Chương 2 TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TỪ BÌNH DIỆN TƯ TƯỞNG VÀ TU TỪ (THEO KHUYNH HƯỚNG PHÊ BÌNH CỔ ĐIỂN)
2.1 Phê bình Truyện Kiều từ bình diện tư tưởng
2.1.2 Từ bình diện tư tưởng Phật giáo
2.1.2.2 Thuyết Nghiệp báo luân hồi
Không chỉ cho rằng cuộc đời bạc mệnh của Thúy Kiều chịu sự chi phối của đấng tối cao là “Trời” mà trong cảm nhận của Diệp Văn Kỳ thì Truyện Kiều của Nguyễn Du còn thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo. Và tác giả đã nhận định: “Đành rằng câu chuyện thảm khốc của nàng Kiều rồi kết thúc vui vẻ, và đành rằng trong đời bạc mệnh của nàng, cũng có lắm lúc tai họa nhơn tay, nhưng hai lần sắp thoát hạ rồi thì lại phải rơi vào vực sâu hơn nữa. Và kết luận triết lý của áng thơ chứa đựng trong những câu sau đây:
Ngẫm thay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Nói một cách khác thì là ở trong tay một đấng tối cao, khoan dung hay cay nghiệt. Nhưng áng thơ lại đi xa hơn thế, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo cho rằng cái phong trần của ta là sự đền tội những lỗi kiếp khác, lúc bắt đầu phong trần thì Kiều đã biết điều ấy, khi nàng lấy dao tự đâm mình:
Trong mê dường đã đứng bên một nàng, Rỉ rằng: nhân quả dở dang, Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào, Người dù muốn dứt trời nào muốn cho.
Hãy xin hết kiếp liễu bồ [174, 15].
Đồng quan điểm về nghiệp báo luân hồi, trong cuốn Khảo luận Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Khoa cũng nhìn nhận kiếp đoạn trường của Kiều từ góc nhìn của Phật giáo. Và ông cho rằng Nguyễn Du căn cứ trên nền triết học của Thích Ca để đặt luận đề và luận kết cho Truyện Kiều:
Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Theo lý thuyết về “luân hồi” của nhà Phật, vạn vật, chúng sinh trong thế gian này đều tuân theo cái quy luật tuần hoàn cố hữu của nó đó là sinh sinh tử tử và rồi cứ chết đi rồi đầu thai lại mãi mãi như vậy. Còn Nghiệp báo sẽ giải thích cho chúng ta thấy được những việc xảy ra trong cuộc đời này đều có nguồn cơn của nó và đó chính là những việc làm của ta trong tiền kiếp. Hay có thể hiểu đơn giản hơn đó là “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, làm những điều lành sẽ gặp lành, làm điều dữ sẽ gặp dữ. Từ thuyết ấy rồi nhìn nhận lại kiếp gian truân của cô gái tài sắc hơn người và tác giả đã tự đặt
nghi vấn: liệu có phải trong tiền kiếp, Kiều đã làm nhiều điều hung ác xấu xa và nó chính là cái nhân để hình thành quả trong kiếp này, là món nợ mà nàng phải trả suốt mười lăm năm lưu lạc ấy.
Kể từ lúc quyết định bán mình chuộc cha, Kiều đã đau khổ biết bao nhiêu khi tình yêu dang dở, gia đình ly tán, thất tiết với Mã Giám Sinh, sau đó lọt vào tay Tú Bà và bị ép phải tiếp khách ở lầu xanh rồi nàng lấy dao tự tử mà không thành. Và bóng ma Đạm Tiên đã xuất hiện cho nàng biết được trong kiếp luân hồi, nghiệp báo nàng phải trả cho xong, cho dù có muốn trốn tránh bằng cái chết cũng không thể nào tránh được bởi:
Rỉ rằng: nhân quả dở dang, Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào, Người dù muốn dứt trời nào muốn cho.
