Chương 2 TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TỪ BÌNH DIỆN TƯ TƯỞNG VÀ TU TỪ (THEO KHUYNH HƯỚNG PHÊ BÌNH CỔ ĐIỂN)
2.1 Phê bình Truyện Kiều từ bình diện tư tưởng
2.1.1 Từ bình diện tư tưởng Nho giáo
2.1.1.3 Đạo trung, nghĩa, trí, tín
Trong quan niệm của Nho giáo thì trung, nghĩa, trí, tín là những nhân tố cơ bản mà một con người cần rèn luyện cho mình. Vì vậy mà trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du không chỉ để cho nhân vật chính của mình hiểu và làm tròn được chữ
“Hiếu” mà còn hiểu rõ về trung, nghĩa, trí, tín của đạo Nho. Đó cũng chính là những nhận xét của Nguyễn Khoa khi tìm hiểu về triết lý của Truyện Kiều trong cuốn khảo luận của mình. Trong bài viết của mình tác giả đã đưa ra những dẫn chứng rất chi tiết và cụ thể cho vấn đề này. Theo tác giả, trung, nghĩa, trí, tín ở Kiều được thể hiện rõ khi nhận được lễ riêng thuyết hàng của Hồ Tôn Hiến nàng đã khuyên Từ Hải ra đầu thú với triều đình, có thể ở Kiều vẫn còn chút ích kỷ riêng tư, vẫn còn tham luyến ngôi mệnh phụ nhưng Kiều vẫn nhớ đến đạo hiếu ở đời và cái luân lý tôn quân. Nàng luôn mong ước đất nước thái bình để sớm được trở về thăm cha mẹ và rồi nàng khuyên nhủ mong Từ có thể thấu được những ý kiến của mình:
… Ơn thánh đế dồi dào, Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.
Bình thành công đức bấy lâu, Ai ai cũng đội trên đầu biết bao…
Và những nhà Nho trước kia đã từng tấm tắc khen Kiều biết làm tròn đạo hiếu thì một lần nữa lại ngợi khen người con gái sắc tài ấy đã có hiểu rõ về chính trị với tư tưởng tôn quân, vua là trên hết biết phụng sự đế quyền. Và hơn thế nữa ở nàng còn có đức “hiếu sinh” bởi trong suy nghĩ của Thúy Kiều, mỗi khi chiến tranh binh lửa xảy ra thì những thảm họa của nó để lại thật đáng xót xa biết bao:
Ngẫm từ dấy việc binh đao, Đống xương vô định đã cao bằng đầu.
Cuối cùng, trong suốt những lời thơ từ chương đầu cho tới chương cuối của tác phẩm, người đọc vẫn thấy bàng bạc đâu đó là những điều nhân nghĩa mà đạo Khổng hướng tới.
Cho đến sau này, điều ấy một lần nữa đã được Vũ Hạnh nhắc đến trong cuốn Đọc lại Truyện Kiều khi nói đến tấc lòng hiếu, trung của Thúy Kiều khi khuyên Từ Hải ra hàng triều đình: “Khi khuyên Từ Hải ra hàng động cơ của nàng là Hiếu, là Trung, và rõ hơn hết là sự khao khát được sống yên lãnh giữa cái trật tự lễ nghi đã được ổn định lâu đời là chốn triều đình” [23, 104].
Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Khoa còn khám phá ra điều “nhân nghĩa” trong quan niệm của người quân tử đã được thể hiện qua sự việc trả lại cành thoa và nhận được cành thoa của Kim, Kiều. Việc làm đó tuy là một việc nhỏ nhặt nhưng cũng đủ cho ta thấy được trong quan niệm của người quân tử thì điều nhân nghĩa đã được đặt lên trên cả những tài lợi tầm thường. Đó chính là điều mà đạo Nho thường hướng con người tới:
… Ơn người quân tử xá gì của rơi;
Chiếc thoa nào của mấy mươi, Mà lòng trọng nghĩa, khinh tài, xiết bao!
Cho đến khi Kiều xuất giá theo Mã Giám Sinh thì quan niệm luân lý “xuất giá tòng phu” của Nho giáo đã được hiện thực qua lời gửi gắm của Vương ông khi nói với Mã Giám Sinh. Trong quan niệm của người xưa, người đàn ông được xem là trụ cột trong gia đình. Cho nên, con gái khi còn nhỏ thì “tại gia tòng phụ” nhưng khi lớn lên thì phải xuất giá cho nên“xuất giá tòng phu”. Mọi việc đều dựa dẫm vào người đàn
ông, người đàn ông được ví như bóng tùng, bóng bách che chở cho thân liễu yếu đào tơ:
Từ đây góc bể, chân trời,
Nắng mưa thui thủi, quê người một thân.
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân, Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.
