Thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp giao kết gián tiếp

Một phần của tài liệu Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự theo quy định của bộ luật dân sự 2005 (Trang 34 - 37)

1.3. Thời điểm giao kết hợp đồng trong các trường hợp cụ thể

1.3.2. Thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp giao kết gián tiếp

Được coi là giao kết gián tiếp nếu các bên tham gia giao kết không trực tiếp liên lạc với nhau hay trao đổi thông tin qua lại ngay tức khắc bằng phương tiện truyền tin trực tuyến. Do vậy, phương thức giao kết này gọi là phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp hay giao kết hợp đồng với người vắng mặt.

Việc giao kết gián tiếp thông thường được thực hiện thông qua thư tín, điện tín, fax, tin nhắn trên điện thoại, email hoặc thư thoại trên Internet giữa những người có khoảng cách địa lý xa nhau, không có điều kiện để gặp gỡ trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho nhau ngay tại thời điểm trao đổi thông tin cho nhau. Vì vậy, sẽ có một khoảng thời gian để bên nhận thông tin nhận được thông tin của bên gửi đi.

Thời điểm giao kết hợp đồng trực tiếp thường là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, trong phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp, vấn đề xác định thời điểm giao kết hợp đồng là rất phức tạp, vì thời

21 Lê Minh Hùng (chủ nhiệm đề tài) (2014), Tlđd 3, tr. 96.

điểm đưa ra đề nghị và nhận đề nghị, cũng như thời điểm gửi trả lời chấp nhận và nhận được trả lời chấp nhận diễn ra không đồng thời cùng lúc với nhau.

Trên thế giới, trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt, pháp luật các nước có sự xác định thời điểm giao kết hợp đồng khác nhau. Có 4 học thuyết được đưa ra: (1) học thuyết tuyên bố ý chí – cho rằng hợp đồng được giao kết tại thời điểm và địa điểm phát sinh ý chí chấp nhận của người được đề nghị; (2) học thuyết tống phát cho rằng hợp đồng được giao kết tại thời điểm và địa điểm người được đề nghị gửi chấp nhận đi; (3) học thuyết tiếp nhận cho rằng hợp đồng được giao kết tại thời điểm và địa điểm người đề nghị nhận được chấp nhận; (4) học thuyết truyền thông tin cho rằng hợp đồng được giao kết tại thời điểm và địa điểm người đề nghị biết được nội dung chấp nhận.22

Theo thuyết tuyên bố ý chí cho rằng, ngay khi bên được đề nghị được tuyên bố ý chí tự nguyện về việc chấp nhận giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm và địa điểm phát sinh ý chí chấp nhận. Vận dụng thuyết này vào trường hợp giao kết trực tiếp, thì ngay khi bên được đề nghị tuyên bố ý chí của mình về việc chấp thuận giao kết hợp đồng, thì người tuyên bố bị ràng buộc bởi sự tuyên bố ý chí tự nguyện của mình, và hợp đồng được giao kết. Đối với việc giao kết gián tiếp thông qua thư tín hay phương tiện truyền tin khác, thì sự tuyên bố ý chí được hiểu là khi bên nhận được lời đề nghị viết thư để trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như hợp đồng được giao kết tại thời điểm đó. Trong trường hợp này, nếu áp dụng thuyết tuyên bố ý chí sẽ gặp nhiều rủi ro cho các bên tham gia giao kết, như người viết thư có thể viết nhưng không gửi đi thì chưa thể khẳng định đây có phải là ý chí chính thức hay là quyết định cuối cùng của người đó hay không, hoặc viết thư nhưng đề lùi thời gian ngày viết bất cứ thời điểm nào.

Theo thuyết tống phát, hợp đồng được coi là giao kết tại thời điểm và địa điểm chấp nhận giao kết được chuyển đi. Khi bên được đề nghị viết xong thư trả lời chấp nhận và quyết định gửi nó đi bằng cách bỏ vào hòm thư hay chính thức đưa thông tin vào hệ thống truyền tin trung gian để chuyển đến cho bên đưa ra lời đề nghị, thì đó sẽ là quyết định cuối cùng của bên được đề nghị. Vì vậy, thuyết tống phát xác định hợp đồng được giao kết khi thư trả lời được gửi đi.

