Khái niệm về đạo đức

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho sinh viên trung học phổ thông ở tỉnh bình dương hiện nay (Trang 21 - 48)

CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC, GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

1.1.1. Khái niệm về đạo đức

Đạo đức là một hình thái ý thức – xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực nhằm hướng dẫn con người tiến tới cái thiện, cái chân, cái mỹ... chống lại cái ác, cái giả, cái xấu. Trong mỗi thời đại lịch sử, đạo đức là ý thức xã hội luôn luôn điều chỉnh để phù hợp với sự tiến bộ của xã hội để con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình trong quan hệ giữa con người và con người, giữa con người và xã hội.

Với tư cách là một bộ phận của tri thức triết học, những tư tưởng đạo đức đã xuất hiện từ rất lâu trong triết học Trung Quốc, Ấn Độ cổ đại, trong các học thuyết của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo.

Ở phương Đông, các học thuyết về đạo đức của người Trung Quốc cổ đại xuất hiện rất sớm, được thể hiện trong quan niệm về đạo đức của họ.

Đạo đức là một trong những phạm trù quan trọng nhất của triết học Trung Quốc cổ đại. “Đạo” – có nghĩa là con đường lớn, đường đi; về sau khái niệm này được vận dụng trong triết học để chỉ con đường của tự nhiên.

“Đạo” còn có nghĩa con đường sống của con người trong xã hội. Khái niệm “đức” lần đầu tiên xuất hiện trong Kim văn nhà Chu và từ đó trở đi nó được người Trung Quốc sử dụng nhiều. “Đức” – dùng để nói nhân đức, tính tốt và nhìn chung đức là biểu hiện của đạo, là đạo nghĩa, là nguyên tắc lý luận. Như vậy, có thể nói, đạo đức theo quan niệm của người Trung

Quốc cổ đại là những yêu cầu, nguyên tắc do cuộc sống đặt ra mà mỗi người tuân theo.

Tư tưởng đạo đức của Nho giáo chủ yếu thể hiện trong các quan điểm

“tu thân” và những nguyên tắc đạo đức cơ bản như: “tam cương”, “ngũ thường”, “tam tòng”, “tứ đức”. Đó là những quy tắc ứng xử với nhau trong quan hệ giữa vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em, bạn bè. Cụ thể là, mỗi người phải tùy theo danh phận của mình thực hiện những chuẩn mực

“trung – hiếu – nghĩa”, “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, “công, dung, ngôn, hạnh”.

Tư tưởng đạo đức của Đạo giáo, nêu những chuẩn mực đạo đức của cá nhân như: “vô kỷ”, “vô công”, “vô danh”, “bất tranh”, “dĩ đức báo oán”.

Những chuẩn mực này, đòi hỏi con người gạt bỏ dục vọng của bản thân, không cậy công, kể công, không ham danh vọng, ứng xử uyển chuyển, lấy nhu thắng cương, dùng nhược để thắng cường trong đối nhân xử thế, lấy lòng nhân đức để đối xử với người đã gây thù oán với mình.

Phật giáo là một tôn giáo với mục tiêu hướng thiện, ra đời vào thế kỷ VI TCN, do Thái tử Siddharta (563-483 TCN) sáng lập. Phật giáo cho rằng, thế giới do danh và sắc tạo thành (tức vật chất và tinh thần). Bản thân con người do 5 yếu tố tạo nên (gọi là ngũ uẩn: Sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Thế giới quan Phật giáo dựa trên cơ sở nhân – quả (duyên khởi). Nguyên tắc thực hiện đạo đức Phật giáo yêu cầu: Giới – định – tuệ phải đi liền với nhau, đó là điều kiện tiên quyết để diệt dục, hết vọng tưởng, hết ngã chấp, đoạn tuyệt vô minh và đạt giác ngộ. Giải thoát chính là con đường tu đưỡng đạo đức, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Quy tắc đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giới luật, quy định nguyên tắc ứng xử của các tín đồ, các cư sĩ và thế tục. Đây là những quy phạm đạo đức giúp cho tu sĩ xuất gia vượt qua những giá trị đạo đức thông thường trong xã hội

để đạt đến sự lìa bỏ ngã chấp. Giới luật chung cho cả cư sĩ và thế tục là đạo đức nhân gian, tức từ, bi, hỉ, xả, v.v… nhằm đạt tới cuộc sống hòa vui, tránh tạo nghiệp ác, tích lũy nghiệp thiện. Đối với các tín đồ, quy tắc đạo đức mà Phật giáo đưa ra gồm: Ngũ giới, Thập thiện, Giới lục hòa, Lục độ.

