CHƯƠNG 3:GIẢI PHÁP MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH 67
3.4. Một số kiến nghị
3.4.1. Kiến nghị với Chính phủ
Ngân hàng là một định chế tài chính trong nền kinh tế. Mọi hoạt động kinh doanh và phát triển của ngân hàng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, theo định hướng chung về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, Chính phủ cần có những biện pháp hữu hiệu trong quản lý kinh tế vĩ mô, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Văn bản pháp luật điều chỉnh ngành ngân hàng phải vừa nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các NHTM ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, vừa phải có độ thông thoáng để các NHTM không gặp trở ngại khi tiến hành các hoạt động ngân hàng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về cơ bản thì pháp luật Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý ở một chừng mực nhất định cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng nói riêng. Mới đây nhất là Luật các Tổ chức tín dụng được ban hành vào ngày 16/06/2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 đã có nhiều điểm mới, tiến bộ, hoàn thiện hơn so với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2007. Tuy nhiên, có nhiều hoạt động trong ngành ngân hàng chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, điển hình là hoạt động bảo lãnh đã gây trở ngại cho các ngân hàng khi tiến hành triển khai các gói sản phẩm mới, dịch vụ mới. Do đó, việc làm cần kíp hiện nay là sửa đổi, hoàn thiện Quy chế bảo lãnh ban hành từ năm 2006 đáp ứng sự
hoàn chỉnh, cụ thể cho nghiệp vụ bảo lãnh của NHTM phù hợp với những thay đổi của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng mới.
Để hoạt động bảo lãnh được lành mạnh hơn, giảm bớt rủi ro trong thẩm định khách hàng cho các ngân hàng, Chính phủ cần phải có quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể đối với việc thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật, doanh nghiệp ma,…; tiến hành thanh tra, giám sát định kỳ không báo trước tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc hàng năm đối với tất cả các doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác của các số liệu trên báo cáo tài chính mà các doanh nghiệp cung cấp cho ngân hàng.
Ngoài ra, do nghiệp vụ bảo lãnh liên quan rất nhiều đến vấn đề tài sản thế chấp, đất đai trong khi đây là vấn đề phức tạp, còn tồn tại nhiều bất cập. Chính phủ cần ban hành luật sở hữu tài sản, các văn bản dưới luật liên quan đến sở hữu tài sản, chuyển nhượng, thế chấp tài sản,... thống nhất, toàn diện và khoa học, hạn chế tối đa những điểm không đồng bộ giữa các văn bản pháp luật đã ban hành.
3.4.2. Kiến nghị với ngân hàng Nhà nước
Nếu hệ thống ngân hàng được ví là huyết mạch thì ngân hàng Nhà nước chính là trái tim của nền kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển lành mạnh khi có một NHNN thực hiện tốt chức năng điều tiết hệ thống tiền tệ. Để duy trì bảo đảm hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, NHNN cần chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp:
- Đưa những chính sách kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của NHTM nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng. Các văn bản chính sách cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để thực hiện, tránh sự chồng chéo, khó hiểu.
- Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt hơn nữa trong việc điều hành và quản lý các công cụ của chính sách tiền tệ như: công cụ lãi suất, tỷ giá, tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hoạt động của các NHTM bắt kịp với những biến động của thị trường.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định an toàn về tín dụng, ngân hàng theo lộ trình phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội nước ta; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tài sản và nguồn vốn theo hướng an toàn, bền vững; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý.
- Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay thì ngoài những hình thức bảo lãnh truyền thống, NHNN cần phải bổ sung, hướng dẫn cụ thể về những loại bảo lãnh mới như: bảo lãnh thuế quan, bảo lãnh hối phiếu, bảo lãnh phát hành chứng khoán
. - Về mức phí bảo lãnh, NHNN cần xem xét và điều chỉnh cho phù hợp đối với từng thời kỳ kinh tế để làm sao đảm bảo bù đắp cho chi phí tối thiểu và mức độ rủi ro,
không nên cố định một mức phí trong một thời gian dài đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế đầy biến động như hiện nay.
- Thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn nghiệp vụ, để giữa các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước có dịp gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, NHNN cũng cần phải nghiên cứu và trả lời một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của NHTM.
3.4.3. Kiến nghị với ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam
Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam cần quan tâm tạo điều kiện tốt hơn nữa để Techcombank Chi nhánh Linh Đàm ngày càng phát triển, hỗ trợ về vốn cho Chi nhánh hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, nâng cấp các phần mềm tin học phục vụ cho hoạt động kinh doanh chung trong đó có hoạt động bảo lãnh.
Tăng cường thông tin cho Chi nhánh, kết hợp với Chi nhánh tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khoa học để nắm thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng vừa cung cấp thêm kinh nghiệm cho cán bộ Chi nhánh. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ để họ tiếp thu, hiểu biết sâu về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng.
Hướng dẫn chỉ đạo cho Chi nhánh thông qua các văn bản, quyết định cụ thể, chi tiết tránh trường hợp phổ biến chung chung, sơ sài.
Giúp đỡ Chi nhánh trong việc đào tạo cán bộ đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, đặc biệt là cán bộ tín dụng. Bởi cán bộ tín dụng là cầu nối giữa Chi nhánh với khách hàng, là hình ảnh đại diện của Chi nhánh.
3.4.4. Kiến nghị với khách hàng
Hoạt động bảo lãnh ngân hàng không chỉ mang lại thu nhập cho ngân hàng mà còn rất cần thiết đối với các doanh nghiệp trong những thương vụ làm ăn lớn và có yếu tố nước ngoài tham gia. Hoạt động bảo lãnh ngân hàng cần sự phối hợp từ phía khách hàng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Cũng như nhiều dịch vụ ngân hàng khác, ngân hàng cung cấp cho khách hàng dịch vụ bảo lãnh và khách hàng trả phí bảo lãnh cho ngân hàng, như vậy là bình đẳng. Vì vậy để bảo lãnh ngân hàng có hiệu quả và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của khách hàng, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp những thông tin mà ngân hàng cần một cách nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên để mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng ngày một tốt đẹp hơn, doanh nghiệp cần có những kiến nghị kịp thời với ngân hàng để ngân hàng có thể hoàn thiện hơn.