Nguyên tắc và phương pháp giải thích pháp luật

Một phần của tài liệu Giải thích pháp luật của tòa án (Trang 30 - 37)

CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ GIẢI THÍCH PHÁP LUẬT CỦA TOÀ ÁN

1.1. Khái niệm, phân loại, chủ thể và nguyên tắc giải thích pháp luật

1.1.4. Nguyên tắc và phương pháp giải thích pháp luật

Nguyên tắc thứ nhất là đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp

GTPL có mục đích là để pháp luật được hiểu và vận dụng thống nhất. Sự thống nhất đó được biểu hiện trong hệ thống thang bậc của các văn bản quy phạm pháp luật mà đứng đầu là hiến pháp. Khi giải thích, cần phải nắm vững nguyên tắc hiến định và nguyên tắc pháp định; nguyên tắc hiến định là nguyên tắc cơ bản được định ra trong Hiến pháp; nguyên tắc pháp định là nguyên tắc được định ra bởi các đạo luật, nhưng dựa trên cơ sở, những nguyên tắc của hiến pháp38. Mọi sự giải thích trái với hiến pháp là vi hiến và cần phải loại bỏ. Hiến pháp cùng với các đạo luật chứa đựng các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở quan trọng để hoạt động GTPL được thuận lợi, hiệu quả39.

Theo quy định hiện hành, việc giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh phải bảo đảm “Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh”40. Điều này cho thấy, khi giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải nắm chắc quan điểm chỉ đạo ban hành văn bản thể hiện trong nghị quyết của Đảng, các chủ trương lớn, lời nói đầu trong

37 Phạm Thị Duyên Thảo(2009), “Giải thích pháp luật ở Việt nam - Một số yêu cầu để đảm bảo sự hợp lý”, Tạp chí Dân chủ & pháp luật, số 6 (207).

38 Phan Trung Hiền (2009), “Mối quan hệ giữa Hiến pháp và GTPL”, Hội thảo quốc tế “GTPL – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội.

39 Phan Trung Hiền (2012), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật (quyển 2), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.160.

40 Điểm a khoản 2 Điều 159 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

văn bản và các luận chứng, luận cứ trong hồ sơ, tờ trình trong quá trình dự thảo văn bản.

Nguyên tắc thứ hai đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng Khi GTPL, chủ thể giải thích phải hướng đến ý chí của nhà làm luật một cách trung thực. Việc giải thích này không vì lợi ích của một nhóm chủ thể nào, mà vì lợi ích chung và vì yêu cầu phải làm sáng tỏ, tường minh nội dung của quy phạm pháp luật.

Mặt khác, để hệ thống pháp luật được hoàn chỉnh và xây dựng được nền pháp chế, pháp luật cần phải hướng đến sự công bằng. Việc giải thích pháp luật vì vậy không làm mất đi sự công bằng mà chi tiết hóa nội dung của sự công bằng trong các trường hợp cụ thể. Tính công bằng thể hiện trong việc cân bằng lợi ích của các chủ thể trong phạm vi lợi ích chung cần đạt được của xã hội.

Nguyên tắc thứ ba là đảm bảo về phạm vi, nội dung và ngôn ngữ

Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh là “Phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của Hiến pháp, luật, pháp lệnh”.

Điều này cho thấy, nếu văn bản cần giải thích đã sử dụng khái niệm này thì văn bản giải thích phải tiếp tục sử dụng và dựa trên khái niệm đó để giải thích và làm sáng tỏ nội hàm khái niệm. Mặt khác, việc làm sáng tỏ này không có nghĩa là được phép mở rộng phạm vi của văn bản với nguyên tắc cơ bản là “Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới”41.

1.1.4.2. Phương pháp giải thích pháp luật

Trước một tình huống một quy định cần được giải thích, chủ thể có thẩm quyền có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để giải thích văn bản pháp luật.

Cụ thể như sau:

Phương pháp giải thích theo ngữ nghĩa

Phương pháp giải thích văn bản pháp luật theo ngữ nghĩa hay còn gọi là phương pháp GTPL dựa vào văn bản. Những người theo phương pháp giải thích này cho rằng từ ngữ được sử dụng trong văn bản sẽ định hướng cho việc giải thích.

