1.4. Mối quan hệ giữa thời điểm giao kết hợp đồng và hình thức của hợp đồng
2.1.1. Những vướng mắc, bất cập
Như đã phân tích tại chương 1, việc thực hiện giao kết hợp đồng các bên tham gia giao kết có thể tiến hành bằng hai phương thức giao kết trực tiếp và giao kết gián tiếp. Mỗi phương thức giao kết sẽ có hình thức trả lời khác nhau dẫn đến có những hệ quả pháp lý khác nhau, vì vậy cần phải có những quy định mang tính nguyên tắc chung.
Nội dung của Điều 404 BLDS 2005 quy định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức giao kết. Khoản 1 Điều 404 BLDS quy định về trường hợp giao kết với người vắng mặt. Qua thực tiễn áp dụng pháp luật, quy định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức giao kết hợp đồng là chưa lô gích và chưa chặt chẽ, vì lý do sau:
Trong thực tế không phải lúc nào các bên tham gia giao kết chỉ sử dụng một hình thức duy nhất để thực hiện giao kết hợp đồng, các bên giao kết hợp đồng có thể tiến hành giao kết bằng nhiều hình thức khác nhau. Mặt khác, pháp luật không có quy định nào bắt buộc các bên tham gia giao kết phải thực hiện giao kết hợp đồng theo một hình thức nhất định, có thể thực hiện giao kết hợp đồng bằng một hoặc nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như bên đề nghị gửi đề nghị giao kết hợp đồng bằng văn bản, còn bên được đề nghị có thể trả lời bằng lời nói trực tiếp, bằng
cách gọi điện thoại. Như vậy, trong trường hợp này việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng được thực hiện như thế nào.
Vấn đề này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan xét xử khi xác định thời điểm giao kết hợp đồng. Chúng ta có thể thấy rõ thực tế này qua bản án sau: Bản án số 21/2007/KDTM-ST ngày 05/3/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về
“Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”34 (xem phụ lục 1) giữa nguyên đơn là Công ty vận tải và xây dựng công trình giao thông với bị đơn là Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông.
Nội dung bản án như sau: Ngày 20/12/2004, Bị đơn đã cấp cho nguyên đơn Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số 04/01/KD2/91130/0011 để nguyên đơn mua bảo hiểm cho lô hàng 72 chiếc xe máy nguyên chiếc hiệu STAR, mới 100% vận chuyển cho khách hàng từ Đồng Nai đến Hà Tây. Trên đường vận chuyển đến địa phận xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định thì lô hàng bị cháy. Trong vụ tranh chấp này, giữa nguyên đơn và bị đơn không thống nhất được với nhau về thời điểm giao kết hợp đồng. Nguyên đơn cho rằng đơn bảo hiểm đã được bị đơn chấp nhận trước 11 giờ ngày 20/12/2004. Trong khi đó bị đơn lại cho rằng hợp đồng được giao kết vào lúc 11 giờ 10 phút ngày 20/12/2004. Theo các tài liệu và chứng cứ thu thập được, Tòa án xác định thời điểm xảy ra vụ cháy là sau 11 giờ cùng ngày. Vào lúc 11 giờ bên mua bảo hiểm đã gọi điện thoại và gửi mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm do bên bảo hiểm gửi trước đó, đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm đối với lô hàng trên. Bên bảo hiểm cũng đã trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm trực tiếp trên điện thoại. Đến 11 giờ 10 phút, bên bảo hiểm còn xác nhận lại hợp đồng bảo hiểm bằng cách ký tên đóng dấu vào hợp đồng bảo hiểm.
Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định “Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng chuyên biệt, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được đưa ra các sản phẩm, các điều kiện bảo hiểm trên cơ sở Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan. Cụ thể, đối với bị đơn trong vụ kiện này, bị đơn đã đưa ra mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm để nguyên đơn điền vào nội dung yêu cầu. Sau đó, phía bị đơn xác nhận chấp nhận yêu cầu đó và giao lại cho nguyên đơn – bên được bảo hiểm.
Theo quy trình nêu trên thì thời điểm bị đơn ký đóng dấu chấp nhận vào đơn có nội dung yêu cầu của nguyên đơn chính là thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, thấy
34 Đỗ Văn Đại (2014), Tlđd 24, tr. 217.
cần dựa trên cơ sở điều kiện thời gian bảo hiểm tại đơn yêu cầu để xác định thời gian giao kết hợp đồng là 11h00’ ngày 20/12/2004”. Như vậy, Tòa án cấp Sơ thẩm đã xác định thời điểm giao kết hợp đồng chính là thời điểm công ty bảo hiểm ký đóng dấu chấp nhận vào đơn có nội dung yêu cầu bảo hiểm. Nhưng cơ sở pháp lý để đưa ra kết luận này thì Tòa án không nêu rõ trong bản án.
