Khái niệm cho thuê tài chính

Một phần của tài liệu Thúc đẩy cho thuê tài chính nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2 (Trang 26 - 29)

1.2. Tổng quan cơ sở lý luận về cho thuê tài chính

1.2.1. Các khái niệm liên quan đến cho thuê tài chính

1.2.1.1. Khái niệm cho thuê tài chính

CTTC theo tiếng Anh là financial Lease hay còn gọi là cho thuê vốn (Capital Lease). Trên thực tế hiện nay CTTC được hiểu theo nhiều cách khác nhau và mỗi quốc gia trên thế giới có những chuẩn mực riêng, qui định về CTTC. Ví dụ:

* Theo hiệp hội các công ty CTTC Thuỵ Điển (Association of Finance Companies, Swedew), CTTC có đặc điểm sau:

- Bên cho thuê mua tài sản theo yêu cầu của bên thuê.

- Tài sản cho thuê thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê, quyền sử dụng được chuyển giao cho bên thuê trong suốt thời hạn thuê, thường bằng thời gian hữu ích của tài sản.

- Hợp đồng CTTC không được hủy ngang.

* Theo hội đồng tiêu chuẩn kế toán tài chính (Financial Accouting Standards Board) của Hoa Kỳ, CTTC phải thỏa mãn ít nhất một trong bốn tiêu chuẩn sau:

- Quyền sở hữu tài sản cho thuê được chuyển giao cho bên thuê khi hợp đồng chấm dứt.

- Bên thuê được quyền chọn mua tài sản thuê với giá tượng trưng ở một thời điểm nào đó hoặc khi hợp đồng chấm dứt.

- Thời hạn cho thuê phải lớn hơn hoặc bằng 75% thời gian hữu ích của tài sản.

- Hiện giá của khoản tiền thuê tối thiểu là 90% hoặc lớn hơn so với giá trị của tài sản cho thuê.

* Theo Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/05/2001 và Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19/05/2005 về việc sửa đổi bổ sung một số điều về tổ chức và hoạt động của công ty CTTC, CTTC được hiểu là: "Cho thuê tài chính là hình thức tín dụng trung, dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê với bên thuê. Bên cho thuê cam kết mua máy móc, thiết bị phương tiện vận chuyển và động sản khác theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê. Bên sử dụng tài sản thuê thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê đã được hai bên thỏa thuận.

Một giao dịch cho thuê tài chính phải thỏa mãn một trong những điều kiện sau đây:

- Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được chuyển quyền sở hữu tài sản thuê hoặc được tiếp tục thuê theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

- Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được quyền ưu tiên mua tài sản thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị tài sản thực tế của tài sản thuê tại thời điểm mua lại.

- Thời hạn cho thuê một loại tài sản ít nhất phải bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản thuê.

- Tổng số tiền thuê một loại tài sản qui định tại hợp đồng cho thuê tài chính, ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký kết hợp đồng".

Theo Nghị định số 16/2001/NĐ-CP, hiện nay có 5 loại hình công ty CTTC được phép thành lập và được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Đó là: Công ty CTTC Nhà nước; Công ty CTTC cổ phần; Công ty CTTC trực thuộc các tổ chức tín dụng; Công ty CTTC liên doanh và công ty CTTC 100%

vốn nước ngoài. Vốn hoạt động của các loại công ty này có thể được hình thành bởi 2 nguồn chính: vốn tự có (gồm vốn điều lệ và quỹ bổ sung vốn điều lệ), trong đó vốn điều lệ không được dưới 50 tỷ VNĐ đối với công ty CTTC trong nước và không dưới 5 triệu USD đối với công ty vốn nước ngoài 100%

và vốn huy động (gồm: tiền gởi có thời hạn từ 1 năm trở lên; Phát hành trái phiếu; Chứng chỉ tiền gởi và các loại giấy tờ có giá trị khác có kỳ hạn trên 1 năm và vốn vay các tổ chức tín dụng, tài chính trong và ngoài nước). Và, theo qui định tại nghị định này, hoạt động của các công ty CTTC được thực hiện các nghiệp vụ chính, như: cho thuê tài chính, cho thuê vận hành, mua và cho

thuê lại, đồng tài trợ CTTC. Ngoài ra, các công ty còn được thực hiện các hoạt động khác, như: tư vấn cho khách hàng về những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ CTTC; Thực hiện dịch vụ ủy thác; Quản lý tài sản và bảo lãnh liên quan đến hoạt động CTTC.

Theo chúng tôi, cách hiểu CTTC và những quy định trong 02 Nghị định số 16/2001/NĐ -CP và Nghị định số 65/2005/NĐ- CP là tương đối đầy đủ và sát với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay: "CTTC là hợp đồng giữa hai hay nhiều bên liên quan đến một hay nhiều tài sản. Người cho thuê (chủ sở hữu tài sản) chuyển giao tài sản cho người thuê (người sử dụng tài sản) độc quyền sử dụng trong một khoản thời gian nhất định. Đổi lại, người thuê phải trả một số tiền cho chủ tài sản tương xứng với quyền sử dụng. Khi kết thúc thời hạn thuê, quyền sở hữu tài sản được chuyển sang cho bên thuê hoặc bên thuê được quyền chọn mua tài sản thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê. Trong thời hạn cho thuê, các bên không được đơn phương hủy bỏ hợp đồng". Chúng tôi xin chọn cách hiểu này để làm cơ sở nghiên cứu các vấn đề CTTC trong luận án này.

Một phần của tài liệu Thúc đẩy cho thuê tài chính nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)