41 Điểm c khoản 2 Điều 158 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

GTPL chỉ thuần tuý là làm rõ ngữ nghĩa của văn bản chứ không phải là việc làm rõ quy định pháp luật theo ý chí nhà lập pháp hay ý chí của người giải thích. GTPL phải dựa vào các câu từ trong văn bản pháp luật để giải thích chứ không phải căn cứ vào lịch sử lập pháp hay dựa bất kỳ mục đích ngầm định nào của văn bản pháp luật do người giải thích tưởng tượng ra. Điều này thể hiện việc giải thích phải dựa vào chính ngữ cảnh và nội dung tổng thể của văn bản đó. Như vậy, văn bản pháp luật được xem là phương tiện thông tin hiệu quả và quan trọng nhất để xác định ý định của cơ quan lập pháp. Những người theo phương pháp giải thích này không chấp nhận các nguồn hay các căn cứ khác để giải thích văn bản pháp luật bởi các lý do sau:

Thứ nhất, chỉ có các câu chữ trong các văn bản pháp luật mới mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Tòa án căn cứ vào nội dung của văn bản pháp luật để giải thích sẽ tránh tình trạng tòa án “xâm phạm” quyền lập pháp của nghị viện cũng như hạn chế được sự tuỳ tiện của Thẩm phán khi GTPL. Trong trường hợp từ ngữ không rõ nghĩa thì phần còn lại của văn bản được xem xét để tìm ra trong số nhiều nghĩa một nghĩa có nội dung tương thích với phần còn lại của văn bản.42

Thứ hai, nếu giải thích dựa vào các nguồn khác ngoài văn bản pháp luật liệu rằng có hợp hiến hay không? Hiến pháp quy định trao quyền lập pháp cho nghị viện, kết quả lập pháp của nghị viện chính là các đạo luật được ban hành. Chẳng hạn, theo Hiến pháp 1787 của Hoa Kỳ quyền lập pháp trao cho Hạ viện và Thượng viện. Vì vậy, nếu căn cứ vào cả một quá trình lập pháp để giải thích văn bản pháp luật là không hợp hiến.

Thứ ba, giải thích dựa vào tiến trình lập pháp của nghị viện là cách làm không khôn ngoan bởi các lý do sau: tòa án không đủ thời gian để đọc toàn bộ quá trình này; các thẩm phán không được đào tạo và có đủ kỹ năng tham gia vào quá trình làm luật; không thể nhận thức được ý định hoặc mục đính của một nhóm người bởi nghị viện bao gồm nhiều nghị sĩ khác nhau nên có nhiều lý do khác nhau để ủng hộ hay thông một đạo luật nào đó.

Những người theo phương pháp giải thích theo ngữ nghĩa cho rằng sử dụng phương pháp giải thích không những bảo đảm sự hiệu quả, nhất quán của pháp luật

42 United Savings Association v Timbers of Inwood Forest Associations, 484 U. S. 365, 371 (1988) cited by Frank B Cross , tr.29.

mà còn bảo đảm được một thể dân chủ, phân quyền và pháp quyền của một nhà nước. Bởi theo phương pháp giải thích này vừa bảo đảm chủ quyền làm luật tối cao của nghị viện, vừa kiểm soát được quyền lực tư pháp của tòa án.

Tuy nhiên, phương pháp giải thích này cũng có những bất cập nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, “cái khó của việc giải thích dựa vào ngôn ngữ lại chính là ngôn ngữ”43. Việc ban hành pháp luật đòi hỏi rất chặt chẽ tính xác định về mặt hình thức như ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và chỉ có thể hiểu theo một cách nhất định. Trên thực tế việc thực hiện điều này không dễ bởi lẽ ngôn ngữ luôn vận động và biến đổi. Bên cạnh đó, trong chừng mực nhất định thì những người khác nhau về văn hóa, địa phương sẽ có sự khác nhau về nhận thức và vận dụng ngôn ngữ. Một lý lẽ đưa ra làm giảm đi giá trị của phương pháp này đó chính là nếu bản thân ngôn ngữ đã rõ thì thông thường các bên không kiện ra tòa.

Vì vậy, các thẩm phán phải vất vả đối mặt với câu chữ và phải cần đến các sự hướng dẫn khác để xác định nghĩa mà không phải chỉ có cách duy nhất là “dựa vào câu chữ”.

Thứ hai, nếu chỉ căn cứ vào câu chữ trong văn bản pháp luật để giải thích sẽ không thể bao quát được hết tất cả các tình huống phát sinh trên thực tế. Các vụ việc đặt ra trong thực tiễn tư pháp là đa dạng hơn so với những dự liệu của các nhà lập pháp xác định trong văn bản pháp luật. Vì vậy, nhiều trường hợp phát sinh cần tòa án giải quyết nhưng văn bản pháp luật không quy định.

