Chương 1 TIẾP NHẬN VĂN HỌC VÀ NGUYỄN DU Ở MIỀN NAM
1.3 Những tiền đề xã hội, văn học cho sự tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Du ở miền Nam
1.3.1 Bối cảnh văn hóa xã hội miền Nam 1954 - 1975
Sau khi hiệp định Genève được kí kết và những điều khoản của nó được thi hành, trang sử của Việt Nam một lần nữa lại được đánh dấu bởi sự chia cắt thành hai miền Nam – Bắc với cột mốc ranh giới là vĩ tuyến 17. Sau hiệp định, miền Bắc dốc toàn lực cho việc chữa lành những vết thương do chiến tranh gây ra, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng góp phần cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Trong khi đó ở miền Nam, khói lửa của chiến tranh vẫn diễn ra trong đời sống thường ngày dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ và nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Thay chân thực dân Pháp, bằng việc đổ một nguồn viện trợ lớn ở miền Nam, xây dựng một hệ thống bộ máy chính quyền hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, Mỹ đã thực sự cai quản miền Nam không chỉ bằng chính trị, quân sự mà còn bằng cả văn hóa nhằm bành trướng thế lực của mình ở Việt Nam nói riêng và cả Đông Nam Á nói chung. Chính quyền Ngô Đình Diệm được dựng lên với chiêu bài tự do dân chủ của nó nhưng vẫn không thể điều hòa được những mâu thuẫn trong lòng xã hội đang nảy sinh từng ngày.
Tình hình chính trị ở miền Nam lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn và bất ổn. Từ khắp các vùng nông thôn cho đến thành thị đã có nhiều cuộc đấu tranh phản đối chống chính quyền tay sai. Chính vì vậy, để đảm cho sự cầm quyền của mình, chính quyền nhà họ Ngô đã đưa ra sắc lệnh tàn bạo nhằm tiêu diệt những người cộng sản yêu nước vẫn đang âm thầm chiến đấu cho độc lập và tự do của dân tộc bằng đạo luật 10/1959
“tố cộng, diệt cộng”. Hành động đó của nhà cầm quyền đã khơi lên ngọn lửa căm thù trong lòng dân tộc và càng làm cho ý chí đấu tranh của nhân dân càng thêm mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, ngay chính trong nội bộ của những nhà cầm quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cũng đã có những vết rạn nứt, bất đồng giống như một đám cỏ khô chỉ chờ một tàn lửa nhỏ là sẽ bùng lên dữ dội. Sau một thời gian lên nắm quyền khoảng ba, bốn năm, tổng thống Ngô đã bị một luồng dư luận ngày càng trở nên rộng rãi chỉ trích vì sự độc tài
của mình. Những bất mãn ấy nổi lên từ trong nội bộ của những nhà cầm quyền từ các đảng phái quốc gia, các chính khách đối lập dẫn đến có nhiều cuộc nổi dậy ngay trong lòng xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Và cao trào cho việc phản đối chính quyền của họ Ngô là vào tháng 5-1963, Phật tử ở Huế biểu tình chống chính phủ vì vấn đề treo giáo kỳ. Đây chỉ là câu chuyện mở đầu cho những cuộc phản đối chính quyền rộng khắp sau đó với sự kiện tự thiêu, bao vây chùa và bắt sư sãi... Đó chính là nguồn cơn đẩy xã hội miền Nam vào những cơn khủng hoảng về chính trị mà đỉnh cao của nó chính là cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Biến cố ấy đã kết thúc nền đệ nhất cộng hòa, chấm dứt giai đoạn đầu của thời kỳ sau Genève ở miền Nam. Trong lòng xã hội miền Nam vốn đã có những bất ổn nay lại càng trở nên rối ren hơn và mất phương hướng hơn. Sau khi chính quyền của họ Ngô sụp đổ, khủng hoảng đã bao trùm lên xã hội miền Nam trong một khoảng thời gian dài. Dưới sự chi phối và sắp đặt của Mỹ: “Chiến tranh trở nên khốc liệt hơn cùng với năm tháng. Con số lính Mỹ tăng dần theo một nhịp ồ ạt. Đài phát thanh hằng ngày phát đi những lệnh tổng động viên tập thể. Người chết mỗi lúc một nhiều. Hiện tượng gái bán bar, làm đĩ trở nên một hiện tượng phổ biến” [49, 24]. Không chỉ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, với âm mưu thống trị lâu dài của mình mà chính quyền Mỹ còn đổ vào nơi đây những đồng tiền đô la cùng lối sống Mỹ và văn hóa phẩm Mỹ. Song song đó, đế quốc Mỹ còn dựng lên một chính quyền quốc gia độc lập gỉa hiệu về chính trị, phồn vinh giả tạo về kinh tế. Chúng cố xây dựng cho xã hội miền Nam trở thành một xã hội tiêu thụ và điều đương nhiên là người ta sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể được mua chịu của bọn nhà giàu nào là những tivi, tủ lạnh, ô tô… Trong khi đó, chính sách văn hóa của đế quốc Mỹ lại tạo nên những “con mắt”, đó là cách nhìn của người bản xứ theo yêu cầu của Mỹ. Và người ta có thể huênh hoang về cái gọi là tự do tư tưởng, tự do ăn chơi. Nó khơi dậy lên trong lòng con người ta những cái gọi là sống cho bản năng của con người nhằm phá hủy đi những ý chí, tinh thần đấu tranh đối với quê hương đất nước, đối với lý tưởng sống, và ý thức về độc lập dân tộc. Dẫn đến việc họ chỉ chú trọng đến những lối sống tiêu thụ của chính mình mà bàng quan trước hoàn cảnh hiện tại của đất nước.
