Từ ngữ xưng hô

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ trong tường thuật bóng đá trực tiếp (Trang 69 - 76)

CHƯƠNG 2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRONG TƯỜNG THUẬT BÓNG ĐÁ TRỰC TIẾP

2.2. Đặc điểm về từ ngữ trong tường thuật bóng đá trực tiếp

2.2.5. Từ ngữ xưng hô

Từ ngữ dùng để xưng hô của người Việt rất phong phú và đa dạng. Trong lịch sử nghiên cứu về từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt, các nhà nghiên cứu đã đưa ra

nhiều căn cứ khác nhau để phân chia từ ngữ xưng hô. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi phân chia từ ngữ xưng hô dựa vào các vai giao tiếp. Căn cứ vào vai giao tiếp, chúng tôi chia từ ngữ xưng hô trong tường thuật bóng đá trực tiếp thành ba ngôi: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba.

2.2.5.1. Từ ngữ xưng hô ngôi thứ nhất

Trong tiếng Việt, ngôi xưng hô thứ nhất thuộc về người nói. Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, bình luận viên là người nói thuộc ngôi xưng hô thứ nhất.

Trong quá trình tường thuật bóng đá, bình luận viên thường xưng hô bằng tôi, chúng tôi, ta, chúng ta.

Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, tôichúng tôi là hai đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Trong đó đại từ nhân xưng tôi thuộc ngôi thứ nhất số ít, chúng tôi thuộc ngôi thứ nhất số nhiều. Trong phạm vi ngữ liệu được khảo sát, chúng tôi thống kê được 15 trường hợp bình luận viên sử dụng đại từ tôi và 12 trường hợp sử dụng đại từ chúng tôi để xưng hô. Ta xét các ví dụ sau:

(99). “Theo quan sát của chúng tôi thì ở trận này Thiwintho không đá chính ngay từ đầu. Huấn luyện viên Seren Hamson muốn tạo ra một thế trận phòng ngự phản công. Một thế trận chắc chắn trước U23 Việt Nam.”

(U23 Việt Nam - U23 Myanmar, ngày 05/11/2011) (100). “Theo quan sát của chúng tôi thì Ngọc Anh thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh trái. Cập trung vệ vẫn là Huỳnh Phú và Lâm Anh Quang. Như vậy, là ở trong trận đấu này tiền vệ trung tâm Văn Bình đã xuất hiện ngay từ đầu. Có những sự điều chỉnh so với trận đấu trước đây gặp Philippin.”

(U23 Việt Nam - U23 Myanmar, ngày 05/11/2011) (101). “Đúng như tôi đã bình luận, khi sức trẻ của Arsenal phát huy được tốc độ, tạo ra những đột biến thì Chelsea sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Pha ghi bàn thứ hai của Walcott.”

(Chelsea - Arsenal, ngày 05/11/2011) Trong các ví dụ trên, tôi, chúng tôi là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất dùng để chỉ người nói. Khi sử dụng đại từ tôi để xưng hô thì bình luận viên muốn thể hiện quan điểm cá nhân của riêng mình. Còn khi dùng đại từ chúng tôi thì đó không còn

là quan điểm riêng của bản thân bình luận viên mà đó là quan điểm của các bình luận viên tham gia buổi tường thuật bóng đá trực tiếp (trong đó có quan điểm của luận viên). Đây là đại từ nhân xưng trung tính thể hiện thái độ lịch sự của người nói trong quá trình xưng hô.

Bên cạnh đại từ nhân xưng tôi, chúng tôi, bình luận viên sử dụng đại từ nhân xưng ta, chúng ta để xưng hô. Ta xét các ví dụ sau:

(102). “Artur! Hàng thủ của Braga vẫn đang cho thấy được sự chắc chắn của mình. Những hình ảnh mà ta thường thấy trước đây của đội bóng áo đỏ ở Europa Luegea mùa này.”

(Proto - Braga, ngày 19/05/2011) (103). “Helton! Sau khoảng thời gian để cho Porto hoàn toàn làm chủ thế trận, trong những phút vừa qua, ta cũng thấy được nổ lực đáp trả của Braga. Có thể nói trong những phút đầu tiên Braga đã đẩy cao đội hình, có vẻ là để đánh phủ đầu Porto.”

