CHƯƠNG 2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRONG TƯỜNG THUẬT BÓNG ĐÁ TRỰC TIẾP
2.1. Đặc điểm về ngữ âm trong tường thuật bóng đá trực tiếp
Trong ngôn ngữ học, ngữ âm là hệ thống các tín hiệu âm thanh được phát ra khi con người thực hiện quá trình giao tiếp. Các đơn vị ngữ âm gồm các âm vị (các âm a, b, c,…); thanh điệu (thanh không dấu, thanh huyền, thanh hỏi, thanh sắc, thanh ngã, thanh nặng); ngữ điệu (tập hợp của các yếu tố âm thanh: cao độ, trường độ, tốc độ, cường độ, nhịp độ) và các yếu tố khác như âm sắc, cách phát âm,…
Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, ngôn ngữ của bình luận viên được thể hiện dưới dạng lời nói. Chính lời tường thuật của bình luận viên góp phần giúp cho người nghe, người xem nắm bắt được kịp thời diễn biến của trận đấu. Khảo sát ngôn ngữ nói của bình luận viên trong tường thuật bóng đá trực tiếp, chúng tôi nhận thấy ngữ điệu là một hiện tượng ngôn điệu quan trọng bậc nhất. Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, ngôn điệu là phương tiện phân đoạn lời nói, đồng thời nối liền các bộ phận của lời nói lại với nhau, làm cho lời nói mạch lạc. Đồng thời, nó còn là phương tiện biểu đạt các sắc thái cảm xúc hết sức tinh tế.
Khảo sát mặt ngữ âm trong lời tường thuật bóng đá trực tiếp của bình luận viên, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu phân tích các thành tố của ngữ điệu gồm: tốc độ phát âm, cường độ, nhịp điệu.
2.1.1. Tốc độ phát âm trong tường thuật bóng đá trực tiếp
Theo cách hiểu thông thường, tốc độ phát âm được hiểu là số lượng âm tiết được phát ra trong một đơn vị thời gian nhất định. Trong hoạt động giao tiếp bằng lời nói, tốc độ phát âm có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta phát âm quá nhanh hay quá chậm thì cũng ảnh hưởng đến việc tiếp thu thông tin của người nghe.
Nếu chúng ta phát âm quá nhanh thì người nghe sẽ không tiếp thu kịp nội dung.
Còn nếu chúng ta phát âm quá chậm thì sẽ làm mất nhiều thời gian trong việc truyển đạt thông tin, từ đó tạo ra cảm khó chịu ở người nghe, thậm chí là không thể duy trì được cuộc thoại.
Tùy vào từng chương trình cụ thể mà bình luận viên, biên tập viên có tốc độ phát âm khác nhau. Chẳng hạn, bản tin thể thao là một chương trình điễn ra trong một khoảng thời gian ngắn (thường từ 3 đến 5 phút) nên các nội dung của chương trình đã được biên tập trước. Trong chương trình này, biên tập viên là người giúp cho người xem, người nghe nắm bắt được các sự kiện thể thao trong và ngoài nước.
Do thời gian hạn chế, nên trong bản tin thể thao, biên tập viên thường phát âm liên tục với tốc độ tương đối nhanh. Theo khảo sát của chúng tôi, trong thời gian 1 phút, biên tập viên phát âm khoảng 230 tiếng. Ở bản tin dự báo thời tiết, cũng do chi phối về thời gian (thường từ 3 đến 5 phút), biên tập viên cũng phát âm liên tục và phát âm với tốc độ nhanh. Theo khảo sát của chúng tôi, biên tập viên phát âm khoảng 270 tiếng trong 1 phút.
Khi tường thuật trực tiếp một trận đấu bóng đá, tốc độ phát âm của bình luận viên có vai trò quan trọng. Tốc độ nói của bình luận viên sẽ góp phần giúp cho người xem, người nghe nắm bắt được một cách kịp thời diễn biến của trận đấu đang diễn ra trên sân cũng như một số vấn đề khác có liên quan.
Trong thời gian diễn ra một trận đấu bóng đá, tùy vào tính chất của từng trận đấu, tùy vào diễn biến của trận đấu, tùy vào từng tình huống bóng cụ thể diễn ra trên sân bóng mà bình luận viên phát âm với những tốc độ khác nhau. Sự khác nhau đó là kết quả tất yếu, bởi các đội bóng thi đấu ở mỗi trận đấu là khác nhau, tình huống bóng khác nhau và tốc độ trận đấu diễn ra cũng hoàn toàn khác nhau. Chính những sự khác nhau đó đã chi phối tốc độ phát âm của bình luận viên.
