Chương 1 TIẾP NHẬN VĂN HỌC VÀ NGUYỄN DU Ở MIỀN NAM
1.4 Lịch trình giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Du ở miền nam 1954 - 1975
Trước kia, ở miền Nam, một số tác phẩm của Nguyễn Du cũng đã được giới thiệu rộng rãi như Văn chiêu hồn, Truyện Kiều với những cuốn sách tiêu biểu như Nguyễn Du – Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo và chú thích. Cho đến giai đoạn 1954 – 1975, những tác phẩm này đã được giới thiệu rộng rãi hơn trong chương trình học và nhận được nhiều sự chú ý của những người làm nghiên cứu phê bình. Cụ thể:
Năm 1956, trong cuốn Việt Nam thi văn giảng luận, Hà Như Chi trong phần giới thiệu và tìm hiểu về Nguyễn Du cùng Truyện Kiều của ông lại cho rằng tư tưởng định mệnh của Nguyễn Du “không vượt khỏi mức tư tưởng của bình dân”, nhưng vẫn cho Nguyễn Du đã “dùng những tư tưởng ấy làm cái nguyên động lực cho mọi hành động của Kiều và nhân vật Truyện Kiều, tác giả viết: “Căn bản triết lý Truyện Kiều là một sự tin tưởng vào định mệnh. Định mệnh là ý muốn tối cao vô cùng khắc nghiệt không thể nào cưỡng lại được. Đứng trước một mãnh lực ghê gớm như vậy, cụ Nguyễn Du chỉ khuyên ta nuôi dưỡng thiện tâm, tu nhân tích đức, hầu mong cải hóa được số mệnh và tin tưởng ở sự công minh cuối cùng của trời đất” [3, 90].
Năm 1958, Nhà xuất bản Thanh Tâm (Sài Gòn) xuất bản cuốn sách giáo khoa in đúng theo bản Nôm cổ Truyện Thúy Kiều do Giáo sư Hoàng Hiển hiệu khảo cùng với sự minh họa bằng hình ảnh của hai họa sĩ Song Trâm và Phượng Bình. Cuốn sách không chỉ tra cứu đầy đủ và chọn lọc lại đúng so với bản chính mà còn giải thích một cách rõ ràng những điển tích và danh từ chữ Hán để người đọc có thể hiểu và nắm bắt được dễ dàng nhất. Bên cạnh đó, tùy theo ý nghĩa của từng câu trong mỗi đoạn mà được minh họa thành những bức tranh khiến cho độc giả dễ hiểu và dễ nhớ.
Năm 1960, trong công trình Khảo luận về Đoạn trường tân thanh Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử đã giới thiệu một cách đầy đủ về cuộc đời cũng như văn nghiệp của Nguyễn Du. Bên cạnh đó, các tác giả còn đi vào đối chiếu hai bản của Truyện Kiều là
“bản phường” và “bản kinh” để thấy được sự khác nhau và từ đó rút ra kết luận rằng bản phường lời văn thuần có thể là nguyên tác hoặc là gần nguyên tác hơn so với bản kinh đã bị vua Tự Đức sửa chữa khiến nhiều chỗ non kém cả lời và ý. Hay xuất phát từ hướng cảm nhận của mình mà các tác giả cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt bích và đi “Minh oan cho Kiều” bởi dù nó có tuyệt vời đến đâu thì cũng có không ít cụ
đồ nho trước kia trên phương diện luân lý đã không tiếc lời mà thóa mạ. Ngoài ra, cuốn sách còn là sự tổng hợp của nhiều bài viết về những nguyên lý đạo đức trong Truyện Kiều, tâm sự của Nguyễn Du qua Đoạn trường tân thanh hay tác giả còn tìm hiểu về “Những vầng trăng theo dõi Kiều” trong suốt mười lăm năm đoạn trường kia và còn có cả tình yêu, nỗi niềm thương nhớ quê hương, gia đình của Thúy Kiều trong suốt chặng đường lưu lạc của mình.
Cũng năm 1960, Nhà xuất bản Sống Mới (Sài Gòn) đã phát hành cuốn Kim Vân Kiều (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích. Ở đây, trong lời chú thích, ngoài lời giải nghĩa cho những điển xưa tích cũ thì lại luôn có những lời ghi chú nhắc đến nguyên văn Thanh Tâm Tài Nhân tập mà cốt truyện của nó chính là cốt truyện tác phẩm của Nguyễn Du. Ngoài ra, tác giả còn ghi thêm vào những bài thơ do chính nhân vật trong truyện sáng tác được trích từ Thanh Tâm Tài Nhân tập ra.
Năm 1961, trong cuốn sách Việt Nam văn học bình giảng, Phạm Văn Diêu đã dành hẳn một chương cho “Cuộc tranh luận về Truyện Kiều” trong phần viết về
“Nguyễn Du và Đoạn trường tân thanh”.
