Các nhân tố ảnh hưởng

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Giải pháp mở rộng hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam – chi nhánh Linh Đàm (Trang 32 - 37)

1.2. Mở rộng hoạt động bảo lãnh tại ngân hàng thương mại

1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng

1.2.3.1. Các nhân tố có thể kiểm soát được

Chiến lƣợc phát triển kinh doanh của ngân hàng

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, bất kỳ ngân hàng nào cũng luôn phải nghiên cứu và đưa ra chiến lược phát triển kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với từng thời kỳ nhằm đảm bảo ngân hàng thực hiện đúng hướng các mục tiêu mà ngân hàng hướng tới. Chính việc hoạch định chính sách phát triển kinh doanh nói chung và chính sách mở rộng hoạt động bảo lãnh nói riêng là cơ sở để ngân hàng tìm ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu đã định. Một chính sách tốt, trong đó hoạt động bảo lãnh được hoạch định cụ thể, rõ ràng cho từng thời kỳ với những biện pháp phù hợp sẽ có tác dụng thúc đẩy bảo lãnh được mở rộng và phát triển nhanh chóng. Như vậy, công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh rất quan trọng đối với mỗi ngân hàng, giúp các ngân hàng khai thác tối đa tiềm lực hiện có, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi liên tục của môi trường kinh doanh nên các ngân hàng cần chú trọng tới công tác này.

Tỷ lệ nợ bảo lãnh quá hạn

Dư nợ bảo lãnh quá hạn Tổng doanh số bảo lãnh đến hạn

=

Quy mô của ngân hàng

Quy mô cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mở rộng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Quy mô được đề cập đến ở đây là quy mô về tài chính của mỗi ngân hàng, nghĩa là khả năng tài chính của ngân hàng sẽ tác động nhiều đến uy tín của ngân hàng trên thị trường. Trong khi đó, bảo lãnh là hoạt động dịch vụ ngân hàng dựa trên uy tín của mình cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng. Thông thường, khách hàng hay tìm đến những ngân hàng lớn, có uy tín để yêu cầu bảo lãnh. Do vậy, uy tín của ngân hàng cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng khi có nhu cầu bảo lãnh. Một ngân hàng có uy tín và giàu kinh nghiệm sẽ có khả năng mở rộng hoạt động bảo lãnh tốt hơn những ngân hàng khác.

Chất lƣợng công tác thẩm định

Mặc dù hoạt động bảo lãnh là một hoạt động ngoại bảng nhưng vẫn là một nghiệp vụ tín dụng, hàm chứa nhiều rủi ro. Do vậy, công tác thẩm định cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh, từ đó thúc đẩy khả năng mở rộng của hoạt động bảo lãnh. Thẩm định khách hàng là tất cả các hoạt động của cán bộ tín dụng thu thập thông tin khách hàng nhằm thẩm định về năng lực pháp lý của khách hàng, năng lực hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính và uy tín của khách hàng. Qua đó làm cơ sở để xem xét, nhận định và đưa ra phán quyết bảo lãnh hay không. Nếu công tác thẩm định được thực hiện nghiêm ngặt, độ chính xác cao thì mức độ rủi ro xảy đến với ngân hàng sẽ thấp, hiệu quả của hoạt động bảo lãnh cũng sẽ được nâng cao làm cơ sở vững chắc cho công tác mở rộng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng phát triển mạnh.

Quy trình nghiệp vụ bảo lãnh

Quy trình nghiệp vụ bảo lãnh là tổng hợp các bước hướng dẫn thực hiện một nghiệp vụ bảo lãnh kể từ khi tiếp nhận hồ sơ cho đến lúc giải tỏa và kết thúc bảo lãnh.

Quy trình bảo lãnh là khâu mà khách hàng tiếp xúc trực tiếp do đó khách hàng sẽ có những nhận xét, đánh giá về phong cách làm việc cũng như sự thuận tiện, nhanh chóng đối với họ. Vậy nên một quy trình bảo lãnh thống nhất, khoa học, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tín dụng thực hiện công việc của mình một cách trôi chảy, nhanh chóng và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cán bộ có liên quan đến quy trình bảo lãnh. Từ đó rút ngắn được thời gian, tiết kiệm chi phí tối đa cho ngân hàng cũng như khách hàng yêu cầu bảo lãnh giúp nâng cao uy tín, niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng. Đó là điều kiện thuận lợi để ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động bảo lãnh của mình trên thị trường.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng

Nhân lực là một trong ba nguồn chính của nền kinh tế cần phải được chú trọng phát triển. Đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng – một lĩnh vực nhạy cảm và mang tính

xã hội cao thì vấn đề phát triển con người càng cần được quan tâm nhiều hơn về cả trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng mà cụ thể là hoạt động bảo lãnh, ngân hàng luôn phải chú trọng đến vấn đề tuyển dụng và đào tạo cán bộ ngân hàng vì đây là nhân tố quyết định sự thành bại của ngân hàng. Một quy trình bảo lãnh logic và rõ ràng, một kế hoạch được hoạch định hoàn hảo đều trở nên vô nghĩa nếu người thực hiện nó không đủ trình độ chuyên môn, cũng như kém về đạo đức. Trình độ chuyên môn của cán bộ ngân hàng là nhân tố quyết định hiệu quả, chất lượng bảo lãnh cũng như việc mở rộng hoạt động bảo lãnh.

Do vậy, công tác đào tạo, phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phong cách làm việc của người cán bộ là chìa khóa giúp cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng linh hoạt hơn, đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác và an toàn.

