Chương 2 TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TỪ BÌNH DIỆN TƯ TƯỞNG VÀ TU TỪ (THEO KHUYNH HƯỚNG PHÊ BÌNH CỔ ĐIỂN)
2.1 Phê bình Truyện Kiều từ bình diện tư tưởng
2.1.1 Từ bình diện tư tưởng Nho giáo
2.1.1.2 Chữ Hiếu trong Truyện Kiều
Xã hội ta xưa kia phần lớn chịu ảnh hưởng của đạo Nho cho nên mỗi con người sống trong xã hội ấy đều phải thấu hiểu rõ ràng thế nào là tam cương, ngũ thường. Với tam cương đó là những mối quan hệ ràng buộc giữa quân thần, phụ tử, phu phụ. Còn ngũ thường đó là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ở một con người. Riêng đối với những người phụ nữ được xem là một kiểu mẫu của đức hạnh thì họ luôn chú trọng đến những điều gọi là công, dung, ngôn, hạnh và luôn hướng theo chữ tòng nghĩa là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”.
Theo Tân Việt Điểu trong bài viết “Khảo cứu về văn chương triết lý và khoa học trong Truyện Kiều” thì nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du đã có đủ những đặc điểm tính cách kiểu mẫu của người phụ nữ xưa. Nàng được sinh ra trong một gia đình theo nề nếp của Nho gia, được tiếp thu những kỷ luật của đạo Khổng Mạnh cho nên nàng luôn ý thức được bổn phận của mình và nàng luôn đề cao chữ Hiếu:
- Vẻ chi một mảnh hồng nhan, Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
- Thà rằng liều một thân con, Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Trước cơn hoạn nạn của gia đình, Thúy Kiều đã cương quyết bán mình chuộc cha và hi sinh mối tình đẹp đẽ với chàng Kim. Hành động ấy càng khiến cho người đọc yêu thích hơn đối với Thúy Kiều, một cô gái đã hành động đúng theo lề lối của Nho gia, đặt “Hiếu” đạo làm đầu. Và trong suốt những năm lưu lạc, hết rơi vào tay
người này nàng lại phải rơi vào tay kẻ khác chịu những khổ đau oan trái, thế nhưng trong lòng Kiều mãi luôn ấp ôm những nỗi nhớ nhung về cha mẹ và hai em của mình:
Lúc nàng ở lầu Ngưng Bích:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, Nửa tình, nửa cảnh, như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, Tin sương luống hãy rày trông mai chờ.
Bên trời gốc bể bơ vơ, Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa của hôm mai, Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Khi ở thanh lâu:
Ôm lòng đòi đoạn xa gần, Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Khi nàng lấy Thúc Sinh, trong khi chàng Thúc về quê thăm gia đình. Một mình Kiều lại nhớ về gia đình:
Nàng từ chiếc bóng song the, Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
Bóng dâu đã xế ngang đầu, Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.
Cho đến khi nàng lấy Từ Hải và khi họ Từ dấy loạn ở Hàng Châu:
Nàng thì chiếc bóng song mai, Đêm thâu đằng đẵng, nhặt cài then mây.
Sân rêu chẳng vẽ dấu giày, Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân.
Đoái thương muôn dặm tử phần, Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
[100, 855 – 856].
Còn Nguyễn Khoa, tác giả của cuốn sách Khảo luận đoạn trường tân thanh thì cho rằng, chịu ảnh hưởng của Khổng giáo không chỉ là sự chi phối của “Thiên mệnh”
mà con người còn chịu nhiều sự ràng buộc của luân lý gia tộc, lấy danh dự, nề nếp của gia tộc để làm thước đo chuẩn mực trong gia đình. Thúy Kiều là một cô tiểu thư cho nên những điều như tam tòng tứ đức đã được gia đình dạy dỗ rất nghiêm khắc và luôn ý thức được những điều mình làm. Do đó, khi tiếng gọi của tình yêu cất lên trong lòng và dẫn dắt những bước chân Kiều một mình trong đêm khuya: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để qua tự tình với Kim Trọng, trong đêm trăng tĩnh mịch chỉ có đôi trai gái yêu nhau và vẻ đẹp của nàng khiến cho Kim Trọng đã có phút giây quá đà nhưng chính lý trí của Kiều đã ý thức được, không để cho sự ham muốn nhục dục điều khiển con người mình, mà nàng còn nêu lên cái đạo vợ chồng, cái quan niệm về trinh tiết, tòng phu khiến cho Kim Trọng ý thức được những hành động của mình và càng yêu thêm nét đẹp trong nhân cách của Thúy Kiều:
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng, chi dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bậc bố kinh, Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu.