(Proto - Braga, ngày 19/05/2011) (104). “Lúc này, ta có thể định hình được bộ khung mà huấn luyện viên Falko Goetz sẽ sử dụng ở Sea Games tới.”

(U23 Việt Nam - U23 Myanmar, ngày 23/10/2011) (105). Chúng ta đều biết rằng trước trận đấu, việc đưa đối phương lên cao không phải là làm giàm nhuệ khí của chính mình mà là giúp các cầu thủ Chile không chịu nhiều sức ép ở trong trận đấu ngày hôm nay.”

(106). “Họ nhập cuộc với một tâm lý hưng phấn. Đó là điều mà chúng ta cũng thấy dễ hiểu được bởi tâm lý của các cầu thủ Chile đang tốt hơn sau chiến thắng đầu tiên.

( Tây Ban Nha – Chile, ngày 19/6/2014) (107). “Trước những tình huống áp sát liên tục của Đông Timor, thì các cầu thủ chúng ta không dám mạo hiểm phối hợp bên phần sân nhà nữa. Đã có thêm pha va chạm nữa giữa Almeida và các cầu thủ phòng ngự của Việt Nam.”

(U23 Việt Nam - U23 Đông Timor, ngày 09/11/2011.)

(108). “Cho đến lúc này, so với trận gặp Philippin, chúng ta vẫn kiểm soát bóng nhiều hơn, làm chủ thế trận. Nhưng khác với trận đấu trước, những cơ hội mà chúng ta có dường như chưa xuất hiện.”

(U23 Việt Nam - U23 Myanmar, ngày 05/11/2011) Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, khi muốn gắn kết người nghe với bản thân mình để tạo nên tiếng nói chung, bình luận viên sử dụng các đại từ nhân xưng

“ta” và “chúng ta”. “Chúng ta”, “ta” là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, dùng để xưng hô, bao hàm cả người nói lẫn người nghe. Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy bình luận viên sử dụng đại từ nhân xưng ta 445 lần và đại từ chúng ta là 195 lần.

Như vậy, qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy ở ngôi thứ nhất, bình luận viên sử dụng đại từ tachúng ta nhiều hơn đại từ tôi, chúng tôi. Điều này là do bình luận viên đã gắn kết khán thính giả với chính bản thân mình để cùng tham gia vào buổi tường thuật, cùng đưa ra quan điểm về các tình huống, các sự kiện bóng đá đã và đang diễn ra trên sân bóng.

2.2.5.2. Từ ngữ xưng hô ngôi thứ hai

Trong tiếng Việt, ngôi xưng hô thứ hai thuộc về người nghe. Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, đó là ngôi xưng hô để chỉ khán thính giả. Trong quá trình tường thuật bóng đá, bình luận viên thường dùng các từ quý vị, các bạn để chỉ người nghe, người xem.

Trong quá trình khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy cụm từ các bạn được sử dụng 12 lần, cụm từ quý vị được sử dụng 8 lần. Mặc dù quý vịcác bạn xuất hiện không nhiều nhưng đây là những từ ngữ xưng hô thể hiện sự tôn trọng của bình luận viên đối với khán thính giả đang theo dõi buổi tường thuật bóng đá trực tiếp.

Ta xét các ví dụ sau:

(109). Quý vcác bạn thân mến, đây là hình ảnh trực tiếp từ sân vận động Dublin Arena của thủ đô Dublin cộng hoà Ailen. Chúng ta chuẩn bị theo dõi trận chung kết Europa League mùa giải 2010-2011.”

(110). “Mời quý vcác bạn chúng ta cùng quay lại sân vận động Dublin Arena của cộng hòa Ailen để theo dõi hiệp 2 của trận chung kết Europa Luegea mùa giải 2010-2011 giữa 2 đội Braga và Porto.”

(Proto - Braga, ngày 19/05/2011) (111). “Xin chào các bạn đây là sân Stamford Bridge ở thủ đô Luân Đôn.

Trước mắt chúng ta là trận đấu giữa hai câu lạc bộ Chelsea và Arsenal.”

