CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Đặc điểm và yêu cầu dạy đọc hiểu văn bản cho học sinh lớp 4, 5
Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định mục tiêu, nhiệm vụ dạy đọc hiểu thông qua việc xác định mục tiêu chung của môn Tiếng Việt. Trên cơ sở mục tiêu chung, mục tiêu dạy
học đọc hiểu ở lớp 4, 5 cũng được xác định cụ thể:
Lớp 4, những mục tiêu của môn Tiếng Việt được cụ thể hoá thành những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng đọc đối với học sinh như sau:
- Biết cách đọc các loại văn bản hành chính, khoa học, báo chí, văn học phù hợp với thể loại và nội dung văn bản, thể hiện được tình cảm, thái độ của tác giả, giọng điệu của nhân vật.
- Đọc thầm có tốc độ nhanh hơn lớp 3.
- Biết cách xác định đại ý, chia đoạn văn bản, nhận ra mối quan hệ giữa các nhân vật, sự kiện, tình tiết trong bài, biết nhận xét về một số hình ảnh, nhân vật trong các bài tập đọc có giá trị văn chương.
Biết sử dụng từ điển học sinh. Có thói quen và biết cách ghi chép các thông tin đã học. Học thuộc lòng 10 bài (trong đó có 2 bài văn xuôi) trong sách giáo khoa.
Lớp 5, phát triển thêm một số yêu cầu về kiến thức và kĩ năng đọc đối với học sinh so với lớp 4:
- Đọc thầm với tốc độ nhanh hơn lớp 4.
- Bước đầu biết đánh giá nhân vật, chi tiết và ngôn ngữ trong các bài tập đọc có giá trị văn chương.
- Hiểu các kí hiệu, các dạng viết tắt, các số liệu trên sơ đồ, biểu đồ, bảng hiệu,
…
- Thuộc lòng một số bài văn vần và đoạn văn xuôi.
Như vậy, mục tiêu dạy học đọc hiểu cho học sinh lớp 4, 5 chương trình hiện hành đã chú ý đến hình thành năng lực đọc cho học sinh, thể hiện ở việc chú trọng đến rèn các kĩ năng: hiểu nghĩa từ ngữ, kí hiệu, câu, đoạn; nhận ra mối quan hệ giữa các nhân vật, sự kiện chi tiết; bước đầu biết đánh giá nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ; xác định giọng đọc và học thuộc lòng một số văn bản.
1.4.2. Chương trình dạy đọc hiểu ở lớp 4, 5 hiện hành
Chương trình Tiếng Việt Tiểu học hiện hành (còn gọi là chương trình 2000 hay chương trình 175 tuần) được áp dụng từ năm học 2002 - 2003.
Từ năm học 2002 - 2003 đến năm học 2005 - 2006, chương trình Tập đọc lớp 4, 5 được xây dựng như sau:
Lớp 4, 5: Tập đọc được dạy trong 31 tuần (không tính 4 tuần Ôn tập): Tổng số bài: 3 bài/tuần x 31 tuần = 93bài;
93 bài x 1 tiết/bài = 93 tiết.
Từ năm học 2006 - 2007 đến nay, chương trình Tập đọc lớp 4, 5 được xây dựng như sau:
Lớp 4, 5: Tập đọc được dạy trong 31 tuần (không tính 4 tuần Ôn tập): Tổng số
bài: 2 bài/tuần x 31 tuần = 62bài;
62 bài x 1 tiết/bài = 62 tiết.
1.4.3. Sách giáo khoa Tiếng Việt - Nội dung dạy học đọc hiểu ở lớp 4, 5 hiện hành
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, 5 được thiết kế dùng chung cho các phân môn.
Nội dung kiến thức được xây dựng theo các chủ điểm lớn. Lớp 4 và lớp 5 mỗi lớp có mười chủ điểm lớn. Mỗi chủ điểm chia thành các tuần học, mỗi tuần có đủ các bài học thuộc các phân môn được sắp xếp xen kẽ nhau. Nội dung các bài đọc xoay quanh nội dung của chủ điểm.