Đoạn trường tân thanh là tiếng nói của tư tưởng Nho giáo cho nên chúng ta có thể thấy được quan niệm trọng điều nhân nghĩa khi xử thế được luận chứng và bàn bạc đến rất rộng rãi. Dường như xuyên suốt tác phẩm cùng với Phật giáo và Đạo giáo. Cho nên, khi lỗi hẹn lời thề nguyền kết tóc se tơ với chàng Kim để làm tròn chữ hiếu với gia đình, Thúy Kiều đã nghĩ đến “tình ái là một nghĩa vụ” phải trả, và Kiều đã trân trọng, cầu xin Thúy Vân hãy nghĩ đến tình chị em mà “chắp mối tơ thừa” với chàng Kim, giúp mình báo đáp những ân tình sâu nặng của chàng Kim:
Tái sinh chưa dứt hương thề, Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Rồi đến khi lưu lạc, không chấp nhận cảnh phải tiếp khách nơi lầu xanh của Tú Bà cho nên khi nhận được lời giúp đỡ của kẻ sơ giao bỉ tiện là Sở Khanh thì Thúy Kiều lại một lần nữa làm rõ hơn được quan niệm về “ơn nghĩa” của đạo Nho, cho đến cả những lúc đền ơn tri ngộ của sư trưởng, hoa nô,…
… Tôi bèo bọt chút thân, Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh, Có nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!
… Nhớ khi lỡ bước, sẩy vời, Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.
Nghìn vàng gọi chút lễ thường, Mà lòng phiếu mẫu, mấy vàng cho cân!…
Quay trở lại với chàng Kim, sau khi hộ tang chú xong xuôi, Kim Trọng trở lại vườn Thúy để thăm người yêu rồi sau đó đón rước cha nàng về phụng dưỡng cho chúng ta thấy được hình ảnh của người quân tử trọng đạo Nho dù cho có gặp cảnh
sang giàu hay bần hàn nhưng vẫn không hề thay lòng đổi dạ… Kim Trọng đã đón mời ông bà Vương viên ngoại cùng về chăm sóc, phụng dưỡng thay cho những điều mà xưa kia nàng vẫn làm để thể hiện đạo làm con:
Thần hôn, chăm chút lễ thường, Dưỡng thân, thay tấm lòng nàng khi xưa.
Dù cho có kết duyên với Thúy Vân cho trọn với lời gửi gắm của Kiều, thay Kiều làm tròn chữ hiếu với mẹ cha nhưng Kim Trọng vẫn luôn giữ trọn nghĩa tình với nàng, vẫn tìm bóng nàng suốt mười mấy năm dài đằng đẵng:
Khi ăn ở, lúc ra vào,
Càng sâu duyên mới, càng dào tình xưa.
… Ấy ai hẹn ngọc thề vàng, Bây giờ kim mã, ngọc đường với ai.
Rễ bèo, chân song, lạc loài,
Nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu ly.
… Xót người lưu lạc bấy lâu, Tưởng thề thốt nặng cũng đau đớn nhiều.
Thương nhau sinh tử đã liều, Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
Để rồi sau cơn bình địa ba đào, gia đình lại được sum họp một nhà và Thúy Vân dù có đang vui duyên chồng vợ với Kim Trọng nhưng cũng không hề xem nhẹ tình chị em máu mủ. Nàng hiểu rõ rằng khi cơn gia biến, Thúy Kiều hy sinh thân mình để cứu gia đình cho nên đã gửi gắm lại mối tình của mình nhờ Thúy Vân chắp mối tơ dang dở cùng chàng Kim. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm chìm nổi trong cuộc đời thì bây giờ Kiều đã trở về với gia đình, có lẽ cũng nên để cho Kim – Kiều được chắp lại mối duyên xưa bởi “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”:
Gặp cơn bình địa ba đào, Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.
Cũng là phận cải, duyên kim, Cũng là máu chảy ruột mềm, chớ sao.
Những là rày ước mai ao?
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành, Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.
Còn duyên may lại còn người, Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa.
Trong tư tưởng của Nho giáo, con người luôn phải hiểu và thực hiện được những điều nhân, nghĩa, trí, tín, hiếu đễ trong cuộc đời. Và trong suốt 3254 câu thơ của Đoạn trường tân thanh, ngoài tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo dường như Nguyễn Du còn muốn hướng con người đến những vấn đề luân lý của Nho giáo, hiểu được những yếu tố cơ bản mà một con người cần hướng tới để sống có ý nghĩa hơn trong cuộc đời, thực hiện đúng bổn phận của mình, đúng với khuôn phép của xã hội. Đó cũng là những nhận xét mà Thanh Lãng, tác giả cuốn sách Bảng lược đồ văn học Việt Nam đã đề cập đến khi cho rằng Đoạn trường tân thanh là những luân lý của Nho giáo áp dụng vào thực tế xã hội với những hiếu, trung, nhân, nghĩa:
“Kiều vì cảm thương đồng bào trong bao nhiêu lâu bị vùi lấp dưới lửa đạn, khuyên Từ Hải ra hàng: nàng đã làm một điều nhân hiếm có. Nàng hậu đãi và trọng thưởng những bậc ân nhân của nàng một cách rộng rãi: nàng đã giữ trọn điều nghĩa.
Rồi suốt lúc lưu lạc, đem cái thân tàn giầu giãi phong trần mà vẫn ôm tấm lòng chung thủy với Kim Trọng: nàng thật là con người trung hậu. Nhưng bài học trội hơn hết, bao trùm và làm then chốt cho tất cả truyện là chữ hiếu. Vì muốn trọn điều hiếu, nàng phải bán minh để cứu cha, để rồi xa rời người yêu, để rồi lặn lội trong đau đớn, trong ê chề.
Nàng đã đặt chữ hiếu lên địa vị thần tượng. Cái luân lý ấy không có gì mới lạ, nó chỉ là một đề tài chung cho tất cả các thi sĩ Tầu và ta từ ngàn xưa. Nó cổ như người Việt Nam" [36, 638].