Và nếu như kiếp này, nàng trả nợ chưa xong cái quả ở kiếp này được tạo nên từ cái nhân của tiền kiếp, thì kiếp lai sinh vẫn còn trả nợ chứ không thể nào mà tránh được:
Vả trong thần mộng mấy lời, Túc nhân âu cũng có Trời ở trong.
Kiếp này trả nợ chưa xong, Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau.
Cho đến khi nàng muốn thoát khỏi cuộc sống trầm luân của lầu xanh bằng việc nương nhờ Sở Khanh để trốn đi hay đến lúc nàng lấy Thúc Sinh, lấy Từ Hải. Đó chính là những lúc Thúy Kiều đang vùng vẫy mãnh liệt để được cứu thoát khỏi bể trần hãi hùng, mong cầu có được cuộc sống bình yên cho tấm thân nàng. Ấy thế mà Nghiệp báo cũng không tha cho người con gái phận bạc ấy. Bao nhiêu khổ đau, nhọc nhằn vì lưu tệ xã hội, Nguyễn Du đã dựa vào Phật học để không ngừng giải thích cho nó:
Tiếc thay trong giá trắng ngần, Đến phong trần cũng phong trần như ai.
… Kiếp xưa đã vụng đường tu, Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.
… Phong trần, kiếp đã chịu đày, Lầm than, lại có thứ này bằng hai.
Phận sao bạc chẳng vừa thôi,
Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan.
Đã đành túc trái tiền oan.
Cũng liều ngọc nát, hoa tàn mà chi!
Và bọn đồng cốt thì cho rằng:
Nàng này nặng kiếp oan gia, Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho.
Đến như một cô tiểu thư nhà danh giá như Hoạn Thư còn bảo:
Bể trần, chìm nổi thuyền quyên, Hữu tài thêm nỗi vô duyên, lạ đời!
Sống trong bể trần vùng vẫy mãi mà không thể nào thoát khỏi những đau khổ cho đến lúc Kiều muốn dứt trần duyên để đến với cửa Phật mong được giải thoát khỏi sự đeo đuổi của Nghiệp báo mà cũng không thể nào dứt ra được:
Gửi thân được chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi, tháng ngày thong dong.
Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay.
Sớm khuya lá bối, phướn mây,
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương.
Đau khổ đã quá nhiều trong cuộc đời lưu lạc của Thúy Kiều. Nàng muốn đi tu để có thể dứt được nhưng nào có được yên thân bởi Nghiệp báo mãi cứ bám theo xui khiến nàng lại gặp phải tổ bợm già là Bạc bà, để rồi nàng lại quay trở về với lầu xanh.
Cái nơi nàng đã một lần tự tử, đã bị bắt về khi toan trốn cùng gã Sở Khanh để thoát khỏi nó. Thế mà, những mong bước vào cửa Phật để được thong dong cùng câu kinh tiếng mõ với muối dưa chay lòng của nàng cũng không được trọn vẹn bởi Nghiệp báo cứ như bóng ma Đạm Tiên theo đuổi mãi bên nàng. Để cho cũng có lúc cùng đau khổ với cuộc đời truân chuyên của Thúy Kiều mà đến chính Nguyễn Du cũng phải thốt lên rằng:
Chém cha cái số đào hoa, Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
Nghĩ đời mà ngán cho đời, Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!
Tiếc thay nước đã đánh phèn, Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.
Cái Nghiệp cứ theo đuổi mãi, cho đến khi Kiều gặp Từ Hải và được lên làm vợ một đại vương, ngồi trên chỗ cùng phú cực quý tưởng chừng như tiếng kêu đã thấu trời xanh để sau bao khổ đau nàng đã trải qua thì bây giờ Kiều sẽ được hưởng cuộc sống hạnh phúc ấm êm. Thế nhưng, những vinh hoa phú quý ấy thật ngắn ngủi biết bao để rồi sau khi Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến mà chết đi, Thúy Kiều bị bắt và phải xuống hạng tôi đòi sau đó nàng đã trầm mình xuống dòng Tiền Đường mà tự tử:
Mười lăm năm bấy nhiêu lần, Làm gương cho khách hồng quần thử soi.
