Chương 2 TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TỪ BÌNH DIỆN TƯ TƯỞNG VÀ TU TỪ (THEO KHUYNH HƯỚNG PHÊ BÌNH CỔ ĐIỂN)
2.2 Phê bình tu từ học
Phê bình tu từ học cực kì chú trọng đến vấn đề đối tượng của phê bình văn học – văn bản – hình thức giao tiếp đặc biệt giữa tác giả và bạn đọc. Hướng đến việc phân tích những văn bản cụ thể, phê bình tu từ học đã góp phần khẳng định giá trị của thức ngôn ngữ nghệ thuật một cách chân xác và trọn vẹn nhất. Phê bình tu từ học ngoài việc quan tâm đến các vấn đề về ngôn ngữ, hình tượng, tổ chức văn bản còn chú ý đến việc phân tích, giải thích, đánh giá và so sánh các tác phẩm ấy với các tác phẩm khác trong cùng một thời đại để khẳng định các giá trị văn học, mỹ học, triết học,... của chúng. Các nhà phê bình tu từ học thường thống nhất với quan niệm dùng ngôn ngữ để nói chuyện về ngôn ngữ trong hành trình tìm kiếm những giá trị văn chương đích thực.
Cũng giống như các nhà nho cổ điển khi nghiên cứu về Truyện Kiều vẫn thường hay chú ý đến những nhãn tự trong tác phẩm để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Với nhiều số báo liên tục cùng bài viết “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều” của Vân Hạc Lê Văn Hòe đã giúp cho người đọc có thể hiểu sâu thêm về từ ngữ và ý nghĩa những câu thơ của Nguyễn Du. Trong bài nghiên cứu đầu tiên của mình “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều - Chữ “Vời”, trên tạp chí Đời Mới số 21 (1952), tác giả đã đi tìm hiểu về nghĩa của chữ “vời” bởi ông thấy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã 8 lần dùng đến chữ “vời” với những câu thơ như:
- Vân xem trang trọng khác vời.
- Phong tư tài mạo chót vời.
- Trông vời gạt lệ chia tay.
- Trông vời trời bể mênh mang.
- Cánh hồng bay bổng tuyệt vời.
- Những khi lỡ bước xảy vời.
- Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
- Trông vời con nước mênh mông.
Theo tác giả của bài viết, chữ “Vời” trong những câu Kiều ở đây nhất định không bao giờ có nghĩa là ngoài khơi, ngoài biển cả hay người trên gọi người dưới mà chữ
“Vời” là cách đọc trạnh ra của chữ “Vì”. Mà chữ “Vì” là tiếng Nôm dịch nghĩa chữ
“Vị” của Tàu có nghĩa là chỗ ngồi, chỗ ở, chỗ để của người, loài vật và đồ vật. Để rồi từ đó tác giả đã đưa ra những lý giải cụ thể cho từng trường hợp như trong câu thơ
“Vân xem trang trọng khác vời” có nghĩa là nàng Vân xem rất trang trọng, khác người thường ở vào địa vị của nàng. Hay như trong câu thơ “Phong tư tài mạo tót vời” thì nó có nghĩa là phong tư tài mạo hết chỗ nói, đến cực điểm cực vị, cực độ không ai hơn được.
Tuy nhiên, cho đến số 25 của tạp chí Đời Mới (1952) thì ông Trần Thanh Hải, tác giả bài viết “Vạch rõ nghĩa chữ “Vời” (tiếp theo bài của ông Vân Hạc Lê Văn Hòe) đã đưa ra những kiến giải riêng của mình. Trong bài viết của mình, ông Trần Thanh Hải có nhận định, không phải chữ “Vời” chỉ ở Truyện Kiều mới có mà nó còn được sử dụng nhiều ở miền Trung. Cũng theo ông, nếu xét cách dùng chữ “Vời” ở miền Trung thì nó có rất nhiều nghĩa và có thể là danh từ, động từ, trạng từ hoặc đôi khi còn là tính từ nữa. Và ở đây tác giả cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể để chứng minh những ý nghĩa này. Ví dụ như nếu là danh từ, “Vời” có nghĩa là dòng nước xa bờ hoặc chỗ xa khơi; khi là động từ “Vời” được dùng để gọi người ngang hàng hay thấp kém hơn mình; khi là trạng từ, “xa vời” có nghĩa là xa khơi, “trông vời” có nghĩa là trông tới ra khơi. Đôi khi, “Vời” còn được dùng làm tính từ. Và khi vận dụng những nghĩa ấy để lý giải chữ nghĩa Truyện Kiều ở những câu mà ông Lê Văn Hòe làm sẽ có sự khác biệt.