Trong quá trình tường thuật trực tiếp một trận thi đấu bóng đá, bình luận viên thường nói nhanh khi mới mở đầu trận đấu, kết thúc trận đấu hoặc trong những tình huống lên bóng nhanh, những tình huống tổ chức phản công bất ngờ có thể tạo ra bàn thắng, những cú sút được thực hiện liên tục trước khung thành. Vì đây là những thời điểm dễ thu hút sự chú ý của người nghe, người xem. Bên cạnh đó, trong những thời điểm này, bình luận viên phải nói nhanh mới thông tin kịp thời những tình huống bóng diễn ra trên sân đến với khán thính giả.
Trong bóng đá, khi tường thuật các trận đấu khác nhau thì tốc độ phát âm của bình luận viên cũng khác nhau. Chẳng hạn, tốc độ phát âm trung bình khi tường
thuật trận đấu bóng đá thuộc World Cup hay các giải vô địch quốc gia châu Âu thường sẽ nhanh hơn so với tốc độ phát âm trung bình khi tường thuật các trận đấu của các đội bóng ở khu vực Đông Nam Á. Bởi vì tốc độ di chuyển, diễn tiến trận đấu của các đội bóng châu Âu thường nhanh hơn so với các trận đấu của các đội bóng đá Đông Nam Á. Chẳng hạn, tốc độ phát âm trung bình của bình luận viên khi tường thuật trực tiếp trận đấu vòng loại World Cup 2014 giữa Tây Ban Nha và Chile khoảng 152 tiếng/1 phút, tốc độ phát âm trung bình của bình luận viên khi tường thuật trực tiếp trận đấu bóng giữa câu lạc bộ Real Madrid và câu lạc bộ Atiletco Madrid khoảng 91 tiếng/1 phút. Trong khi đó, tốc độ phát âm trung bình của bình luận viên khi tường thuật trực tiếp trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Brunei tại Sea Games 26 khoảng 42 tiếng/1 phút, trận U23 Việt Nam và U23 Myanmar khoảng 42 tiếng/1 phút.
Nếu so với bản tin thể thao hay bản tin dự báo thời tiết thì tốc độ phát âm trong tường thuật bóng đá trực tiếp chậm hơn. Điều này là do thời gian thi đấu của một trận bóng đá dài hơn rất nhiều so với thời gian của các bản tin nên trong tường thuật bóng đá, bình luận viên không cần phải nói nhanh. Bên cạnh đó, ngôn ngữ tường của bình luận viên phụ thuộc nhiều vào các tình huống bóng diễn ra trên sân.
Các tình huống bóng diễn ra trên sân có lúc nhanh, có lúc chậm nên tốc độ phát âm trong tường thuật bóng đá trực tiếp cũng không liên tục và nhanh như tốc độ phát âm trong bản tin thể thao hay bản tin dự báo thời tiết.
Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, chúng ta cũng thường thấy các khoảng ngừng nghỉ, các chỗ “ậm ừ” trong lời tường thuật của các bình luận viên. Điều này là dễ hiểu, bởi trong tường thuật bóng đá trực tiếp, bình luận viên phải “xuất khẩu”
cùng với các pha bóng đang diễn ra trên sân. Các tình huống bóng diễn ra liên tiếp nhau, vì vậy bình luận viên không có thời gian để lựa chọn từ ngữ “đắt nhất” nhằm miêu tả các tình huống bóng. Tuy nhiên, cũng có lúc bình luận viên cố tình tạo ra các khoảng trống, các khoảng ngừng nghỉ để tạo ra một hiệu ứng nào đó nơi người nghe. Chẳng hạn, sau những giây phút căng thẳng của các đợt tấn công, hay sau các pha bóng gay cấn thì người bình luận viên thường nói chậm lại và có khoảng ngừng
để cho người nghe có thời gian xem lại pha bóng vừa diễn ra cũng như chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận các tình huống bóng tiếp theo.
Như vậy, trong tường thuật bóng đá trực tiếp, tốc độ phát âm của bình luận viên chịu sự chi phối bởi các tình huống bóng diễn ra trong trận đấu. Khi tường thuật trực tiếp các trận bóng đá, tùy vào tính chất của từng trận đấu, tùy vào diễn biến của trận đấu mà bình luận viên phát âm có lúc nhanh, có lúc chậm, có lúc ngừng nghỉ hoặc không liên tục. Đây có thể được coi là một đặc điểm riêng về tốc độ phát âm của tường thuật bóng đá trực tiếp so với tốc độ phát âm của các chương trình khác.
2.1.2. Cao độ phát âm trong ngôn ngữ tường thuật bóng đá trực tiếp Cao độ là độ cao, thấp của giọng nói, hay nói cách khác đó là sự lên giọng, xuống giọng của giọng nói.
Cao độ rất quan trọng trong ngôn ngữ vì nó có thể quyết định tính chất của phát ngôn phát ra, và qua đó có thể biết được thái độ và sự quan tâm của người nói về vấn đề đang được đề cập.