Năm 1965, cũng nhân dịp kỷ niệm Đệ nhị bách chu niên (1765 – 1965) của Nguyễn Du, Nhà xuất bản Nam Chi tùng thư đã cho ra mắt cuốn sách Nguyễn Du Chiêu hồn Thập Loại Chúng Sinh do Đàm Quang Thiện hiệu chú. Tác phẩm là sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du đối với tất cả số phận của những con người trong xã hội từ anh hùng tướng soái cho đến những kẻ tiểu nhi. Để rồi kết thúc tác phẩm là lời nhắn nhủ đối với những người cõi âm hãy hướng về đường thiện để mau chóng được siêu sinh tịnh độ.
Năm 1965 - 1966, Bộ giáo dục (Sài Gòn) xuất bản cuốn sách Thúy Kiều tường chú (Quyển thượng và quyển hạ) do Chiêm Vân Thị chú đính và Trúc Viên Lê Mạnh Liêu phiên dịch và phụ chú với chú giải rất tường tận kỹ càng đồng thời các tác giả đã đưa thêm một số đoạn trích dẫn Hán văn của Thanh Tâm Tài Nhân rất có ích cho mọi người muốn tìm hiểu và thưởng thức Truyện Kiều.
Năm 1965 Bách khoa thời đại đã dành riêng một số đặc biệt về Nguyễn Du với những bài viết cuộc đời của Nguyễn Du; những ảnh hưởng của Truyện Kiều trong truyền thống dân gian hay cả việc tìm hiểu về thân phận con người trong Truyện
Kiều,... với sự góp mặt của các tác giả như Vũ Hạnh, Lê Văn Hảo, Nguyễn Hiến Lê, Thuần Phong, Bùi Hữu Sủng,…
Cũng trong năm 1965 này, tạp chí Văn cũng dành hai số đặc biệt (số 43 & 44) cho ngày kỷ niệm Nguyễn Du với những bài viết tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du; nguồn gốc của Truyện Kiều; một số bài viết khác thì đi vào tìm hiểu những nhân vật như Thúc Sinh, mụ quản gia, Từ Hải,.. của các tác giả như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xung, Vũ Hạnh, Lê Ngọc Trụ, Bửu Cầm…
Năm 1966, trong cuốn Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều, Thích Thiên Ân đã trình bày quan điểm của mình về nội dung của Truyện Kiều. Theo tác giả của cuốn sách, Truyện Kiều của Nguyễn Du là sự thể hiện tinh thần tổng hợp sinh động của các tư tưởng Nho, Phật, Đạo nhưng nổi bật hơn hẳn vẫn là lòng từ bi của nhà Phật.
Và Thích Thiên Ân đã dựa trên cơ sở lý thuyết Khổ Đế của Phật giáo để đi lý giải nỗi khổ của Thúy Kiều.
Năm 1967, Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng đã dành một phần để viết về Nguyễn Du với tựa đề “Nguyễn Du như là một huyền thoại hay thơ văn chữ Hán của Nguyễn Du như là chứng nhân sự phản ánh cuộc đời kỳ quái của ông trong Đoạn trường tân thanh” đã đưa ra cụ thể mười hai nguyên nhân dẫn đến những sáng tác của Nguyễn Du: 1. Nguyễn Du, một hiện hữu quái gở; 2. Nguyễn Du, công tố viên kết án xã hội; 3. Nguyễn Du, thi sĩ của những niềm tin dị biệt; 4. Nguyễn Du, thi sĩ kiêu kỳ trong bi đát; 5. Nguyễn Du, thi sĩ của tiếng đàn tuyệt vời; 6. Nguyễn Du, thi sĩ của tình yêu tuyệt vọng; 7. Nguyễn Du, thi sĩ của nghèo khổ túng đói; 8. Nguyễn Du, thi sĩ của bệnh hoạn; 9. Nguyễn Du, thi sĩ dưới sức ám thị của tuổi già, tóc bạc;
10. Nguyễn Du, thi sĩ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa; 11. Nguyễn Du, thi sĩ của tan rữa, điêu tàn, hủy diệt; 12. Nguyễn Du, thi sĩ của hốt hoảng, xao xuyến, băn khoăn, tuyệt vọng. Và cuối cùng Thanh Lãng đã kết luận về tác giả của Đoạn trường tân thanh bằng một đoạn nhận xét: “Nguyễn Du được dựng lên bằng sự nhào nặn thuần nhất bởi chất liệu dị thường: già, tóc bạc, bệnh hoạn, điêu tàn, dang dở, hốt hoảng, xao xuyến, băn khoăn. Qua những mảnh vỡ ấy chất chứa trong Thơ chữ Hán của ông, ta xây dựng lại được một Nguyễn Du, mang một hình tượng kỳ quái, một hiện hữu gở lạ, một quái thai ghê sợ: nghĩa là nhìn vào Nguyễn Du ta thấy đó là môt cái gì dang dở, chưa xong
hay đúng hơn là cái gì chịu thua, bị tàn phá, bị tan rữa, rã rời, hủy diệt đi đã quá nửa.
Cái ta nhìn thấy chỉ là một phần nửa Nguyễn Du: tất cả sự quái gở, ghê sợ, rùng mình trong thân phận Nguyễn Du là cái tình trạng quái thai, chưa xong, thiếu tháng ấy” [36, 680].