Tác giả bài viết đã dẫn ra ví dụ cụ thể như trong câu “Phong tư tài mạo chót vời” thì
“chót vời” sẽ là tính từ phụ nghĩa cho “phong tư tài mạo” hay trong những câu “Trông vời trời bể mênh mang”, “Trông vời con nước mênh mông”, “Trông vời gạt lệ chia tay” thì “vời” sẽ trở thành trạng ngữ phụ nghĩa cho động từ “trông”.
Chưa dừng lại ở đó, trong bài viết “Bàn lại về chữ “Vời” trong số 31 của tạp chí Đời Mới Lê Văn Hòe đã đáp lại bài của ông Trần Thanh Hải với việc nhìn nhận lại nghĩa của chữ “Vời” trong Truyện Kiều. Trên quan điểm của mình, ông Lê Văn Hòe không đồng tình với cách lý giải của ông Trần Thanh Hải và cho rằng chữ “Vời” trong các câu thơ như “Vân xem trang trọng khác vời”, “Phong tư tài mạo chót vời” là danh từ chứ không phải là tính từ giống như trong cách giải thích của ông Hải. Cũng trong
bài viết này của mình, Vân Hạc Lê Văn Hòe đã đưa ra những lý lẽ cụ thể để giữ vững ý kiến quan điểm của mình, bác bỏ hoàn toàn hướng hiểu của ông Trần Thanh Hải.
Với mong muốn giúp cho sinh viên có thể hiểu được Truyện Kiều, Vân Hạc Lê Văn Hòe vẫn cứ miệt mài với những bài viết của mình với mỗi chữ cho mỗi tuần để hiểu Truyện Kiều. Bước sang số 22 của tạp chí Đời Mới, tác giả đi tìm hiểu nghĩa của chữ “Hồng”. Trong bài viết này, tác giả đã tỉ mỉ điểm qua được số lần xuất hiện của chữ “Hồng” ở Truyện Kiều là hơn 40 lần trong hơn bốn mươi câu thơ. Theo Lê Vân Hòe, mỗi chữ “Hồng” là một nghĩa khác nhau như: Màu sắc, lớn, chim, hoa. Thế nhưng, trong bốn nghĩa chính đó thì “Hồng” được sử dụng nhiều nhất đó là nghĩa về màu sắc với những: hồng quần, chỉ hồng, lầu hồng, bụi hồng, hồng điệp, thiếp hồng, còn nghĩa lớn và hoa chỉ được dùng một lần. Tiếp sau đó, ở số 23 của tạp chí này, tác giả tìm hiểu về nghĩa của chữ “Mưa”. Trong Truyện Kiều, “Mưa” được dùng nhiều lần, có chỗ dùng nghĩa đen còn có chỗ lại dùng theo nghĩa bóng. Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể như khi dùng với nghĩa đen thì “Mưa” đó là chỉ trời mưa như trong câu “Một sân đất cỏ dầm mưa”, “Cũng liền một giọt mưa rào”, nhưng cũng có chỗ lại dùng theo nghĩa bóng như trong câu “Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa”, “Vật mình vầy gió tuôn mưa”, “Mưa” ở đây để chỉ nước mắt. Ngoài ra, “Mưa” còn chỉ những tháng ngày thay đổi, những nỗi đau khổ phải chịu đựng, sự giận dữ hay để chỉ sự trai gái.
Hay khi tìm hiểu về chữ “Vàng” trong bài “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều: chữ Vàng”, Đời Mới số 24, Lê Văn Hòe cho biết trong Truyện Kiều, chữ “Vàng”
được dùng đến năm sáu chục lần. Ở đây, “Vàng” cũng có rất nhiều nghĩa khác nhau, có chỗ dùng theo nghĩa đen, có chỗ lại dùng theo nghĩa bóng và nghĩa rộng. Và ông đã đưa ra rất nhiều nghĩa của chữ “Vàng” như: “vàng” là sắc vàng, “vàng” là vàng bạc,
“vàng” là loài kim, “vàng” là khí giới, “vàng” là lòng bền vững, “vàng” là quí, đẹp,
“vàng” là âm nhạc, là êm đềm dịu dàng, “vàng” là lời hò hẹn thề nguyền kiên quyết.
Ngoài ra, còn một số bài của ông cũng bàn về chữ nghĩa Truyện Kiều như chữ
“Tờ”, trong Truyện Kiều đã có nhiều câu sử dụng chữ “Tờ”. Và theo ông Lê Văn Hòe, tờ có nghĩa là tờ giấy “Kiều nhi phận mỏng như tờ”, ở đây ý nói Thúy Kiều phận mỏng như tờ giấy mà trong chữ Hán, phận mỏng đó chính là bạc mệnh. Đây chính là
nói đến số phận của Thúy Kiều. Thế nhưng, tờ còn có nghĩa khác đó là thư từ “Chiếc vành với bức tờ bồi ở đây” đó là tờ giấy đã được viết chữ ý chỉ thư từ. “Tờ” còn có nghĩa là đền miếu là đọc trạnh ra của chữ “từ” trong câu “Buồng không lạnh ngắt như tờ”. Cùng một chữ “Cầm” thế nhưng, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều và mỗi lần sử dụng như vậy “Cầm” lại mang một ý nghĩa khác mà ông Lê Văn Hòe đã liệt kê được khá nhiều nghĩa. “Cầm” có thể là cây đờn, là nhạc cụ:
- Buông cầm xốc áo vội ra.
- Rằng nghe nổi tiếng cầm đài.
- Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.
- Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.
Hay cũng có lúc “Cầm” lại chỉ là hành động lấy tay giữ đồ vật, ngăn giữ:
- Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm.
- Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh.
- Nàng còn cầm lại một hai tự tình.
- Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang.
Hoặc “Cầm” còn có nghĩa là coi như, là cầm bằng, cầm còn còn có nghĩa là chắc:
- Cầm như chẳng đổ những ngày còn xanh.
- Kiếp này ai lại còn cầm gặp nhau.
Bàn đến chữ “Bạc” trong Truyện Kiều, tác giả của bài viết “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều” cũng đưa ra nhiều lý giải. Theo ông, “Bạc” có nghĩa là vàng bạc
“Chuông vàng khánh bạc bên mình đổ ra”. “Bạc” còn có nghĩa là sắc trắng trong các loại kim khí. Gắn liền với số phận của Kiều, “Bạc” còn có nghĩa là mỏng:
- Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân - Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
- Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay.
- Phận sao phận bạc như vôi
Và ông tổng quát lại rằng, bao nhiêu chữ Bạc mà đi cùng với chữ Mệnh, Phận thì đều có nghĩa là mỏng và nó đều mang ý nghĩa số phận không ra gì, xấu số, khổ sở.
Bên cạnh đó, “Bạc” còn có nghĩa là xấu, là tồi, là bất nhân, bội bạc như trong câu
“Mấy người bạc ác tinh ma”.
Nhắc đến xuân người ta hay nghĩ đến mùa xuân. Thế nhưng, “Xuân” ở trong Truyện Kiều không chỉ là mùa xuân mà mang nhiều ý nghĩa khác. Cũng theo Lê Văn Hòe, để có thể hiểu được ý nghĩa của chữ “Xuân” trong tác phẩm này cần phải căn cứ vào toàn đoạn văn mà giải nghĩa từng câu từng chữ như thế mới tránh khỏi điều lầm lẫn được. Và ở đây, Lê Văn Hòe đã giải thích chữ “Xuân” với nhiều nghĩa khác nhau như: “Xuân” có nghĩa là cha bởi trong Truyện Kiều có câu:
- Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.
- Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng.
- Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
- Xót thay xuân cỗi, huyên già.
Và nghĩa sau đó của “Xuân” mới là chỉ mùa xuân:
- Làn thu thủy, nét xuân sơn.
- Ngày xuân con én đưa thoi.
- Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
- Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Màu xuân thường gắn liền với tuổi trẻ cho nên “Xuân” còn có nghĩa là tuổi trẻ, là đương xuân thì:
- Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
- Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
- Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
- Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi.
Và cũng từ đó, xuân gắn liền với năm, với tuổi:
- Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần.
Với tình yêu trai gái:
- Đêm xuân một giấc mơ màng.
- Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
- Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân.
- Những mình nào biết có xuân là gì.
Cuối cùng đó là chữ “Bài”, trong bài viết “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều, Vân Hạc Lê Văn Hòe đã đưa ra năm nghĩa của chữ “Bài”. Đầu tiên, theo ông
“Bài” có nghĩa là bài thơ, bài đàn:
- Gốc cây lại vịnh một bài cổ thi.
- Này mười bài mới mới ra.
- Kiều vâng lĩnh ý đề bài.
- Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia.
Ở đây, bài không chỉ là một đoạn văn, khúc nhạc có đầu có cuối mà còn có nghĩa là đầu bài.
Hay “Bài” còn có nghĩa là biển, bài vị:
- Rành rành “chiêu ẩn am” ba chữ bài.
- Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.
“Bài” còn là cách, việc, biện pháp:
- Cho đành rồi sẽ biện bài mối manh.
- Tính bài lót đó luồn đây.
- Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh.
- Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho Và cuối cùng, “Bài” còn có nghĩa đó là thẻ bài:
- Hỏa bài tiền lộ ruổi mau.
