2.2. Thời điểm giao kết hợp đồng khi bên được đề nghị trả lời bằng sự “im lặng”
2.2.1. Những vướng mắc, bất cập
Hợp đồng là sự gặp gỡ ý chí của các bên tham gia giao kết. Về nguyên tắc, việc đồng ý giao kết hợp đồng hay không phải được thể hiện ra bên ngoài, có nghĩa là bên đề nghị phải nhận được trả lời giao kết hợp đồng từ bên được đề nghị. Theo quy định tại khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 “Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”. Theo như nội dung của điều luật thì sự im lặng được coi như là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng nếu các bên giao kết có thỏa thuận khi hết hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng. Như vậy, việc công nhận im lặng là giao kết hợp đồng khi nó thỏa mãn hai điều kiện là các bên có thỏa thuận trước và các bên có xác định thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng.
Trong các Bộ nguyên tắc quốc tế về hợp đồng và các tập quán hợp đồng thương mại quốc tế đều không xem sự im lặng là chấp nhận
giao kết: “sự im lặng hoặc bất tác vi không mặc nhiên có giá trị một sự chấp nhận” hoặc “Bản thân sự im lặng hay bất tác vi không có giá trị như một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”, hoặc “ Im lặng hay bất tác vi tự thân nó không phải là sự chấp nhận đề nghị”.38
Trong thực tiễn pháp lý Việt Nam, sự im lặng không đủ để khẳng định việc chấp nhận giao kết hợp đồng. Vấn đề này thể hiện qua Quyết định số 32/2003/HĐTP- DS ngày 04/11/2003 của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao39 (xem phụ lục số 3), tóm tắt bản án: vợ chồng cụ Đạo và cụ Mùi sinh được năm người con là các ông bà Lành, Khởi, Chiến, Quang và Sâm. Sinh thời, hai cụ tạo lập được một ngôi nhà cấp 4 trên diện tích hơn 500m² đất và một ngôi nhà mái bằng trên diện tích hơn 300m² đất. Ngày 13/5/1991, ông Sâm ký hợp đồng bán cho ông Phong ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 237,9m². Hợp đồng có chữ ký làm chứng của cụ Mùi, ông Quang và được UBND xã xác nhận. Năm 2000, các bên xảy ra tranh chấp. Ông Phong đã trả đủ tiền, nay khởi kiện yêu cầu giao trả nhà đất đã mua còn ông Quang yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần hai, bà Lành, bà Khởi, ông Chiến cho rằng đây là di sản thừa kế của anh chị em nên đề nghị hủy bỏ hợp đồng vì ông bà không biết gì về việc mua bán.
Theo Hội đồng Thẩm phán: “việc không có ý kiến của các ông, bà này chưa có cơ sở để xác định các ông, bà này đồng ý hay không đồng ý với việc mua bán. Vì vậy, xét thấy cần phải hủy bản án dân sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại theo hướng thời điểm cụ Mùi, ông Quang, ông Sâm bán nhà, đất cho ông Phong thì bà Lành, Khởi và ông Chiến đồng ý hay không đồng ý với việc bán nhà, đất. Nếu có cơ sở xác định những người này đồng ý với việc mua bán, nhưng do khó khăn khách quan nên không thể hiện bằng văn bản thì công nhận hợp đồng”.40
Với hướng nhận định như vậy, theo Tòa án nhân dân tối cao, sự im lặng không đủ để suy luận là đồng ý hay không đồng ý chấp nhận hợp đồng; sự im lặng không cho phép khẳng định hay phủ định việc chấp nhận hợp đồng.41
38 Lê Minh Hùng (2009), Tlđd 23, tr. 60.
39 Đỗ Văn Đại (2013), Tlđd 18, tr. 184.
40 Đỗ Văn Đại (2013), Tlđd 18, tr. 204.
41 Đỗ Văn Đại (2013), Tlđd 18, tr. 204.