Gia tộc chủ nghĩa luôn được lấy làm chuẩn mực căn bản để hướng con người ta không đi vào con đường sai trái mà luôn biết nghĩ đến gia đình cùng những người thân của mình. Luân lý luôn dạy con người khi chấp kinh, lúc tùng quyền, còn ở đạo vợ chồng thì luôn dạy con người những điều tiết nghĩa, đạo cha con thì hiếu thảo làm đầu.
Chính vì vậy mỗi cá nhân khi đứng trước sự lựa chọn thì điều đầu tiên luôn nghĩ tới đó là gia tộc, hy sinh vì gia tộc của mình. Và Kiều cũng vậy, đứng trước hai con đường lựa chọn vô cùng khó khăn, một bên là gia đình thân yêu, một bên là chữ tình vừa chớm nở còn đang trong những giây phút ngọt ngào đẹp đẽ và những hẹn ước mai sau.
Thế nhưng, cái do dự, cái lưỡng lự ở Thúy Kiều chỉ thoáng qua trong phút chốc và rồi nàng từ bỏ mối tơ hẹn ước cùng chàng Kim để giữ trọn đạo “Hiếu” với gia đình:
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền, Trong khi ngộ biến tùng quyền, biết sao?
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn.
Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.
Khi yêu, Kiều đã yêu hết lòng, cất bước đi theo tiếng gọi của tình yêu một mình dám qua nhà người yêu vào đêm hôm khuya khoắt để cho bao nhà phê bình trước kia cho rằng Kiều không đoan chính. Thế nhưng, khi gia đình gặp cơn tai biến, nàng sẵn sàng hy sinh chữ tình để trọn vẹn đạo làm con với chữ hiếu, thậm chí Kiều còn hy sinh cả thân thể của mình. Hành động này của Kiều đã nhận được những lời tấm tắc ngợi khen của những nhà Nho đề cao “gia tộc chủ nghĩa và bảo vệ luân lý phụ quyền”.
Không chỉ nói tới luân lý của đạo làm con, mà Nguyễn Du còn nói đến tình phụ tử trong tâm trạng xót xa của người cha khi thấy cô con gái tài sắc của mình hy sinh hạnh phúc để cứu gia đình khỏi cơn gia biến:
Thương tình con trẻ, cha già, Nhìn nàng, ông những máu sa, ruột dầu:
… Cỗi xuân tuổi hạc càng cao, Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
Thế rồi, cuộc đời Kiều đã bước sang một trang mới đó là cuộc lưu lạc đoạn trường suốt mười lăm năm với bao “sóng dập gió dồn” và không lúc nào nàng nguôi nỗi niềm thương nhớ về quê hương, về cha mẹ:
Xót người tựa cửa hôm mai, Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa, Có khi gốc tử đã vừa người ôm?
… Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn, nước thẳm non xa, Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây, Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình?
… Xót thay huyên cỗi, xuân già,
Tấm lòng thương nhớ, biết là có nguôi?
Chốc đà mười mấy năm trời, Còn ra khi đã da mồi, tóc sương.
