CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC, GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC
1.3.2. Giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường trung học phổ
Trong thời kỳ từ năm 2000 đến 2015, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, đến cuối năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7%. Thu nhập bình quân đầu người từ 30,1 triệu đồng/người năm 2010 đã tăng lên 72,3 triệu đồng/người vào cuối năm 2015, cao gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước [32, tr.144].
Về công nghiệp, ngay sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Bình Dương đã đưa ra chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng sạch, kỹ thuật cao với phát triển các khu công nghiệp làm mũi nhọn đột phá. Nhờ vậy, tính đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích 10.600 ha. Nhiều khu công nghiệp được xây dựng thì cơ sở hạ tầng cũng phát triển để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh nhà. Nhờ đó, Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cuối năm 2015, tỉnh đã thu hút gần 19.638 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký hơn 146.000 tỷ đồng và 2.546 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 21,5 tỷ đô-la Mỹ [32, tr.54-55].
Cùng với phát triển công nghiệp, Bình Dương đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, gắn với đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để
người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với Tỉnh nhằm góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế của Tỉnh nói chung. Đây là nền tảng cơ bản và vững chắc để Bình Dương hướng đến việc trở thành một đô thị xanh, văn minh và hiện đại trong tương lai.
Để sớm hoàn thành được mục tiêu đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp đòi hỏi phải có một đội ngũ trí thức đáp ứng việc quản lý, điều hành các quy trình công nghệ của nền sản xuất hiện đại, cho nên phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa của Tỉnh. Vì thế, giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông của Tỉnh phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho học sinh, đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, giữ gìn phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa. Trong đó, chú trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… nhằm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng XHCN, bản lĩnh chính trị, lòng nhân ái và ý thức tôn trọng pháp luật, có tri thức, năng lực, kỹ năng xã hội, có ý chí cầu tiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn năng động, tích cực, sáng tạo trong học tập và trong lao động. Phẩm chất đạo đức cách mạng, lý tưởng sống XHCN muốn học sinh có được thì phải thông qua quá trình giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông mà từng bước được hình thành, phát triển.
Để xây dựng lý tưởng sống XHCN, giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh thì trước hết phải định hướng cho họ sống có mục đích, hoài bão niềm tin vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh. Khi có lý tưởng sống đúng đắn sẽ giúp cho học sinh có đủ bản lĩnh vững vàng vượt lên mọi khó khăn gian khổ, sống đẹp, sống
có ích, sống có trách nhiệm với chính mình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhằm hướng tới cái tốt, cái đẹp trong quan hệ bạn bè, lên án cái sai, cái xấu, cái ác hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Hình thành và phát triển ở học sinh nhận thức tư duy đúng đắn, có lối sống văn hóa lành mạnh.
Kết luận Chương 1
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và tiến bộ xã hội.
Đạo đức có vai trò quan trọng, là cái gốc của con người, người không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không giúp ích được cho nước và dân. Ở trường phổ thông nói chung, trường trung học phổ thông nói riêng, giáo dục đạo đức có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Qua giáo dục đạo đức, giúp học sinh hình thành những quan điểm, quy tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản, từ đó có thể lựa chọn cho mình những hành vi, thái độ, cách ứng xử phù hợp. Đồng thời, còn giúp cho học sinh có khả năng đánh giá đúng các hiện tượng đạo đức xã hội và tự đánh giá tư cách, ý thức và hành vi của bản thân.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông cần thực hiện những nội dung và phương pháp phù hợp. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức và nhân văn, lịch sử dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, ý chí vươn lên vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước” [35, tr.196]. Từ đó cho thấy, giáo dục đạo đức là một trong những điểm chủ yếu, cốt lõi, xuyên suốt và giữ vị trí quan trọng, chủ đạo trong toàn bộ quá trình giáo dục nhân cách,
đào tạo con người trong nhà trường ở Việt Nam, đặc biệt là trong nhà trường trung học phổ thông mà đối tượng là học sinh đang ở độ tuổi thanh niên.
Quá trình toàn cầu hóa và công nghiệp hóa hiện, đại hóa đất nước hiện nay đòi hỏi phải có nguồn lao động có chất lượng cao vừa có đức vừa có tài, cho nên vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông là một vấn đề cấp thiết và vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông cần có những nội dung, phương pháp và giải pháp thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thanh niên, tránh mệnh lệnh, áp đặt học sinh theo ý muốn chủ quan của giáo viên. Nhiệm vụ giáo dục đạo đức này cần phải có sự kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa các lực lượng giáo dục; giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Chương 2
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG HIỆN NAY
2.1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG