1.2. Tổng quan cơ sở lý luận về cho thuê tài chính
1.2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động cho thuê tài chính
Trong mỗi giao dịch CTTC luôn có ít nhất hai chủ thể tham gia: bên cho thuê và bên thuê. Trong một số giao dịch khác có thể có thêm chủ thể thứ ba là nhà cung cấp. Ngoài ra, khi bên cho thuê không đủ khả năng tự có về tài chính để mua tài sản theo yêu cầu của hợp đồng thuê thì trong giao dịch cần có thêm một chủ thể nữa là nhà cho vay. Trong một số giao dịch đặc biệt CTTC còn có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống luật pháp .v.v…
Để hiểu rõ vai trò của các chủ thể trên, chúng tôi xin trình bày cụ thể hơn về các chủ thể này trong hợp đồng giao dịch CTTC.
1. Bên cho thuê (Lessor)
Là nhà tài trợ vốn cho bên thuê, là người thanh toán toàn bộ giá trị tài sản thuê theo thỏa thuận giữa bên cho thuê và nhà cung cấp và là chủ sở hữu tài sản về mặt pháp lý. Trong trường hợp, nếu bên cho thuê tài sản của chính mình, họ đồng thời cũng là nhà cung cấp tài sản, thiết bị.
Theo pháp luật Việt Nam, bên cho thuê là các công ty CTTC có quyền mua, nhập khẩu trực tiếp các thiết bị theo yêu cầu của bên thuê. Bên cho thuê có trách nhiệm ký hợp đồng mua tài sản theo yêu cầu của bên thuê và thanh toán tiền mua tài sản với nhà cung cấp và làm thủ tục đăng ký, bảo hiểm đối với tài sản cho thuê. Đồng thời, bên cho thuê phải bồi thường mọi thiệt hại cho bên thuê trong trường hợp tài sản thuê không được giao đúng hạn. Ngược lại, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê cung cấp một phần hoặc đầy đủ các báo cáo tài chính quý, năm về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và các vấn đề có liên quan đến tài sản thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê đặt tiền ký quỹ bảo đảm cho hợp đồng CTTC theo thỏa thuận giữa hai bên.
2. Bên thuê (Lessee):
Theo Thông tư số 08/2001/TT-NHNN ngày 06/9/2001 của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 của Chính phủ “về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính, bên thuê là các tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích sản xuất kinh doanh của mình, bao gồm:
a/ Cá nhân có đăng ký kinh doanh;
b/ Hộ gia đình;
c/ Doanh nghiệp;
d/ Tổ chức khác thuộc đối tượng được vay vốn của các tổ chức tín dụng”.
Trong quy định này có nêu rõ và cụ thể ai có thể là bên thuê. Nhưng, theo chúng tôi, quy định vẫn chưa làm rõ được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của bên thuê. Cụ thể, theo chúng tôi, trong quy định cần bổ sung thêm trách nhiệm và nghĩa vụ chính của bên thuê là: phải sử dụng tài sản thuê đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng; Phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa tài sản thuê trong thời hạn cho thuê; Không được quyền sử dụng tài sản thuê cho bên thứ ba, nếu không được bên cho thuê đồng ý; Phải có nghĩa vụ trả tiền thuê đúng hạn được quy định trong hợp đồng và phải chịu các khoản chi phí có liên quan đến sử dụng tài sản thuê; Phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản thuê cho bên cho thuê khi có vi phạm và được bên cho thuê yêu cầu, cũng như hoàn trả tài sản khi hết hạn hợp đồng thuê trong trường hợp không giành quyền ưu tiên chuyển sở hữu trong thỏa thuận thuê mua.
Việc quy định rõ trách nhiệm trong giao dịch của các bên sẽ giúp hợp đồng mang tính khả thi cao trên cơ sở đòi hỏi tính nghiêm túc của mỗi bên
trong thi hành hợp đồng phải được nâng cao. Vì vậy, theo chúng tôi, việc xác định các trách nhiệm và nghĩa vụ chính của bên thuê như trên là rất cần thiết.
3. Nhà cung cấp (Manufacturer hoặc Supplier):
Là người cung cấp thiết bị, tài sản theo thỏa thuận với người thuê và theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán thiết bị, tài sản đã ký kết với người cho thuê. Họ nhận tiền mua tài sản từ bên cho thuê hoặc có thể nhận một phần tiền mua tài sản từ bên cho thuê, chuyển giao tài sản cho bên thuê và có thể nhận bảo trì, bảo dưỡng và nhận tiền bảo trì, bảo dưỡng của bên thuê.
Thông thường, nhà cung cấp là các công ty, các tổ chức kinh tế sản xuất máy móc, thiết bị hoặc là các tổ chức kinh tế xuất khẩu máy móc, thiết bị mua từ các công ty sản xuất ra nó.
4. Nhà cho vay (Lender):
Là người cung cấp tín dụng trung hoặc dài hạn cho bên cho thuê trong trường hợp bên cho thuê có yêu cầu vay. Người cung cấp tín dụng nhận tiền trả nợ vay bằng tiền thuê do bên thuê hoặc bên cho thuê trả trực tiếp theo thỏa thuận với bên cho thuê và khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản và tiền thuê của hợp đồng CTTC đó.