Bản án trên đã được phúc thẩm bằng bản án số 195/KDTM-PT ngày 09/10/2007 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Tòa án cấp phúc thẩm không bác bỏ lập luận của Tòa sơ thẩm, nhưng lại hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng chưa có căn cứ xác định sự kiện cháy xảy ra trước hay sau thời điểm giao kết hợp đồng mà cấp sơ thẩm không thể đưa ra.
Như vậy, trong vụ án trên tranh chấp giữa các bên đương sự chủ yếu là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phát sinh trước hay sau thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực là một trong những điều khoản cơ bản nhất của hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng vì đây không chỉ là thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên mà còn liên quan đến sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm. Theo Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000,35 quy định “ Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Trong vụ án này, các nội dung thể hiện liên quan đến “thời điểm giao kết” và “thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm” chưa xác định được, các bên còn đang tranh chấp, chưa thống nhất với nhau.
Đối với vụ tranh chấp trên, hợp đồng được giao kết tại thời điểm BLDS 1995 có hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung của Điều 403 BLDS 1995 về thời điểm giao kết hợp đồng hoàn toàn tương tự với nội dung của Điều 404 BLDS 2005 (trừ khoản 5 đã bị xóa bỏ), vì vậy dù phân tích trên các điều luật của BLDS 2005 thì hệ quả vẫn không có gì khác biệt.
Theo quy định tại điều 570 BLDS 2005 (tương ứng với Điều 574 BLDS 1995) và điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đều quy định: “Hợp đồng
35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra tranh chấp Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 vẫn còn hiệu lực nên trong phần bình luận này tác giả vẫn sử dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
bảo hiểm phải được lập thành văn bản”. Tại khoản 4 Điều 404 BLDS 2005 (hay khoản 4 Điều 403 BLDS 1995) quy định: “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản”. Trong bản án, Tòa án đã gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do chưa xem xét kỹ phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. Trên thực tế, Tòa án đã dựa vào quy định thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm “bên sau cùng ký vào văn bản” để đưa ra kết luận hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên bảo hiểm đóng dấu chấp nhận vào đơn có nội dung yêu cầu bảo hiểm. Như vậy, Tòa án đã căn cứ vào phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp và dựa vào hình thức hợp đồng bằng văn bản để xác định thời điểm giao kết hợp đồng.
Theo quan điểm của tác giả, việc xác định của Tòa án như vậy là chưa hợp lý vì các lý do sau:
- Thứ nhất, Tòa án xác định “bị đơn đưa ra mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm để nguyên đơn điền vào nội dung yêu cầu”, chúng ta không thể biết được là bên mua bảo hiểm đã ký vào văn bản hay không. Thực tế, việc điền vào nội dung yêu cầu bảo hiểm có thể điền thông qua điện thoại hoặc điền trực tiếp vào mẫu đơn. Trong vụ tranh chấp này, các bên tham gia đã xác định “khoảng 11 giờ bị đơn mới nhận được điện thoại của nguyên đơn xin mua bảo hiểm”. Như vậy, bên mua đã điền nội dung yêu cầu bảo hiểm thông qua điện thoại, và sau đó bên bán bảo hiểm ký xác nhận vào nội dung hợp đồng bảo hiểm. Việc Tòa án xác định thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên bảo hiểm ký đóng dấu chấp nhận vào đơn có nội dung yêu cầu của bên mua bảo hiểm là không hợp lý. Bởi vì lúc này mới chỉ có một bên ký vào hợp đồng, nên hợp đồng không thể coi là đã giao kết. Mặt khác, trong vụ án trên hợp đồng được giao kết theo quy định của pháp luật phải là hợp đồng bằng văn bản, nhưng trả lời chấp nhận lại bằng điện thoại – tức là bằng lời nói. Nếu căn cứ vào khoản 3 Điều 404 BLDS 2005, hợp đồng đã được giao kết vào thời điểm thỏa thuận xong (bằng điện thoại) nội dung của hợp đồng, chứ không phải là thời điểm bên bảo hiểm ký tên, đóng dấu vào đơn bảo hiểm.
- Thứ hai, trong vụ án này nếu căn cứ vào hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản và phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp, thì hợp đồng vẫn chưa được giao kết vì theo quy định tại khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 “Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết”. Việc bên
bảo hiểm mới ký và đóng dấu vào đơn bảo hiểm chưa phải là quyết định cuối cùng về việc chấp nhận giao kết hợp đồng, vì bên bán bảo hiểm có thể không gửi đi hoặc thay đổi nội dung, hủy bỏ đơn bảo hiểm trên.