Việc sắp xếp các bài đọc theo các chủ điểm là một trong những hạn chế khi lựa chọn nội dung các văn bản ngữ liệu. Với tiêu chí các văn bản đọc có nội dung phù hợp với chủ điểm, văn bản được chọn làm ngữ liệu chưa có sự phong phú, đa dạng về nội dung; hạn chế về thể loại, khó khăn trong việc chọn các văn bản phi nghệ thuật phù hợp với những chủ điểm trên.
Văn bản được lựa chọn làm ngữ liệu dạy học đọc hiểu trải qua các giai đoạn có sự thay đổi rõ rệt về thể loại:
Đa số sách giáo khoa trước cải cách giáo dục 1980 (từ đầu thế kỉ XX đến năm 1980), để thể hiện mục tiêu phức hợp bao gồm vừa dạy đọc, vừa dạy luân lí, đạo đức, lịch sử, địa lí, khoa học tự nhiên, văn học, các tác giả đã chọn hai kiểu văn bản chính để dạy học đọc hiểu: văn bản nghệ thuật (gồm những bài ca dao, câu chuyện cổ, câu chuyện danh nhân hoặc câu chuyện lịch sử) và văn bản khoa học (gồm các bài phổ biến kiến thức về lịch sử, địa lí, khoa học tự nhiên,…), trong đó các văn bản nghệ thuật chiếm khoảng 85%. Như vậy, giai đoạn này, mặc dù mong muốn thể hiện quan điểm tích hợp song các tác giả vẫn đề cao mục tiêu dạy văn trong dạy học đọc hiểu.
Chương trình cải cách giáo dục (1980) có sự thay đổi mạnh mẽ, có sự phân định rạch ròi kiến thức các môn học nên không còn th y bóng dáng của văn bản Khoa học - Lịch sử - Địa lí trong sách giáo khoa Tập đọc. Văn bản phi nghệ thuật hầu như không được lựa chọn. Đa số các văn bản được chọn làm ngữ liệu dạy học Tập đọc là văn bản nghệ thuật. Lựa chọn này có lợi thế cho việc giúp cho học sinh làm quen với văn bản văn chương song chưa thật phù hợp với mục tiêu dạy học đọc hiểu.
Chương trình Tiếng Việt hiện hành có sự định hướng lại theo xu hướng thế giới. Vì vậy, sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành đã đưa cả văn bản phi nghệ thuật vào dạy cùng với văn bản nghệ thuật trong các giờ Tập đọc. Tuy nhiên, về tỉ lệ văn bản phi nghệ thuật còn rất ít (6.78%) so với văn bản nghệ thuật (93.22%).
1.4.4. Phương pháp và kĩ thuật dạy đọc hiểu ở lớp 4, 5
Phương pháp dạy đọc hiểu ở lớp 4, 5 thường được sử dụng vẫn là phương pháp
phân tích ngôn ngữ, phương pháp giao tiếp (thực hành giao tiếp), phương pháp luyện theo mẫu.
Những năm gần đây, ở tiểu học, đổi mới phương pháp dạy học diễn ra khá mạnh mẽ. Về cơ bản, những phương pháp dạy học truyền thống vẫn được sử dụng.
Song, để chuyển vị trí trung tâm của quá trình dạy học từ giáo viên sang học sinh, trong giờ học Tập đọc giáo viên đã sử dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để hỗ trợ. Có thể kể đến kĩ thuật sơ đồ tư duy, kĩ thuật dạy học hợp tác nhóm, kĩ thuật “khăn phủ bàn”, kĩ thuật mảnh ghép, kĩ thuật đặt câu hỏi, …Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, việc sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực mang nặng tính hình thức và vẫn còn nhiều điều đáng bàn.