5. Các cơ quan quản lý nhà nước:
Là cơ quan công quyền có liên quan trong lĩnh vực CTTC, như: Ngân hàng Nhà nước, Công chứng Nhà nước, Toà án, Thuế vụ,… Các cơ quan trên có trách nhiệm giám sát, kiểm sát việc tuân thủ pháp luật, đồng thời, công nhận tính hợp pháp của giao dịch thuê mua, quyền sở hữu pháp lý đối với tài sản và xử lý, giải quyết các tranh chấp nếu có, nhằm tạo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như nghĩa vụ các bên tham gia giao dịch CTTC.
6. Hệ thống pháp luật:
Là những văn bản luật chi phối các hoạt động thuê mua và các qui định về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả các bên liên quan trong hoạt động CTTC. Những văn bản này nhằm tạo ra những chuẩn mực, khuôn khổ, môi trường pháp lý để các giao dịch thuê mua hoạt động bảo đảm đem lại hiệu quả kinh tế xã hội.
1.2.2.2. Nội dung chính của hợp đồng giao dịch cho thuê tài chính.
1. Xác định các đối tượng dùng CTTC
Một trong những nội dung quan trọng trong hợp đồng giao dịch CTTC là xác định rõ đối tượng dùng cho thuê.
Trên thực tế đối tượng dùng CTTC rất đa dạng và ngày càng phong phú.
Nhưng, nhìn chung, có thể phân chúng thành hai loại nhóm chính: nhóm bất động sản và nhóm động sản.
- Nhóm bất động sản gồm các tài sản không thể di chuyển vị trí của chúng, như: nhà cửa, văn phòng làm việc, cửa hàng, nhà máy, phân xưởng, hầm mỏ, v.v…, với thời hạn thuê cũng rất đa dạng từ vài năm đến vài chục năm.
- Nhóm động sản gồm các loại tài sản có thể di chuyển vị trí của chúng, như: bàn ghế làm việc, máy móc thiết bị, ô tô, xe lửa, tàu thuyền… với thời hạn cho thuê cũng rất đa dạng.
Tuỳ nhu cầu của bên thuê mà bên cho thuê phải lựa chọn đối tượng cho thuê và thời gian thuê cho phù hợp.
2. Xác định mức tiền thuê
Đây cũng là một nội dung cần thảo luận trong giao dịch CTTC. Mức tiền thuê phải được xác định trên cơ sở giá mua các tài sản cho thuê, các chi phí hợp lý và lãi cho thuê mà bên thuê phải trả cho bên cho thuê theo hợp đồng
CTTC. Ngoài ra, việc chọn lựa phương thức thanh toán tiền thuê cũng phải cân nhắc cho hợp lý, như: những khoản tiền được trả định kỳ đều nhau hoặc định kỳ thời vụ; Thời điểm thanh toán định kỳ, v.v...
3. Xác định thời hạn thuê
Trong các giao dịch CTTC, bên cho thuê và bên thuê phải thỏa thuận với nhau về thời hạn cho thuê.
Trong mỗi giao dịch CTTC thời hạn thuê thường được chia thành hai phần: thời hạn thuê cơ bản và thời hạn gia hạn.
- Thời hạn thuê cơ bản (Basic Lease Period) là thời hạn bên thuê phải trả một khoản tiền nhất định cho bên cho thuê để được quyền sử dụng tài sản. Ở thời hạn này, bên cho thuê thường kỳ vọng sẽ thu hồi đủ số tiền vốn đã bỏ ra ban đầu cộng với số tiền lãi đã thỏa thuận trong điều kiện bình thường. Theo quy định của hầu hết các tổ chức CTTC của các quốc gia trên thế giới, thời hạn này phải được tất cả các bên tham gia trong hợp đồng tôn trọng và không được đơn phương hủy ngang hợp đồng, nếu không có vi phạm xảy ra.
- Thời hạn gia hạn tuỳ chọn (Optional Renewable Periods) là thời hạn bên thuê có quyền mua tài sản hoặc tiếp tục thuê tài sản theo giá thỏa thuận hoặc trả lại theo ý muốn của họ. Tuy nhiên, nếu bên thuê tiếp tục thuê tài sản đó để sử dụng, các khoản tiền thuê phải trả trong giai đoạn này thường thấp hơn so với các khoản tiền thuê đã trả trong thời hạn cơ bản (Khoản tiền thuê lại thường chiếm từ 1-2% tổng số vốn đầu tư ban đầu bên cho thuê đã bỏ ra).
Trên thực tế, khi nói đến thời hạn thuê hay thời hạn hợp đồng trong giao dịch CTTC, người ta thường hiểu là thời hạn thuê cơ bản. Cách hiểu này sẽ gây khó khăn trong đàm phán về thời gian thuê trong hợp đồng CTTC. Vì vậy, theo chúng tôi, khi nói đến thời hạn thuê các nhà đầu tư nên hiểu hàm ý có cả hai phần trên.