Đời người đến thế thì thôi, Trong cơ âm cực, dương hồi khôn hay.
Thúy Kiều phải chịu bao nhiêu năm trầm luân trong bể khổ phong trần, để giải thích cho những nỗi đau khổ, tủi nhục của Kiều, tác giả không chỉ mượn thuyết Nghiệp báo của nhà Phật mà còn mượn lời của nhà sư, dựa trên số kiếp hiện tại để giải thích thêm.
Thúy Kiều là một người con gái hiếu nghĩa đủ đường, tài sắc vẹn toàn. Ấy thế mà tại sao trong kiếp hồng trần lại chịu nhiều đọa đày đến thế kia:
Người sao hiếu nghĩa đủ đường,
Kiếp sao, rặt những đoạn trường thế thôi?
Và tác giả Nguyễn Khoa đã căn cứ trên tứ diệu đế, nhất là Khổ đế của Phật giáo để lý giải cho kiếp hồng nhan truân chuyên của Kiều. Trong quan niệm của nhà Phật, đời là bể khổ, con người và vạn vật trong kiếp hồng trần đều khổ. Sở dĩ có đau khổ (Khổ đế) là bởi vì đã gây ra nguyên nhân của đau khổ (Tập đế). Theo quan niệm của Phật giáo thì trong cuộc đời con người có tám thứ: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, cầu không được là khổ, xa lìa người thân là khổ, gặp gỡ kẻ oán thù là khổ, thân
tâm xáo trộn bất hòa là khổ. Và nguyên nhân của những nỗi khổ ấy trong cuộc đời là do cái tâm tham dục chấp trước của con người.
Điều thứ nhất là vì Nghiệp báo:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan, Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Điều thứ nhì là “do lòng tham”, tham sống, không dứt được mối thất tình. Điều này cũng giống như nhận xét của Thích Thiên Ân trong cuốn Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều. Cái khổ mà Kiều phải chịu cũng chỉ vì nàng vướng vào “tình dục”.
“Tình dục” giống như sợi dây tơ hồng xe kết mà khiến cho Thúy Kiều và Kim Trọng đem lòng yêu thương và nhung nhớ, chờ đợi nhau:
Sông Tương một giải nông sờ, Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
Vì “Tình” mà Thúy Kiều cứ mãi trầm luân trong vòng nhớ nhung đau khổ ấy.
Khiến cho nàng không thể dứt được mối thất tình mà đi tu, chưa thể xuất thế được:
Lại mang lấy một chữ tình, Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Quả đúng như vậy, bởi một chữ tình mà ta thấy Kiều luôn dằn vặt đau khổ. Ví như, nàng có thể cắt đứt được mối tình, cắt đứt được những yêu thương nhung nhớ với Kim Trọng trong khi “chấp kinh tùng quyền” thì có lẽ lòng nàng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Hay cả những lúc một thân cô đơn giữa hồng trần, xa gia đình nếu như nàng không nặng những mối lo âu thương nhớ với gia đình thì sẽ bớt khổ đau, dằn vặt hơn. Thế nhưng, trong những lúc chịu đọa đày, đau khổ về cả thể xác và tinh thần thì lại là những lúc nàng nhớ thương về gia đình, tiếc nuối những kỷ niệm yêu thương ngọt ngào của những ngày xưa nhất.
Đó là khi nàng rơi vào tay Mã Giám Sinh và thất thân với y, biết y là kẻ buôn người cho Tú Bà:
Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Vì ai ngăn đón gió đông, Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.
