Chương 2 TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TỪ BÌNH DIỆN TƯ TƯỞNG VÀ TU TỪ (THEO KHUYNH HƯỚNG PHÊ BÌNH CỔ ĐIỂN)
3.1 Phê bình giáo khoa
Phê bình giáo khoa là một phương pháp vận dụng văn học sử, cuộc đời, thời đại của tác giả để đi tìm hiểu chính văn chương của tác giả. Thời tiền chiến đã có một số nhà phê bình như Trần Thanh Mại, Kiều Thanh Quế, Lê Thanh, Dương Quảng Hàm đã vận dụng phương pháp này vào việc tìm hiểu các tác phẩm văn chương như biên khảo về Hàn Mặc Tử (1957), Trông giòng sông Vị: Phê bình văn chương và thân thế ông Trần Tế Xương (1953) của Trần Thanh Mại…
Người đặt nền móng cho khuynh hướng phê bình này là Lanson, tác giả của bộ văn học sử Pháp được xuất bản vào cuối thế kỷ XX. Với khuynh hướng phê bình này, Lanson mong muốn sẽ giúp đỡ được cho học sinh, sinh viên, “những người mới chân ướt chân ráo” bước vào mảnh đất màu mỡ của văn học có thể hiểu văn chương bằng cách đặt tác giả, tác phẩm văn học vào trong văn học. Việc tìm hiểu đời sống của tác giả cho thấy những biến động thực tế có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình sáng tạo nghệ thuật. Với khuynh hướng phê bình này, các nhà phê bình luôn tập trung vào việc
“cố gắng tìm những chi tiết trong đời sống tác giả, những biến cố trong cuộc đời tác giả, hoặc những hoàn cảnh sống với những người, vật chung quanh tác giả, đã liên quan thế nào đến những ý tưởng, những khung cảnh hay những tình tự tác giả mô tả trong tác phẩm” [72, 129]. Không chỉ có vậy, trong hướng nhìn của Lanson với việc định vị tác phẩm trong lịch sử sẽ phá vỡ được ảo tưởng rằng chúng ta đọc văn bản của quá khứ như là đang ở trong thời của nó. Bên cạnh đó, cần xác định được mối quan hệ với thời điểm và cái xã hội, nơi mà nó được sinh ra, ngoài văn bản, cần đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của chúng. Như vậy, Phê bình giáo khoa đã thực hiện được một mối quan tâm kép cho mình đó là vừa tìm hiểu việc làm ra tác phẩm vừa các điều kiện xã hội của việc làm ra tác phẩm nhưng cũng vừa phải chú ý đến tính khái quát và tính đặc thù. Tuy nhiên, những người làm công việc nghiên cứu cần xem tác phẩm như một nghệ thuật sống động để tìm cho mình những hướng tìm hiểu hơn là xem nó như là một tư liệu lưu trữ.
Khuynh hướng phê bình này cũng đã được các nhà lý luận phê bình của miền Nam đón nhận và được sử dụng rộng rãi trong việc tìm hiểu nội dung tác phẩm văn
học, nghiên cứu các hiện tượng văn học nổi bật thông qua cuộc đời của nhà văn. Với những ưu điểm của mình, phê bình giáo khoa đã tìm cho nó một chỗ đứng vững chắc trong địa hạt lý luận phê bình của miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Điều đó được khẳng định bằng những công trình như: Chân dung Nguyễn Du (nhiều tác giả, Nxb Nam Sơn, 1960), Thế giới thi ca của Nguyễn Du (Nguyễn Đăng Thục (1971), Nxb Kinh Thi); Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (Tạy Tỵ (1972), Nxb Lá Bối)… Trong những tác phẩm ấy, các nhà phê bình đã đi sâu vào khai thác những yếu tố có liên quan đến cuộc đời của tác giả như gia đình, quê hương, hoàn cảnh xã hội để đi tìm hiểu nội dung xoay quanh tác phẩm cũng như những tác động có ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của tác giả. Nhắc đến lý luận phê bình miền Nam, Thanh Lãng được xem là nhà lý luận có nhiều đóng góp với những bài nghiên cứu có giá trị của mình.
