CHƯƠNG 2 HOẠT ĐỘNG THU THẬP CHỨNG CỨ CỦA TÒA ÁN PHÚC THẨM
2.3. Cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ, tài liệu không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ của Tòa án
2.3.1. Thực tiễn thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ của Tòa án
Tại Điều 94 BLTTDS sửa đổi năm 2011 quy định: Các cá nhân, cơ quan tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Toà án và Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Toà án và Viện kiểm sát nhân dân thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Trên thực tế, quy định này chưa mang tính khả thi, ví dụ sau đây sẽ minh chứng cho vấn đề này:
Vụ việc thứ nhất: Ngày 10/4/2004, ông Tứ có đơn khởi kiện yêu cầu bà Toa, ông Hiền, ông Sản chia di sản thừa kế do bố mẹ ông để lại. TAND huyện Đ đã đưa vụ án ra xét xử ngày 12/01/2006. Ngày 18/01/2006, các bị đơn kháng cáo. Ngày 02/6/2006 Tòa án nhân dân tỉnh KT xét xử phúc thẩm. Ngày 21/9/2009, vụ án đã được Tòa án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Hồ sơ được giao về Tòa án nhân dân huyện Đ xét xử lại. Ngày 15/4/2010, 18/8/2010 TAND huyện Đ có công văn đề nghị UBND huyện Đ xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sản vào ngày 15/8/2003 có đúng căn cứ, trình tự, thủ tục quy định pháp luật không? Ngày 30/9/2010, Toà án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do cần đợi kết quả trả lời của Uỷ ban nhân dân huyện Đ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sản.
Như vậy, kể từ khi Toà án có công văn yêu cầu đã gần hai năm nhưng Uỷ ban không có công văn trả lời, vụ án phải tạm đình chỉ với lý do chờ kết quả phúc đáp của Uỷ ban nhân dân. Vậy trường hợp này có xử lý được Uỷ ban nhân dân huyện Đ không và xử lý như thế nào, theo quy định nào mà Điều 94 BLTTDS đã quy định như trên? Đây là vấn đề khó khăn vướng mắc, đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.
Vụ việc thứ hai: Cơ quan lưu giữ hồ sơ nhà đất trả lời không thể cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Toà án dẫn tới Toà án không có cơ sở để giải quyết vụ án.
Trong một vụ án kiện đòi tài sản là đất ở Toà án thành phố Thái Bình giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Hậu, bà Nguyễn Thị Tuyết và bị đơn là ông Lê Văn Lợi.
Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00344 ngày 15/10/2003 do UBND thành phố Thái Bình cấp cho ông Hậu, bà Tuyết nhưng xét về nguồn gốc đất vẫn thuộc quyền sử dụng đất của cụ Muộn, cụ Nghiên (là bố mẹ đẻ của công Hậu, ông Lợi) và không có tài liệu nào thể hiện việc hai cụ để lại mảnh đất trên cho ông Hậu và bà Tuyết. Khi Toà án yêu cầu phòng Tài nguyên môi trường thành phố Thái Bình cung cấp hồ sơ, giấy tờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan trên không cung cấp được. Tại biên bản xác minh ngày 10/5/2012 tại phòng Tài nguyên môi trường trả lời “do quá trình chuyển giao tài liệu giữa các thời kỳ và quá trình tách phòng ban chuyển địa điểm làm việc nên hồ sơ chưa tìm thấy ”. Về ý kiến trả lời kiểu chưa tìm thấy như vậy đã khiến vụ án kéo dài với lý do đợi kết quả trả lời của phòng Tài nguyên môi trường, mà vẫn căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thì nhiều khả năng vụ án sẽ bị huỷ do Toà án chưa thu thập đầy đủ chứng cứ của vụ án.
Vụ việc thứ ba: Cơ quan lưu giữ hồ sơ nhà đất không cung cấp tài liệu khi được Toà án yêu cầu.