Trong hoàn cảnh như vậy, bên cạnh những con người chìm đắm trong lối sống tiêu thụ mà chính quyền Mỹ mang lại thì có một số người lại âm thầm hay trực diện đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù. Ngoài ra, với những biến chuyển mạnh mẽ của xã hội miền Nam lúc bấy giờ cũng khiến cho một số người trong xã hội ấy luôn mang những tâm trạng bất ổn, âu lo trước những biến chuyển của thời đại. Bên cạnh đó, tầng lớp trí thức, thành thị không chỉ lo sợ trước chiến tranh mà họ luôn cảm thấy chông chênh trong cuộc sống, họ sống không có lý tưởng, không có niềm tin vào tương lai mà họ luôn mang tâm trạng hoài nghi trước những vấn đề của xã hội và ngay cả trong đời sống bình thường của mình. Nói như Tạ Tỵ, xã hội miền Nam đang “giữa cơn phá sản tinh thần, chẳng những do chiến tranh, còn do sự ngờ vực đày đọa lẫn nhau, trong một thế giới đang đi dần vào tuyệt vọng” [78, 421]. Có lẽ cũng chính vì vậy mà ở Sài Gòn vào những năm 1963, chủ nghĩa hiện sinh đã tìm cho mình được nguồn đất dinh dưỡng để phát triển mạnh mẽ đến nỗi mà nhiều người cầm bút sẽ tự cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng hơn nếu như ngay trong tác phẩm của mình thiếu đi những “danh từ của chủ nghĩa hiện sinh”. “Ở miền Nam, người ta thấy khá đầy đủ dấu vết của triết học hiện sinh. Từ những cuốn biên khảo, dịch thuật về chủ nghĩa hiện sinh, những thứ văn chương tiểu thuyết mang đầy danh từ hiện sinh, đến những lối sống ăn chơi trụy lạc được gọi là hiện sinh… Tất cả đều có mặt” (Đất nước số tháng 11 năm 1967). Trong một thời gian dài chủ nghĩa hiện sinh trở thành câu chuyện thời trang ở Sài Gòn” [57, 336 – 339].
Và trong cái xã hội ấy, nhất là trong các đô thị, con người càng cố duy trì sự ổn định của nó lại càng làm cho nó trở nên bất ổn hơn bởi hơn bao giờ hết những mâu thuẫn đã và đang nảy sinh trong lòng xã hội vẫn không dừng lại mà còn đang nhen nhóm và phát triển từng ngày. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh diễn ra không ngừng đòi dân chủ, dân sinh và bảo vệ văn hóa dân tộc chống sự xâm lăng của văn hóa nước ngoài. Với những vấn đề nảy sinh trong xã hội đã dẫn đến những đổi thay trong sự phát triển của văn học miền Nam lúc bấy giờ.
