CHƯƠNG 3. PHÂN TÍCH NGUỒN LỰC NGÔN NGỮ ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN CHO HỌC SINH LỚP 4, 5
3.3. Đọc hiểu văn bản lớp 4, 5 theo khung “Thang độ”
3.3.2. Ngôn ngữ đánh giá thể hiện “Thang độ” hiển ngôn trong các văn bản đọc hiểu (miêu tả) lớp 4, 5
“Thang độ” được sử dụng để tạo nên các cấp độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn cho tính tích cực và tiêu cực của các hành động, sự kiện hay nhân vật cần được đánh giá (Dẫn theo 34, tr.135). Ví dụ sau cho thấy sự tăng/giảm thang độ đối với nghĩa đánh giá hiển ngôn.
Cấp độ Cấp độ thấp Cấp độ trung bình Cấp độ cao Tác động Khá hạnh phúc Rất hạnh phúc Cực kì hạnh phúc Phán xét hành vi Người bạn khá tốt Người bạn rất tốt Người bạn cực kì tốt Đánh giá SVHT Khá xinh Rất xinh Cực kì xinh
Có hai loại “Thang độ”, đó là “Lực” và “Tiêu điểm”.
3.3.2.1. Biện pháp thể hiện “Thang độ” hiển ngôn thông qua “Lực”
Lực bao gồm sự tăng/giảm của hai biện pháp “Cường độ” và “Lượng hóa”.
a. Cường độ
Đánh giá về “Cường độ” là các đánh giá về “cách thức hành động” thể hiện ý nghĩa của quá trình hành động, cụ thể là sự sâu sắc, nỗ lực, sức mạnh, sự cần mẫn…
của “hành động”, “cảm xúc”, “suy nghĩ” và “lời nói”.
Dựa theo Martin & White (2005), các biện pháp: từ vựng thể hiện thang độ, cấp so sánh, pha trộn ngữ nghĩa, tình thái từ, liệt kê và lặp lại đều được sử dụng để biểu hiện “cường độ”. Ngoài ra còn có một số biện pháp khác đó là: dùng cấu trúc với từ/cặp từ quan hệ và câu cảm thán. Các yếu tố của “Cường độ” là: “quá trình (process)”, “phẩm chất (quality)” và “tình thái (proposals)”. Sau đây chúng tôi chỉ trình bày thực hiện hóa cường độ - phẩm chất và quá trình.
* Hiện thực hóa cường độ - phẩm chất - Từ vựng mang chức năng ngữ pháp:
Từ vựng thể hiện thang độ trong các văn bản đọc hiểu (miêu tả) lớp 4,5: rất, hết sức, đã, lại, quá, dần, hẳn, mới, thật, hơi, càng, không còn gì, hơn…Từ vựng này về mặt vị trí có thể đứng trước hoặc sau tính từ. Về mặt chức năng, nhóm từ vựng này có thể mang chức năng bổ ngữ cho một tính từ, và còn có thể bổ ngữ cho một
“phẩm chất” được “danh từ hóa”. Xét các ví dụ sau:
[3.61]. Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột.
Trích Dế Mèn bênh vực kẻ yếu [24, tr.4 - 5]
Với sự kết hợp của các từ đã, lại, quá, người đọc cảm nhận được một chị Nhà Trò yếu ớt, bé nhỏ, thiếu sức sống.
[3.62]. Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí.
Trích Sầu riêng [25, tr.34 - 35]
Các từ hết sức, rất góp phần làm tăng sự thái độ đánh giá của tác giả đối với hương vị của sầu riêng.
[3.63]. Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn.
Trích Trung thu độc lập [24, tr.66]
Từ quá dùng sau tính từ sáng thứ nhất để đề cao ánh trăng của mùa thu độc lập;
từ hơn được dùng sau từ sáng thứ hai để thể hiện sự tin tưởng về một nền độc lập lâu dài của đất nước, ánh trăng tự do sẽ sáng hơn mỗi ngày.
[3.64]. Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn.
Trích Cánh diều tuổi thơ [24, tr.146]
Các dùng cặp từ không còn gì … hơn là sự khẳng định niềm vui sướng bất tận của tác giả trước bao la của đất trời về đêm.
- Cấu trúc với từ/cặp từ quan hệ + lại
+ bằng + của + với + mà + nhưng
+ mà…cũng chẳng + mới …đã
+ càng…càng + vừa…lại
Xét các ví dụ sau:
[3.65]. Chúng đứng im như đá mà coi vẻ hung dữ.
Trích Dế Mèn bênh vực kẻ yếu [24, tr.15]
Quan hệ từ mà được sử dụng nhằm nhấn mạnh vẻ hung dữ của bọn nhện trái ngược với vẻ bề ngoài của chúng.
[3.66]. Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh.
Trích Hoa học trò [25, tr.43]
Cặp quan hệ từ càng … càng làm tăng thêm sắc thái cho hoa và lá phượng, chúng như bổ trợ cho nhau, thúc đẩy nhau để cùng rực rỡ giữa phố phường.
