Về hiện trạng địa lý-xã hội thành phố Cần Thơ

Một phần của tài liệu Thúc đẩy cho thuê tài chính nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2 (Trang 60 - 66)

CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

2.1. Tổng quát tình hình phát triển kinh tế thành phố Cần Thơ

2.1.1. Về hiện trạng địa lý-xã hội thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ nằm trải dài trên 55 km dọc theo bờ tây thuộc khu vực trung - hạ lưu sông Hậu và chiếm vị trí trung tâm vùng đồng bằng Sông Cửu Long với tổng diện tích tự nhiên 1.389,6 km2 (chiếm 3,49 % diện tích vùng đồng bằng Sông Cửu Long) [63].

Về địa giới hành chính của TP.Cần Thơ: Phía Bắc giáp tỉnh An Giang;

phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và phía nam giáp tỉnh Hậu Giang.

Thành phố Cần Thơ có vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ giao lưu chính của vùng Tây Nam sông Hậu với vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Bắc sông Tiền và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và cũng là giao điểm của nhiều tuyến giao thông thủy bộ quan trọng. Tuy nhiên, do hiện nay cầu Cần Thơ qua sông Hậu chưa được xây dựng xong, sân bay mới hình thành tuyến bay rất hạn chế, còn tình trạng bồi lắng cửa Định An đang là những khó khăn trong việc phát huy tiềm năng vị trí của TP.Cần Thơ.

Về tổ chức hành chính, TP Cần Thơ hiện nay có 5 quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và 4 huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, với trên 90 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn.

Dân số, theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2008, TP. Cần Thơ có 1.441.653 người. Dự kiến bình quân tăng ở giai đoạn 2008-2010 3,4% /năm;

2,9%/năm giai đoạn 2011-2015 và 2,8%/năm giai đoạn 2016-2020. Cụ thể:

đến năm 2020 dân số của thành phố Cần Thơ có khoảng 1.783.681 người [63].

Trung tâm của thành phố đặt tại quận Ninh Kiều. TP.Cần Thơ đang phát triển thành đô thị trung tâm và điểm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, từng bước vươn tới trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất cấp quốc gia, có vị trí trong khu vực Đông Nam Á.

2.1.2. Về hiện trạng phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 2005-2008.

2.1.2.1. Những thuận lôi và khó khăn chính trong giai đoạn 2005-2008.

* Những thuận lợi cơ bản:

1. Sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ cũ, TP.Cần Thơ có điều kiện tập trung hơn trong phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ và, từ đó, tạo được sức bật mới cho phát triển bền vững và toàn diện nền kinh tế trên địa bàn.

2. Về mặt kinh tế, TP.Cần Thơ án ngữ toàn bộ các tỉnh phía Tây sông Hậu, là trung tâm của các tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động là Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang.

3. Các lợi thế phát triển của TP.Cần Thơ là: cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch, hệ thống tài chính-ngân hàng, các viện-

trường, hệ thống y tế, các cơ sở công nghiệp-thương mại dịch vụ vào hàng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, hệ thống khách sạn và các sản phẩm, tài nguyên du lịch của miền sông nước với qui mô khá lớn và phong phú cũng là thế mạnh của thành phố Cần Thơ.

4. Hiện nay, TP.Cần Thơ được đầu tư để sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương trước năm 2010. Theo đó các chủ trương, chính sách đang được hoàn chỉnh để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh cả trong lẫn ngoài nước và thu hút nguồn nhân lực.

* Những khó khăn, hạn chế cơ bản:

1. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua (2004-2008) tương đối cao, nhưng chưa ổn định do còn chịu nhiều ảnh hưởng của lũ, của thiếu vốn đầu tư và biến động thị trường, chưa bền vững do yếu tố vốn và lao động chiếm tỷ trọng cao trong khi các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh có hàm lượng công nghệ tiến tiến, kỹ thuật cao còn rất ít.

2. Khu vực nông nghiệp vừa qua phát triển với tốc độ chậm. Khu vực công nghiệp tuy phát triển nhanh hơn nhưng thấp xa so với nhu cầu, thiếu lợi thế so sánh, thiếu cơ sở có công nghệ hiện đại. Ngành thương mại- dịch vụ có nỗ lực nhưng chưa hình thành vai trò trung tâm bao quát cấp vùng, chưa xây dựng được chiến lược sản phẩm và thị trường, tốc độ tăng trưởng kém dần so với công nghiệp và xây dựng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật có được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và yếu. Tiến trình đô thị hóa tuy có nhanh nhưng "lệch" về phía sông Hậu với chùm đô thị từ Cái Răng đến Thốt Nốt, trong khi vùng sâu từ Vĩnh Thạnh đến Phong Điền vẫn còn là khu vực nông thôn kém phát triển.

3. Môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể nhưng, do nằm trong khuôn khổ chung, vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút mạnh các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư, nhất là nước ngoài. Công tác xúc tiến đầu tư còn yếu, chưa

kết mạng được với các tỉnh trong vùng và giữa TP.Cần Thơ với các trung tâm kinh tế lớn khác.

4. Nguồn nhân lực tuy dồi dào về số lượng, nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp chỉ có 11,4% lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề trong khi bình quân cả nước là 12,5%.

2.1.2.2. Phát triển các ngành kinh tế chủ lực của TP Cần Thơ.

1. Ngành Nông nghiệp:

Trồng trọt giữ vị trí quan trọng trong kinh tế khu vực I với cơ cấu theo thứ tự: lúa, trái cây, rau màu và cây công nghiệp hàng năm. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp với các sản phẩm chính theo thứ tự là heo, gia cầm và đại gia súc.