Với những bài viết về chữ nghĩa Truyện Kiều, Vân Hạc Lê Văn Hòe đã cung cấp cho người đọc, người nghiên cứu được một phần nào đó tư liệu để có thể dễ dàng tiếp cận được với nội dung tác phẩm và bổ sung thêm vào nguồn vốn chữ nghĩa về Truyện Kiều cho mình.
Năm 1965, trong bài viết “Tiếng “Đâu” trong Truyện Kiều” của Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình cũng đã đi tìm hiểu từ ngữ trong Truyện Kiều. Theo hai tác giả của bài viết, tiếng “Đâu” được sử dụng khoảng chín chục lần và có nhiều ý nghĩa khác nhau. “Đâu” có thể diễn tả ý bất định, với trường hợp này chỉ gặp độ mươi lần trong Truyện Kiều với những câu như “Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào”, “Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh” để chỉ một nơi nào đó. Bên cạnh đó, “Đâu” còn được dùng trong một câu hỏi, có nghĩa: ở chỗ nào? Cụ thể như trong câu “Này trong khuê các đâu mà
đến đây?”. Hay “Đâu” còn được dùng trong một câu vừa có ý hỏi vừa có ý phủ định mà ý phủ định lấn ý hỏi, trường hợp này được dùng nhiều nhất, trên bốn mươi lần.
“Đâu” đi với một trạng từ, thường là đứng sau nó, đôi khi cũng đứng trước. Bên cạnh đó, “Đâu” còn được dùng với một ý hỏi rất nhẹ, nhất là với một ý gần như hoang mang, ngạc nhiên, cảm thán. Trường hợp này thường gặp trong Truyện Kiều, trên ba chục lần. Ở đây, tiếng “Đâu” không đi với trạng từ mà đi với thể từ, khác so với trường hợp ba, cụ thể như: “Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ”, “Gió đâu sịch bức mành mành”, “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài”, “Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay”,...
Với những câu như thế, không hề mang ý nghĩa phủ định mà có chăng đó chỉ là một chút hàm ý hỏi nhưng đó là hỏi trong sự ngạc nhiên, sự hoang mang. Kết thúc bài viết của mình, tác giả đã nhận định rằng mỗi tiếng nhất là những hư tư, thán từ đều mang một tính cách nhất định thế nhưng ý nghĩa của nó cơ hồ không nhất định. Nhưng chính nhờ những điều ấy mà làm cho vỗn Việt ngữ của chúng ta thêm phong phú hơn.
Tiểu kết
Như vậy, giai đoạn 1954 – 1975, ở miền Nam dù đời sống xã hội có những biến động nhất định. Thế nhưng trong lĩnh vực văn học nhất là trong hoạt động lý luận phê bình vẫn diễn ra sôi nổi với những đóng góp to lớn cho nền văn học dân tộc của các nhà nghiên cứu, phê bình với những bài viết, những tác phẩm nghiên cứu của mình.
Từ đó, mà những tác phẩm văn học của dân tộc mới có dịp được đưa ra nhìn nhận và đánh giá. Mỗi một nhà phê bình, trên quan điểm tư tưởng của mình sẽ mang lại cho tác phẩm một sắc màu mới, một ý nghĩa mới, mang lại cho tác phẩm một đời sống mới.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng rõ ràng và cụ thể cho những điều ấy.
Bên cạnh những khuynh hướng tiếp nhận từ lý thuyết của phương Tây thì đâu đó vẫn còn những hướng tiếp nhận từ tư tưởng của phương Đông. Trong đó, có người thì dựa trên tư tưởng của Nho gia để đưa Truyện Kiều vào khuôn khổ của những thuyết “Thiên mệnh”, đạo đức của con người với những “trung, hiếu, trí, tín”. Hay cũng có người lại dựa trên lý thuyết “Khổ Đế”, “Nghiệp báo” của Đạo Phật để đi lý giải nỗi khổ của nàng Kiều. Còn có người lại đi đến cái tư tưởng nhàn tản, yếm thế của Đạo giáo để giải thích Truyện Kiều. Chính nhờ những quan điểm như vậy đã mang lại sức sống và sự trường tồn cho một tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, bằng việc khám phá thêm
những ý nghĩa của những từ ngữ trong Truyện Kiều cũng sẽ mang lại những cách hiểu sâu sắc hơn, từ đó sẽ khám phá được nhiều tầng ý nghĩa sâu xa của kiệt tác này. Bởi giống như Đặng Tiến đã từng nói rằng, khám phá một tác phẩm văn học cũng giống như tìm hiểu một người phụ nữ. Bởi mỗi lần khám phá chúng ta lại mang đến cho người đàn bà ấy một trinh tiết mới, một sức sống mới vậy.
Chương 3 TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU THEO PHÊ BÌNH GIÁO KHOA VÀ CÁC TRƯỜNG PHÁI HIỆN ĐẠI KHÁC