Thứ ba, nếu tòa án chỉ căn cứ vào câu chữ trong văn bản pháp luật để giải thích có thể sẽ phá vỡ đi ý định của cơ quan lập pháp. Chẳng hạn, đối với một quy định nào đó trong văn bản chưa rõ ràng như khoản 2 điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Qua câu từ sử dụng cho thấy rõ việc nhà làm luật chỉ yêu cầu người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm và không thể chứng minh được nhà làm luật có yêu cầu như vậy đối với người đứng trên hai loại xe này hay không?

43Nguyễn Minh Đức, “Giải thích pháp luật và cơ sở để giải thích pháp luật”, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/NhaNuocVaPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=188 (truy cập 20/05/2018).

Thứ tư là giải thích theo ngữ nghĩa GTPL dựa vào văn bản cũng không loại bỏ được hoàn toàn khả năng người giải thích thao túng ngữ nghĩa của quy định.

Trên thực tế các từ điển khác nhau đưa ra các định nghĩa khác nhau cho cùng một từ và các từ điển thông thường đều cung cấp nhiều nghĩa khác nhau cho một từ. Do đó, việc sử dụng từ điển có thể mang đến khả năng cho phép nhà giải thích lựa chọn một kết quả theo ý muốn chủ quan của mình.

Phương pháp giải thích theo thực tế

Phương pháp giải thích theo thực tế là phương pháp giải thích văn bản pháp luật một cách linh hoạt. Những người theo phương pháp giải thích này cho rằng từ ngữ trong văn bản pháp lý hiếm khi có nghĩa rõ ràng mà có thể giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Mặt khác, nội dung các điều khoản trong văn bản thường mơ hồ hoặc có thể theo nghĩa, hoặc bất nhất và xung đột lẫn nhau. Những hạn chế này là kết quả tất yếu của quá trình ban hành một văn bản pháp luật có nhiều chủ thể tham gia với nhiều mục đích khác nhau.

Những người theo phương pháp giải thích theo thực tế cho rằng, để có một kết quả công bằng và hợp lý nhất, phù hợp với các mục tiêu, chính sách của nghị viện thì tòa án cần phải căn cứ vào các nguồn khác nhau để giải thích bao gồm: nội dung văn bản pháp luật; các tài liệu của quá trình ban hành văn bản; ý định của nhà lập pháp; mục đích của văn bản, truyền thống; các vụ việc tương tự; các giá trị xã hội.44 Như vậy, để tránh một phán quyết bất công tòa án có thể giải thích thu hẹp hoặc mở rộng các thuật ngữ trong văn bản pháp luật. Điều này có nghĩa rằng, tòa án không chỉ tập trung để hiểu các văn bản pháp luật mà còn sửa chữa những điểm không hoàn hảo trong các văn bản pháp luật. Như vậy, những người theo quan điểm giải thích này đã nâng vị trí của tòa án lên thành đối tác của nghị viện trong việc làm luật, tòa án giữ vai trò làm cho các đạo luật của nghị viện thích nghi với các vụ việc cụ thể.

Nhìn chung, những người theo phương pháp giải thích này mong muốn có một phán quyết tư pháp hợp lý nhất mà không phụ thuộc vào nhiều câu chữ trong

44 Robert J. Pushaw, Jr (2016), “Talking textualism, practicing pragmactism: Rethinking the Supreme Court’

approach to statuory interpretation ”, Georgia law review [Vol. 51:121], tr.166.

văn bản pháp luật. Tuy nhiên, phương pháp giải thích này bị phản đối bởi nhiều lập luận khác nhau:

Thứ nhất, nếu cho quyền năng tự do giải thích văn bản pháp luật quá rộng sẽ dẫn đến nguy cơ tòa án lạm quyền. Hệ quả tất yếu là các thẩm phán có thể sửa đổi các đạo luật của nghị viện theo quan điểm cá nhân của mình dựa trên các khuynh hướng về kinh tế, chính trị, đạo đức, hệ tư tưởng của các thẩm phán. Kết quả là quyền lập pháp của nghị viện chỉ còn mang tính hình thức.

Thứ hai, phương pháp giải thích theo thực tế cần dựa trên nhiều nguồn khác nhau ngoài nội dung của văn bản pháp luật là điều không thực tế. Chẳng hạn, các tài liệu của quá trình ban hành một văn bản pháp luật có khoảng vài ngàn trang, có hàng trăm các vụ việc tương tự đã giải quyết. Không thẩm phán nào có đủ thời gian để làm việc này trong thực tiễn tư pháp. Kết cục, phương pháp giải thích theo thực tế lại trở thành phi thực tế.