2. Ngành thủy sản:

Ngành thủy sản chủ yếu phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng, trong đó nghề nuôi thủy sản chuyên canh công nghiệp, bán công nghiệp phát triển nhanh. Tính đến hết năm 2008 diện tích nuôi thủy sản là 15.200ha, sản lượng thu hoạch năm 2008 đạt 180.000 tấn chủ yếu là cá tra phục vụ xuất khẩu [63].

3. Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Ngành công nghiệp đã được hình thành và phát triển mạnh tại các khu đô thị. Tuy vài năm gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng với qui mô lớn, sử dụng công nghệ trang thiết bị tiên tiến, nhưng đa số đơn vị công nghiệp đều ở dạng nhỏ, sử dụng ít lao động, công nghệ lạc hậu. Các ngành chủ lực hiện nay là thực phẩm và đồ uống, hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất, kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản phẩm từ khoáng chất phi kim loại, dệt may, da.

Đến nay thành phố Cần Thơ có 4 khu công nghiệp tập trung là khu công nghiệp Trà Nóc I (135ha), đã lấp đầy 100%; khu công nghiệp Trà Nóc II (165ha) diện tích cho thuê 65%; Khu công nghiệp Hưng Phú I (390ha); Khu công nghiệp Hưng Phú II (226ha) đang mời gọi đầu tư [63].

Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ cao. Theo số liệu báo cáo của thành phố, trong năm 2008 giá trị sản xuất thực hiện là 12.219,32 tỷ VNĐ, tăng 23,36% so với năm 2007 [54].

4. Ngành xây dựng:

Trên địa bàn TP.Cần Thơ hiện có 33 đơn vị tư vấn, thiết kế, 48 đơn vị xây lắp. Trong các năm qua các công trình xây dựng hầu hết tập trung tại các quận nội thành và trung tâm thị trấn các huyện, trong đó các công trình xây dựng cho khu vực công quyền và kinh doanh tăng nhanh với tốc độ 18,1%/

năm [63].

5. Ngành vận tải:

Về phương tiện vận tải, toàn thành phố có 484 xe vận tải hàng hoá, 4.049 xe khách, một số xe chuyên dùng, xe cơ giới, xe Taxi, 655 ghe thuyền, một số tàu lay dắt, xà lan, ca nô, thuyền máy [63] .

Hiện nay dịch vụ vận tải đang được tiếp tục phát triển. Nhiều phương tiện và luồng tuyến được đầu tư, mở mới tạo điều kiện cho đi lại, giao thương dễ dàng hơn. Tính đến cuối năm 2008 lượng hàng hóa vận chuyển tăng 4,55%

so với 2007 và vận chuyển hành khách tăng 8 % [51].

6. Ngành thương mại-dịch vụ:

Đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu GDP, sau ngành công nghiệp và là động lực phát triển của thành phố. Các năm qua ngành này tiếp tục phát triển với nhiều loại hình kinh doanh mới. Tính đến cuối năm

2008, tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 32,58 % so với cùng kỳ năm trước [51].

7. Ngành du lịch:

Về tiềm năng phát triển du lịch, TP.Cần Thơ có nhiều di tích văn hoá, lịch sử, làng nghề truyền thống, cảnh quan sinh thái… Những năm qua dịch vụ du lịch ở Cần Thơ được tổ chức theo hướng du lịch sinh thái. Trên địa bàn TP.Cần Thơ có 94 cơ sở lưu trú. Lượng khách đến tham quan, hội họp đều tăng qua các năm, riêng năm 2008 khách quốc tế tăng 33% [54].

8. Ngành Tài chính - Ngân hàng:

Đến cuối năm 2008, ngoài chi nhánh ngân hàng nhà nước, trên địa bàn thành phố có 127 sở giao dịch tín dụng của 35 ngân hàng. Ngoài ra, còn có một chi nhánh công ty cho thuê tài chính II (ALCII-Cần Thơ) thuộc ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tổng vốn huy động ước tính 9.294 tỷ VNĐ (giá so sánh 1994) với tốc độ tăng 18,1%/năm, trong đó vốn huy động từ tiết kiệm, tiền gởi và kỳ phiếu tại địa phương chiếm 35%; Tổng doanh số cho vay bằng 1,32 lần tổng giá trị sản xuất thành phố với cơ cấu trung hạn 7,4%. Tín dụng ngắn hạn vẫn là hoạt động chính của ngân hàng, chiếm hơn 90% doanh số cho vay [40].

Riêng lĩnh vực cho thuê tài chính. Tổng doanh số cho thuê qua các năm gần đây: năm 2006, 204.721 triệu VNĐ; năm 2007, 116.546 triệu VNĐ; năm 2008, 126.540 triệu VNĐ. Và dư nợ qua các năm: năm 2006, 293.784 triệu VNĐ; năm 2006, 266.394 triệu VNĐ; năm 2008, 270.000 triệu VNĐ [1].

Nhìn chung, dù vốn huy động tại địa phương tăng đều nhưng nguồn vốn thường không đáp ứng đủ nhu cầu, các thủ tục phức tạp và cơ cấu tín dụng trung-dài hạn ngân hàng thấp. Đặc biệt, doanh số CTTC qua các năm quá ít.

Một phần của tài liệu Thúc đẩy cho thuê tài chính nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2 (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)