Theo đánh giá của tác giả Đỗ Văn Đại về nhận định của Tòa án nhân dân tối cao đối với vụ án trên:
Như vậy, theo Tòa án nhân dân tối cao, sự im lặng không đủ để suy luận đồng ý hay không đồng ý chấp nhận hợp đồng. Đây là một giải pháp hợp lý và nên được chấp nhận mặc dù không được Bộ luật Dân sự quy định. Với cách quy định như thế, Tòa án nhân dân tối cao đã làm cho pháp luật nước ta gần gũi với một số quy định trong công ước của liên hợp quốc.42
Trong bản án trên, tranh chấp liên quan đến tài sản chung thuộc sở hữu của nhiều người. Việc thực hiện hợp đồng thực chất các đồng thừa kế đều biết nhưng không có ý kiến gì, cũng không tham gia ký vào hợp đồng chuyển nhượng một phần tài sản. Như vậy, họ đã biết về việc giao kết hợp đồng mua bán nhà đất nhưng họ đã giữ im lặng. Chính “sự im lặng” này đã có nhiều quan điểm khác nhau của các cấp tòa án khi thụ lý giải quyết tranh chấp của các bên liên quan đến việc đưa tài sản đồng sở hữu hay đồng thừa kế đi giao dịch dân sự.
Thực tế liên quan đến vấn đề im lặng trong giao kết hợp đồng còn được thể hiện qua Quyết định số 503/DS-GĐT ngày 23/10/2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao43. Tóm tắt vụ việc: anh Ngô Văn Hưởng là người đại diện theo giấy ủy quyền của bà Hợp và 04 người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan của nguyên đơn trình bày cho rằng diện tích 801m² đất tại thửa số 576, 577, 579 tờ bản đồ số 4 bản đồ đại chính xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 15/01/1990 mang tên ông Ngô Văn Huyến là thuộc quyền sở hữu của cha mẹ anh. Năm 1998 cha anh có chuyển nhượng cho ông Lê Văn Bổn một phần đất có tổng diện tích là 45m² tại thửa số 579. Việc chuyển nhượng này mẹ anh là bà Trần Thị Hợp không được bàn bạc và không biết, khi biết việc mua bán thì mẹ anh không đống ý và đã yêu cầu cha anh trả lại tiền cho ông Bổn để lấy lại đất nhưng không được ông Bổn chấp nhận.
Ngày 22/11/2005, cha anh chết có để lại di chúc giao toàn bộ tài sản gồm nhà, đất cho anh quản lý sử dụng. Do đó, anh và mẹ anh yêu cầu ông Bổn phải tháo dỡ, thu dọn tài sản để trả lại đất cho gia đình anh.
42 Đỗ Văn Đại (2006), “Bàn về sự im lặng trong giao kết hợp đồng”, Tạp chí Kiểm sát, số 17, tr. 27.
43 Xem phụ lục số 4.
Vấn đề mấu chốt của vụ việc trên liên quan đến việc đồng sở hữu đưa tài sản đi giao dịch nhưng những người còn lại biết và giữ im lặng.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do anh Ngô Văn Hưởng làm đại diện.
Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa một phần bản án sơ thẩm. Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Ngô Văn Huyến và ông Lê Văn Bổn xác lập ngày 25/6/2998 vô hiệu.
Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng: “Ngay sau khi nhận chuyển nhượng ông Bổn đã xây nhà cấp 4 và xây tường bao xung quanh, sau đó anh Hòa đã nhận nhà đất sửa chữa, xây thêm một số hạng mục công trình để sử dụng ổn định nhưng bà Hợp, anh Hưởng sinh sống liền kề cũng không có phản đối gì. Trong trường hợp này lẽ ra phải bác yêu cầu của bà Hợp và anh Hưởng mới đúng”.
Như vậy, theo quan điểm của Hội đồng giám đốc thẩm, thì việc bà Hợp và anh Hưởng biết mà không phản đối, hay nói cách khác là sự im lặng này có thể là sự chấp nhận hợp đồng.
Theo tác giả, phân tích và nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm hoàn toàn hợp lý, có tính thuyết phục cao. Vì việc thực hiện hợp đồng giữa các bên trong vụ việc trên, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều biết, nhưng đã giữ im lặng và không phản đối gì, vì vậy đây cũng là cơ sở để xem xét việc im lặng này là đồng ý giao kết hợp đồng.