Phương pháp giải thích theo ý chí nhà làm luật45

Những người theo trường phái thuyết chủ định cho rằng ý định của nhà lập pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm sẽ làm tiền đề và cơ sở cho việc GTPL46. Hay nói cách khác, GTPL chính là quá trình tìm hiểu hay khám phá ý định mà tác giả truyền tải trong văn bản pháp luật47.

Xuất phát từ quan điểm thẩm phán nên là đại diện trung thành nhất của nghị viện đã ban hành luật, người GTPL không nên phụ thuộc vào ngôn từ mà điều cần quan tâm là ý chí của nhà làm luật. Khi GTPL thẩm phán “cần phải xem nhà làm luật nghĩ gì và ý định của họ trong trường hợp này là gì”48. Lịch sử hình thành văn bản cũng được chú ý nhằm khám phá ra ý định thật sự của nhà lập pháp. “Trước một văn bản có câu chữ không rõ nghĩa, công việc nghiên cứu và phân tích của nhà

45 Phan Nhật Thanh, “GTPL dựa vào văn bản và giải thích pháp luât dựa vào ý chí lập pháp,” Kỷ yếu hội thảo Giải thích pháp luật, Đại học Cần Thơ, T6/2018.

46Walter Sinnott Armstrong, Word-meaning in Legal Interpretation, tr.1 – 3.

http://web.law.columbia.edu/sites/default/files/microsites/law-theory-workshop/files/Sinnott-Armstrong.pdf (truy cập 13/05/2018)

47 Miranda Oshige Mcgowan (2005), Against Interpretation, 42 San Diego L. Rev. 711, tr716.

48Nguyễn Minh Đức, “Giải thích pháp luật và cơ sở để giải thích pháp luật”,

http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/NhaNuocVaPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=188 (truy cập 20/05/2018).

chuyên môn giống như công việc của người nghiên cứu sử học: nhà chuyên môn tự đặt mình trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thời kỳ mà văn bản được ban hành và dựng lại diễn biến tâm lý của người làm luật trong lúc soạn thảo văn bản”49. Theo đó, GTPL được xem là một hành trình khám phá ý định của nhà lập pháp nhưng ý định thật sự thì khó để nhận biết, sự nhận biết đó có thể ít hơn hay nhiều hơn ý định thật sự.

Ví dụ: Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Khoản 1 điều này quy định “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Vấn đề đặt ra ở đây là từ “thấy” (thị giác). Tuy nhiên có quan điểm cho rằng “thấy” ở đây có nghĩa là “biết”, “nghe thấy”. Nếu cho rằng ý định của nhà làm luật như thế thì chưa thuyết phục vì bởi lẽ dường như sự giải thích này không đúng theo chức năng của các giác quan con người (ví dụ thị giác khác thính giác).

Tuy nhiên trên thực tế cũng tồn tại nhiều ý kiến phản đối quan điểm giải thích luật dựa vào ý chí lập pháp.

Thứ nhất, ý kiến cho rằng ý định lập pháp hoàn toàn không thể xác định, là vô nghĩa. Điều này xuất phát từ việc trả lời cho câu hỏi “ai là người lập pháp?”. Ý định lập pháp không được hiểu là ý định chủ quan người đệ trình dự án luật, hoặc của từng đại biểu quốc hội, nghị sĩ hay nhà soạn thảo thật sự. Ý định lập pháp ở đây là ý chí khách quan của một tập thể (Nghị viện) và việc đi tìm trạng thái tâm lý về một mong muốn chung thống nhất của nghị viện là điều không thể. Trong cơ quan lập pháp, những đại biểu ủng hộ và mong muốn thông qua một dự luật thì có ý định rõ ràng, trong khi đó những người khác thì không.

Thứ hai là khó mà nhận thức đầy đủ và chính xác ý chí nhà lập pháp. Thẩm phán thường không có đủ thời gian để đầu tư đủ chiều sâu trong việc tìm kiếm ý định chính xác của nhà làm luật. Nếu không làm được điều đó, thẩm phán có thể căn cứ vào bất cứ thứ gì mình tìm được và cho đó là ý định lập pháp50. Ý chí của

49 Nguyễn Ngọc Điện (2004), Tập bài giảng Phương pháp nghiên cứu khoa học luật, tr.27.

50 United Savings Association v Timbers of Inwood Forest Associations, 484 U. S. 365, 371 (1988) cited by Frank B Cross, tr.61.

Một phần của tài liệu Giải thích pháp luật của tòa án (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)