Tháng 11/2012 Toà án nhân dân huyện V, tỉnh T giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hoàng Kim Hồng với chị Phạm Thị Loan. Theo bà Hồng thì vợ chồng bà không ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất nhà mà do người cháu của bà giả mạo chữ ký. Do không thể cung cấp được hồ sơ chuyển nhượng đất nên bà Hồng đã có đơn yêu cầu Toà án thu thập hồ sơ đang lưu giữ tại phòng Tài nguyên môi trường huyện V để trưng cầu giám định chữ ký. Trên cơ sở đơn yêu cầu của đương sự, Toà án ra quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ gửi đến phòng Tài nguyên và môi trường. Sau một thời gian không thấy trả lời, Toà án đã nhiều lần cử cán bộ trực tiếp hỏi thì được nhận câu trả lời
“Hồ sơ bị thất lạc”. Thế nhưng, sau khi Toà án gửi công văn thông báo sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm về việc để mất hồ sơ địa chất thì ngay sau đó nhận được “lời mời đến nhận hồ sơ”. Như vậy, trong trường hợp này rõ ràng phòng Tài nguyên và môi trường đang lưu giữ chứng cứ tài liệu Toà án yêu cầu cung cấp nhưng vì một vài “khuất tất” nào đó trong quá trình làm thủ tục cấp giấy
chứng nhận nên đã cố tình không cung cấp chứng cứ cho Toà án. Đây là một chứng cứ quan trọng để xác định sự thật khách quan của vụ việc dân sự, nếu thiếu chứng cứ này sẽ rất khó khăn cho Toà án trong việc đánh giá các chứng cứ khác.
Từ những ví dụ trên, có thể rút ra một số vấn đề sau:
Thứ nhất, theo nghiên cứu của học viên thì trong thực tế điều này xảy ra khá thường xuyên và phổ biến trong quá trình Toà án thực hiện việc thu thập chứng cứ, pháp luật vẫn chưa có quy định cần thiết để khắc phục vấn đề này. Thực tế này đã gây khó khăn không chỉ cho đương sự mà còn gây khó khăn cho cả hoạt động tố tụng của Toà án, dẫn đến việc nhiều vụ án bị bế tắc, quá hạn, thậm chí là án bị sửa bị huỷ.
Một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp chứng cứ cho đương sự, Toà án chưa được phổ biến rộng rãi đến các cán bộ, công chức của tất cả các cơ quan, tổ chức nên họ chưa ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để thực hiện. Các cơ quan vẫn làm việc theo kiểu cơ quan nào biết việc cơ quan ấy, chưa có sự điều hoà, phối hợp giữa cơ quan Toà án với cơ quan chức năng, các ban ngành liên quan thậm chí còn tồn tại tình trạng các cơ quan, ban ngành được yêu cầu cung cấp chứng cứ vì lý do nào đó cố tình gây khó khăn cho hoạt động của Toà án. Do ảnh hưởng phong cách làm việc cũ, công tác lưu trữ hồ sơ không khoa học, hiệu quả nên nhiều khi các tài liệu, chứng cứ bị hỏng hoặc thất lạc, đó cũng là một trong những lý do khiến các cơ quan chức năng “ngại” hợp tác, làm việc với Toà án. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi Toà án phải đi lại, gặp gỡ, xác minh, gây mất rất nhiều thời gian và công sức.
Thứ hai, theo điều luật quy định thì khi đương sự đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà không thể tự mình thu thập được thì mới làm đơn yêu cầu Toà án thu thập. Thực tế khi giải quyết các vụ án mà có các tài liệu, chứng cứ đang do cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý thì việc thu thập chứng cứ không hề đơn giản; mặc dù đương sự đi lại nhiều lần yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp các chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án để họ giao nộp cho Toà án nhưng đều bị từ chối với đủ mọi lý do và việc từ chối đó cũng chỉ bằng lời nói, thái độ. Với cách từ chối này, đương sự khó có thể chứng minh việc họ đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thu thập được chứng cứ để làm cơ sở yêu cầu Toà án thu thập. Trong thực tiễn xét xử, Toà án thường bỏ qua quy định việc đương sự đã áp dụng mọi biện pháp thu thập chứng cứ mà chỉ hướng dẫn đương sự làm đơn yêu cầu thu thập chứng cứ, vì nếu làm đúng như quy định thì rất khó khăn cho đương sự lẫn Toà án. Do đó, việc điều luật quy định bắt buộc đương sự phải áp dụng mọi biện pháp thu thập chứng cứ là chưa phù hợp với thực tiễn.
