1.3. Thời điểm giao kết hợp đồng trong các trường hợp cụ thể
1.3.1. Thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp giao kết trực tiếp
Trong giao kết hợp đồng dân sự, giao kết hợp đồng trực tiếp là phương thức giao kết hợp đồng phổ biến, được áp dụng rộng rãi ở mọi lúc, mọi nơi vì phương thức này đơn giản, các bên tham gia giao kết biểu lộ ý chí một cách rõ ràng. Trong giao kết hợp đồng trực tiếp, bên nhận được đề nghị phải trả lời ngay.
19 Lê Minh Hùng (2010), Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 96.
Trong phương thức giao kết trực tiếp, thông thường các bên giao kết với nhau bằng lời nói, và bên nhận được lời đề nghị phải trả lời ngay là có chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng hay không, trừ trường hợp nếu có thỏa thuận rõ ràng về thời điểm trả lời là một thời gian nhất định khác. Chính vì thế, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng theo phương thức giao kết trực tiếp khá đơn giản, đó chính là thời điểm các bên đã hoàn tất thỏa thuận và nhất trí với nhau về tất cả các nội dung cần thiết của hợp đồng, theo đúng hình thức do pháp luật quy định. Do vậy, hợp đồng được thỏa thuận trực tiếp bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị.
Ngoài ra, nếu các bên giao kết trực tiếp bằng văn bản thì hợp đồng được giao kết khi bên sau cùng ký vào văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về một hình thức giao kết đặc biệt khác, ví dụ như nếu các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản tại các văn phòng công chứng, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm khi các bên đồng ý lập hợp đồng trước mặt công chứng viên và hợp đồng được công chứng viên chứng nhận.
Đối với phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp, việc xác định bên nào là bên đề nghị và bên nào là bên trả lời chấp nhận đề nghị giao kết là rất khó khăn, vì việc thỏa thuận được thực hiện bằng cách luân phiên thống nhất với nhau từng nội dung và vai trò của mỗi bên có thể thay đổi cho đến khi có sự đồng thuận hoàn toàn về nội dung lời đề nghị. Ví dụ như các bên giao kết có thể trao đổi và thương thảo lần lượt từng vấn đề trong một giao dịch như giá cả hàng hóa, chất lượng hàng, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, ngày và địa điểm giao nhận hàng.
Trong suốt tiến trình này, vị trí của bên đề nghị và bên chấp nhận lời đề nghị có thể thay đổi luân phiên nhau, vì vậy nhiều trường hợp sẽ rất khó khăn trong việc xác định ai là người đề nghị và ai là người chấp nhận đề nghị.
Như vậy, trong giao kết hợp đồng, khi một bên đưa ra lời đề nghị giao kết và bên được đề nghị trả lời ngay đồng ý toàn bộ nội dung của hợp đồng, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên hoàn toàn đồng ý nội dung của hợp đồng.
Trong trường hợp giao kết đàm phán trực tiếp và phải tiến hành qua nhiều giai đoạn, hoặc khi việc thương lượng được thực hiện qua nhiều lần cho từng nội dung khác nhau, hoặc khi thực hiện giao kết hợp đồng bằng văn bản phải có công chứng, chứng thực thì việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng căn cứ vào dấu hiệu “khi
bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng” hay “khi bên sau cùng ký vào văn bản”, là điều phức tạp, khó khăn và thiếu thực tế.
So sánh với luật pháp của nước Nga, chúng ta thấy rằng:
Trong luật Nga, việc giao kết hợp đồng được thực hiện bằng hai cách là giao kết trực tiếp và giao kết gián tiếp. Dựa trên nguyên tắc “thống nhất ý chí” trong xác lập hợp đồng, luật Nga quy định thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp giao kết trực tiếp là thời điểm các bên thỏa thuận và nhất trí được với nhau về những nội dung cơ bản của hợp đồng. Tuy nhiên, theo luật Nga, trong phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp, các bên cần tuân thủ hai yêu cầu:
Thứ nhất, đề nghị giao kết hợp đồng phải chứa đựng các nội dung chủ yếu của hợp đồng tương lai.
Theo khoản 1 Điều 432 Bộ luật Dân sự Nga thì: “Hợp đồng được coi là đã giao kết, nếu giữa các bên đã đạt được thỏa thuận về tất cả các điều kiện chủ yếu của hợp đồng bằng hình thức theo đúng yêu cầu trong các trường hợp tương ứng”. Cũng theo quy định này, thì “Những điều kiện chủ yếu là những điều kiện về đối tượng của hợp đồng, những điều kiện mà đã được ghi nhận trong luật hoặc không thể thiếu đối với hợp đồng của loại nhất định, và cả những điều kiện mà theo đề nghị của một bên cần phải đạt được sự thỏa thuận”. Như vậy, luật Nga yêu cầu rất chặt chẽ đối với thỏa thuận nội dung của hợp đồng: thỏa thuận xong nội dung chủ yếu của hợp đồng, và thỏa thuận đó phải đúng theo các hình thức tương ứng của loại hợp đồng đó.20
Thứ hai, hình thức giao kết hợp đồng cũng có ảnh hưởng quyết định đến thời điểm giao kết hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 434 Bộ luật Dân sự Nga thì
“Hợp đồng có thể được giao kết bằng hình thức của giao dịch dân sự, nếu pháp luật không quy định phải có hình thức nhất định đối với các loại hợp đồng đó. Nếu các bên thỏa thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định thì hợp đồng coi là đã giao kết sau khi hợp đồng
20 Lê Minh Hùng (chủ nhiệm đề tài) (2014), Tlđd 3, tr. 95.
đã được thể hiện bằng hình thức đã thỏa thuận, mặc dù pháp luật không yêu cầu hợp đồng đó phải có hình thức như vậy”. Như vậy, về nguyên tắc khi pháp luật không có quy định cụ thể về hình thức thì hợp đồng được xác lập theo các hình thức của giao dịch nói chung:
văn bản, lời nói, hành vi cụ thể. Nhưng nếu pháp luật có quy định, hoặc các bên có thỏa thuận thì hợp đồng phải được lập theo đúng hình thức đó.21
Như vậy, dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 404 BLDS 2005: “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng”, quy định này quá hẹp, trong khi đó luật Nga đã dự liệu linh hoạt, nên quy định của luật Nga đã loại trừ được trường hợp trong đề nghị có quy ước cụ thể thời hạn chấp nhận.