Trên cơ sở vận dụng những lý thuyết của phê bình giáo khoa, Thanh Lãng đã đi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học của nhiều nhà thơ tiêu biểu của văn học xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…
Trong đó, có thể thấy Nguyễn Du được ông vô cùng chú ý với những tìm hiểu sâu sắc về cuộc đời của đại thi hào này.
Với Nguyễn Du, Thanh Lãng bằng những kinh nghiệm và sự nhạy cảm của mình đã đi tìm hiểu tâm sự của Nguyễn Du qua thơ ca của ông trong phần viết “Nguyễn Du như là một huyền thoại hay thơ văn chữ Hán của Nguyễn Du như là chứng nhân phản ánh cuộc đời hiện thực kì quái của ông trong Đoạn trường tân thanh”. Tác giả bài viết đã dựa vào những dấu thăng trầm trong cuộc đời của ông để có thể vẽ nên một Nguyễn Du đầy những gam màu sáng tối khác nhau: Đó là Nguyễn Du, một hiện hữu quái gở;
Nguyễn Du, một công tố viên kết án xã hội; Nguyễn Du, thi sĩ của những niềm tin dị biệt; Nguyễn Du, thi sĩ kiêu hùng trong bi đát; Nguyễn Du, thi sĩ của tiếng đàn tuyệt vời; Nguyễn Du, thi sĩ của tình yêu tuyệt vọng; Nguyễn Du, thi sĩ của nghèo khổ túng đói; Nguyễn Du thi sĩ của bệnh hoạn; Nguyễn Du, thi sĩ dưới sức ám thị của già, tóc bạc; Nguyễn Du, thi sĩ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa; Nguyễn Du, thi sĩ của tan rữa, điêu tàn hủy diệt; Nguyễn Du, thi sĩ của hốt hoảng, xao xuyến, băn khoăn, tuyệt vọng.
Trong cảm nhận của Thanh Lãng, Nguyễn Du mang nhiều hình ảnh khác nhau. Đó có thể là:
Nguyễn Du, một hiện hữu quái gở, tác giả bài viết nhận xét rằng con người thực chất của Nguyễn Du là tất cả những gì bi đát, quái gở và chúng ta phải đi tìm hiểu tâm sự của ông từ xuất phát điểm ấy chứ không phải vì mối cảm tình với nhà Lê mà miễn cưỡng sống cuộc đời “hôn nhân giả tạo” với nhà Nguyễn như mọi người vẫn nghĩ từ xưa. Trong nhận xét của Thanh Lãng, sự nghiệp thơ văn chữ Hán của Nguyễn Du không có dẫn chứng nào cho thấy ông ghét Nguyễn và thương Lê cho đến ngay cả nhà Tây Sơn mà ông cũng không có vẻ gì là thù ghét cả. Ông còn dùng những lời lẽ rất tôn kính với cả những hàng thần nhà Tây Sơn “Tây Sơn thần mãn tòa tận khuynh đảo”.
Rồi đến khi nhà Tây Sơn thất bại ông còn cảm thấy đau đớn, tiếc thương khi thấy tất cả cơ nghiệp vĩ đại kia chỉ còn lại một ca sĩ già khiến cho nhà thơ không cầm được nước mắt:
Thành quách suy di nhân sự cải Kỷ xứ tang điền biến thương hải Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong Ca vũ không khi nhất nhân tại Thuấn tức bác niên năng kỷ thư Thương tâm văn sự lệ triêm y
(Long thành cầm giả ca)
Bằng những dẫn chứng cụ thể, Thanh Lãng đã cho rằng những tiếng mà Nguyễn Du dùng để nói lên tấm lòng ân hận vì chưa làm được công trạng gì để báo để thờ phụng nhà vua ở đây chính là vua Gia Long, bởi khi sáng tác Giang đầu tản bộ II tác giả đang làm quan với Gia Long thế nhưng tóc ông đã bạc phơ phơ, con trai, con gái hàng đàn rồi:
Bạch phát tiêu tiên cổ đạo hàng…
Nhi nữ thành quần tử bất phương.