- Cấp so sánh
[3.67]. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, nhƣ những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng.
Trích Quang cảnh làng mạc ngày mùa [26, tr.10]
Hình ảnh những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng làm tăng thêm sự đánh giá tích cực về vẻ đẹp của những chùm quả xoan.
[3.68]. Trông bác sĩ lúc này với gã kia thật khác nhau một trời một vực. Một đằng thì đức độ, hiền từ mà nghiêm nghị. Một đằng thì nanh ác, hung hăng nhƣ con thú dữ nhốt chuồng.
Trích Khuất phục tên cướp biển [25, tr.66 - 67]
Hình ảnh so sánh nanh ác, hung hăng nhƣ con thú dữ nhốt chuồng làm tăng thái độ đánh giá tiêu cực về tính cách của tên cướp biển.
- Pha trộn ngữ nghĩa
Biện pháp pha trộn ngữ nghĩa được chia làm ba nhóm: từ láy, từ ghép và từ mang ngữ nghĩa thổi phồng. Trong số ba nhóm này, nhóm thứ ba tương đương với một yếu tố trong bộ công cụ đánh giá mà Martin và White (2005) gọi là từ mang ngữ nghĩa thổi phồng (semantic infusion). Khi tìm hiểu nguồn lực đánh giá “Thang độ” trong các văn bản đọc hiểu (miêu tả) lớp 4, 5, chúng tôi không tìm thấy từ mang nghĩa thổi phồng. Vì vậy, sau đây, chúng tôi chỉ trình bày hai nhóm từ: từ láy và từ ghép.
+ Từ láy
[3.69]. Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại...
Trích Người ăn xin [24, tr.30]
Ba từ láy đỏ đọc, giàn giụa, tả tơi biểu đạt mức độ mạnh về thái độ tiêu cực trong đánh giá SVHT: ông lão ở vào tình cảnh quá thảm thương.
[3.70]. Màu vàng trên lưng chú lấp lánh.
Trích Con chuồn chuồn nước [25, tr.127]
Từ láy lấp lánh góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của chú chuồn chuồn nước.
+ Từ ghép
[3.71]. Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng.
Trích Trung thu độc lập [24, tr.66]
Từ ghép tươi đẹp làm tăng ước mơ cháy bỏng của anh chiến sĩ cũng như của toàn dân tộc Việt Nam về một tương lai rạng ngời được khởi nguồn từ mùa thu độc lập.
+ Lặp lại từ vựng ngữ pháp
[3.72]. Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực.
Trích Hoa học trò [25, tr.43]
Trong ví dụ [3.72], lặp lại 2 lần từ không phải và 3 lần từ cả cho thấy số lượng nhiều, gần như bao trùm tất cả là hoa phượng đỏ. Phượng nở đồng loạt, cùng khoe sắc cả một góc trời.
[3.73]. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu.
Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.
Trích Kì diệu rừng xanh [26, tr.75 - 76]
Trong ví dụ [3.73], việc đan xen lặp lại các từ những, các (từ chỉ số nhiều) làm tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh rừng khộp: một màu vàng đẹp đẽ.
+ Câu cảm thán
[3.74]. Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào!
Trích Người ăn xin [24, tr.30]
Câu cảm thán thể hiện sự tăng thêm thái độ trước sự nghèo khổ, thảm hại và xấu xí của ông lão ăn xin.
[3.75]. Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!
Trích Con chuồn chuồn nước [25, tr.127]
Câu cảm thán làm tăng sự đánh giá của tác giả trước vẻ đẹp của chú chuồn chuồn nước.
* Hiện thực hóa cường độ - quá trình
Các biện pháp cường độ “quá trình” trong ngữ liệu văn bản đọc hiểu (miêu tả) lớp 4, 5 bao gồm: từ vựng thể hiện thang độ mang chức năng ngữ pháp, ví dụ: vẫn, vừa, chẳng, …; từ vựng đơn thuần thể hiện thang độ, ví dụ: chằm chằm, lẩy bẩy, tha thiết, ôn tồn, cục cằn, mải miết, …; cặp quan hệ từ: đâu … đấy …. Ngoài ra trong ngữ liệu nghiên cứu còn phát hiện một số trường hợp tăng cường độ quá trình sử dụng từ vựng
“kép”, ví dụ: đứng phắt, rút soạt (dao) ... Việc sử dụng từ ngữ như vậy gây ấn tượng đối với người đọc.
- Từ vựng ngữ pháp
[3.76]. Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy.
Trích Người ăn xin [24, tr.30]
Việc sử dụng 2 lần từ vẫn cho thấy sự mong mỏi tha thiết của ông lão, mong được cứu giúp một chút gì.
[3.77]. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:
- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.
Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:
- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.