(Chelsea - Arsenal, ngày 05/11/2011) Các bạn là danh ngữ được dùng để xưng hô trong quan hệ xã hội. Trong bóng đá, bình luận viên dùng danh ngữ các bạn để chỉ tất cả mọi người đang xem và nghe tường thuật bóng đá, không phân biệt giai cấp, địa vị, tuổi tác, giới tính. Đây là cách xưng hô mang sắc thái biểu cảm trung hòa nên thường xuyên được bình luận viên sử dụng trong tường thuật bóng đá trực tiếp.

“ Quý vị” là một từ Hán – Việt. Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, bình luận viên sử dụng từ xưng hô này nhằm thể hiện sự tôn trọng của mình đối với khán thính giả đang theo dõi buổi tường thuật trận đấu bóng đá.

Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, cũng có lúc bình luận viên như hòa mình vào trận đấu, hòa mình vào các tình huống bóng diễn ra trên sân. Trong trường hợp này, khi bình luận viên gọi tên các cầu thủ thì tên riêng của cầu thủ đó là từ ngữ xưng hô thuộc ngôi thứ hai. Ta xét ví dụ sau:

(112). Thành Lương! Vẫn đang là Thành Lương. Rất kỹ thuật. Thành Lương vẫn chưa có bàn thắng nào tại Sea Games 26. Cho dù anh luôn là người chơi năng nổ và đáng chú ý nhất.”

(U23 Việt Nam - U23 Đông Timor, ngày 09/11/2011.) . (113). Hoàng Thiên. Đúng ra phải là một đường chuyền sớm hơn cho Văn Quyết. Phước Long! Trọng Hoàng! Đường chuyền hơi mạnh của Trọng Hoàng.

Văn Bình! Đây là trận đấu đầu tiên Hoàng Thịnh không đá chính.”

(U23 Việt Nam - U23 Brunei, ngày 12/11/2011) Trong ví dụ trên, các tên riêng được in đậm là các từ xưng hô ngôi thứ hai.

Trong trường hợp này, bình luận viên như đã hòa mình vào trận đấu. Bình luận viên gọi tên cầu thủ, thúc giục cầu thủ tham gia vào tình huống bóng.

2.2.5.3. Từ ngữ xưng hô ngôi thứ ba

Trong tiếng Việt, ngôi xưng hô thứ ba thuộc về người mà người nói đề cập đến. Trong quá trình tường thuật bóng đá, bình luận viên thường dùng các từ họ, anh, ông để chỉ cầu thủ, huấn luyện viên, đội bóng hay một nhân vật nào đó. Ta xét các ví dụ sau:

(114). “Trong 9 vòng đấu ở giải ngoại hạng Anh câu lạc bộ ghi bàn nhiều nhất là Manchester City. H đã ghi 33 bàn trong 9 vòng đấu. Bình quân là 3,7 bàn một trận.”

(Chelsea - Arsenal, ngày 05/11/2011) (115). “Sau khi có bàn thắng mở tỉ số Chelsea không tấn công dồn dập. Tuy nhiên h cũng tạo ra sức ép làm cho đối phương mệt mỏi.”

(Chelsea - Arsenal, ngày 05/11/2011) (116). “Lúc này thế trận đang nghiêng về phía đội tuyển Chile. H nhập cuộc với một tâm lý hưng phấn.”

( Tây Ban Nha – Chile, ngày 19/6/2014) Trong các ví dụ trên, họ là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, nhằm thay thế cho một đội bóng. Sự thay thế đó nhằm tránh lặp lại từ, đồng thời tạo nên tính mạch lạc cho phần tường thuật của bình luận viên. Trong phạm vi ngữ liệu được khảo sát, chúng tôi thống kê được 271 lần từ họ được sử dụng để chỉ đối tượng giao tiếp ở ngôi thứ ba.

Bên cạnh từ họ, bình luận viên cũng sử dụng đại từ anh để chỉ ngôi xưng hô thứ ba. Ta xét các ví dụ sau:

(117). “Thành Lương! Vẫn đang là Thành Lương. Rất kỹ thuật. Thành Lương vẫn chưa có bàn thắng nào tại Sea Games 26. Cho dù anh luôn là người chơi năng nổ và đáng chú ý nhất.”