(Giang đầu tản bộ II)
Sống trong một xã hội mà mọi trật tự đều bị đảo loạn, đến cả thân phận con người cũng bị chà đạp tàn bạo. Cho nên, xuyên suốt trong Thơ chữ Hán của ông lúc thì đậm, khi thì nhạt phê phán xã hội. Chính vì vậy mà Thanh Lãng đã nhận xét Nguyễn Du như
một công tố viên kết án xã hội. Bởi ông thù ghét và kết án bạo lực và xảo quyệt, muốn dùng chiến tranh để thanh toán nhau:
Cổ kim vị kiến thiên niên quốc
Hình thế không lưu bách chiến tranh.
(Vị hoàng danh)
Và chính những cuộc chiến tranh ấy đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc:
Phồn hoa nhân vật loạn lại phi Huyền hạc quy lai kỷ cá tri.
(Ngộ gia đệ cựu ca cơ)
Thương cho thân phận con người, ông càng ghét cay ghét đắng bọn người giả hình, gian dối lúc nào cũng lúc nhúc khắp xóm. Nhưng điều khiến ông sợ hãi, ghê tởm nhất đó chính là sự thờ ơ lãnh đạm của con người. Điều đó được Nguyễn Du vẽ lại thật tỉ mỉ trong bài Sở kiến hành , đó là sự tương phản giữa một bên là hai mẹ con đói khát sắp bỏ xác ngoài đường cho beo sói xé thịt nhai xương còn trên bàn tiệc linh đình ở phủ đường thì đầy những gân hươu, vây cá, thịt lợn mà các quan chẳng muốn ăn, cho đến bọn tùy tùng cũng không thèm động đũa. Những hình ảnh này còn được Nguyễn Du tái hiện lại trong bài Người hát rong ở châu Thái Bình.
Trong cảm nhận của Thanh Lãng, Nguyễn Du còn là thi sĩ của những niềm tin dị biệt bởi ông là người duy nhất tiếp thu hài hòa ba nguồn cảm hứng Nho, Phật, Lão và cả những niềm tin dân gian. Điều đó được thể hiện qua một số bài thơ của Nguyễn Du như: Ký hữu, La phù giang thủy các độc tọa, Đại tác cửu thú tứ qui,… Ở mỗi bài thơ tác giả lại bộc lộ một hướng nhìn khác nhau, vô vi của Lão, thấm nhuần triết lý của Phật nhưng đôi khi ông lại có những hướng nhìn đời rất bi quan.
Không chỉ có vậy, Nguyễn Du còn là một thi sĩ kiêu hùng trong bi đát bởi theo Thanh Lãng, nếu như ở người khác kiêu hùng có thể là ngạo nghễ thì đối với Nguyễn Du sự kiêu hùng đó đã bị bẻ gãy, bị tàn phá và đầu hàng,.. Trong bài thơ Mạn hứng, Nguyễn Du đã từng nhắc đến tấm thân cao ngất ngưởng của mình nhưng lại không có đất đứng mà bị chìm nghỉm giữa trời đất bao la:
Lục xích phù sinh thiên địa trung
(Mạn hứng)
Hay hình ảnh của cây tùng cao trăm thước nhưng lại cô đơn, trơ trọi trước giông bão phũ phàng:
Đình thực cô tùng cao bách xích Bất chi thanh đế nại nhân hà.