Trích Người ăn xin [24, tr.30]
Trong ví dụ, 2 lần từ lấy xuất hiện (nắm chặt lấy, xiết lấy) thể hiện sự cảm thông, hiểu nhau giữa hai con người xa lạ, hai hoàn cảnh khác nhau. Hành động “nắm chặt lấy” bàn tay ông lão là bày tỏ lòng thương cảm trước sự khốn cùng, khổ sở của ông cụ nhưng nhân vật không thể cứu giúp được gì. Hành động “xiết lấy tay” của ông lão thể hiện sự đồng cảm, hiểu được tấm lòng của nhân vật mặc dù ông chưa được cứu giúp về vật chất nhưng ông đã nhận được sự sẻ chia, quan tâm chân thành.
- Từ vựng đơn thuần
[3.78]. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!” Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.
Trích Cánh diều tuổi thơ [24, tr.146]
Từ tha thiết được dùng trước động từ cầu xin đã làm tăng thêm khát khao được vươn cao, vươn xa trong tương lai của tác giả giữa cảnh bao la của bãi thả quê hương cùng trò chơi thả diều tuổi thơ.
[3.79]. Ngày không nắng, không mưa, hồ như không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã.
Trích Quang cảnh làng mạc ngày mùa [26, tr.10]
Từ mải miết được dùng trước động từ đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã đã biểu đạt được sự hối hả, tất bật trong ngày mùa của người nông dân ở làng quê.
- Từ pha trộn ngữ nghĩa
[3.80]. Tôi quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai.
Trích Dế Mèn bênh vực kẻ yếu [24, tr.15]
Ngữ động từ quay phắt làm tăng tốc độ hành động của Dế Mèn nhằm chứng tỏ uy lực trước bọn nhện để bảo về Nhà Trò.
[3.81]. Hắn đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, lăm lăm chực đâm.
Trích Mùa thảo quả [26, tr.113 - 114]
Ngữ động từ đứng phắt dậy, rút soạt làm tăng thêm sự hung hãn, bạo tàn của tên cướp.
[3.82]. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó.
Trích Đất Cà Mau [26, tr.89 - 90]
Ngữ động từ đổ ngay thể hiện rõ hơn về thời tiết đặc biệt ở Cà Mau (là đất mưa dông).
- Sử dụng lặp lại
[3.83]. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.
Trích Đường đi Sa Pa [25, tr.102 - 103]
Việc sử dụng lặp lại 3 lần từ thoắt cái nhằm nhấn mạnh sự chuyển biến mau chóng của thời tiết Sa Pa trong một ngày. Đó là một điều kì diệu của thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có được.
b. Lượng hóa
Có ba yếu tố “lượng hóa”, đó là : (1) “số lượng (amount)”, (2) “mức độ (extent)” và (3) “tần xuất (frequency)”
Bốn biện pháp hiện thực hóa các yếu tố “lượng hóa”, đó là: (1) từ vựng thể hiện thang độ: từ vựng mang chức năng ngữ pháp & từ vựng đơn thuần, (2) pha trộn ngữ nghĩa, (3) liệt kê và lặp lại và (4) cảm thán. Hầu hết các biện pháp thể hiện “thang độ”
thông qua “lượng hóa” nhằm kích thích đánh giá.
Các đánh giá về “lượng hóa” được áp dụng cho các thực thể, cho chúng ta một sự đo lường về khối lượng (như kích cỡ, trọng lượng, sức mạnh, con số), phạm vi kể cả thời gian và không gian (được phân bổ rộng đến mức nào, kéo dài bao lâu) và độ gần trong không gian và thời gian (gần cỡ nào, mới (xảy ra) cỡ nào) và tần xuất (mức độ thường xuyên của hành động, sự việc). Hầu hết biện pháp thể hiện “Thang độ”
thông qua “lượng hóa” đều nhằm kích thích đánh giá. Nội dung này chúng tôi trình bày cụ thể ở phần tiếp theo của luận văn.
* Số đếm
[3.84]. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi.
Trích Sầu riêng [25, tr.34 - 35]
Từ chỉ số lượng hàng chục mét để nhấn mạnh về độ xa về không gian nhưng hướng sầu riêng vẫn ngào ngạt.
[3.85]. Khu đền chính gồm ba tầng với những ngọn tháp lớn. Muốn thăm hết khu đền chính phải đi qua ba tầng hành trang dài gần 1500 mét và vào thăm 398 gian phòng.
Trích Ăng-co Vát [25, tr.123 - 124]
Các con số: ba tầng, ba tầng hành lang, 1500 mét, 398 gian phòng cho ta thấy sự đồ sộ của một công trình kiến trúc và điêu khắc của nhân dân Cam-pu-chia được xây dựng từ đầu thế kỉ XII.
3.3.2.2. Biện pháp thể hiện “Thang độ” hiển ngôn thông qua “Tiêu điểm”
Trong nguồn ngữ liệu nghiên cứu, chúng tôi chưa tìm thấy các ví dụ hiện thực hóa “Tiêu điểm”