Những vấn đề của lý luận tiếp nhận văn học ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tác phẩm nguyễn du ở miền nam 1954 1975 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 31 - 34)

Chương 1 TIẾP NHẬN VĂN HỌC VÀ NGUYỄN DU Ở MIỀN NAM

1.2 Những vấn đề của lý luận tiếp nhận văn học ở Việt Nam

Những năm trở lại đây, lý luận phê bình văn học dường như mới thực sự chú ý đi sâu vào việc nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận văn học. Mở đầu cho quá trình tìm hiểu về lí luận tiếp nhận văn học, vào năm 1971, dựa trên những quan điểm thực tiễn trong nhận thức luận của Lê - nin, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh đã đặt ra yêu cầu đối với các nhà nghiên cứu cần phải hướng sự chú ý của mình đến phản ứng của người đọc. Và ông đã mạnh dạn đưa ra một quan niệm thực sự mới mẻ so với lí luận văn học thời bấy giờ đó là mối quan hệ giữa giá trị của tác phẩm văn học với phạm vi “thưởng thức” tác phẩm của độc giả. Ông viết: “Giá trị của một tác phẩm thật ra không phải chỉ đóng khung lại trong phạm vi sáng tác, mà còn lan rộng đến phạm vi “thưởng thức” và đứng trên quan điểm cải tạo, quan điểm thực tiễn cách mạng mà xét, chính ở khâu

“thưởng thức” tác phẩm mới có ý nghĩa xã hội thực tế của nó” [22, 96]. Ông còn cho rằng: “Trong khâu sáng tác, giá trị là cố định và ở trong thế khả năng; ở trong khâu

“thưởng thức”, trong quan hệ với quần chúng, giá trị mới là hiện thực và biến đổi.

Quan điểm nghiên cứu, đánh giá tác phẩm này sẽ lưu ý nhà văn đến độc giả (…) buộc người nghiên cứu trong khi đánh giá tác phẩm không thể chỉ dừng lại ở việc đối chiếu cái được phản ánh và cái phản ánh, ở sự phân tích “cấu trúc bên trong” của tác phẩm, mà phải chú ý tác dụng thực tế của tác phẩm, phản ứng của người đọc đối với nó, cơ sở xã hội – lịch sử và tâm lý của sự tiếp thu” [22, 96].

Như đã nói ở phần trên, mãi cho đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX thì lý thuyết tiếp nhận mới được thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng ở Việt Nam vẫn còn lặn lội mò mẫm ở những cái truyền thống, dường như người ta không tự tin hay

không dám vươn mình về phía trước để khám phá những điều mới. Và chính vì vậy mà ý kiến gợi mở của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh được xem như một vấn đề còn để ngỏ. Cho đến năm 1980, giáo sư Hoàng Trinh trong bài viết của mình có đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học. Tuy nó chỉ được đề cập đến với tư cách là đối tượng của văn học so sánh, nhưng qua đó chúng ta vẫn thấy được điều mà giáo sư Hoàng Trinh muốn nhấn mạnh đó chính là vai trò chủ động sáng tạo của người tiếp nhận. Đây có thể coi là bước ngoặt thứ hai, lần kéo bức màn thứ hai để đưa lí luận phê bình của chúng ta bước sang một con đường mới với những hướng nhìn mới. Cho đến năm 1985, lần đầu tiên “mỹ học tiếp nhận” của trường phái Konstanz (Đức) với người đứng đầu là Hans Robert Jauss mới được giới thiệu một cách kỹ lưỡng ở Việt Nam trên tạp chí “Thông tin KHXH”, (số 11, 1985). Năm 1986, giáo sư Hoàng Trinh trong bài viết

“Giao tiếp trong văn học” đã phân tích một cách chi tiết về phạm trù công chúng, đây là một phạm trù cơ bản của lý thuyết tiếp nhận mà Jauss chưa có sự chú ý sâu. Bắt đầu từ đó, lý thuyết tiếp nhận đã tìm được vị trí cho mình trong nghiên cứu lý luận phê bình ở Việt Nam. Tiếp sau đó đã có rất nhiều bài viết hướng về vấn đề này như Nguyễn Lai với “Phẩm chất năng động chủ quan của chủ thể tiếp nhận; Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh đến “quá trình biến đổi chủ thể tiếp nhận thành chủ thể văn học”;

Trần Đình Sử khi trình bày “Mấy vấn đề của lý luận tiếp nhận văn học” đã chú ý nhấn mạnh “phản tiếp nhận” như là một loại hình của tiếp nhận.