Hay lúc nhớ về gia đình, nhớ về mối tình dang dở của mình đã gửi lại cậy Thúy Vân chắp nối:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dầu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Duyên em dầu nối chỉ hồng, May ra khi đã tay bồng tay mang.
Tấc lòng cố quốc tha hương, Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời!
Không chỉ có thế, cũng theo Thích Thiên Ân, nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ trầm luân của Thúy Kiều còn bởi vì nàng là một người con gái đa tình đa cảm trong nỗi cô đơn của người con gái xa nhà, xa tình quân bằng những câu thơ:
Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
“Tham muốn” và “tình dục” chính là những dòng nước xoáy con người đến bể khổ của vòng trầm luân mà mãi mãi không thể nào thoát ra được. Giáo lý nhà Phật cũng đã từng nhắc đến điều này khi cho rằng chính những tham muốn và tình dục sẽ cuốn con người vào vòng xoáy của những trầm luân đau khổ trong cuộc đời.
Chính vì những điều ấy mà Thúy Kiều luôn phải chịu những nỗi khổ đau trong cuộc đời trần thế. Lẽ ra một người con gái tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều phải được hưởng những điều tốt đẹp của đời người. Thế mà nàng lại chịu hết nạn nọ đến nạn kia:
Vậy nên những chốn thong dong, Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối, quỷ đưa đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hết nạn nọ, đến nạn kia, Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.
Trong vòng giáo dựng, gươm trần, Kề lưng hùm sói, gửi thân tôi đòi.
Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi, Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh.
Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Làm cho sống đọa, thác đày, Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!
Lời nhà sư thật rành rọt, thật là đầy đủ, vừa tả được kiếp trầm luân của Kiều, vừa luận chứng về Nghiệp báo, về quan niệm trần ai là bể khổ, lại vừa chứng minh rành rành:
… Phúc họa đạo trời,
Cỗi nguồn, cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta, Tu là cội phúc, tình là dây oan.
Hãy để ý, lý luận “phúc họa tại trời” nhưng chính là do hành sự của ta mà ra.
Phật giáo đã gián tiếp nhìn nhận quan niệm kết quả do hành động. Hễ kiếp trước làm lành thì kiếp này hưởng phúc, hễ kiếp trước làm dữ thì kiếp này trả nghiệp báo. Điều nhân quả cứ kế tiếp từ kiếp này sang kiếp khác, mãi mãi không thôi. Nhiều khi “nhân”
trong kiếp này lại kết “quả” ngay trước mắt. Hãy xem cái nhân:
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều, Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm, Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người, cứu muôn người, Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Tuy nhiên, theo các học giả, Nguyễn Du dù có tin vào thiên mệnh đi chăng nữa thì ông cũng phải công nhận rằng nghiệp báo là một chuyện mà con người với những hành vi, ngôn ngữ của mình đã làm trong kiếp hiện tại mà có sự thay đổi ít nhiều. Và thuyết “chuyển nghiệp” của Phật giáo đã giải thích rất rõ về điều này. Thúy Kiều trong kiếp này đã tạo được cái nhân tốt lành, vì công đức ấy nên chẳng những dứt được nghiệp báo, trả xong nợ kiếp trước mà còn kết quả lành ngay trước mắt. Nàng sẽ trở lại
cuộc đời yên ổn, phong lưu, hạnh phúc như thuở mười lăm năm về trước. Nàng phủi sạch bụi phong trần, tái hợp với chàng Kim, cha mẹ, hai em…
Thửa công đức ấy ai bằng, Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!
Khi nên, Trời cũng chiều người, Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau.
Về thuyết nhân quả, ta đã nghe lý luận trong lời nhà sư, ta còn nghe hồn ma Đạm Tiên nhắc lại lần nữa, ý hàm súc điều khuyến thiện:
Rằng: “Tôi đã có lòng chờ, Mất công mười mấy năm thừa ở đây”.
Chị sao phận mỏng, đức dày?
Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai!