22 Ngô Huy Cương (2010), “Hiệu lực của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nhìn từ góc độ luật so sánh”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 24 (185), tháng 12/2010, tr. 31.

Theo thuyết tiếp nhận, hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. Khi trả lời chấp nhận được gửi đến được với bên đề nghị, tức là khi bên đề nghị đã nhận được trả lời chấp nhận hợp lệ, cho dù bên này đã đọc, biết được nội dung cụ thể của thư trả lời đó hay chưa, thì hợp đồng vẫn được coi là đã giao kết tại thời điểm nhận được trả lời chấp nhận. Ví dụ, nếu A gửi thư chào hàng đến cho B có ghi rõ thời hạn trả lời là ngày 20/4, và B đã viết thư trả lời đồng ý, rồi B gửi đi vào ngày 15/4, bưu điện đã mang thư đến giao cho A vào ngày 19/4, thì ngày 19/4 là ngày giao kết hợp đồng, bất luận là A có đọc xem nội dung thư của B hay chưa. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 thì có thể nhận ra rằng pháp luật Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng thuyết tiếp nhận, và pháp luật của một số nước cũng quy định theo hướng này:

Bộ luật Dân sự Đức không quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, nhưng có quy định chung về thời điểm có hiệu lực của sự tuyên bố ý chí, và quy định này cũng được áp dụng cả với việc giao kết hợp đồng: “Tuyên bố ý chí đối với một người vắng mặt có hiệu lực vào thời điểm người đó nhận được tuyên bố” (khoản 1 Điều 130). Bộ luật Dân sự Nga cũng có quy định tương tự: “hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận”

(khoản 1 Điều 433). Quy định này của Bộ luật Dân sự Nga tương đồng với quy định tại khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 của Việt Nam.23

Một số hệ thống pháp luật theo hướng hợp đồng được giao kết khi lời chấp nhận đến người đề nghị. Đó là quy định tại Điều 23 Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 và khoản 2 Điều 2.6 Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế. Đó cũng là quy định đầu tiên ở Đức, Áo, Hy Lạp, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Khoản 1 Điều 2:205 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng cũng theo hướng này (tức theo thuyết “tiếp nhận”) khi cho rằng “nếu người nhận đề nghị giao kết hợp đồng gửi lời chấp nhận, hợp đồng được giao kết khi lời chấp nhận đến người đề nghị giao kết hợp đồng”.24

23 Lê Minh Hùng (2009), “Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật hiện hành – Thực trạng và hướng hoàn thiện”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS 2005, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05/12/2009, tr. 43.

24 Đỗ Văn Đại (2014), Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 234.

Theo thuyết thông đạt (học thuyết truyền thông tin), thời điểm giao kết hợp đồng với bên vắng mặt là thời điểm bên đề nghị biết được nội dung của thư trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào thời điểm này sẽ phát sinh nhiều tranh cãi phức tạp, vì bên đề nghị đã nhận được thư trả lời chấp nhận, nhưng có đọc hay không đọc nội dung thư trả lời chấp nhận là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bên đề nghị. Vì tại thời điểm bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận, thư trả lời đã hoàn toàn thuộc sự chiếm hữu và kiểm soát của bên đề nghị, có thể bên đề nghị đã nhận được thư nhưng vì lý do nào đó mà không đọc thư, việc này hoàn toàn do bên đề nghị tự quyết định mà không ai có thể can thiệp được.

Thực tế cho thấy, ít có nước nào quy định thời điểm giao kết hợp đồng theo hướng này, trừ những loại hợp đồng liên quan đến các nội dung hoặc hoàn cảnh đặc biệt mà bên kia phải biết về nội dung đó, như liên quan tới người mua bảo hiểm, quyền lợi người tiêu dùng, hoặc các hợp đồng được xác lập vượt quá phạm vi đại diện hoặc không có thẩm quyền đại diện thì cần phải được đại diện biết, thậm chí đòi hỏi người được đại diện phải biết và đồng ý.25

Như vậy, đối với việc giao kết hợp đồng bằng phương thức gián tiếp thì việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng là khá phức tạp vì nó phụ thuộc nhiều vào hình thức trả lời chấp nhận giao kết như bằng thư tín, bằng hành vi cụ thể, hay bằng sự im lặng.

Một phần của tài liệu Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự theo quy định của bộ luật dân sự 2005 (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)