Chương 1 TIẾP NHẬN VĂN HỌC VÀ NGUYỄN DU Ở MIỀN NAM
1.1 Lý thuyết tiếp nhận văn học
1.1.2 Những khái niệm cơ bản
1.1.2.2 Tác phẩm văn học
Văn học luôn được xem là lăng kính phản ánh đời sống thông qua hình tượng nghệ thuật, thế nhưng hình tượng ấy tự bản thân nó không thể tồn tại được nếu như không có các yếu tố vật chất chuyên chở nó như ngôn ngữ, kết cấu, văn bản, quyển sách. Tác phẩm văn học là sản phẩm được kết tinh từ một quá trình lao động miệt mài và căng thẳng bằng tư duy nghệ thuật của tác giả, biến những biểu tượng, ý nghĩ, cảm xúc bên trong của nhà văn thành một sự thực văn hóa xã hội khách quan cho mọi người soi ngắm và suy nghĩ. Một tác phẩm được viết ra chỉ nằm im một chỗ mà không được tiếp xúc hay đón nhận của người đọc thì nó cũng chỉ giống như một bức thư đóng trong một chiếc chai thả lênh đênh trên biển mà không có một địa chỉ người nhận cụ thể, rõ ràng. Ngay cả một tác phẩm lớn cũng vậy, nếu như bản thân nó mà không đến được với vòng tay của người đọc thì cũng chẳng khác gì một vật quý hiếm đem giấu kín mà chẳng bao giờ được mang ra trưng bày. Nguyễn Văn Trung trong Lược khảo văn học (tập 1) cũng từng nhấn mạnh rằng một cuốn sách, một tác phẩm văn học thực ra cũng chỉ là một đống giấy im lìm và bất động. Nó được đặt trên bàn hay trong
tủ sách bên cạnh những cuốn khác và sẽ hoàn toàn trở nên vô nghĩa nếu như chúng ta không cầm lấy và rút nó ra khỏi tủ sách.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì tác phẩm văn học được định nghĩa là “công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại. Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng hay hình thức văn bản nghệ thuật được ghi giữ qua văn tự, có thể được viết bằng văn vần hay văn xuôi” [19, 290]. Không chỉ khái quát về nội dung mà các tác giả đã giải thích cụ thể hơn về tính chỉnh thể của tác phẩm văn học ở chỗ “mỗi tác phẩm văn học là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều yếu tố như chủ đề, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng…, còn có thể kể thêm các yếu tố: nhân vật, cốt truyện,… đối với các tác phẩm tự sự và kịch. Ở những tác phẩm văn học có giá trị, sự kết hợp hài hòa và tác động qua lại giữa các yếu tố ấy khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật mang tính thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật” [19, 290]. Tính phức tạp của một tác phẩm vă học không chỉ biểu hiện ở cấu trúc nội tại của bản thân tác phẩm mà nó còn thể hiện qua hàng loạt mối quan hệ khác nhau cụ thể như: “Với người sáng tạo, tác phẩm văn học là nơi kí thác, nơi khẳng định quan điểm nhân sinh, lí tưởng thẩm mĩ. Vì vậy người ta nói đến “tấc lòng” của tác giả
“gửi gắm” qua tác phẩm. Với hiện thực khách quan, tác phẩm văn học là hình ảnh phản ánh đời sống, là tấm gương ghi giữ diện mạo lịch sử của một thời kì một đi không trở lại và dự báo tương lai. Với người đọc, tác phẩm văn học là đối tượng tích cực của cảm thụ thẩm mĩ… Dĩ nhiên, trong thực tế, những quan hệ phức tạp ấy luôn xuyên thấm lẫn nhau, không thể phân tách một cách máy móc” [19, 291]. Cũng chính trong định nghĩa này, các tác giả cũng cho thấy đời sống lịch sử và hình thức tồn tại của tác phẩm không phải là bất biến mà nó là một quá trình, một hệ thống thường xuyên có sự biến đổi đa dạng. Tác phẩm văn học chính là sự thống nhất giữa những phần đã được khái quát, mã hóa trong văn bản và phần cảm nhận, khám phá và sáng tạo của người đọc mang lại. Chỉ có thông qua việc tiếp nhận thì những chủ đề, đề tài, tư tưởng, kết cấu, phong cách,.. của tác phẩm mới bộc lộ hết được “tiềm năng khái quát và ý nghĩa của chúng” [19, 29].
Sau khi nhà văn hoàn thành công việc sáng tạo của mình thì cũng là lúc tác phẩm bắt đầu “cuộc đời” của nó, tác phẩm có một sinh mệnh khác so với những gì diễn ra trong tâm trí của nhà văn. Nó có thể sống ngắn ngủi hoặc lâu dài hơn cuộc đời của một nhà văn. Tất cả đều phụ thuộc vào tâm thế đón đợi của công chúng. Ở đó, tác phẩm có thể sẽ tìm và tập hợp cho mình được những người đồng chí hướng với nó hay có thể sẽ phân hóa những người khác lí tưởng và chính bản thân tác phẩm cũng được tiếp nhận theo nhiều hướng khác nhau. Bởi trong quá trình đón nhận, mỗi người đọc tùy theo quan điểm, vốn sống của mình mà mang lại cho tác phẩm những ý nghĩa khác nhau.
Và trong quá trình tiếp nhận đó, người đọc đã xây dựng cho tác phẩm một tầng ý nghĩa mới, mang lại một sức sống mới cho tác phẩm. Lúc đó, tác phẩm mới thực sự trở thành một sản phẩm nghệ thuật có giá trị bởi “khi đọc một tác phẩm văn chương, ta phải xây dựng tác phẩm trong tinh thần của ta. Cuốn truyện, tập thơ kia trong thư viện, tủ sách, xếp cạnh trăm nghìn những cuốn sách khác, không có dấu gì bề ngoài chứng tỏ nó là tác phẩm nghệ thuật. Nó chỉ là tác phẩm nghệ thuật khi ta cầm lấy đọc và cấu tạo lại, dựng lại vũ trụ nghệ thuật mà tác giả đã là người đầu tiên dựng lên trong trí óc của họ”
[70, 82].
Trong đời sống, tác phẩm sẽ luôn được tái tạo bởi chính tác giả và người đọc.
Trong lịch sử, tác phẩm có thể trở thành xưa cũ nhưng lại có nhiều hướng cắt nghĩa về nội dung theo từng thời đại. Chính vì vậy, tác phẩm luôn là trung tâm của một hệ thống quan hệ biến đổi mà ổn định: tác giả - tác phẩm - người đọc. Các nhà Mỹ học tiếp nhận trước kia cũng đã nhận xét rằng một tác phẩm thực sự chỉ có thể được hình thành qua mối quan hệ giữa văn bản của tác phẩm và tầm đón đợi của người đọc. Và trong quá trình sáng tác, tác giả luôn phải hướng về tầm đón đợi của người đọc nhưng không phải cái gì cũng trình bày cụ thể rõ ràng mà trong văn bản tác phẩm cần có những “điểm trắng” để dành lại cho trí tưởng tượng và sự sáng tạo của người đọc. Có lẽ vì vậy mà nhà hiện tượng học Iser đã từng nói rằng ở những phần viết ra sẽ cho chúng ta được tri thức mà mỗi người đọc trong chúng ta đều muốn thấy được những chỗ sâu kín không có trong văn bản. Và nhờ vào những chỗ trống trong văn bản, những thành phần chưa xác định ấy mà chúng ta mới có thể phát huy được trí tưởng tưởng của mình hiệu quả nhất.