1.3.2 Tiền đề văn học
Dù trong một xã hội đang xảy ra nhiều bất ổn và rối ren, thế nhưng sinh hoạt văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 vẫn có những bước đi mang đặc điểm riêng của
nó. Tuy chỉ có hai mươi năm nhưng có thể thấy được xã hội miền Nam giai đoạn này là một bức tranh đa màu sắc có sự hòa trộn của những nền văn hóa khác nhau mà trong ấy nổi bật hơn cả là văn hóa của phương Tây. Nếu như văn học miền Bắc chủ yếu tiếp thu những kinh nghiệm của Liên Xô và Trung Quốc để ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ngừng mở rộng cảm hứng sử thi, sáng tạo và xây dựng những điển hình của con người mới theo cái gọi là hiện thực chủ nghĩa thì cánh cửa của văn học miền Nam có lẽ rộng mở hơn rất nhiều. Văn học miền Nam không chủ trương định hướng sáng tác mà thả lỏng cho mọi sáng tạo được tự do vì thế trong văn học miền Nam giai đoạn này có nhiều khuynh hướng đối lập song song cùng tồn tại bao gồm: chống cộng và hòa giải, tâm lí chiến và phản chiến, và có thể đón nhận cho mình nhiều luồng văn hóa mới, điều đó càng làm cho bức tranh về đời sống văn học, lý luận phê bình của miền Nam có nhiều màu sắc hơn. Bên cạnh đó, văn học giai đoạn này ở miền Nam lại đi sâu vào hình ảnh con người tự do cá nhân, đồng thời được tiếp xúc với những trường phái tiêu biểu của văn học phương Tây lúc bây giờ như: phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, phê bình mới, mỹ học tiếp nhận,…. Có lẽ những vấn đề của xã hội đã khiến cho con người cần phải tìm cho mình những niềm tin mới, chỗ bám víu mới và cũng từ đó mà vườn hoa của văn học văn nghệ miền Nam mới có nhiều hương sắc đến thế, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà. Như Nguyên Sa đã nói: “ Nhìn tổng quát cả một thế kỷ văn chương ta thấy sự giao tiếp với văn học nghệ thuật Tây phương thúc đẩy ta tiếp nhận mau lẹ để tiếp nhận cái khác. Ta như bị thúc đẩy với một tiếng nói không âm thanh: phải đổi thay thật nhanh, phải biến dịch thật mau, cho nên, người này vừa làm xong cổ điển, không đợi những thế kỷ 18 và 19 trôi qua, người kia tiến ngay đến siêu thực, cùng một tác giả có thể nhảy từ tả chân sang siêu thực rồi đến hiện sinh. Và cái sự thay đổi mau lẹ đó, nhìn ở mặt trái nó đáng buồn vì chưa thật là ta, vì còn mang nặng dấu vết này, dấu vết nọ, nhưng nhìn ở mặt phải, nó nói đến sự khao khát đổi thay. Và khi họ đổi thay để bắt kịp những đổi thay của văn học nghệ thuật thế giới, sự khao khát đó sẽ đóng vai động lực của những sáng tạo lớn” [56, 93 -94].
Bên cạnh đó, có thể thấy được trong giai đoạn này, so với miền Bắc thì số lượng nhà xuất bản của miền Nam rất nhiều và sách báo cũng chiếm một lượng lớn để phục vụ đời sống xã hội lúc bấy giờ mà chủ yếu là của các nhà văn khởi dựng. Điều này đã
có ảnh hưởng không nhỏ đối với vấn đề văn hóa lúc bấy giờ. Bởi nếu như không có những nhà xuất bản ấy thì chắc chắn sẽ có một số lượng lớn những tác phẩm văn học có giá trị sẽ không được xuất hiện trên văn đàn. Bức tranh sôi động về xuất bản của miền Nam được thể hiện rất cụ thể với “…nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê ra đời năm 1954 in đến hàng trăm nhan đề, nhà Bến Nghé thì ít hơn. Sau đó nhà Thời Mới do Võ Phiến chủ trương bắt đầu hoạt động từ năm 1962 đã xuất bản trên 50 mươi nhan đề, nhà Sáng Tạo của Doãn Quốc Sỹ ra đời năm 1963, nhà Lá Bối của Nhất Hạnh ra đời từ tháng 10 – 1964 đã ấn hành chừng 120 nhan đề, nhà An Tiêm tách từ Lá Bối ra năm 1965 cũng in chừng 80 nhan đề, rồi nhà xuất bản Huệ Minh của Hồ Hữu Tường, nhà Phù Sa của Sơn Nam và Ngọc Linh, nhà Giao Điểm của Trần Phong Giao,…”[51]. Và theo nhận xét của Võ Phiến thì đó là một hiện tượng độc đáo bởi chưa bao giờ mà văn giới lại ào ào lăn vào doanh nghiệp đông đảo đến như vậy. Bên