(Tạp ngâm I)
Ở Nguyễn Du, sự túng đói luôn ám ảnh tâm trí khiến cho nhà thơ lúc nào cũng trong tâm trạng băn khoăn, xao xuyến. Dường như ông không chỉ thấm thía được sự túng quẫn của chính mình mà còn của tất cả những người xung quanh ông. Do đó, Thanh Lãng mới nhận xét ông là thi sĩ của nghèo khổ túng đói. Sống trong nghèo đói khiến cho ông càng cô đơn, bệnh tật hành hạ khiến cho ông cất lên những tiếng đau thương rên xiết:
Sài phi dạ tĩnh khôn thân ngâm Thập niên túc vật vô nhận văn.
(Ngọa bệnh I)
Cũng bởi cái nghèo mà cửa nhà ông lúc nào cũng đóng im ỉm, vắng lạnh. Mùa lạnh đến ông phải chịu những cái rét xé da thịt vì thiếu áo quần:
Tảo hàn dĩ giác vô y khổ (Thu dạ II)
Cái nghèo đói và bệnh tật đã khiến cho Nguyễn Du luôn khắc khoải triền miên trong những suy nghĩ về cuộc đời của những con người bất hạnh trong xã hội. Trong tâm thức của Nguyễn Du, cái đói đang hoành hành và phủ màu tang tóc trước những cảnh đối lập nhau mà trong Thái Bình mại giả ca của ông đã nói lên được điều đó:
Khẩu phún bạch mạt, thủ toan súc Khước tọa, liễm huyền, cáo chung khúc Đàn tận tâm lực cơ nhất canh
Đở đắc đồng tiền cận ngũ lục…
Quân bất kiến sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ Nhất thuyền, nhất thuyền doanh nhục mễ Hành nhân bão thực tiện khí dư
Tàn hào lãnh phạm trần giang đề.
(Thái Bình mại giả ca)
Sống trong thời kỳ nhà Lê suy tàn, cảnh chết đói diễn ra liên miên nhất là Nghệ Tĩnh quê hương ông, chính vì vậy những hình ảnh nghèo, đói, chết luôn ám ảnh trong tâm trí ông khiến cho ngòi bút của ông càng bi thương hơn nữa khi viết về số phận của chính mình cũng như của những con người nghèo khổ mà ông bắt gặp.
Với những cảm xúc khác nhau trong tâm sự của Nguyễn Du, Thanh Lãng đã giúp người đọc không chỉ cảm nhận được những số phận khác nhau của con người qua ngòi bút bi thương của Nguyễn Du mà còn có thể thấu hiểu được những thăng trầm trong cuộc đời đầy sóng gió mà chính ông đã từng nếm trải để rồi gửi gắm vào mỗi bài thơ chữ Hán là một trang trong cuốn nhật ký mà ông viết về cuộc đời mình, tâm sự của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta thấy được một điều rõ ràng đó là phê bình giáo khoa là một trường phái gắn liền với nhà trường có những mục tiêu và đối tượng cụ thể cho nó. Do đó, khi nghiên cứu, tìm hiểu về văn bản mà cụ thể là Truyện Kiều của Nguyễn Du, các giáo sư, những người làm nhiệm vụ giảng dạy trong các trường đại học đã đưa ra những hướng nghiên cứu khác nhau để có thể thấy rõ được những vấn đề mà văn bản chuyển tải. Điều đó đã được cụ thể qua những cuốn sách khảo luận, giáo trình dành cho học sinh, sinh viên như trong Việt Nam thi văn giảng luận (tập 2) giáo sư Hà Như Chi trong luận đề về Nguyễn Du đã giới thiệu khái quát về tiểu sử của tác giả, đó chính là nền móng để tìm hiểu những tâm sự trong tác phẩm của ông. Và khi đi tìm hiểu Đoạn trường tân thanh, ở phần đầu tiên tác giả khái quát những vấn đề chính về lai lịch của sách sau đó ở phần nội dung, giáo sư chia ra thành từng giai đoạn trong cuộc đời Thúy Kiều bắt đầu từ khi Kiều gặp Kim Trọng cho đến