1.2.3.2. Các nhân tố không kiểm soát được Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế hoặc tác động trực tiếp hoặc tác động gián tiếp đến khả năng mở rộng bảo lãnh. Nếu nói môi trường tự nhiên là môi trường sống của con người thì môi trường kinh tế chính là môi trường sống của các ngân hàng. Đó là nơi cung cấp cho các ngân hàng các điều kiện để tồn tại và phát triển như nhu cầu của nền kinh tế, các dự báo về sự phát triển nền kinh tế của đất nước cũng như của địa bàn mà ngân hàng hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các ngân hàng cũng gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại do môi trường kinh tế mang lại như sự thay đổi trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô (thay đổi chương trình đầu tư, chính sách xuất nhập khẩu, phương thức quản lý tỷ giá, lãi suất,…)

Bên cạnh đó, khi các yếu tố của môi trường kinh tế tác động đến các doanh nghiệp (khách hàng của ngân hàng) thì cũng gián tiếp tác động đến hoạt động của ngân hàng. Một nền kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng của ngân hàng trong quá trình kinh doanh. Khi đó các doanh nghiệp không phải đối phó với các biến động bất ngờ (biến động tỷ giá, lãi suất,…), có tình hình tài chính lành mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và đặc biệt là khả năng thực hiện đúng các nghĩa vụ hợp đồng đã cam kết,... Điều đó sẽ hạn chế được các rủi ro trong kinh doanh cho cả ngân hàng và khách hàng. Còn khi tình hình kinh tế bất ổn, các doanh nghiệp phải hứng chịu tình hình ngược lại và như vậy các thoả thuận đã cam kết với bên nhận bảo lãnh khó thực hiện được. Tình hình này làm tăng khả năng ngân hàng phải trả nợ thay cho khách hàng.

Môi trường chính trị - xã hội

Môi trường chính trị - xã hội ổn định là một nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư, kích thích sự gia tăng của các hoạt động thương mại trong nước cũng như

quốc tế. Chính vì thế mà bất kỳ sự biến động nào về chính trị - xã hội sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị xã hội ngày càng trở nên khăng khít. Nếu chính trị - xã hội bất ổn thì nền kinh tế sẽ bị tác động theo chiều hướng đó và ngược lại, gián tiếp tác động đến hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.

Môi trường pháp lý

Luật pháp là một bộ phận không thể thiếu của một nền kinh tế có sự quản lý của Nhà nước. Không có luật pháp hoặc luật pháp không phù hợp thì hoạt động của nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Pháp luật tạo môi trường pháp lý cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh tiến hành thuận lợi và có hiệu quả, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, khiếu nại.

Đặc biệt, ngân hàng là một trong những ngành kinh doanh chịu sự giám sát chặt chẽ của luật pháp. Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của ngân hàng như việc thay đổi chính sách về lãi suất, quy chế cho vay,…

có tác động rất lớn đến các ngân hàng. Một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ sẽ giúp cho các ngân hàng có điều kiện xây dựng chiến lược kinh doanh tốt, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong đó có hoạt động bảo lãnh. Và ngược lại cũng có thể là rào cản kìm hãm sự phát triển của ngân hàng khi bộ phận pháp luật này chứa đựng nhiều bất cập. Do vậy việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ngân hàng mà cụ thể là các quy định về nghiệp vụ bảo lãnh là vô cùng cần thiết.

Khách hàng

Nhu cầu của khách hàng là nhân tố quyết định khả năng mở rộng của hoạt động bảo lãnh bởi nếu không có nhu cầu của khách hàng thì ngân hàng dù muốn cũng không thể tiến hành bảo lãnh. Khách hàng tác động tới cả quy mô và chất lượng nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng. Những rủi ro có thể xảy ra từ phía khách hàng như trình độ quản lý yếu kém, không trung thực, sẵn sàng mạo hiểm vì muốn đạt được lợi nhuận cao,… Nếu khách hàng xin bảo lãnh làm tốt các yêu cầu của ngân hàng như cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, có trách nhiệm trong việc thực hiện những cam kết đã thoả thuận,... sẽ giúp các ngân hàng rất nhiều trong việc tiến hành bảo lãnh từ khâu thu thập thông tin và thẩm định khách hàng cho đến khâu giám sát, theo dõi và thu nợ. Ngược lại, với những khách hàng bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, họ tìm mọi thủ đoạn ứng phó với ngân hàng như cung cấp thông tin sai lệch, mua chuộc cán bộ ngân hàng,... Thậm chí có những khách hàng kinh doanh có lãi nhưng vẫn chây ì không trả nợ cho ngân hàng đúng hạn với hy vọng quỵt nợ, trốn nợ hoặc chiếm dụng được vốn vay càng lâu càng tốt. Toàn bộ những trường hợp như vậy đều là nguyên nhân dẫn đến rủi ro lớn cho ngân hàng.

Chương 1 khóa luận đã đưa ra những cơ sở lý luận về hoạt động bảo lãnh của NHTM bao gồm những vấn đề cơ bản cơ bản về hoạt động bảo lãnh của NHTM, mở rộng hoạt động bảo lãnh tại NHTM. Đây cũng là tiền đề để em viết tiếp chương 2 khóa luận với nội dung: “Thực trạng mở rộng hoạt động bảo lãnh tại ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam – Chi nhánh Linh Đàm”

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Giải pháp mở rộng hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam – chi nhánh Linh Đàm (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)