cạnh đó, với chính sách văn hóa mở rộng cùng với sự xuất hiện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ miền Nam đã tạo điều kiện cho sự góp mặt của số lượng sách ngoại một cách tự do hơn. Điều này cũng tạo điều kiện cho phong trào dịch thuật ở miền Nam được đẩy mạnh và phát triển hơn cụ thể như: “Năm 1972 số sách dịch tại miền Nam chiếm tỷ lệ 60% tổng số sách xuất bản” [12, 432]. Đây cũng chính là điều kiện cơ bản để cho lý luận phê bình văn học miền Nam có nền móng để phát triển bởi số lượng nhà in và sách báo nhiều như vậy giúp cho các nhà văn có thể dịch và giới thiệu những tư tưởng triết học Tây phương vào miền Nam và từ đó mới có thể tìm được những hướng đi mới trong nền văn học dân tộc. Cũng trong giai đoạn khủng hoảng này, lý luận phê bình của miền Nam đã chia ra những khuynh hướng khác nhau với nhiều trường phái tách biệt cùng với sự ra đời của nhiều tớ báo thể hiện rõ thái độ cũng như tư tưởng lập trường của họ như: Bách khoa, Văn, Sáng tạo, Khởi hành, Nghiên cứu văn học, Tư tưởng, Đại học, Trình bày,… Chính vì điều này mà Thế Nguyên đã đưa ra một đánh giá chung cho những chuyển biến của văn học cũng như lý luận phê bình thời kỳ này:
“Tình hình khủng hoảng kinh tế khiến các nhà văn phải lựa chọn thái độ văn nghệ cho mình và sự lựa chọn này chia làm hai phe rõ rệt: những nhà văn làm văn nghệ với phương tiện tư nhân và những nhà văn làm văn nghệ với phương tiện nhà nước (hoặc với sự trợ cấp của những cơ quan ngoại quốc). Sự phân loại mới mẻ này biểu lộ trước
hết một quan niệm đúng đắn, một ý thức sắc bén về tính cách tự do và độc lập trong văn nghệ (không thể có tự do và độc lập trong văn nghệ khi văn nghệ không có độc lập và tự do về tài chính). Và đồng thời nó cũng tố cáo một tình trạng bất bình đẳng trong văn nghệ tại miền Nam từ mấy mươi năm nay. Chỉ có nhà văn hoạt động với phương tiện nhà nước mới có quyền “rong chơi”, “viễn mơ” vì chỉ họ mới có quyền không cần đến người đọc” [49, 45].
Thế nhưng, dù cho có tiếp xúc với những luồng tư tưởng văn hóa phương Tây nhưng các nhà phê bình miền Nam vẫn hướng đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Và họ cho đó là trách nhiệm của những người cầm bút ở miền Nam. Bởi ngay trong quan niệm của Nguyễn Văn Trung thì “sứ mệnh sâu xa của nhà văn là gây dựng và duy trì tình tự dân tộc, truyền thống của đất nước” và ngay cả “ những chế độ có thể đi qua, nhưng tình tự dân tộc không thể mai một. Truyền thống đất nước không thể tiêu diệt” [70, 170 -171]. Chính vì vậy, khi tiếp nhận những ảnh hưởng của những luồng tư tưởng phương Tây thì những nhà văn, nhà phê bình trong giai đoạn ấy chỉ vận dụng nó để tìm hiểu những giá trị của văn học dân tộc theo một hướng mới, bởi vậy chúng ta mới có thể thấy những bài viết xuất hiện trên các tạp chí thời bấy giờ như:
“Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh” (Đại học số 9/1959); “Biện chứng phản diện trong Cung oán ngâm khúc” (Đại học số 3/ 1958); “Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Albert Camus” (Văn số 2/ 1964); … Với việc vận dụng những lý thuyết của các trường phái lý luận phương Tây như: Chủ nghĩa hiện sinh, Phân tâm học, Cấu trúc luận, Mỹ học tiếp nhận,…vào việc tìm hiểu các vấn đề của văn học đã giúp cho vườn hoa văn học miền Nam có những chuyển biến mới, tìm đến những gái trị mới cho nhiều tác phẩm văn học mà từ trước đó luôn được nhìn nhận từ góc nhìn của triết học và mỹ học phương Đông. Và chính điều đó đã tạo điều kiện để những tác phẩm như:
Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn hay kiệt tác của nền văn học Việt Nam đó là Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du có dịp được tìm hiểu theo những góc nhìn mới bên cạnh góc nhìn phương Đông tự bao nhiêu thế kỷ.