khi nàng được sum họp lại bên gia đình sau mười lăm năm lưu lạc đoạn trường. Sau đó, ông đi vào tìm hiểu tâm sự của Nguyễn Du trong Truyện Kiều và khẳng định rằng tâm sự ấy là có thật bởi kiếp tài hoa của Kiều cũng giống như Nguyễn Du, con một nhà trâm anh thế phiệt mà cũng chịu cảnh đoạn trường không kém. Tình yêu của Kiều với Kim Trọng vừa mới bén duyên đã vội chia lìa khác nào Nguyễn Du vừa mới ra làm quan cho nhà Lê thì cả một triều đại sụp đổ tan tác. Hay lúc nàng Kiều đau khổ, uất hận ra đi với họ Mã thì có khác nào Nguyễn Du nhẫn nhục dứt bỏ mối tơ duyên xưa với triều cũ để ra làm
quan với chủ mới. Thế nhưng, Hà Như Chi lại cho rằng những quan niệm ấy không hề sai mà nó còn quá hạn hẹp. Và muốn hiểu được tâm sự của Nguyễn Du thì phải hiểu một cách rộng rãi hơn những quan niệm thông thường. Bởi theo ông, tâm sự không phải chỉ là nỗi lòng, những mâu thuẫn éo le của đời người mà nó còn là những ước mơ nguyện vọng thầm kín trong lòng. Cho nên, tâm sự của Nguyễn Du, ngoài nỗi đau khổ vì không được trọn vẹn tôn thờ nhà Lê nhưng tâm sự ấy còn là ước mong được vùng vẫy trong trời tự do, sống hiên ngang và hoàn thành chí lớn được tác giả gửi gắm qua hình ảnh của Từ Hải. Hay khi tìm hiểu về giá trị của Truyện Kiều, tác giả đi vào tìm hiểu về cốt truyện và kết cấu của tác phẩm, giá trị tư tưởng mà tác phẩm thể hiện qua tư tưởng Phật giáo với thuyết Nhân quả báo ứng; tư tưởng Nho giáo bởi chữ Nghiệp của nhà Phật cũng tương tự với chữ “mệnh” của nhà Nho. Ngoài ra, tác giả cuốn sách còn thấy được rằng, ngoài hai tư tưởng lớn là Phật và Nho thì Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du còn chịu ảnh hưởng của tinh thần bình dân với những tiền định, quả báo, thừa trừ. Chưa dừng lại ở đó, tác giả còn đi tìm cái hay của Truyện Kiều qua việc khai thác tâm lý các nhân vật trong tác phẩm. Cuối cùng, tác giả đi vào việc tìm hiểu về giá trị văn chương Truyện Kiều qua văn tả người, tả cảnh, tả tình, văn tự thuật và văn đàm thoại và những đặc tính chung của văn chương Truyện Kiều với tính trang nhã và tính bình dân.
Đặt văn bản trong văn cảnh để tìm hiểu là một trong những hướng nghiên cứu của phê bình giáo khoa. Và phê bình giáo khoa là một trường phái phê bình gắn liền với nhà trường cho và nó luôn có những mục tiêu và đối tượng cụ thể. Trên cơ sở đó, một điều chúng ta nhận thấy trong các giáo trình, sách về Truyện Kiều dành cho học sinh, sinh viên ở miền Nam giai đoạn này của các giáo sư đều có điểm tương đồng khi nghiên cứu về một tác phẩm văn học thì các nhà nghiên cứu, các giáo sư luôn xác định được những đối tượng cho mình đó là đều mở đầu bằng những vấn đề lịch sử và thời đại, tiểu sử của tác giả để cho người đọc có thể hiểu được hoàn cảnh gợi dẫn tác giả sáng tác tác phẩm rồi sau đó mới đi tìm hiểu tâm sự của tác giả, giá trị triết lý, tư tưởng của tác phẩm, khai thác tâm lý của các nhân vật, nghệ thuật tả cảnh, tả tình như trong những cuốn Việt Nam văn học giảng bình của Phạm Văn Diêu, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ, Đoạn trường tân thanh khái luận của Vũ Hân,