Nguồn nhân lực: Con người với tư cách là chủ thể của quá trình sản xuất vừa là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất và có tính
quyết định đến hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Dù hiện nay kỹ thuật và công nghệ đã can thiệp hoặc thay thế sức lao động của con người trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, dù công nghệ và kỹ thuật có tân tiến đến đâu thì nó cũng chỉ là công cụ, là phương tiện để giúp con người trong hoạt động. Yếu tố con người quyết định mọi thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Sự phát triển nền kinh tế tri thức, đòi hỏi lực lượng lao động phải có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ rất cao.
Trình độ công nghệ - kỹ thuật của doanh nghiệp: Công nghệ là yếu tố cơ bản đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp một cách vững chắc. Các doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật công nghệ cao thường có lợi thế to lớn trong cạnh tranh, mở rộng thị phần và nâng cao năng lực tài chính. Các doanh nghiệp phải nắm bắt những thông tin liên quan đến sự biến đổi đang diễn ra của yếu tố kỹ thuật – công nghệ để có chiến lược ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình một cách có hiệu quả nhất.
Hệ thống thông tin: Thông tin được coi là đối tượng lao động của các nhà kinh doanh, nền kinh tế thị trường hiện nay là nền kinh tế thông tin hóa. Để kinh doanh thành công trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác về thị trường, về công nghệ, về người mua và người bán, thông tin của các đối thủ cạnh tranh, thông tin về môi trường kinh doanh,… Thông tin kịp thời và chính xác sẽ là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp các định phương hướng kinh doanh ngắn hạn. Vì vậy, không còn cách nào khác ngoài việc phải có đủ thông tin, đặc biệt là thông tin kinh tế bởi nó được coi như huyết mạch của các doanh nghiệp và của các tổ chức kinh tế. Có như vậy thì doanh nghiệp sẽ nắm bắt thời cơ kinh doanh, hạn chế những rủi ro, chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra.
1.6.2. Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp
Môi trường văn hóa xã hội: Hiện nay có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như tình trạng thất nghiệp ngày càng phổ biến, trình độ giáo dục, phong tục tập quán… có thể theo hai chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Nếu không có tình trạng thất nghiệp, người lao động có nhiều cơ hội việc làm thì chi phí sử dụng lao động của doanh nghiệp sẽ cao do đó làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng nếu tình trạng thất nghiệp cao thì chi phí sử dụng lao động của doanh nghiệp sẽ giảm làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trình độ giáo dục cũng phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. Nếu người lao động có trình độ chuyên môn vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp có những nhân công tay nghề cao, tạo ra sản phẩm làm hài lòng khách hàng, nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra và ngược lại.
20
Môi trường kinh tế: Thực trạng nền kinh tế và xu hướng trong tương lai có ảnh hưởng vô cùng lớn đến các doanh nghiệp. Nhân tố chủ yếu mà các doanh nghiệp thường phân tích là: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, chu kỳ kinh tế, dân số, tỷ lệ thất nghiệp,… Vì các yếu tố này tương đối rộng và mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cũng khác nhau nên các doanh nghiệp cũng phải dự kiến, đánh giá được mức độ tác động cũng như xu hướng tác động (tốt hay xấu) của từng yếu tố đến doanh nghiệp mình. Mỗi yếu tố có thể là cơ hội hoặc nguy cơ nên doanh nghiệp phải có phương án chủ động đối phó khi tình huống xảy ra.
Môi trường chính trị, pháp luật: Hoạt động ở bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều chịu ảnh hưởng bởi thể chế chính trị và hệ thông luật pháp. Sự ổn định chính trị được xác định là một trong những tiền đề quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống luật pháp hoàn thiện là một chỗ dựa vững chắc tạo sự an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động. Mọi doanh nghiệp hoạt động đều phải tuân thủ luật pháp, đây là môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Hoạt động của các doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất lớn vào chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chính phủ.
Đối thủ cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh trong ngành gồm các doanh nghiệp hiện có mặt trong ngành và các doanh nghiệp tiềm ẩn có khả năng tham gia vào ngành trong tương lai. Số lượng các đối thủ, đặc biệt các đối thủ có quy mô lớn trong ngành càng nhiều thì mức độ cạnh tranh trong ngành càng gay gắt. Cạnh tranh là quá trình đấu tranh giữa các doanh nghiệp khác nhau nhằm đứng vững trên thị trường và tăng lợi nhuận, trên cơ sở tạo ra và sử dụng ưu thế của mình về giá trị sử dụng của các sản phẩm. Phân tích các đối thủ cạnh tranh trong ngành nhằm nắm được các điểm mạnh và điểm yếu của các đối thủ để từ đó xác định đối sách của mình tạo được thế đứng vững mạnh trong môi trường ngành.
Thị trường: bao gồm thị trường đầu vào và thị trường đầu ra của doanh nghiệp.
Thị trường đầu vào: Cung cấp các yếu tố cho quá trình sản xuất kinh doanh như thị trường cung cấp nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, lao động,… Thị trường đầu vào tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và tính liên tục của quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Thị trường đầu ra: Liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng những hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp, nó tác động đến tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tốc độ vòng quay vốn, doanh thu bán hàng, mức độ chấp nhậm và tín nhiệm giá trị sử dụng của sản phẩm,... Như vậy, thị trường đầu ra quyết định quá trình tái sản xuất mở rộng và hiệu quả kinh doanh. Việc tạo lập và mở rộng thị trường đầu ra có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.
CHƯƠNG 2. PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN VẬT TƯ XĂNG DẦU HẢI DƯƠNG