cũng đã ghi nhận nghĩa vụ hạn chế thiệt hại đối với người bị thiệt hại trong BLDS. Ở Quêbếc (Canada), “mặc dù được bồi thường toàn bộ, nạn nhân của một thiệt hại phải hạn chế thiệt hại của họ.
Cụ thể, theo điều 1479 BLDS Quêbếc, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường một thiệt hại không phải chịu trách nhiệm đối với việc làm trầm trọng hóa thiệt hại mà nạn nhân có thể tránh được”. Chẳng hạn, “nạn nhân của một thiệt hại không thể từ chối can thiệp phẫu thuật có thể làm cho điều kiện của họ tốt hơn khi sự từ chối này thể hiện là không hợp lý. Hơn nữa, họ còn chịu trách nhiệm về việc làm trầm trọng tình trạng của họ xuất phát từ việc từ chối tuân thủ hay những điều trị được yêu cầu khi những điều trị này không có rủi ro nào”69.
Điều 717 BLDS Nhật Bản cũng quy định: “Nếu thiệt hại xảy ra đối với người khác vì nguyên nhân sai sót trong xây dựng hoặc bảo quản cấu trúc trên đất, thì người chiếm hữu cấu trúc chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với bên bị thiệt hại; song nếu như người chiếm hữu đã thể hiện sự quan tâm đúng mức nhằm ngăn chặn việc xảy ra thiệt hại thì chủ các cấu trúc phải bồi thường”.
BLDS Cộng hòa liên bang Đức cũng có quy định tại Điều 836 về trách nhiệm trong trường hợp đổ nhà: “…Nghĩa vụ bồi thường không phát sinh nếu người chiếm giữ đã chú trọng tới các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn mối nguy hiểm đó…”. Tương tự Điều 839 quy định về trách nhiệm của người công chức khi vi phạm nghĩa vụ: “Nghĩa vụ bồi thường không phát sinh, nếu người bị thiệt hại cố ý hoặc vô ý để mặc không sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm ngăn chặn thiệt hại”.
Ở Việt Nam chúng ta thấy, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không rõ trong lĩnh vực BTTH ngoài hợp đồng, thực tiễn xét xử ở địa phương cũng như TANDTC đã ghi nhận nghĩa vụ hạn chế thiệt hại đối với người bị thiệt hại.
Đồng thời, tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐTP TANDTC “lựa chọn quyết định Giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Như vậy, pháp luật nước ta đang từng bước tiến tới thừa nhận án lệ trong thực tế nên các bản án liên quan đến nghĩa vụ hạn chế thiệt hại là cơ sở cho việc thừa nhận nghĩa vụ hạn chế thiệt hại trong BLDS.
Nước ta đang tiến hành sửa đổi BLDS cũng nên chính thức thừa nhận nghĩa vụ này trong phần BTTH ngoài hợp đồng để tạo cho thực tiễn cơ sở văn bản khi giải
69 Đỗ Văn Đại (2014), Sđd 62, tr.225.
56
quyết vấn đề tương tự. Nói cách khác, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại đã được ghi nhận trong thực tiễn xét xử và chúng ta nên luật hóa nghĩa vụ này trong BLDS.