Trong tường thuật bóng đá, cao độ trong phát âm của các bình luận viên rất cần thiết để làm tăng thêm sự sống động trong lời nói và tạo hào hứng hơn cho trận đấu. Những chỗ mà bình luận viên thường hay tăng âm lượng là các tình huống gay cấn, những pha dứt điểm, khi bóng vào lưới, cầu thủ đã ghi bàn.
(1). “Cơ hội. Vào. Bàn thắng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam đã đến trong niềm phấn khích dành cho các cổ động viên. Màn trình diễn tuyệt vời của những cầu thủ có trọng trách mang về những thành công cho đóng đá Việt Nam trong Sea Games được tổ chức vào cuối năm nay.”
(Việt Nam - CLB Arsenal, ngày 17/7/2013) (2). “Đây không phải là những giây phút dành cho những người yếu tim.
Đánh đầu. Tỉ số đã được quân bình cho Real Madrid. Người ghi bàn là Ramos.
Một bàn thắng quá như vàng của Real Madrid ở giây phút quyết định này.”
( Real Madrid – Atletico Madrid, ngày 26/5/2014)
Trong hai ví dụ trên, các từ cơ hội, vào, đánh đầu được bình luận viên nhấn mạnh hơn so với những từ ngữ khác trong đoạn văn thể hiện cảm xúc của bình luận viên về các tình huống bóng.
(3). “Cơ hội. Tỉ số đã được mở cho các cầu thủ Atletico Madrid. Một tình huống sai lầm của Incer Casillas. Và Atletico Madrid đã có được bàn thắng.”
( Real Madrid – Atletico Madrid, ngày 26/5/2014) (4). “Và bây giờ Chile đang có cơ hội để phản công. Senchez. Đường chuyền. Cơ hội. Kêt thúc. Eduardo Vargas. Và như vậy là Eduardo Vargas đã ghi được bàn thắng mở tỉ số cho các cầu thủ Chile.”
(Chile – Tây Ban Nha, ngày 19/6/2014) Những phần chữ in đậm là những chỗ mà khi tường thuật trực tiếp bóng đá các bình luận viên đã lên giọng để tạo sự chú ý cho người nghe ở những tình huống bóng nguy hiểm, bất ngờ hay khi bóng đá vào lưới.
So với các chương trình phát thanh trực tiếp khác thì đây có thể xem là một đặc trưng của ngôn ngữ tường thuật trực tiếp. Trong các bản tin thể thao hay bản tin dự báo thời tiết, biên tập viên thường phát âm với độ cao trung bình, không có trường hợp tăng cao âm lượng một cách đột ngột, bất thường. Còn trong tường thuật bóng đá trực tiếp, việc bình luận viên lên cao giọng ở những tình huống bóng gay cấn, bất ngờ, hoặc khi bóng vào lưới lại là chuyện bình thường. Chính việc lên giọng, phát âm với tốc độ nhanh hơn bình thường trong những tình huống này lại tạo được sự hấp dẫn cho trận đấu, lôi cuốn người nghe, người xem.
2.1.3. Nhịp độ phát âm trong tường thuật bóng đá trực tiếp
Nhịp độ được hiểu là diễn biến của các âm đoạn trên trục thời gian theo cách chúng bị ngắt quãng (cách quãng, đứt đoạn, gián đoạn,…) hay liền mạch (liên tục, không đổi, không nghỉ).
Thông thường, trên văn bản viết, điểm ngắt quãng được biểu thị bằng các dấu câu như: dấu chấm, dấu chấm thấm than, dấu chấm hỏi, dấu ba chấm,….Trên văn bản nói, điểm ngắt quãng được thể hiện bằng tín hiệu ngừng nghỉ ngắn hoặc dài. Nếu trên văn bản viết, việc không dùng dấu câu hoặc đặt sai dấu, đặt dấu sai
chỗ cần thiết thì làm cho câu văn bị thay đổi nghĩa thì trong văn bản nói, tình hình cũng tương tự như thế.
Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, nhịp độ phát âm của bình luận viên có sự thay đổi tùy vào tính chất và diễn biến của các tình huống bóng diễn ra trong trận đấu. Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, có những chỗ bình luận viên phát âm với nhịp độ liên tục, có những lúc ngừng nghỉ. Thông thường, bình luận viên phát âm với nhịp độ liên tục trong các tình huống bóng diễn ra liên tục, nhanh và có nhiều đột biến, gay cấn hoặc tình huống một cầu thủ ghi bàn. Còn đối với những tình huống bóng bình thường, không có khả năng gây đột biến, các tình huống bóng chậm diễn ra ở khu vực giữa sân thì bình luận viên có thể ngừng nghỉ trong một khoảng thời gian nhất định (vài giây, một phút, hoặc có thể hơn một phút).