Những trường phái tư tưởng đạo đức trên có những hạn chế nhất định như: không lý giải được nguồn gốc, bản chất, những quy luật hình thành, phát sinh, phát triển của đạo đức và mang tính thoát tục, xa rời hiện thực.

Nhưng nhìn chung, đó là những tư tưởng có giá trị lịch sử to lớn, có ảnh hưởng tích cực giúp con người xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tư tưởng đạo đức phương Tây thể hiện trong tư tưởng của các nhà triết học, đạo đức từ thời cổ đại đến hiện đại với nhiều quan điểm khác nhau giúp con người ngày càng hiểu rõ hơn nguồn gốc, bản chất và những yêu cầu của đạo đức.

Từ thời cổ đại, ở phương Tây đã có nhiều đại biểu ưu tú bàn về vấn đề đạo đức, đó là: Socrates, Democritus, Plato, Aristotle,...

Socrates (470 – 399 TCN) là người đầu tiên đặt nền móng cho khoa học đạo đức học. Socrates cho rằng một người có đạo đức là phải nhận thức được chính mình, nhưng nhận thức của chính mình không thể tách khỏi nhận thức chung của xã hội mới mang tính khách quan, đó là cơ sở để xác định chân lý một cách đích thực và đúng đắn. Từ đó, cũng có thể khẳng định nhận thức của con người vừa có tính chủ quan vừa có tính khách quan, đồng thời nhận thức là cơ sở của ý thức con người trong mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Trên cơ sở nhận thức đó, Socrates phân biệt cái thiện và cái ác, cái thiện gắn liền với hạnh phúc, ngược lại, một con người chỉ có vụ lợi cho riêng mình, bất chấp mọi dư luận xã hội thì không thể hạnh phúc và đó là sự bất hạnh.

Bàn về vấn đề đạo đức, Democritus (460 – 370 TCN) cho rằng đạo đức là thể hiện hành vi của con người, là động lực thể hiện sự hài lòng hay

không hài lòng của mỗi người, nghĩa là khi mỗi người làm điều tốt dẫn đến cảm giác dễ chịu của người đó và người xung quanh, hay ngược lại, những hành vi xấu dẫn đến đau khổ cho người khác, có nghĩa là mỗi người luôn luôn vươn tới những việc làm thiện và tránh những việc làm ác. Theo ông, đối tượng nghiên cứu của đạo đức học là hành vi con người. Thông qua hành vi để biểu hiện sự nhận thức và thái độ, tình cảm đạo đức của người đó đối với bản thân và người khác. Hạt nhân trung tâm trong đạo đức chính là lương tâm của mỗi người, nó là yếu tố riêng biệt để cấu thành đạo đức.

Còn Plato (khoảng 427 – 347 TCN) thì quan niệm đạo đức học trên cơ sở linh hồn. Theo ông, bản chất con người là trong nó có linh hồn vĩnh cửu độc lập với con người. Ông cho rằng linh hồn gồm ba bộ phận: lý tính, cảm xúc và cảm tính. Plato chia xã hội trong “Nhà nước lý tưởng” thành ba đẳng cấp dựa theo đặc trưng đạo đức của từng đẳng cấp. Đẳng cấp thứ nhất là các nhà triết học, các nhà thông thái – đảm nhận vị trí lãnh đạo nhà nước, đó là những người tiêu biểu trong xã hội họ hướng tới trật tự của các ý niệm, những người này thể hiện đạo đức cao cả và luôn hướng vào những điều tối cao của cái thiện. Đẳng cấp thứ hai là những người làm nhiệm vụ bảo vệ nhà nước lý tưởng, đó là những người lính, họ có ý niệm gan dạ, dũng cảm. Đẳng cấp thứ ba là những người thuộc tầng lớp nông dân, thợ thủ công và linh hồn của họ thích ứng với lao động chân tay, Plato coi những người này chỉ là “động vật biết nói” cho nên, theo ông, họ không có đời sống đạo đức.