Tại Khoản 2 Điều 94 BLTTDS quy định việc xử lý đối với trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Toà án, Viện kiểm sát, nhưng
chỉ quy định “tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật”
là rất chung chung, chưa mang tính khả thi, vướng mắc và khó áp dụng khi trên thực tế đã có cơ quan, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu của Toà án, Viện kiểm sát.
2.3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm cung cấp chứng cứ Nguyên nhân của tình trạng các cá nhân cơ quan, tổ chức không cung cấp chứng cứ, cung cấp chứng cứ không đầy đủ, cung cấp không đúng chứng cứ khi có yêu cầu là do chưa có biện pháp chế tài đối với hành vi này. Để khắc phục tình trạng này tác giả kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành pháp lệnh về xử lý hành chính các hành vi không thực hiện quyết định của Toà án trong việc yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.
Kiến nghị về cụ thể hoá Điều 390 Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục Thẩm phán xử phạt, mức tiền phạt đối với hành vi đe dọa, cản trở việc thu thập chứng cứ của Toà án, bởi hiện tại Điều 390 BLTTDS hiện hành quy định chung là “thủ tục, Thẩm phán xử phạt, mức tiền phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định”. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về thủ tục thẩm phán xét xử, mức tiền phạt đối với những hành vi cản trở tố tụng dân sự nói chung và hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức không hợp tác khi Toà án có yêu cầu cung cấp chứng cứ nói riêng nên trong thực tiễn giải quyết vụ án dân sự mặc dù không thi hành quyết định của Toà án về cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhưng không thể áp dụng một biện pháp xử phạt nào.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định Điều 385 BLTTDS sửa đổi về biện pháp xử lý người có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Toà án.
Thực tế khi Toà án tiến hành các hoạt động nghiệp vụ để thu thập chứng cứ thường xuyên gặp phải sự bất hợp tác, thậm chí là cản trở, đe doạ của nhiều đối tượng, nhất là khi thu thập chứng cứ ở ngoài trụ sở. Hoặc những trường hợp những người làm chứng đứng về phía một đương sự nào đó mà cố tình cung cấp lời khai sai sự thật, gây khó khăn cho việc thu thập đánh giá chứng cứ của Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đánh giá như ví dụ đã nêu ở trên. Ngoài ra, nhiều trường hợp nhân viên cơ quan, tổ chức cố tình không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ của Toà án mà không thuộc quy định trường hợp “từ chối cung cấp tài liệu” như Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự đã mô tả. Sở dĩ vẫn còn hiện tượng trên là do pháp luật hiện hành chưa có những quy định cụ thể chế tài xử lý đối với những hành vi đó chưa tạo được cái “uy” cho Toà án khi thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự. Từ đó, đương sự, cá nhân khác, nhân viên cơ quan lúc giao tài liệu thường có thái độ thiếu tôn trọng, coi thường quyết định cũng như những người tiến hành tố tụng, không chấp hành quyết định của Toà án.
Để khắc phục tình trạng trên, tạo thuận lợi cho Toà án trong việc nâng cao hiệu quả thu thập chứng cứ, cần quy định hậu quả pháp lý đối với hành vi đe doạ, cản trở hoạt động thu thập chứng cứ của Toà án. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Điều 385 BLTTDS sửa đổi theo hướng quy định chế tài cụ thể để xử lý đối với cá nhân đe doạ cản trở việc thu thập chứng cứ của Toà án hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ của Toà án mà không có lý do chính đáng.
Kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự nội dung:
“Cố tình chậm trễ trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ của Toà án mà không có lý do chính đáng”.