Năm 1971, trong cuốn Thế giới thi ca của Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Thục đã lấy Phật giáo để giải thích, biện hộ cho Thúy Kiều, và lấy Thúy Kiều để biện hộ cho Phật giáo: “Vậy Kiều chỉ có thể giải thoát khỏi vòng nhân quả, thoát nghiệp má đào chừng nào không còn đem cuộc đời ảo hóa hữu hạn mà quên mất thiên tính vĩnh cửu vô hạn, chừng nào trải biết mùi đời, không còn lưu luyến, chừng nào trái oan đã gọt rửa đến phai lạt mà gạn đục khơi trong để trở về với thiên tính, thiên mệnh ngoài thời gian không gian và nhân quả, thuần túy thanh tĩnh quân bình”[65, 225].
Năm 1971, cuốn sách Đoạn trường tân thanh khảo lục do Vũ Văn Kính khảo lục và Bùi Hữu Sủng nhuận chính cũng đã được giới thiệu rộng rãi ở miền Nam. Trong cuốn sách này, các tác giả không chỉ dành một phần cho bản Kiều bằng chữ quốc ngữ và phần cuối cuốn sách là bản chữ Nôm để độc giả tiện so sánh đối chiếu.
Năm 1972, trong bài viết “Nghệ thuật như là một sự chiến thắng”, tác giả Đặng Tiến có điểm lược về những ý kiến khi tranh luận về Truyện Kiều. Theo quan điểm của tác giả bài viết thì cuộc tranh luận giữa Phạm Quỳnh - Ngô Đức Kế “chỉ thu gọn trong vấn đề luân lý chính trị”; Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Đăng Thục chỉ chú ý vào vấn đề tâm lý và triết lý; còn Nghiêm Toản và Bửu Cầm
“tìm tác phẩm chung quanh tác phẩm: sử tính và nguồn gốc Truyện Kiều; Nguyễn Bách Khoa thì cực đoan hơn với khuynh hướng duy vật và phân tâm học; còn giới văn nghệ Hà Nội theo hướng đường lối của chính phủ muốn, lợi dụng tất cả những giá trị cũ để xây đắp chủ nghĩa xã hội nên cố gắng ca ngợi Nguyễn Du một cách gượng gạo theo “nội dung nhân dân”. Tác giả cho rằng nội dung nhân dân ấy cũng như “nội dung độc dược” theo Ngô Đức Kế, “nội dung phật giáo” theo Trần Trọng Kim, “nội dung phong kiến” theo Nguyễn Bách Khoa, “nội dung hiện sinh” theo Lê Tuyên chưa phải là giá trị của tác phẩm.
Năm 1973, trong cuốn sách Tố Như thi: trích dịch do Quách Tấn dịch đã được xuất bản bởi An Tiêm (Sài Gòn). Ở đó, chúng ta thấy được ngoài những tác phẩm
bằng quốc âm như Đoạn trường tân thanh, Văn chiêu hồn, thì Nguyễn Du còn để lại ba tập thơ chữ Hán Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục.
Nếu như những bài thơ trong Thanh Hiên tiền hậu tập và Nam trung tạp ngâm là lời tâm sự về cảnh ngộ và những tâm sự của Nguyễn Du thì Bắc hành tạp lục lại là những bài thơ thể hiện rõ lý tưởng của tác giả, đồng thời là niềm xót thương cho số phận của những con người đói khổ trong xã hội mà Nguyễn Du đã từng được tận mắt trông thấy.
Năm 1973, trong cuốn Văn học phân tích toàn thư, Thạch Trung Giả đã nhận xét rằng Truyện Kiều chỉ là một mớ hỗn độn của những tư tưởng Phật giáo, Định mệnh và Nho giáo nhưng tư tưởng mạnh nhất vẫn là Định mệnh.
Tiểu kết
Như vậy, do hoàn cảnh đặc biệt của giai đoạn 1954 – 1975 đất nước bị chia cắt làm hai miền mà văn học ở miền Nam đã mang những phong cách đặc thù của văn học vùng miền. Với những công trình biên khảo văn học miền Nam của Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Văn Trung, Doãn Quốc Sỹ và nhiều tác giả khác đã mang đến sự đa dạng trong việc tiếp thu các thành tựu của lý luận văn học phương Tây. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu giai đoạn này ở miền Nam một mặt nhìn nhận lại những tác phẩm văn học cổ xưa dựa trên lý thuyết của Tây phương để tìm hiểu giá trị của tác phẩm thì mặt nào đó họ vẫn đi khai thác giá trị của tác phẩm trên bình diện của tư tưởng Đông phương với Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo qua tư tưởng định mệnh, nghiệp báo… Từ đó, chúng ta càng thấy được sự đa dạng trong đời sống lý luận phê bình của miền Nam khi tìm lại những giá trị truyền thống trong tác phẩm văn học dân tộc mà không bị văn hóa ngoại lai tác động quá nhiều.