Bước qua giai đoạn 1954 – 1975 là một giai đoạn đặc biệt đối với đất nước ta bởi sự chia cắt lãnh thổ làm hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Chính điều này đã tạo nên sự khác nhau trong tiến trình vận động và phát triển của văn học. Nếu như ở miền Bắc, sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì ở miền Nam văn học phát triển vô cùng phong phú theo nhiều khuynh hướng khác nhau dưới những ảnh hưởng của làn sóng văn hóa phương Tây một cách ồ ạt và phức tạp.

Trong khi nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam được đón nhận từ nhiều luồng tư tưởng phương Tây hiện đại mà trong đó có cả mỹ học tiếp nhận và bắt đầu hướng đến việc đề cao vai trò của người đọc, thì ở miền Bắc trong giai đoạn này vấn đề tiếp nhận của người đọc vẫn chưa được nói đến. Các nhà lý luận phê bình văn học

miền Bắc vẫn chú trọng việc tiếp cận tác phẩm văn học theo quan niệm của tư duy lý luận truyền thống, họ chỉ nhìn nhận tác phẩm trong mối quan hệ với hiện thực và tác giả chứ chưa thấy được vai trò nổi bật của người đọc trong tiếp nhận tác phẩm văn học. Lý luận phê bình văn học miền Bắc chưa thấy được tính chất mở của một tác phẩm văn học. Luôn gò bó, áp đặt theo lối phê bình quyền uy dẫn đến việc làm đơn giản hóa ý nghĩa của tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, từ năm 1954, ở miền Bắc có một khuynh hướng phê bình đã được vận dụng một cách máy móc và khô cứng trong một thời gian dài và được coi như là một phương pháp chính thống đó là phê bình xã hội học Mác xít. Có thể thấy được, phương pháp phê bình này mặt nào đó đã mang lại những cơ sở khoa học, khách quan cho quá trình nghiên cứu văn chương cũng như quy luật vận động của văn học sử. Thế nhưng, nếu như chúng ta đưa nó lên vị trí tuyệt đối và cứ mải đi sâu vào việc tìm hiểu xã hội của tác phẩm và “bê” nó ra hẳn cái xã hội ngoài thực tế thì việc nghiên cứu những tác phẩm văn học không còn là đi vào ý nghĩa của tác phẩm nữa mà chúng ta chỉ chú trọng vào việc nghiên cứu tác phẩm để tìm hiểu xã hội mà thôi. Như vậy đó chính là biểu hiện của việc tuyệt đối hóa giai cấp và quy thành phần của nhà văn vào nội dung của văn học.

Không giống với miền Bắc, giai đoạn 1954 – 1975, ở miền Nam, trong đời sống xã hội có nhiều thay đổi. Các nhà lý luận phê bình ở miền Nam đã có những quan niệm vô cùng rộng mở hơn. Họ quan niệm “văn học là một sinh hoạt, một cuộc sống”

và ở văn học cũng “động đạt, thăng trầm hơn cuộc sống của con người” [35, 21]. Bên cạnh đó, văn hóa phương Tây được du nhập một cách ồ ạt và phổ biến rộng rãi ở miền Nam khiến cho con người có những hướng nhìn mới mẻ hơn. Đặc biệt đó là những tư tưởng triết học của phương Tây được phổ biến rộng rãi với chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, cấu trúc luận,.. Cũng từ đây nhiều trường phái phê bình văn học phương Tây bước đầu đã được giới thiệu vào nước ta trong đó có mỹ học tiếp nhận. Cũng từ đó các nhà lý luận phê bình ở miền Nam đã có những hướng nhìn mới mẻ hơn, họ không nhìn đối tượng văn học trong một điểm nhìn cố định mà thiên kiến của nhà nghiên cứu muốn đặt vào mà họ đã chú ý đến vai trò của người đọc trong việc mang lại những ý nghĩa mới cho tác phẩm văn học. Họ nhận thấy rằng người sáng tác luôn phải chú ý

đến người đọc, người tiêu dùng. Và nhờ có vòng tay của người đọc mà giá trị của tác phẩm mới được xác định.

Một phần của tài liệu Tác phẩm nguyễn du ở miền nam 1954 1975 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)