Với Aristotle (384 – 322 TCN), mối bận tâm của ông là mối liên hệ giữa đạo đức và chính trị. Ông xác định những gì phục vụ cho yêu cầu của nhà nước, nghĩa là nhằm củng cố trật tự xã hội là điều cần thiết nhưng muốn có được điều đó thì những con người trong xã hội cần là những người có phẩm hạnh. Theo quan niệm của Aristotle, phẩm hạnh không có tính bẩm sinh, nghĩa là khi con người sinh ra, trời không thể ban cho người đó một phép màu

là phẩm hạnh, mà phẩm hạnh con người có được là nhờ quá trình hoạt động thực tiễn trong đời sống xã hội, thông qua nhận thức của con người...

Tư tưởng đạo đức ở phương Tây thời trung cổ chủ yếu là đạo đức Kitô giáo. “Mọi người đều bình đẳng và bác ái” là nguyên tắc chủ yếu của đạo đức Kitô giáo. Tuy nhiên, sự bình đẳng đó, chỉ là sự bình đẳng trước Chúa chứ không phải là trong hiện thực; bác ái là lòng yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt kẻ bóc lột và người bị bóc lột, kẻ thù và bạn; lòng yêu thương mang trong nó sự nhịn nhục, khuất phục.

Để chống đạo đức khổ hạnh của Kitô giáo Tây Âu thời trung cổ, khôi phục và phát triển những tư tưởng đạo đức nhân đạo và tiến bộ trong thời cổ đại, tư tưởng đạo đức học Tây Âu thời kỳ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX với những nhà tư tưởng như: Francois Rabelais (khoảng 1494 – 1553), Baruch Spinoza (1632 – 1677), Georg Wilhelm Friedrich Hegel(1770 – 1831), Ludwig Andreas Feuerbach (1804 – 1872),... đã bàn về đạo đức trần thế chống lại đạo đức thần học; bàn về mối quan hệ tự do và tất yếu, tự do và hạnh phúc; hạnh phúc của mỗi cá nhân chỉ có thể đạt được bằng con đường kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội,... Họ cho rằng, con người không phải sinh ra là đã có đạo đức mà đạo đức nảy sinh từ tác động của môi trường xã hội, trước hết, là chính trị và pháp luật. Tuy nhiên, những tư tưởng trên chứa đựng nhưng sai lầm, mâu thuẫn do quan điểm duy tâm về xã hội của các nhà tư tưởng thời kỳ này.

Khắc phục những sai lầm và mâu thuẫn đó, Karl Heinrich Marx (1818 – 1883), Friedrich Engels (1820 – 1895), Vladimir Ilyich Lenin (1870 – 1924) đã nghiên cứu vấn đề, nguồn gốc, bản chất, vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội, vạch ra mối quan hệ giữa đạo đức và cơ sở kinh tế của nó, phân tích những quan hệ đạo đức trong xã hội tư bản chủ nghĩa, sự tha hóa con người trong xã hội đó và chủ trương xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa và cộng

sản chủ nghĩa làm nền tảng hình thành và phát triển đạo đức cao đẹp - đạo đức cộng sản. Trong Lời tựa viết cho Góp phần phê phán khoa kinh tế - chính trị, Marx đã viết: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”[62, tr.15]. Chính vì thế, đạo đức chính là một hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh và bị quy định bởi tồn tại xã hội. Điều đó có nghĩa là, các quan niệm, quan điểm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các lý tưởng, niềm tin và tình cảm đạo đức,… tức toàn bộ ý thức đạo đức, xét đến cùng, đều là biểu hiện của một trạng thái, một trình độ phát triển nhất định những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Như vậy, đạo đức có bản chất xã hội. Trong Chống Đuyrinh, cùng với việc phê phán quan niệm của Đuyrinh về những chân lý đạo đức vĩnh cửu, Engels đã khẳng định rằng, về thực chất và xét đến cùng, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các quan niệm đạo đức chẳng qua chỉ là sản phẩm của các chế độ kinh tế, các thời đại kinh tế. Đồng thời, ông cũng cho thấy, cùng với tính quy định của yếu tố thời đại, đạo đức còn bị chi phối bởi những yếu tố mang tính dân tộc. Nhìn nhận tính khác biệt và sự chuyển đổi giá trị trong cặp khái niệm cơ bản nhất của đạo đức học, cặp khái niệm Thiện - Ác, Engels viết:

“Từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm về Thiện -Ác đã biến đổi nhiều đến mức chúng thường trái ngược hẳn nhau”(63, tr.135). V.I.Lenin đã nêu giá trị đạo đức được xác định ở chỗ nó phục vụ cho tiến bộ xã hội vì hạnh phúc của con người:

“Đạo đức giúp cho xã hội loài người tiến lên trình độ cao hơn, thoát khỏi ách bóc lột lao động” [99, tr.356]. Và V.I.Lenin cũng chỉ ra đạo đức cộng sản là “Những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần

đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới, cộng sản chủ nghĩa” [99, tr.354].

Và cho đến hiện nay, có rất nhiều quan niệm đạo đức khác nhau, mỗi thời kỳ, mỗi nơi, có khái niệm đạo đức khác nhau vì đạo đức là một hình thái của ý thức xã hội tùy thuộc vào tồn tại xã hội, tồn tại xã hội như thế nào thì ý thức xã hội sẽ như thế đó. Tuy nhiên, có thể khái quát lại là khái niệm đạo đức được được dùng với hai nghĩa trong đời sống thường ngày và trong khoa học:

Trong đời sống thường ngày, người ta thường dùng khái niệm đạo đức để nhận xét, đánh giá thái độ, hành vi của mọi người trong xã hội, để chỉ những người có biểu hiện tốt trong quan hệ ứng xử với mọi người xung quanh.

Đạo đức là một khái niệm tôn vinh những người có trách nhiệm với công việc với tư cách là một công dân, một thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm được giao phó, góp phần xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, thiết lập quan hệ hàng xóm láng giềng.

Khái niệm đạo đức còn được sử dụng để đánh giá tình cảm, thái độ, hành vi của con người so với những chuẩn mực đạo đức xã hội của mỗi thời kỳ lịch sử. Những người sống theo chuẩn mực xã hội, gương mẫu, tự giác thực hiện các chuẩn mực xã hội, được nhiều người quý mến thì coi là người có đạo đức.

Trong khoa học, theo quan điểm của Martin Heidegger (1889 – 1976), triết gia người Đức: “Đạo đức là lĩnh vực của con người mà hành vi, các mối quan tâm, những tình cảm được chia sẻ giữa người này và người khác theo những mục tiêu và tiêu chí nhất định có liên quan đến tự do và trật tự phức tạp của cộng đồng”. Nhà nghiên cứu đạo đức học nổi tiếng người Nga là G.Bandeladze: “Đạo đức của con người là năng lực phục vụ một cách tự giác và tự do những người khác và xã hội... Nơi nào không có những hành

động tự nguyện, tự giác của con người thì nơi ấy không có nhân phẩm, không thể thực sự có đời sống xã hội. Đặc trưng của đời sống con người và của bản thân tính người là ở đạo đức và nội dung của chính đạo đức chính là năng lực phục vụ tự nguyện, tự giác lợi ích của người khác và của toàn xã hội” [dẫn theo 30, tr.10-11].

Còn từ điển Triết học khẳng định: “Đạo đức là quy tắc chung trong xã hội và hành vi của con người, quy định những nghĩa vụ của người này đối với người khác và đối với xã hội. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, trong một xã hội có giai cấp, đạo đức có tính giai cấp. Những hình thức kết cấu xã hội và cơ sở kinh tế biến đổi thì đạo đức cũng biến đổi theo…”.

Phạm Khắc Chương và Hà Nhật Thăng cho rằng: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và tiến bộ xã hội trong quan hệ với con người, giữa cá nhân và xã hội…”[25].

Giáo trình Đạo đức học: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh và đánh giá cách cư xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”.[50, tr.8]

Tác giả Trần Hậu Kiểm cho rằng: “Đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó, con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình vì lợi ích xã hội, hạnh phúc của con người trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân và tập thể hay toàn xã hội”[53, tr.31]

Theo Phạm Minh Hạc, khái niệm đạo đức được hiểu theo hai nghĩa:

nghĩa hẹp và nghĩa rộng:

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho sinh viên trung học phổ thông ở tỉnh bình dương hiện nay (Trang 21 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(226 trang)