Tấm thành đã thấu đến Trời, Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
Một niềm vì nước, vì dân, Âm công cất một đồng cân đã già?
Đoạn trưởng sổ, rút tên ra,
Đoạn trường thơ, phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng thụ về lâu, Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào!
Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cũng dựa trên thuyết “nhân quả” của nhà Phật mà lý giải cho kiếp đoạn trường của Thúy Kiều: “Kiều phải đày vào kiếp đoạn trường không phải chỉ vì tài mệnh tương đố, mà cũng bởi cái nghiệp của nàng đã hình thành từ kiếp trước. Có lẽ nhân quả, có duyên nghiệp, tức là có khả năng biến cải, có tự do cho con người. Do đó mà có sự cân phúc cân tội, để đi đến sự cứu vớt ở sông Tiền Đường” [46, 365].
Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng) cũng lý giải những khổ đau mà Thúy Kiều phải chịu đựng và trải qua suốt mười lăm năm ấy từ thuyết “luân hồi và nghiệp báo” của đạo Phật “Kiều là một tiểu thư tài sắc tuyệt vời mà dọc đời đã trải qua bao lưu lạc, duyên phận hẩm hiu. Tại sao không làm nên tội mà
Kiều phải đoạn trường như vậy? Để giải quyết, tác giả mượn thuyết luân hồi và nghiệp báo của đạo Phật. Uyên nguyên của mọi đau khổ trên đời chính là sự chuyển biến bất diệt đó: vạn vật cứ sinh để rồi chết, chết để rồi lại tái sinh không ngừng. Cái kiếp sinh tử ấy không phải vô cớ. Cuộc sống hiện tại, đối với kiếp sinh trước là kết quả và, đối với kiếp sau, nguyên nhân. Bởi có nghiệp báo nên có luân hồi và ngược lại, luân hồi đòi nghiệp báo. Đau khổ đoạn trường chỉ là kết quả tất yếu do đó đi ra. Thúy Kiều long đong đoạn trường là để trả nợ và rửa tội kiếp trước” [36, 686 - 687]. Bởi có những nghiệp báo ấy cho nên đoạn trường chỉ là kết quả tất yếu và Thúy Kiều long đong trong chốn đoạn trường là để trả nợ và rửa tội kiếp trước.
Phan Xuân Sanh trong bài “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”, Đại học số 9, tháng 5 -1959 cũng nhận định Kiều chính là “điển hình của nghệ thuật vang bóng một linh hồn uốn mình theo dòng nghiệp quả” [192, 34].
Trong cảm nhận của Phan Xuân Sanh, con người được hình thành từ một cục máu để rồi từ cục máu ấy đã hình thành nên một con người nhan sắc và mang trên mình tất cả những nước mắt của khổ đau vô tận trong cuộc đời. Và tất cả những khổ đau trái ngang của nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh là điển hình cho điều ấy:
Một cung gió tủi mưa sầu, Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.
Mười lăm năm gió bụi trong kiếp hồng nhan, Kiều đã nếm trải không biết bao nhiêu cay đắng, bao phen nàng đã muốn thoát khỏi vũng bùn nhơ nhuốc của cuộc đời, thế nhưng mỗi một lần muốn ngoi lên thì dường như Kiều lại bị dìm sâu hơn trong đó.
Phan Xuân Sanh từ hướng nhìn của nhà Phật đã xem Kiều là một điển hình của nghệ thuật cũng là vang và bóng của một linh hồn uốn mình theo dòng nghiệp quả của nhà Phật:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Sống trong kiếp người đau khổ, hết “đưa người cửa trước, rước người cửa sau”, say sưa trong những chén tạc chén thù với khách làng chơi. Rồi giữa canh khuya chợt tỉnh giấc sau những men nồng, nàng lại cảm thấy chua chát thay cho cuộc đời mình, nàng vẫn còn cái ý thức về thân phận của chính vì và để rồi “giật mình”, “mình lại