Chính vì Kiều đã thể hiện bổn phận làm con biết thương yêu và làm tròn chữ hiếu với mẹ cha, cho nên Nguyễn Du cũng phải để cho nhân vật của ông là chàng Kim phải công nhận rằng: Nàng Kiều tuy mười lăm năm phong trần ấy với biết bao truân chuyên, lận đận, phải “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” như nàng vẫn không hề “bẩn thỉu hay xấu xa” mà trái lại nàng càng đáng quý, đáng yêu biết bao vì nàng đã bán mình cứu cha, lấy hiếu làm trinh:
Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường:
Có khi biến, có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
Từ đó mà Nguyễn Khoa đã nhận xét rằng: “Mọi hành động của nàng đều bị trái tim điều khiển, lý trí ít khi dự phần vào như lúc nàng vượt lề thói phong kiến, xem thường phụ quyền, đính ước và tình tự với chàng Kim. Cá tính của nàng Kiều là đa sầu đến ủy mị bạc nhược, đa cảm đa tình đến lãng mạn liều lĩnh. Con người đã thế nhưng khi phải làm tròn bổn phận làm con dù có phải hy sinh thân thể tình duyên, Kiều lại tỏ vẻ cương quyết ít ai bằng. Cái tâm lý phức tạp, bản tính và bản năng trái ngược nhau như thế ở đời ta vẫn thấy” [30, 233].
Trong quan niệm của Khổng giáo chủ yếu dạy cho người ta hướng tới đạo nhân, giúp cho con người luôn có những tình cảm “rất hậu và thành thực”. Và điều nhân ấy bắt nguồn ngay từ bên trong gia đình với cha mẹ và anh chị em là những người thân thiết nhất của ta, lẽ tất yếu là ta sẽ phải kính yêu họ trước rồi đối với người ngoài mới có thể có lòng từ ái và trung thứ được. “Cái gốc của đạo nhân là ái và kính. Lấy ái và kính làm cái nền hiếu đễ, thì sự giáo hóa có công hiệu rất hay” [31, 104]. Do đó, trong sự giáo hóa, Khổng giáo luôn lấy hiếu đễ làm điều quan trọng. Xuất phát từ quan niệm ấy, Nguyễn Du đã để nàng Kiều của mình trở thành một người con có hiếu nghĩa với
cha mẹ. Sở dĩ nàng phải chịu đọa đày gian truân suốt mười lăm năm lưu lạc cũng vì nàng đã hy sinh cho cha mẹ, cho gia đình của mình được yên ấm, nàng đã làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo trong quan niệm của người Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung đó là phải đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhất là những lúc mẹ cha ốm đau, già yếu, hay gặp những điều tai biến bất ngờ. Chính vì vậy, khi nhận bàn về chữ “Hiếu” của Thúy Kiều trong Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều Thích Thiên Ân có viết: “Tuy là một người con gái thơ ngây, nhưng nàng Kiều đã cảm nhận được công ơn trời bể của cha mẹ và đã không nỡ yên tâm nhìn cảnh tai biến đổ vỡ của gia đình, nên nàng đã tự than thở:
Hổ sinh ra phận thơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?
Cũng bởi tình thương yêu và hiếu nghĩa ấy với cha mẹ nên nàng Kiều đã khổ sở bao nhiêu khi đắn đo, suy nghĩ và chọn lựa giữa “Hiếu” và “Tình” làm sao cho “hai bề vẹn hai”. Nhưng cuối cùng, Thúy Kiều cũng có sự lựa chọn cho riêng mình, đúng với đạo hiếu của Nho gia đó chính là việc nàng lỗi hẹn với chữ “Tình” để trọn bề chữ
“Hiếu” với mẹ cha, hy sinh thân mình để cứu gia đình thoát khỏi cơn gia biến:
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền
Trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao?
Duyên hội ngộ, đức cù lao, Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.
Từ những suy nghĩ đã dẫn đến hành động và từ hành động sẽ đưa đến những kết quả. Và cũng từ đây, hy sinh tình yêu đẹp với bao hẹn thề, hy sinh hạnh phúc cá nhân để ra đi với nghĩa vụ của một người con hiếu thảo, vì phụ thân, vì gia biến Thúy Kiều đã bắt đầu phải gánh chịu biết bao tai ương, đắng cay oan trái đọa đày của kiếp phong trần:
Từ đây góc bể bên trời,
Nắng mưa thui thủi, quê người một thân!
Hay:
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Nào là:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Nào là:
Lâm chuy chút nghĩa đèo bồng, Nước non để chữ tương phùng kiếp sau,
Bốn phương mây trắng một màu, Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?