(U23 Việt Nam - U23 Đông Timor, ngày 09/11/2011.) (118). “Pha băng vào dứt điểm của Terry và anh đã ghi bàn.”

(Chelsea - Arsenal, ngày 05/11/2011)

(119). “Thành Trung! Gary Steven! Đường chuyền không thành công của Gary Steven. Gary Steven đang đá ở vị trí tiền vệ trung tâm, và anh cũng thi đấu ở giải vô địch quốc gia Solovekia.”

(U23 Việt Nam - U23 Myanmar, ngày 23/10/2011) Trong tường thuật bóng đá trực tiếp anh là danh từ xưng hô dùng để chỉ một cầu thủ bóng đá. Đây là cách gọi thể hiện sự tôn trọng của người nói với cầu thủ được đề cập đến. Đồng thời, cũng tránh sự lặp từ không cần thiết trong câu nói của mình. Trong phạm vi ngữ liệu được khảo sát, chúng tôi thống kê được 416 lần từ anh được sử dụng để chỉ đối tượng giao tiếp ở ngôi thứ ba.

Bên cạnh họtôi, trong tường thuật bóng đá trực tiếp, bình luận viên đã sử dụng đại từ ông để chỉ đối tượng xưng hô ở ngôi thứ ba. Ví dụ:

(120). “Trên màn ảnh của chúng ta là huấn luyện viên Paciencia, nhà cầm quân của Braga. Paciencia từng là tiền đạo khét tiếng của Porto trước đây và ông đã cùng Porto giành được cúp C1 khi thắng câu lạc bộ Bayer Munich vào năm 1987.”

(Proto - Braga, ngày 19/05/2011) (121). “Huấn luyện viên Boas là một huấn luyện viên trẻ đầy tài năng của Porto. Và vào lúc này ông cũng được nhắc đến như một thiên thể thay thế cho Acelotti tại Chelsea.”

(Proto - Braga, ngày 19/05/2011) Từ “ông” là danh từ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Việt. Trong bóng đá, ông là cách gọi dùng để chỉ người có chức vụ hoặc địa vị trong bóng đá như chủ tịch FIFA, chủ tịch câu lạc bộ, huấn luyện viên, trọng tài,.... Cách gọi bằng từ “ông”

thể hiện sự tôn trọng của người nói đối với các nhân vật được đề cập đến. Trong phạm vi ngữ liệu được khảo sát, chúng tôi thống kê được 1042 lần từ ông được sử dụng để chỉ đối tượng giao tiếp ở ngôi thứ ba. Đây là từ xưng hô ngôi thứ ba có tần xuất xuất hiện nhiều nhất.

Trong tường thuật bóng đá trực tiếp, bình luận viên cũng sử dụng tên riêng để chỉ người được đề cập đến. Trong trường hợp này, tên riêng đó thuộc ngôi thứ ba. Ta xét các ví dụ sau:

(122). “Khá nguy hiểm! Đã bắt đầu xuất hiện sự chủ quan của U23 Việt Nam. Và vừa rồi là cú dứt điểm tốt của Adi. Long Giang vẫn thi đấu với đầu gối trái có băng trắng.”

(U23 Việt Nam - U23 Brunei, ngày 12/11/2011) (123). Công Vinh rời sân để nhường chỗ cho Huy Hùng. Huy Hùng là tiền vệ của câu lạc bộ Hà Nội.”

(Việt Nam – Arsenal, ngày 17/7/2013) Trong các ví dụ trên, hàng loạt các tên riêng của cầu thủ được bình luận viên đề cập đến. Cách gọi tên như thế cũng để cho người xem biết được cầu thủ nào tham vào các tình huống bóng hoặc cầu thủ nào đang được bình luận viên đề cập đến.

Tóm lại, trong tường thuật bóng đá trực tiếp, bình luận viên sử dụng rất đa dạng từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt nhằm làm cho lời tường thuật thêm lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Đồng thời nó làm cho phần diễn đạt trở nên mạch lạc, tránh trường hợp lặp từ ngữ.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ trong tường thuật bóng đá trực tiếp (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)