Theo tác giả Đỗ Văn Đại “Trong thực tiển pháp lý, bản thân sự im lặng không có giá trị như một chấp nhận hợp đồng; tuy nhiên sự im lặng sẽ được đánh giá như một chấp nhận hợp đồng khi hội tụ thêm yếu tố khác”.44
Liên quan đến việc đưa tài sản đồng sở hữu, đồng thừa kế đi giao dịch trong thực tế cuộc sống hiện nay diễn ra khá phổ biến, thể hiện cụ thể qua Quyết định số 256/2013/DS-GĐT ngày 20/6/2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.45 Tóm tắt vụ việc: Ngày 08/6/2004, anh Bùi Văn Khẩn có nhận chuyển nhượng của anh Bùi Văn Quyền diện tích đất 550m² tại thôn Chiên, xã Chiên Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang với giá 30.000.000 đồng. Hai bên có viết “giấy biên nhận”,
44 Đỗ Văn Đại (2013), Tlđd 18, tr. 210.
45 Xem phụ lục số 5.
anh Khẩn đã trả đủ cho anh Quyền số tiền chuyển nhượng đất là 30.000.000 đồng và anh Quyền đã giao cho anh 320m² đất, gia đình anh Khẩn thực tế đã sử dụng diện tích đất này. Hiện nay, anh Quyền xây tường rào lấn chiếm phần diện tích đất còn lại theo thỏa thuận ngày 08/6/2004 của anh nên anh yêu cầu anh Quyền trả phần đất 180m² còn lại cho anh và làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất như hai bên đã thỏa thuận.
Trong vụ việc trên, tài sản đưa đi giao dịch là tài sản chung của vợ chồng anh Quyền và chị Bảnh. Quá trình thực hiện giao dịch chỉ thể hiện bằng “giấy biên nhận” có nội dung thể hiện anh Quyền chuyển nhượng 500m² đất cho anh Khẩn và đã nhận của anh Khẩn 30.00.000 đồng. Giấy này có chữ ký của anh Quyền và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Chiên Sơn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2008/DSST ngày 08/10/2008, Tòa án nhân dân huyện Sơn Động đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Bùi Văn Khẩn.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 20/2009/DSPT ngày 20/3/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã hủy bản án dân sự sơ thẩm nêu trên.
Quyết định giám đốc thẩm nhận định: “Biên bản làm việc ngày 08/9/2006 tại Ủy ban nhân dân xã Chiên Sơn thì anh Quyền đã thừa nhận có chuyển nhượng đất cho anh Khẩn. Mặc dù, hợp đồng chuyển nhượng không có chữ ký của chị Phạm thị Bảnh (vợ của anh Quyền) nhưng thực tế sau khi nhận chuyển nhượng đất, anh Khẩn đã xây dựng nhà ở ổn định, xây hàng rào và trồng cây lâu năm trên phần đất 320m² mà chị Bảnh không phản đối hay khiếu nại; điều đó chứng tỏ rằng chị Bảnh biết và đồng ý việc chuyển nhượng đất giữa anh Quyền với anh Khẩn. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh Khẩn với anh Quyền là vô hiệu, để từ đó buộc gia đình anh Khẩn trao trả đất cho anh Quyền là chưa đúng”.
Qua nhận định của cấp giám đốc thẩm có thể thấy rằng vấn đề im lặng trong trường hợp trên cũng đủ căn cứ để xác định là đồng ý giao kết hợp đồng.
Như vậy, đối với vụ việc tại Quyết định số 32/2003/HĐTP – DS ngày 04/11/2003 của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, vấn đề im lặng trong việc đưa tài sản đồng sở hữu, đồng thừa kế đi giao dịch người còn lại biết và giữ im lặng chưa thể khẳng định là đồng ý hay không đồng ý thực hiện giao kết hợp đồng.
Trong vụ việc tại tại Quyết định số 503/DS-GĐT ngày 23/10/2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định số 256/2013/DS-GĐT ngày 20/6/2012 của
Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, vấn đề im lặng trong việc đưa tài sản chung đi giao dịch người còn lại biết và giữ im lặng có đủ căn cứ để xác định là “biết mà không phản đối”, tức là đồng ý giao kết hợp đồng trong im lặng.
Qua phân tích các bản án nêu trên, vấn đề im lặng trong giao kết hợp đồng đã làm cho hợp đồng được thực hiện, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng là cơ sở pháp lý để công nhận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Chính vấn đề im lặng này đã làm cho hợp đồng có được công nhận hay không. Bộ luật Dân sự đã có quy định công nhận im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng trong trường hợp các bên có thỏa thuận sự im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng. Luật thực định chưa mở rộng đối với các trường hợp im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng như đã phân tích ở trên.