- Thứ ba, nếu căn cứ vào hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản để xác định thời điểm giao kết hợp đồng là khi doanh nghiệp bảo hiểm ký tên, đóng dấu vào đơn bảo hiểm (trong bản án này là bên sau cùng ký vào văn bản), thì sẽ dẫn tới mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 404: thời điểm giao kết hợp đồng với người vắng mặt là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận.
Như vậy, trong vụ án trên hợp đồng được giao kết theo quy định của pháp luật phải là hợp đồng bằng văn bản, nhưng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng lại bằng điện thoại. Vì vậy, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng nếu dựa vào các quy định tại điều 404 BLDS 2005 để xem xét thì tòa án cũng rơi vào tình huống khó khăn để có thể đưa ra căn cứ có tính thuyết phục hợp lý.
Một bất cập nữa về vấn đề hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết, được thể hiện qua Quyết định giám đốc thẩm số 334/2014/DS-GĐT ngày 22/8/2014 của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (xem phụ lục số 2), tóm tắt bản án: vợ chồng ông Nguyễn Đức Diêu và bà Nguyễn Thị Định là cha mẹ ruột của ông Nguyễn Đức Thành, cụ Diêu là đại diện cho hộ gia đình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 07/3/2006 đối với lô đất 1.155m² tại thửa số 450, tờ bản đồ số 11. Ngày 17/10/2007, cụ Nguyễn Thị Định chết không để lại di chúc. Tháng 10/2007 cụ Diêu lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng 480m² đất trong tổng số 1.155m² đất cho vợ chồng ông Ngọc với giá 110.000.000đ và ông Ngọc đã đưa cho cụ Diệu 50.000.000đ. Việc chuyển nhượng giữa cụ Diêu và vợ chồng ông Ngọc chỉ viết giấy tay, không có công chứng chứng thực. Ông Nguyễn Đức Thành đã có đơn khởi kiện “Yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng trên vô hiệu”.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 40/2010/DSST ngày 21/9/2010 Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Đức Thành, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 27/10/2007 giữa ông Nguyễn Đức Diêu với ông Bùi Quang Ngọc vô hiệu.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 41/2011/DSPT ngày 25/4/2011 Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Đức Thành, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Đức Diêu và ông Bùi Quang Ngọc đề ngày 27/10/2007 có giá trị pháp lý”.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 334/2014/DS-GĐT, Hội đồng thẩm phán nhận định: “Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ là giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực và ông Ngọc chưa thanh toán đủ tiền cho cụ Diêu, quá trình giải quyết vụ án cụ Diêu cũng không đồng ý tiếp tục chuyển nhượng đất cho ông Ngọc. Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên vi phạm về nội dung và hình thức. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng vô hiệu và xác định lỗi, thiệt hại để giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là có căn cứ”.
Như vậy, cấp giám đốc thẩm đã căn cứ vào “hợp đồng” chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ là giấy viết tay, chưa tuân thủ về mặt hình thức theo quy định để thống nhất với cách giải quyết của cấp sơ thẩm là tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 27/10/2007 giữa ông Nguyễn Đức Diêu và ông Bùi Quang Ngọc vô hiệu.
Vấn đề chủ yếu trong vụ việc trên là tài sản đang tranh chấp nêu trên là tài sản chung của các đồng thừa kế, việc thực hiện giao dịch dân sự mà cụ thể là chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất của cụ Diêu cho ông Ngọc chưa có ý kiến của các đồng thừa kế là không đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực theo quy định là vi phạm về nội dung và hình thức.
Tác giả thống nhất quan điểm của cấp giám đốc thẩm, vì: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp đồng pháp luật quy định phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Theo Điều 689 BLDS 2005 quy định “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật”. Trong trường hợp trên, các bên giao kết hợp đồng chỉ lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giấy viết tay chưa tuân thủ thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Tại Điều 134 BLDS 2005 quy định “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một
hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
Như vậy, trong trường hợp trên thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên ký vào “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, hợp đồng đã được xác lập.
Tuy nhiên, mặc dù các bên đã thực hiện hợp đồng, Tòa án vẫn không công nhận việc giao kết hợp đồng, vì chưa tuân thủ hình thức theo quy định của pháp luật.
Do vậy, qua hai bản án nêu trên, nếu căn cư vào khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 để xác định thời điểm giao kết hợp đồng là “thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết” và các khoản tiếp theo của Điều 404 BLDS 2005 sẽ không xác định được hợp đồng giao kết từ thời điểm nào, vì Điều 404 chỉ đề cập đến việc giao kết hợp đồng bằng một hình thức xác định, chứ không quy định việc giao kết hợp đồng bằng nhiều hình thức khác nhau. Chính vì vậy, khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.